Mục Lục
Để niềm vui của anh em được nên trọn vẹn (Ga 15,11)
Lời Chúa: Ga 15,9- 17
9 Khi ấy Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
Thưa Anh Em,
Niềm vui, bình an và hạnh phúc luôn là khát vọng lớn lao và chính đáng nhất của con người trong mọi thời đại. Để đạt được khát vọng đó, người ta đã không ngần ngại lao công tốn sức kiếm tìm.
Với những quan niệm về niềm vui và hạnh phúc khác nhau, người ta cũng chạy theo những gì họ liên tưởng. Người thì cho rằng, niềm vui và hạnh phúc là thỏa mãn những dục vọng đam mê trần thế. Có người kiếm tìm niềm vui và hạnh phúc trong công danh sự nghiệp, tiền tài, địa vị chức quyền… Nhưng đôi khi đạt được những điều đó, con người vẫn thấy trống vắng, vì nó không đem lại niềm vui, niềm vui tròn đầy và khỏa lấp khát vọng hạnh phúc và bình an thực sự cho con người. Thế nên, người ta vẫn cứ mãi miết kiếm tìm.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu chỉ ra cho các môn đệ của Người, cách riêng là những người sống đời thánh hiến tu trì, đặc biệt là Anh Em, những người đang khao khát dấn thân trong ơn gọi Giảng thuyết, đem “Niềm vui Tin Mừng” đến cho con người thời đại, một bí quyết để tìm thấy niềm vui và niềm vui đó được nên trọn vẹn là “hãy ở lại trong tình thương của Thầy,”[1] là tuân giữ các điều Thầy truyền dạy, là thực thi lòng mến Chúa yêu người, là sống trọn tình với Chúa và vẹn nghĩa với anh em.[2] Đó chính là niềm vui Tin Mừng, “Niềm vui tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Những người để cho mình được Người cứu độ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn rầu, trống rỗng nội tâm và cô lập.”[3]
Một khi có được “Niềm vui Tin Mừng”, niềm vui trọn vẹn trong tình Chúa, tình người, thì đời sống của chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện tốt lành, đem lại nhiều ân phúc cho mọi người. Thành quả đó chính là ước mong, là ơn gọi, là sứ vụ của chúng ta, của những môn đệ Chúa Kitô, của những người Anh Em Giảng thuyết. Bởi lẽ, điểm làm nên đặc tính Đời sống Thánh hiến là sứ mạng ngôn sứ, trở nên “nhân tố của sự hiệp thông trong Hội thánh, “đánh thức thế giới” bằng chính “niềm vui Tin Mừng.”[4]
Khi đó, chúng ta sẽ cùng với toàn thể Giáo hội, cách riêng là những người sống đời thánh hiến hát lên lời Thánh thi quen thuộc
Đoàn con Chúa, niềm hăng say phấn khởi,
Vững bước tiến lên khắp nẻo đường đời,
Tình huynh đệ như men nồng rượu mới,
Dân thánh Ngài cùng chia sẻ an vui.[5]
Niềm vui Tin Mừng ấy là động lực chính khiến các tu sĩ can đảm làm chứng cho Chúa qua chính đời sống thường ngày của họ. Thật vậy, “Người môn đệ của Đức Kitô tiếp tục trong niềm vui khi họ ở với Ngài, khi họ làm theo ý của Ngài, khi họ chia sẻ đức tin, đức cậy và đức ái Phúc Âm.”[6]
1. Niềm vui gặp gỡ Chúa qua đời sống cộng đoàn và tuân giữ kỹ luật tu trì
Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay
Anh em được sống vui vầy bên nhau,
Như dầu quý đổ trên đầu
Xuống râu xuống cổ áo chầu A-ha-ron,
Như sương từ đỉnh Khe-môn
Toả trên đồi núi Xi-on lan tràn,
Nơi đây ân huệ Chúa ban,
Chính là sự sống chứa chan muôn đời.[7]
Những lời Thánh vịnh trên đây dẫn ta tới hành trình khám phá niềm vui bước theo Chúa Kitô trong đời sống thánh hiến theo đặc sủng và linh đạo Đa Minh, mà Anh Em đang khao khát kiếm tìm.
