Thư Gửi Cho Dòng Của Cha Tổng Quyền Damian Byrne
Tháng 09 năm 1987
Lời mở đầu Huấn thị Canh tân đời tu nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải “tìm cách tốt nhất để thích ứng toàn bộ chu kỳ huấn luyện sao cho phù hợp với não trạng của các thế hệ trẻ, với điều kiện sống hiện đại, và với những đòi hỏi của sứ vụ tông đồ hôm nay”, đồng thời nhìn nhận “vai trò bất khả thay thế và ưu tiên” của năm tập “như là sự khai tâm dẫn vào đời tu”. Huấn thị còn nói rằng các mục tiêu này chỉ có thể đạt được “nếu người tập sinh tương lai được chuẩn bị tối thiểu về nhân bản và tâm linh. Việc chuẩn bị này phải được kiểm chứng và nhất là được bổ túc thường xuyên.”
Phần lớn các khó khăn gặp phải trong quá trình huấn luyện tập sinh ngày nay đều do vấn đề là họ chưa trưởng thành khi được thâu nhận… Tất cả các Hội dòng phải lưu tâm nhiều đến giai đoạn chuẩn bị cho năm tập (RC số 4).
Mới đây, Thánh bộ các Dòng tu có nhắc lại vai trò quan trọng của giai đoạn tiền tập:
Việc huấn luyện không phải một sớm một chiều mà đạt được. Hành trình từ lời đáp trả đầu tiên đến lời cam kết sau cùng được chia thành 5 giai đoạn: Giai đoạn tiền tập là giai đoạn giúp ứng sinh nhận ra lời mời gọi đích thực của Thiên Chúa …[1]
Giai đoạn này được coi là một thành phần toàn vẹn của cả tiến trình huấn luyện.
Tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ về giai đoạn huấn luyện khai tâm này.
Kinh nghiệm cho thấy một số khá đông các ứng sinh khi bước vào năm tập không được chuẩn bị đầy đủ theo như yêu cầu phải có. Năm tập chỉ có thể bắt đầu khi các ứnh sinh “đã đạt đến mức độ trưởng thành về nhân bản và tâm linh, cho phép họ đáp trả lời mời gọi với trách nhiệm cũng như tự do đầy đủ và riêng biệt” (RC số 4). Vì thế, đòi hỏi các ứng sinh phải suy xét kỹ lưỡng. Trong vấn đề này, cần nêu lên lời khuyên của cha nguyên Tổng quyền Vincent de Couesnongle:
Tốt hơn nên hoãn năm tập, nếu có nghi ngờ về sự trưởng thành của ứng sinh; bằng không sẽ có những anh em bỏ Dòng trong những năm đầu huấn luyện, và điều này chẳng tốt đẹp cho ai, bởi nhiệt huyết của năm tập hoặc năm học sẽ không tránh khỏi thiệt thòi.
Huấn luyện đời sống Kitô giáo
Thường thì ai cũng muốn người khác có cùng một niềm tin như mình. Nhưng sự thật là giới trẻ ngày nay có những kiến thức rộng lớn hơn những người cùng trang lứa cách đây 10-15 năm, và kiến thức đó không luôn luôn kèm theo sự huấn luyện Kitô giáo tương ứng. Đời sống đức tin của họ thường dựa trên những kiến thức giáo lý sơ đẳng, tỉ lệ nghịch với những kiến thức thế tục.
Điều này không chỉ là nỗi bận tâm của giới trẻ bước vào đời sống tu trì, mà còn là của toàn thể Giáo hội, và phải là ưu tư của anh em Đa Minh, với tư cách là những nhà giảng thuyết.
Phải coi việc huấn luyện đời sống Kitô giáo và kiến thức giáo lý là một trong những mục tiêu chính của thời kỳ tiền tập. “Hãy dạy tôi lòng nhân từ, tư cách môn sinh, và sự hiểu biết.”
