THỈNH VIỆN THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ – HỒI TÂM MÙA CHAY NĂM 2023
Giuse Lương Thanh Tùng
Hòa chung nhịp đập của Giáo Hội, Tu viện Thánh Vinh Sơn Liêm và Thỉnh viện Đa Minh cùng nhau bước vào Mùa Chay với tinh thần của sứ điệp mùa Chay do Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã ban hành: Sống khổ chế Mùa Chay trong lộ trình Hiệp hành và lên đường theo Chúa Giêsu để sống mầu nhiệm cứu độ. Trong tâm tình đó, sáng Chúa Nhật III Mùa Chay, ngày 12 tháng 3 năm 2023, Thỉnh viện Thánh Gioan Tông đồ đã có buổi hồi tâm, với sự hiện diện của các anh em nội trú và ngoại trú, dưới sự hướng dẫn của Cha Giám Đốc Thỉnh viện Đa Minh Nguyễn Hữu Cường, OP.
Bối cảnh của buổi hồi tâm được Cha Giám Đốc triển khai dựa trên trình thuật Tin Mừng Chúa Nhật của III mùa Chay năm A, với câu chuyện đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari bên giếng nước Gia-cóp. Dưới ánh sáng của Bài Tin Mừng, Cha giáo đã hướng dẫn anh em bước vào lộ trình cuộc gặp gỡ và lên đường theo Chúa Giêsu trên hành trình thương khó của Ngài. Dưới đây là một số điểm quan trọng được tóm kết dựa trên nội dung bài chia sẻ và hồi tâm mùa chay 2023.
- Chúa Giê-su xin nước uống
Thánh sử Gioan đã cho chúng ta trở về nguồn của Cựu ước: Giếng Gia-cóp, giếng của Tổ phụ là nơi tập trung các chi tộc và đàn súc vật của họ; nhờ giếng đó, người ta có nước để sinh tồn. Cha Giáo đã liên hệ đến biến cố dân Israel ra khỏi Ai Cập. Khi ông Mô-sê đưa dân ra khỏi Ai Cập, họ vào núi Sinai. Và ngay khi tiếp cận hành trình vào sa mạc, dân Israel gặp phải cơn thử thách : thiếu nước và bánh. Nước vốn là thứ rất quan trọng trong đời sống của người ta. Tại giếng Gia-cóp, người ta đến múc nước để sinh hoạt hàng ngày; thì cũng tại nơi giếng này, Chúa Giê-su hứa ban Nước Hằng Sống cho người phụ nữ Samari, và có thể mở rộng là cho cả chúng ta nữa. Đức Giê-su nói: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị, ‘Cho tôi nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4,10). Từ bối cảnh của Cựu ước và những nhu cầu bình thường của con người, Chúa Giê-su đã đưa người phụ nữ Samari (đại diện cho chúng ta) đến một điều sâu hơn: Ngài chính là nguồn Nước Hằng Sống. Từ tinh thần của bài Tin Mừng, chúng ta có thể liên hệ tới mỗi anh em, như những lữ khách trên đường theo Chúa. Những người lữ khách này cũng cần rất nhiều nhu cầu từ việc ăn và việc uống. Và cuộc sống của chúng ta có lẽ no đầy về “của ăn” vật chất, nhưng lại có thể đang thiếu “của ăn” thiêng liêng: chính là đời sống cầu nguyện. Từ đó, Cha mời gọi anh em nhìn lại về đời sống thiêng liêng và cách thức thực hành chiều kích phụng vụ theo chung trong Dòng, đặc biệt Ngài mời gọi mỗi anh em hãy cố gắng yêu mến Thánh lễ, không phải do luật lệ mà là để thỏa “cơn khát”, và kín múc được suối nguồn ân sủng từ nơi Đức Ki-tô.
- Nước Hằng Sống
Khởi đi từ cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari về Nước Hằng Sống, Cha Giáo Đa Minh mời gọi mỗi em anh dừng lại để suy nghĩ về căn tính của mình. Trong bài Tin mừng, người phụ nữ Samari đã ý thức rất rõ về căn tính và cội nguồn: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một người phụ nữ Samari xin nước uống sao?” Kế đến, Cha đã chỉ cho anh em thấy thái độ ngạc nhiên của các môn đệ khi nhìn thấy Thầy Giê-su đang nói chuyện với người phụ nữ Samari này. Chính qua cuộc nói chuyện ấy, Đức Giê-su đã dạy các ông hãy vượt qua ranh giới vốn tự hình thành từ biết bao nhiêu thế kỉ giữa người Do Thái và người Samari. Và ranh giới này đã hằn sâu trong cách sống của người Do Thái.
Người phụ nữ Samari là một người có cá tính mạnh mẽ bởi chị dám đối thoại với Chúa Giê-su, rất thẳng thắn và trí tuệ. Chị có chiều sâu về lòng đạo đức của mình: biết Đấng Mêsia, biết Đức Kitô và biết mình mong đợi gì. Và điều quan trọng là, ngay cả khi trao đổi với Chúa Giê-su, người phụ nữ rất cởi mở dù lúc ấy chị chưa biết người đang nói chuyện với mình chính là Đấng Mêsia. Chúa Giêsu cho người phụ nữ ấy bộc bạch về cuộc đời của mình. Chị ta đã kể cho dân làng điều mình đã cảm nghiệm với một niềm xác tín: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm” (Ga 4,29). Cha cũng liên hệ tới mỗi anh em tham dự buổi tĩnh tâm, đặc biệt các Thỉnh sinh nội trú: Mỗi anh em hãy xem 4 phần trong Sách Giáo lý là điều thiết thân đối với mình, và hãy học để hiểu, hiểu để sống. Các anh em được phép lý luận, và trong khi làm việc đó, hãy tìm ra cái đúng và phát hiện cái sai nơi chính bản thân mình nữa, để chỉnh sửa cho đúng với đời sống đạo lý và đức tin của Giáo Hội.