Anh em biết, đời tu Đa Minh được đặt nền trên bốn yếu tố: cộng đoàn, cầu nguyện, học tập và sứ vụ tông đồ.. Đây chính là bốn cột trụ nâng đỡ đời sống của Dòng và giữ cho đoàn sủng của Đấng sáng lập luôn tươi mới. Bốn yếu tố này được ví như là bốn chân bàn để giữ cho mặt bàn được vững chắc là việc giảng thuyết của dòng. Chúng ta sống bốn cột trụ này một cách trung tín và phong phú sao cho mục đích “giảng thuyết thánh” của Dòng được thành toàn. Trong nếp sống Đa Minh, bốn cột trụ này liên kết mật thiết với nhau giúp cho các anh em của Dòng có thể thực hiện sứ mạng mà cha thánh Đa Minh cũng như Giáo Hội mời gọi đó là: Rao giảng Danh Đức Kitô, Chúa chúng ta trên toàn thế giới.[8]
Trong điều khoản đầu tiên của bản Tu luật, ta đọc thấy: “Trước hết, sở dĩ anh em đoàn tụ làm một là để sống hoà hợp trong một nhà và để đồng tâm nhất trí (Cv 4,32) trong Chúa”. Và tiếp đến ngay sau Hiến pháp nền tảng, khi bàn về Đời Sống Anh Em thì mục đầu tiên được đề cập đến là đời sống chung. Như vậy, đời sống cộng đoàn là nét chính yếu trong nếp sống Đa Minh. Nó chi phối mọi khía cạnh trong nếp sống này, từ những sinh hoạt thường nhật đến những cử hành phụng vụ, từ lối nghĩ đến hình thức quản trị…
Nếp sống cộng đoàn đó, một khi được đặt nền trên sự đồng tâm nhất trí trong Chúa, thì không chỉ đạt tới sự viên mãn trong một cộng đoàn sống chung dưới cùng một mái nhà nữa, nhưng sẽ còn vượt qua giới hạn Tu viện, tiến tới sự hiệp thông với Tỉnh dòng và toàn Dòng.[9] Nhờ sự hiệp thông trong Chúa, nhờ cùng đón nhận một đức tin, cùng chung một lời ca tụng, đời sống cộng đoàn sẽ biến những người sống trong đó trở nên một thân thể vì chung phần cùng một Bánh. Mặt khác, vì cùng chung sống với nhau, tạo thành một gia đình cộng đoàn, nên mọi sự trước đây thuộc sở hữu riêng sẽ được đặt làm tài sản chung của cộng đoàn, và anh em sẽ cùng phải lãnh trách nhiệm chung của cộng đoàn là việc loan báo Tin Mừng.[10]
Đời sống cộng đoàn và việc tuân giữ kỷ luật tu trì là mối giây ràng buộc anh em lại với nhau trong tình huynh đệ, dù cho (có thể) không cùng một mái nhà, đó là cùng chung một lời khấn tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm. Và vì thế, khi cùng chung sống dưới một mái nhà, cùng tuân giữ kỷ luật tu trì, cùng tham gia vào một sứ vụ chung của cộng đoàn, nên điều đòi hỏi trước hết, là chính mỗi người sẽ phải ý thức để xây dựng Hội thánh Chúa trong chính Tu viện mình, trước khi nỗ lực mở rộng Hội thánh đó giữa trần gian.[11] Tuy nhiên, như đã trình bày qua những buổi chia sẻ trước, vì anh em được chọn gọi từ nhiều vùng miền, nhiều môi trường khác nhau, quy tụ lại với nhau làm thành một lớp, một cộng đoàn, Tu viện. Thế nên, cộng đoàn Tu viện là một cộng đoàn đặc biệt với những con người khác nhau về nhiều mặt: tính tình, văn hoá, xuất thân, học vấn, tài năng…, do đó, chúng ta cũng cần có những nguyên tắc và sự thống nhất chung với nhau, cần có sự ý thức trách nhiệm là thành viên của cộng đoàn và lưu tâm tới những lợi ích chung.[12]