Sắc lệnh Đức ái trọn hảo (Perfectae Caritatis) nhắc nhở chúng ta: “Quy luật cơ bản của đời sống tu trì là dõi bước theo Chúa Kitô, như Tin mừng trình bày.” Gặp gỡ Đức Kitô của Tin mừng là nền tảng của mọi công cuộc huấn luyện mệnh danh là Kitô giáo. Lời Tin mừng khuôn đúc tư duy, cách cư xử và hành động của ứng sinh, và dẫn họ dõi bước theo Đức Kitô. Lời đó cũng dẫn họ bước vào linh đạo của Dòng, nối gót Đức Giêsu.
Nhịp sống hiện đại
Nhịp điệu nếp sống tu trì, dù có được thích ứng cặn kẽ đến đâu, vẫn luôn khác biệt với nhịp điệu nếp sống ngoài đời. Để dẫn giới trẻ vào đời tu, cần có sự tế nhị trong việc hiểu biết giới trẻ và thế giới họ đang sống. Giai đoạn tiền tập là một bước chuyển tiếp tiệm tiến từ lối sống giáo dân sang lối sống tu hành, là thời gian thích ứng dần dần về tâm lý cũng như tâm linh, đồng thời chuẩn bị cho các ứng sinh những thay đổi cần thiết mà họ phải đảm nhận khi bước vào đời sống tu trì. Đây cũng là giai đoạn cho họ độc lập với gia đình họ và với Dòng.
Phát triển các giá trị nhân bản
Một trong những lợi ích quan trọng của giai đoạn tiền tập là tạo cho các ứng sinh có cơ hội để phát huy những giá trị nhân bản, nhờ đó họ bắt đầu tự đảm nhận trách nhiệm và có thể nhận định những điểm mạnh, cũng như những thiếu sót của mình.
Điều này khiến tôi phải suy nghĩ về đường lối thâu nhận các ứng sinh vào nhà tập ngay sau khi chấm dứt chương trình trung học hay trực tiếp từ các trường đệ tử hoặc tiểu chủng viện. Huấn thị Canh tân đời tu nghi ngờ tính chất khôn ngoan của đường lối đó. Huấn thị cho rằng “bảo đảm sự chuẩn bị tốt đẹp cho năm tập, bằng một giai đoạn thử nghiệm thích hợp nhằm phát huy sự trưởng thành nhân bản và tình cảm của các ứng sinh có phải là tốt hơn không?” (RC số 4).
Trước khi vào nhà tập, các bạn trẻ cần phát triển một sự độc lập nào đó trong việc sử dụng những tài sản vật chất của mình một cách có trách nhiệm. Thứ đến, họ cần có thời gian để phát triển khả năng tự quyết của mình. Sau nữa, họ cần có thời gian phát triển những mối tương quan lành mạnh với tha nhân, nam cũng như nữ. Thật là sai lầm nếu các ứng sinh bước vào năm tập mà các phẩm chất trên chưa chín mùi và thích hợp. Khi thâu nhận người thiếu trưởng thành, có nguy cơ là những vấn đề như tính cách, sự tự chủ, sự chấp nhận bản năng giới tính của riêng các ứng sinh vẫn chưa có câu trả lời. Năm tiền tập phải giúp làm sáng tỏ những vấn đề này. Đàng khác, việc sống chung sẽ giúp ứng sinh phát triển các mối tương quan thường xuyên, như một sự chuẩn bị sống đời sống cộng đoàn, đồng thời cũng giúp đánh giá khả năng giao hảo nhân bản và sự lựa chọn đời sống độc thân.
Để cho các ứng sinh có thể phát triển được những đức tính này, bầu khí của thời kỳ tiền tập phải mang lại cho họ sự tự do đầy đủ. Năm tiền tập mà nặng nề quá, hoặc biến thành năm bán-tập viện, sẽ làm hỏng toàn bộ mục đích của chương trình tiền tập.
Địa điểm và thời gian tiền tập
Thời hạn, hình thức và điạ điểm của giai đoạn tiền tập do Tỉnh hội, hoặc Giám tỉnh cùng với Ban cố vấn Tỉnh dòng quy định (LCO số 167).