Người phụ nữ Samari dù biết rất nhiều, nhưng khi nói chuyện với Chúa Giêsu, chị càng mở ra được nhiều điều: chị được gặp chính Đấng mà biết bao nhiêu con người trong Cựu ước đã mong đợi. Và qua cuộc đối thoại ấy, chị đã gặp được Chúa Giêsu, cũng như gặp được chính mình nữa.
Đó chính là điều huyền nhiệm của cuộc gặp gỡ này. Cha giáo nhắc nhở tới mỗi anh em ngoại trú gắng dành ra cho bản thân ít là mỗi ngày 5 phút riêng với Chúa. Mỗi anh em cần học biết tĩnh lặng để xem cuộc đời mình có bao nhiêu nốt thăng về ân huệ Chúa ban, bao nhiêu nốt trầm của cuộc sống nhân sinh. Để rồi, mỗi người biết đặt mình trước Chúa, xin Chúa ban cho cảm nhận được cuộc đời của mình.
Và đến đây, ngài đặt cho mỗi anh em câu hỏi: “Cuộc đời làm môn sinh thì cần điều gì?” Cha mong anh em không chỉ “giỏi” kiến thức, mà còn phải “giỏi” về nhận thức, về “đức hạnh” để sống. Còn đối với các anh em nội trú, cha mong muốn anh em gắng chu toàn bổn phận của mình qua học hành và cầu nguyện. Khi biết chu toàn bổn phận, anh em thể hiện trách nhiệm với bản thân và với Tỉnh dòng.
Người phụ nữ Samari đã gặp gỡ Chúa bằng những tri thức mà chị đã được tổ tiên truyền lại. Và người phụ nữ ấy đã không ngại ngần dám nói về cuộc đời mình cho Chúa nghe: “Tôi không có chồng” (Ga 4,17). Chính cái thẳng thắn của chị với Chúa lại nhận được tình thương của Chúa: “Chị nói đúng”. Qua đó, cha giáo nhắn nhủ mỗi anh em tập thưa chuyện với Chúa cách chân thực và thẳng thắn, như người phụ nữ Samari.
- Nối kết giữa thực tại và hoàn cảnh
Giữa người Do Thái và người Samari có một ngăn cách khá lớn, nhưng chính Chúa Giêsu đã xóa đi ngăn cách ấy trong cuộc gặp gỡ với người phụ nữ bên giếng Gia-cóp. Điểm nối kết nằm trong cuộc gặp gỡ: giếng Gia-cóp là điểm hẹn. Cha giám đốc liên hệ về điểm gặp gỡ của mỗi anh em với Chúa Giê-su. Mỗi anh em đang ở trong tương quan mà chính Chúa Giêsu đã đi bước trước đến gặp gỡ chúng ta; vấn đề còn lại là mỗi anh em có để Chúa gặp gỡ mình hàng ngày hay không. Cha nhắc mỗi anh em tập gặp gỡ Chúa, nhận ra Người đang hiện diện trong đời mình, để được Người đón nhận và giúp hiểu con người của mình nhiều hơn.
Mỗi chúng ta cũng tập loại bỏ những “cái rác” cản trở cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, như: những thói hư, tật xấu, sử dụng thời gian không đúng mục đích, phân tâm, chia trí trong những giờ cầu nguyện,… để tập trung vào con đường theo Thầy Giêsu.
Vào lúc 10g15, thánh lễ được cử hành cách trang nghiêm và sốt sắng. Lời Ca nhập lễ “Quyết trở về” do nhạc sĩ Martino sáng tác được cất lên: “Tin lòng Cha bao dung như khung trời bát ngát. Con quyết tâm trở về xa lánh bao lỗi lầm…” Lời bài ca cũng chính là tâm tình của mỗi anh em khi tham dự thánh lễ Chúa Nhật III Mùa Chay năm A. Và sau khi thầy phó tế đọc xong bài Tin Mừng, các anh em có một khoảng thời gian tĩnh lặng để ngồi suy niệm Lời Chúa từ những điểm suy tư mà cha Đa Minh đã gợi hứng trong bài tĩnh tâm.
Kết thúc thánh lễ, quý Cha, quý thầy trong Ban Giám đốc, anh em nội trú và ngoại trú cùng nhau ngồi lại chia sẻ bữa cơm huynh đệ thân tình. Những cảm xúc gặp gỡ đầy yêu thương gần gũi ấy đã khép lại một ngày tĩnh tâm đong đầy tình Chúa và thấm đượm tình người.
- Chút lắng đọng
Buổi hồi tâm đã kết thúc. Nhưng có lẽ dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong tâm trí của mỗi anh em Thỉnh sinh nội trú và ngoại trú. Chắc hẳn mỗi anh em đều cảm nghiệm được tình yêu của Thầy Giê-su hiện diện trong chính cuộc gặp gỡ của mình với Ngài, và với tha nhân. Như người phụ Samari xưa bên giếng Gia-cóp đã được biến đổi qua cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, làm chứng cho Ngài trong cuộc đời mình, ước mong mỗi anh em cũng sẽ được biến đổi để trở nên những chứng nhân tốt lành của Chúa giữa cuộc đời, trên con đường theo đuổi ơn gọi Thánh Hiến.