Vì thế, dấn bước theo Chúa Kitô trong đời sống Đa Minh, chúng ta được mời gọi khám phá niềm vui qua đời sống cộng đoàn và tuân giữ kỷ luật tu trì. Để đời sống cộng đoàn và việc tuân giữ kỷ luật tu trì đạt tới niềm vuivà sự bình an, mọi người cần phải biết đón nhận nhau, biết lắng nghe nhau, tôn trọng nhau, hỗ trợ nhau, chân thành góp ý xây dựng đời sống cộng đoàn thành tổ ấm yêu thương, cộng đoàn cầu nguyện, cộng đoàn làm chứng cho Tin Mừng, cộng đoàn giảng thuyết và trở nên dấu chỉ Nước trời cho con người thời đại.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II xác quyết rằng: “Đời sống cộng đoàn cũng là một trong những dấu chỉ Đối với thời đại hôm nay, hơn bao giờ hết, với ơn Chúa cùng với nỗ lực riêng, lối sống của chúng ta phải “trở thành dấu chỉ trung thực về Đức Kitô trong thế giới. Lối sống của chúng ta phản ảnh lý tưởng mình tuyên xưng, khi tự giới thiệu những dấu chỉ sống động của Thiên Chúa và là những nhà rao giảng Tin Mừng đầy sức thuyết phục, cho dù thường là trong thinh lặng.”[13]
2. Niềm vui gặp gỡ Chúa qua đời sống học hành và cầu nguyện
Đường chân lý, này con đã chọn,
quyết định của Ngài, con khao khát đợi trông.
Con thiết tha với thánh ý Ngài, lạy Chúa,
xin đừng để con phải nhục nhã ê chề.
Được Chúa thương mở lòng mở trí,
con chạy theo đường mệnh lệnh của Ngài.
Lạy Chúa, xin dạy con đường lối thánh chỉ,
Con nguyện đi theo mãi đến cùng.[14]
Những lời Thánh vịnh trên đây dẫn ta tới hành trình khám phá niềm vui bước theo Chúa Kitô trong đời sống thánh hiến theo đặc sủng và linh đạo Đa Minh, qua đời sống học hành và cầu nguyện. Bởi lẽ, Học hành và cầu nguyện là hai trong bốn nét chính yếu làm nên đời sống Đa Minh.
Với việc học hành:
Ngay từ khi thành lập Dòng, Cha thánh Đa Minh xem việc học như là một phần thiết yếu của sứ vụ “giảng thuyết thánh”. Vào thế kỉ thứ XIII, đây quả là một sáng kiến táo bạo vì hầu hết giáo sĩ lúc bấy giờ không được học hành nhiều. Thánh Đa Minh đã gửi các tu sĩ đến các trường Đại học lớn thời bấy giờ để học tập, giảng thuyết và thiết lập các trung tâm học vấn. Sự dấn thân cho việc học hành và giảng dạy của các tu sĩ Đa Minh vẫn tiếp tục cho đến hôm nay.
Là những người “tiếp bước cha anh” trong đặc sủng và linh đạo Giảng thuyết, chúng ta được mời gọi khám phá niềm vui trong việc học hành.
Cha thánh Đa Minh đã có một xác tín mạnh mẽ: việc nghiêm túc học hành “Kinh Thánh” và “thần học” không chỉ cần thiết cho sứ vụ giảng thuyết Cha đảm nhận, nhưng còn góp phần thực sự vào việc nên thánh của anh em. Do đó, đối với dòng Đa Minh, học hành là con đường nên thánh.[15] Đó chính là nét đặc trưng trong đời sống Đa Minh. Thánh Đa Minh đặt việc học vào số những sinh hoạt chính yếu của đời tu, ngang bằng với việc cầu nguyện và khổ chế.[16] Học hành được coi là hành vi tâm linh, hành vi sám hối hữu ích, có khả năng dẫn đưa tu sĩ Đa Minh tới việc hiểu biết Thiên Chúa sâu xa hơn, hiểu biết về con người, về thế giới mỗi ngày mỗi trung thực, phong phú hơn nữa, để “phục vụ cho sứ vụ”.