Về phần tôi, tôi đồng ý với khuyến cáo của huấn thị Canh tân đời tu, đó là: địa điểm huấn luyện tiền tập không phải là nơi có tập viện, có thể ở trong một cộng đoàn hơn là một tu viện có đời sống kỷ luật chặt chẽ. Kiểu sống đó có thể điều chỉnh hài hòa với sự tăng trưởng của các ứng sinh cũng như với những gì cần thiết cho giai đoạn chuyển tiếp này.
Chúng tôi đã nhận được 33 câu trả lời từ các Tỉnh dòng khác nhau cho thấy chương trình thời kỳ tiền tập rất đa dạng. Một số Tỉnh dòng nhấn mạnh đến việc phát triển sự trưởng thành nhân bản và tâm linh, đồng thời bổ túc đời sống Kitô giáo cho các ứng sinh. Một số khác chủ trương coi giai đoạn này là để bổ túc nền giáo dục trung học, học ngoại ngữ, và cả triết học. Một số khác nữa nhấn mạnh đến việc nguyện kinh thần vụ và khai tâm vào nếp sống Đa Minh. Tất cả những yếu tố trên có thể tốt đẹp trong một chương trình riêng biệt, nhưng cần nhấn mạnh đến yếu tố phát triển đời sống nhân bản và Kitô giáo của các ứng sinh. Đồng thời cho mỗi cá nhân có cơ hội sống độc lập phần nào (như đã giải thích trong đoạn nói về các giá trị nhân bản). Hy vọng rằng một nếp sống độc lập đúng đắn sẽ giúp lệ thuộc lẫn nhau một cách lành mạnh. Tôi mong rằng tất cả những điều đã được nói đến trên đây sẽ làm sáng tỏ những gì còn hàm hồ trong vấn đề huấn luyện tiền tập. Giai đoạn này chưa phải là đời tu, mà chỉ mới là chuẩn bị cho đời tu.
Tôi thấy thời gian tiền tập ít hơn một năm khó có thể đạt được những mục tiêu trên. Ngoài ra, cũng cần có một hình thức sống chung nữa. Đối với nhiều ứng sinh, đây là kinh nghiệm sống đầu tiên và là kinh nghiệm tự khép mình vào nếp sống chia sẻ huynh đệ trong cộng đoàn.
Gia nhập tập viện
Thời kỳ tiền tập hoàn tất với thủ tục gia nhập tập viện. Thủ tục này đã được Hiến pháp số 170 quy định. Nếu chúng ta lưu tâm đặc biệt đến thời kỳ này, thì có thể tránh được nhiều yêu cầu xin miễn khấn tạm. Trong khi rất ước mong những anh em đã bước chân vào nhà tập hãy bền đỗ đến cùng, chúng ta vẫn phải tìm kiếm những dấu chỉ tích cực của niềm hy vọng bền đỗ đó. Đồng thời, chúng ta phải thừa nhận rằng sự tăng trưởng trong đời tu là một hành trình tiệm tiến. Không ai trong chúng ta bừng mắt dậy thấy mình là một tu sĩ!
Một số Tỉnh dòng đã nhờ đến sự giúp đỡ của các nhà tâm lý học như một phần của quy trình này. Đây là một công việc rất tế nhị, và phải hết sức tôn trọng quyền lợi của các ứng sinh (x. Giáo luật số 646, 220). Sự hỗ trợ này có thể rất hữu ích để dẫn dắt các ứng sinh tăng tiến về khía cạnh nhân bản cũng như tu trì trong tương lai, đồng thời giúp ban thâu nhận dễ quyết định hơn. Tuy nhiên, cần xác định rõ ràng rằng việc lượng giá tâm lý này không thay thế cho chức năng của ban thâu nhận. Quyền thâu nhận ứng sinh bao giờ cũng thuộc về Tỉnh dòng (LCO số 171). Hiến pháp số 155 vạch rõ niềm hy vọng của Dòng trong toàn bộ tiến trình huấn luyện:
Để việc huấn luyện đạt được kết quả tốt đẹp, các ứng sinh cần phải có sức khoẻ thể lý, sự trưởng thành tâm lý tương ứng với lứa tuổi, năng khiếu sống chung, đời sống Kitô giáo vững chắc, có khả năng, có ý ngay lành, và tình nguyện hiến dâng cho Thiên Chúa và Giáo hội trong đời tu Đa Minh.