“Hiến Pháp hiện nay” số 77, đã cụ thể hóa ý hướng cũng như mục đích mà cha thánh Đa Minh dành cho việc học hành như sau:
Trước hết, “Việc học hành của chúng ta phải nhằm hết sức chính yếu và mạnh mẽ vào điểm này là để chúng ta trở nên hữu ích cho linh hồn tha nhân”. “Hiến Pháp nguyên thủy” đã dành nhiều khoản để khuyến khích việc học cá nhân cũng như cộng đoàn, và đã trù bị những phương tiện thích ứng để cổ võ việc học hành.
Tiếp đến, § II của số 77 đã diễn giải và khích lệ: “Nhờ học hành, anh em nghiền ngẫm sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa và chuẩn bị phục vụ Hội Thánh và mọi người về phương diện đạo lý”; hơn nữa cần phải chuyên tâm học hỏi, vì theo truyền thống của Dòng, anh em được đặc biệt kêu gọi để vun trồng”khuynh hướng của con người là tìm kiếm chân lý.”
Cha Tổng Quyền Bruno Cadoré, O.P., trong thư đúc kết Kinh lý Tỉnh Dòng Đa Minh Việt nam 2014 (2.2.3) mời gọi trong Tỉnh Dòng và mỗi Tu viện của chúng ta cần phải xây dựng một “nếp văn hóa học hành”. Khác với học chỉ để thoả mãn trí tò mò, việc học trong đời tu Đa Minh chúng ta là một công việc của lòng thương xót nhằm giúp cho việc thông truyền chân lý cứu độ trở nên dễ dàng hơn.
Như thế, ta thấy việc học hành trong đời tu Đa Minh của chúng ta mang một ý nghĩa cao quý và thánh thiêng, bởi vì động lực thúc đẩy chúng ta học xuất phát từ giới luật kép: tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân.
Phụng vụ và cầu nguyện:
Thánh Đa Minh đã tạo ra được một hình thái mới trong “đời sống tông đồ” của người tu sĩ thuộc Dòng của người. Hình thái mới đó chính là sự kết hợp giữa đời sống tông đồ và đời sống cầu nguyện (chiêm niệm); hai yếu tố gần như đối lập nhau nhưng lại được thực hành cách hài hoà trong đời sống của người tu sĩ Đa Minh. Do đó, với hình thái sống đời tông đồ cách mới mẻ này, trong việc huấn luyện và đào tạo, Dòng đã đòi hỏi con cái mình một đời sống cầu nguyện như một điều kiện bắt buộc.
Tất cả đời sống thường ngày của người tu sĩ đều được lồng vào đời sống cầu nguyện, qua việc cử hành phụng vụ và thực thi những bổn phận thiêng liêng khác. Và như vậy, phụng vụ thánh và việc cầu nguyện là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng nên đời sống Đa Minh. Vì rằng, chỉ khi nào chu toàn được bổn phận chính yếu của mình là phụng thờ Thiên Chúa và thánh hoá bản thân, thì người Đa Minh mới có thể ra đi hoạt động cho ơn cứu độ của tha nhân được.
Do xác định được tầm quan trọng và cần thiết của yếu tố này, nên ngay từ đầu, thánh Tổ phụ đã đòi buộc anh em phải siêng năng cử hành phụng vụ, và nhất là phải cử hành cách long trọng và cộng đoàn; bởi vì, với chính anh em trong Dòng, “việc cử hành phụng vụ là trung tâm và là trái tim của toàn thể đời sống chúng ta. Sự thống nhất của đời sống này đặc biệt bén rễ trong chính việc cử hành ấy.”[17]
Mặt khác, khi sốt sắng cử hành phụng vụ thánh, người tu sĩ nói chung và tu sĩ Đa Minh nói riêng, không phải chỉ vì lợi ích của mình nhưng còn vì lợi ích, vì ơn cứu độ của tha nhân nữa. Hiến pháp Dòng viết : “Trong phụng vụ và nhất là trong bí tích Thánh thể, mầu nhiệm cứu độ tác động hiện thực, mầu nhiệm mà khi cử hành, anh em tham dự và chiêm ngưỡng, và khi giảng thuyết, anh em công bố cho nhân loại để họ nhờ những bí tích đức tin mà được sáp nhập vào Chúa Kitô.”[18]
Người tu sĩ Đa Minh quy hướng cuộc đời của mình vào Chúa Kitô, Đấng là Ánh Sáng thật, đồng thời để cho mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đem lại ơn chữa lành của Thiên Chúa cho thế giới hôm nay. Châm ngôn cha Đa Minh đã để lại cho anh em chúng ta là “cum Deo vel de Deo loqui” – nói với Chúa và nói về Chúa.[19] Phương châm này nói lên tính chất quy thần, tất cả quy hướng về Chúa. Anh em chúng ta sống đặc nét này bằng việc cử hành Lời Chúa trong kinh nguyện phụng vụ chung hằng ngày, trong suy niệm, học hành và trong việc giảng thuyết. Noi gương Mẹ Thiên Chúa, người luôn suy đi nghĩ lại trong lòng, chúng ta cũng nuôi dưỡng đời sống mình bằng Lời Chúa được truyền đạt trong Kinh Thánh, được cử hành trong bí tích Thánh Thể và được chúng ta đụng chạm trong đời sống hằng ngày.
Theo ý muốn của cha Đa Minh, việc cử hành Kinh thần vụ chung và long trọng cần phải được xem như là một trong số những phân vụ chính yếu của ơn gọi chúng ta. Đối với ơn gọi giảng thuyết, kinh nguyện phụng vụ làm nên cốt tủy của đời sống cầu nguyện. Trong cử hành phụng vụ, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa hiện diện và hoạt động. Nhờ chiêm niệm và đón nhận mầu nhiệm cứu độ, chúng ta công bố bằng lời giảng mầu nhiệm ấy cho tha nhân để họ cũng có thể được tháp nhập vào trong thân thể Đức Kitô ngang qua các bí tích đức tin.
Trong phụng vụ, cùng với Đức Kitô, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa vì công trình ngàn đời của Người và tặng phẩm cao siêu của ơn thánh Người dành cho nhân loại. Chúng ta khẩn cầu Chúa Cha tuôn đổ lòng thương xót xuống trên toàn thể Hội thánh và ơn cứu độ cho toàn thế giới. Cách riêng, sự hiệp nhất của anh em Đa Minh cũng được củng cố và bén rễ sâu trong cử hành phụng vụ.[20]
Vì lẽ đó, Thánh Đa Minh đã rất coi trọng đời sống phụng vụ và cầu nguyện. Người yêu mến cách đặc biệt với việc cử hành thánh lễ mỗi ngày. Lòng mộ mến và siêng năng cử hành phụng vụ thánh và đời sống cầu nguyện của thánh Tổ phụ đã trở thành một gia sản quý báu đối với anh em Đa Minh. Ngày nay, Dòng vẫn kế thừa và không ngừng phát huy truyền thống đạo đức này.