Nuôi dưỡng ơn gọi
Việc cổ động ơn gọi là nhiệm vụ của mỗi phần tử trong Dòng. Không thể khoán trắng cho cổ động viên ơn gọi. Nếu chúng ta xác tín về chính mình, chúng ta phải cổ động ơn gọi.
Sự trung thành với kinh nguyện, chứng tá đời sống và chứng tá lời giảng, tất cả đều góp phần thu hút ơn gọi. Nhưng chúng ta phải chủ động tìm kiếm các ơn gọi. Thánh Đa Minh đã không chờ đợi các thanh niên đến với mình. Chính ngài đã đến gặp gỡ, thăm viếng các sinh viên tại các nhà trọ, và mời gọi họ gia nhập Dòng. Trong các thư gửi cho chị Diana Andalo, cha Giođanô Saxonia thường xin chị cầu nguyện “để có nhiều anh em đến với chúng tôi” và “để chúng tôi có thể biến hy vọng thành hiện thực”. Chúng ta có làm được một chút gì không?
Dửng dưng với ơn gọi là chối từ sự sống. Cha Vincent, vị tiền nhiệm của tôi, nhắc nhở: “Nhiều gia đình không muốn có con cái, cũng vậy, có nhiều cộng đoàn không muốn tiếp nhận thanh niên vào Dòng, vì e ngại phải thay đổi lối sống của mình.” Tôi cũng đồng quan điểm như thế.
Ơn gọi gia tăng dần dần nơi một số nước Âu châu, và tiếp tục phát triển tại châu Phi, châu Á, Trung Mỹ, Nam Mỹ, và khu vực Thái Bình Dương. Cần phải cổ võ và nuôi dưỡng ơn gọi bản xứ ở bất cứ nước nào. Năm 1525, khi đệ thư cho hoàng đế Tây Ban Nha, Rodrigo de Albornez đã nói rằng một ơn gọi bản xứ có hiệu quả hơn 50 vị thừa sai. Nói thế có quá đáng không? Có thể lắm. Dẫu sao, không ai có thể hiểu rõ não trạng, tâm tình, cách suy nghĩ của người dân bản xứ hơn chính người bản xứ. Cộng đoàn nào cũng cần các tu sĩ và các linh mục riêng của mình. Trong các nước có những nhóm văn hóa, ngôn ngữ… khác nhau chúng ta phải can đảm khởi xướng, cổ động ơn gọi trong các nhóm dân này.
Dòng hy vọng sẽ khôi phục lại nơi các nước mà ngày xưa Dòng đã phát triển và thiết lập cộng đoàn tại các nước đang chờ đợi các anh chị em Đa Minh hiện diện. Đây là một công việc đòi hỏi hy sinh. Phải, không có cuộc sống xứng đáng đúng nghĩa nào mà lại không có hy sinh.
Tóm lại, tôi muốn nêu lên rằng nhiều Tỉnh dòng đã thực hiện được, đã phải tốn nhiều tài chánh, nhân sự và nhiều thứ khác để tìm kiếm những hình thức huấn luyện khai tâm trong thời kỳ tiền tập, tập viện và học viện. Kinh nghiệm những năm quá khứ cho thấy rằng Tỉnh dòng nào phát huy được những chương trình huấn luyện nghiêm túc, thì sẽ có được sự ổn định và tin tưởng hướng tới tương lai.
Khi nói về sự sống còn của mình, chúng ta có can đảm tự vấn: “Lý do nào Dòng chúng ta còn tồn tại” hay không? Câu trả lời sẽ xác định tầm quan trọng của việc huấn luyện trong mọi giai đoạn. Phẩm chất của thế hệ Đa Minh tương lai tùy thuộc vào gương mẫu và nền huấn luyện hôm nay trong Dòng. Trong tiến trình này, giai đoạn huấn luyện tiền tập đóng một vai trò căn bản.
[1] “Những yếu tố căn bản trong giáo huấn của Giáo hội về đời tu, áp dụng cho các Hội dòng hoạt động tông đồ”, Thánh bộ tu sĩ và các tu hội đời, Roma, 1983, số 48.