Với người Đa Minh, việc cử hành thánh lễ và các Giờ Kinh Phụng Vụ nơi cung nguyện phải được coi là trung tâm, là trái tim của đời sống tông đồ, là hơi thở, là nguồn mạch phát sinh nhiệt huyết của người tu sĩ.[21] Nhờ thánh lễ và các Giờ Kinh Phụng Vụ, người Đa Minh thấm nhuần những chân lý đức tin, nuôi dưỡng tâm hồn và chuẩn bị rao giảng những chân lý ấy. Một khi cử hành phụng vụ cách sốt sắng, người Đa Minh sẽ có được sự nhiệt thành trong việc loan truyền Tin Mừng, vì trong chính những bản văn dùng để ca tụng vinh quang Chúa, họ sẽ học biết được rằng các tội nhân đã lạc xa Chúa và xúc phạm đến Chúa thế nào. Và do đó, không lạ gì khi Dòng đã từng có một câu khẩu hiệu rằng: Ngợi Khen – Chúc Tụng – Giảng Thuyết (Laudare – Benedicere – Praedicare). Còn với đời sống cầu nguyện theo những hình thức khác, Dòng cũng đặc biệt khuyến khích và cổ võ tinh thần của cộng đoàn cũng như từng cá nhân. Dòng xác định rằng không phải chỉ trong khi cử hành Phụng vụ thánh mà thôi, nhưng ngay cả trong những lúc âm thầm cầu nguyện riêng, người tu sĩ cũng có thể học biết được những chân lý đức tin, có thể ca ngợi và chúc tụng vinh quang Chúa, có thể hun đúc được nhiệt huyết tông đồ…[22]
Tóm lại: Việc cử hành phụng vụ thánh và đời sống cầu nguyện sốt sắng và trang nghiêm nơi cộng đoàn, chính là một lời giảng hùng hồn và hiệu quả. Là những người dấn bước theo Chúa trong đời tu Đa Minh, chúng ta được mời gọi khám phá niềm vui qua việc phụng vụ và cầu nguyện của Dòng, để cùng chia sẻ sứ vụ của Dòng, để cùng tiếp bước cha anh, viết tiếp trang sử của Dòng, để “Niềm vui Tin Mừng” được lan tỏa tới mọi người, qua mọi thời đại.
Lời Thánh Thi sau đây, phần nào diễn tả được tâm tình phấn khởi hân hoan của đời sống cầu nguyện và phụng vụ của Dòng chúng ta:
Kinh cầu nguyện, ngàn lời con hát,
Thỏa nhường bao, bát ngát trời mây!
Ngày qua rồi lại đến ngày
Sống đời vinh hiển sum vầy cùng Cha.
Trước bệ rồng thiết tha quỳ lạy,
Thần dân Ngài hết thảy nài van
Được cùng chư thánh thiên đàng
Tưng bừng góp tiếng hòa vang nguyện cầu.
Đoàn con cái khấu đầu phủ phục
Dâng những lời hoan chúc hiển vinh:
Ba Ngôi một Chúa nhân lành
Muôn ngàn phước cả uy linh vô cùng.[23]
Chúng con sẽ thành con ánh sáng,
nếu được Ngài đổ xuống hồng ân,
làm cho thể xác tinh thần,
hành vi tập quán muôn phần thanh cao.
Ơn nghĩa Chúa thấm vào ngôn ngữ,
mở miệng ra là chữ chân thành,
chính Ngài thúc đẩy tâm linh,
đi tìm chân lý thật tình say sưa.[24]
3. Như những người con của Tin Mừng: trọn tình với Chúa, vẹn nghĩa với anh em.
Bản Hiến Pháp đầu tiên của Dòng chúng ta có ghi: “Anh em lúc nào cũng phải cư xử như những con người của Tin Mừng.” Là con cái của “Con Người Tin Mừng”, chúng ta cũng phải thể hiện tinh thần của Tin Mừng trong cách ăn, cách xử, lời nói và trong những quyết định của mình trong hành trình dấn bước theo Chúa Kitô, đặc biệt là trong năm Tập này.
Nhưng thế nào là một “con người Tin Mừng”?
Thực sự rất khó, hoặc không thể xác định đâu là phong cách, tâm tình, hành động của một con người Tin Mừng. Bởi vì đây không phải chỉ là thái độ bên ngoài, nhưng chính yếu là tâm hồn, một tâm hồn được thấm nhuần những giá trị của Tin Mừng, một tâm hồn luôn mở rộng ta để sống theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, một tâm hồn muốn sống tất cả, làm tất cả chỉ vì thánh ý Chúa Cha và vì yêu mến Chúa Giêsu, tha thiết vì ơn cứu độ của con người.
Tin Mừng là chân lý toàn diện mà nhân loại, Giáo Hội chỉ có thể dần dần khám phá thêm, theo từng thời đại, theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần; Thánh Thần sẽ hướng dẫn Giáo hội và nhân loại khám phá ra thể hiện toàn vẹn Tin Mừng của Đức Kitô Giêsu. “Khi nào Thánh Thần chân lý đến, Người sẽ dẫn dắt anh em đến chân lý toàn vẹn.”[25]
Là những người đang khao khát dấn thân trong linh đạo Đa Minh, những người khát khao kiếm tìm chân lý, những người con của Cha Thánh Đa Minh, chúng ta được mời gọi đảm nhận phần trách nhiệm của mình trong tiến trình này, và trước hết mỗi người Đa Minh phải là con người của Tin Mừng.
Đức Hồng Y Fulton Sheen nói rằng, không có gì kỳ cục cho bằng hình ảnh một linh mục, tìm mãi mới thấy cuốn Tin Mừng đầy bụi bặm trong tủ sách của mình. Cũng thế người Anh Em Đa Minh không thể không quen thuộc với Thánh Kinh và chuyên chăm học hỏi, đọc như là sách gối đầu giường của mình. Người Anh Em Đa Minh theo gương Cha Thánh, trước hết phải là người biết chiêm niệm Tin Mừng, luôn có Sách Thánh, đọc Sách Thánh, học hỏi Thánh Kinh, suy niệm và cầu nguyện với Chúa. Tin Mừng phải là chất dinh dưỡng chính yếu chính yếu cho đời sống nội tâm của người Anh Em Đa Minh. Từ đó, chúng ta mới học cách nhìn cuộc đời dưới ánh sáng Tin Mừng và cư xử, giao tiếp quyết định của mình theo tinh thần Tin Mừng.
Trọn tình với Chúa,
Sống trọn tình với Chúa sống trong tình Chúa, ở lại trong tình thương của Người, sốt sắng cử hành các phụng vụ và cầu nguyện; phụng sự Chúa qua khẩu hiệu của Dòng: Ngợi Khen – Chúc Tụng – Giảng Thuyết (Laudare – Benedicere – Praedicare).
Vẹn nghĩa với anh em,
Vẹn nghĩa với nhau, tức là sống với nhau bằng tấm lòng. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời một câu nói bất hủ: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em có biết không em?” Nhạc sĩ trả lời tiếp, “để gió cuốn trôi.” Nếu như người sống đời thường mà cần một tấm lòng đến thế, thì người sống đời thánh hiến như anh em chúng ta lại cần “tấm lòng” biết là chừng nào! Tấm lòng đó có thể để thấu hiểu nhau hơn, để yêu thương, cảm thông, tha thứ cho nhau, để giúp nhau thăng tiến đời sống, giúp nhau trung thành với ơn gọi, với sứ vụ. Để được như thế, chúng ta cần biết dành thời gian cho nhau, quan tâm đến nhau hơn.
Trong một xã hội công nghiệp, người ta lúc nào cũng phải vội vàng với một thời gian biểu sít sao, làm vội, ăn vội, nói vội, và ngay cả yêu vội nữa, thì việc chúng ta dám dành thời giờ cho nhau mang một giá trị quý báu. Trong hằng mớ công việc bận rộn ấy, nếu ta dành được thời gian cho nhau, cũng có nghĩa là ta dành cho người ấy có chỗ trong trái tim mình. Nếu không có những giờ khắc dành cho nhau, thì làm sao chúng ta có thể nghe được nỗi lòng của nhau, cảm được giọt mồ hôi và nước mắt của nhau ?
Trong tình bạn, tình yêu, sự hiện diện mang một giá trị tuyệt vời. Hai người yêu nhau, nhiều khi chỉ ngồi nhìn nhau cũng thấy lòng mình hạnh phúc! Có thể có một tình yêu, tình bạn đích thực không, nếu cha mẹ không biết dành thời giờ cho con cái, vợ chồng không có khoảnh khắc nào dành cho nhau, bạn bè chẳng gặp mặt nhau bao giờ ? Việc gặp gỡ nhau, dành thời gian cho nhau tưởng chừng đơn giản như vậy, nhưng nó sẽ là chất keo nối kết hai tâm hồn lại; thiếu chất keo này, tình bạn có thể trở nên ơ hờ, nhạt nhẽo.[26] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định rằng, “Đời sống huynh đệ là chỗ tốt nhất để nhận định và đón nhận ý Chúa, để cùng nhau tiến bước một lòng một trí với nhau. Trong đời sống huynh đệ, ta được Thánh Thần linh hoạt, mỗi người trân trọng đối thoại với người khác để tìm ra ý Chúa.”[27]
Thế đó, đời sống cộng đoàn, tuân giữ kỷ luật, cử hành phụng vụ và cầu nguyện, cùng với việc thực thi sứ vụ tông đồ là những yếu tố nền tảng tạo nên đời sống Đa Minh. Là những người đang khao khát sống đời thánh hiến theo đặc sủng và linh đạo Đa Minh, mong sao trong suốt Năm Tập này, Anh Em khám phá được niềm vui bước theo Chúa Kitô qua những nét chính yếu tạo nên đời tu Đa Minh, để Anh Em kín múc nguồn mạch ân sủng và tình yêu Chúa, lắng nghe tiếng Chúa gọi mời và quảng đại đáp lại tiếng Chúa, sẵn sàng dâng hiến bản thân để phụng sự Chúa và phục vụ ơn cứu độ các linh hồn, cho Lời được vang và “Niềm vui Tin Mừng” được lan tỏa tới mọi người.
Xin được mượn lời cầu nguyện của R. Tagore, để kết thúc tâm tình chia sẻ hôm nay:
“Thượng Đế, đây lời tôi cầu nguyện
Xin tận diệt, tận diệt trong tôi mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khổ
hay cúi đầu khuất phục ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn lên khỏi ty tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Ngài muốn.”[28]
Ts. Phêrô Võ Tá Đương, O.P.
[1] Ga 15,9.
[2] Xc. Ga 15,10- 13.
[3] Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 01.
[4] Xc. Lời nhắn gửi của Đức Thánh Cha với các vị Bề trên Tổng quyền dòng Nam, ngày 29/11/2013.
[5] Các giờ kinh Phụng Vụ, Thánh Thi Kinh Chiều, thứ Sáu, tuần I.
[6] Phanxicô, Sứ điệp nhân ngày Thế giới Truyền giáo năm 2014, số 05.
[7] Tv 132, 1-3.
[8] Xc. Đức Hônôriô III, Thư gửi thánh Đa Minh, ngày 18/01/1221.
[9] Xc. Hiến pháp nền tảng, số 02 §I.
[10] Xc. Hiến pháp nền tảng, số 03 §I.
[11] Xc. Hiến pháp nền tảng, số 03 §II.
[12] Xc. Hiến pháp nền tảng, số 04 §I & II.
[13] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến – Vita Consecrata, số 25.
[14] Tv 118, 30 -33.
[15] Xc. B.-M. Ashley, OP, Những người Đa Minh, Học viện Đa Minh chuyển ngữ, 2013, p. 42.
[16] Xc. Phan Tấn Thành, OP, Tìm hiểu dòng Đa Minh, Angelicum-Roma, 2002, p. 143.10.
[17] Hiến Pháp và Chỉ thị Anh Em dòng Giảng thuyết, số 57.
[18] Sđd.
[19] Xc. Hiến pháp tiên khởi, Phần II, số 31.
[20] Xc. Hiến Pháp và Chỉ thị Anh Em dòng Giảng thuyết, số 57.
[21] Sđd, số 57.
[22] Xc. Hiến Pháp và Chỉ thị Anh Em dòng Giảng thuyết, số 66 & 67.
[23] Các Giờ kinh Phụng vụ, Thánh Thi Kinh Sách, thứ Ba, tuần I.
[24] Sđd.
[25] Ga 16,13.
[26] Xc. Phạm Quốc Văn, OP., Tình bạn trong đời sống thánh hiến, Chia sẻ Liên tu sĩ, số 77, tr. 97.
[27] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến – Vita Consecrata, số 92.
[28] R. Tagore, Lời dâng 36.