Hành trình tạo trang sách mới trong đời tu

18-04-2024
Bởi: Thỉnh Viện Đa Minh Có: 0 bình luận 347 lượt xem

Hành trình dài của mỗi người là cả một kho tàng ẩn chứa vô vàn điều hay, điều mới lạ; và hơn hết, là cả một kho tàng trí thức mà chỉ từng người mới cảm nhận được dòng chảy đang sôi sục trong tâm trí, muốn tỏa ra thế giới bao la. Với người trẻ hôm nay, có lẽ ba yếu tố cần thiết cho một hành trình lập nghiệp là: tìm kiếm, học tập và trau dồi để đạt đến cùng đích. Với tôi, hành trình ơn gọi tu trì Đa Minh tuy dài, nhưng ẩn chứa bao niềm vui, hạnh phúc, và đôi lúc có cả những khó khăn đượm màu thách đố. Bài chia sẻ dưới đây là câu chuyện nhỏ của một chàng thanh niên trong những trang đầu của “quyển sách đời tu”.

Cậu nhóc với những chiếc lá khô

Những ngày đầu, cậu Thỉnh sinh trẻ làm việc bổn phận với nụ cười rộn rã trên môi, gặp ai cũng chào hỏi, cũng mỉm cười. Nhưng công việc kéo dài hàng tháng trời, diễn ra liên tục, liên tục, thì cậu chợt ngán ngẩm.

Mỗi ngày, bài học đầu tiên và cũng là bài thể dục buổi sáng là dọn sạch khu vườn. Chỉ cần nghe tiếng xe chở lá lăn bánh qua những viên đá, kêu “rộc, rộc, rộc…”; và cũng chỉ cần thấy những cây chổi nằm lăn lóc trên sân bởi một anh em siêng năng nào đó đã dọn sẵn cho mọi người sẵn sàng quét lá, là đã thấy sởn da gà; nét buồn bực hằn in dấu trên khuôn mặt đỏ rực của cậu Thỉnh sinh. Dần dà, khách vào tu viện cũng không còn thấy cậu mỉm cười hay chào hỏi như trước nữa. Đôi lúc, một cha đến thăm phải bước sát bên gọi tên thì cậu mới giật mình chào lại cha. Một cảm giác chán nản vô vàn, một màu đen bủa quanh cậu mỗi sáng. Vẫn tiếng chuông vọng đều mời gọi mọi người bước vào nguyện đường. Vẫn tiếng các bạn đồng môn nói cười đang khi làm việc bổn phận; riêng cậu cảm thấy mình bị bó buộc và nặng trĩu bởi một tư tưởng nào đó khó tả: “Quét! Quét! Quét!” Mỗi tiếng nói là mỗi nhát chổi cậu hằn lên mặt sân với thái độ khó chịu. Cứ ngỡ làm ở một góc chẳng ai nhìn thấy, cậu lại tiếp tục bộc lên ý tưởng: “Sao không chặt bỏ những cái cây quái quỷ này đi để khỏi quét! Sao ngày nào cũng phải quét!” Dưới cái nắng chiếu in bóng trên mặt sân tu viện, một dáng người cao cao đang dần dần tiến đến với những bước đi chậm rãi nhẹ nhàng, không phát ra một tiếng động và đứng sau cậu lúc nào không hay. Ngài chỉ thinh lặng với tràng chuỗi trên tay theo dõi và quan sát cậu làm việc. Khuôn mặt ngài hiền từ và mỉm cười phúc hậu khiến những nếp nhăn hằn lên trán cũng “nở” theo nụ cười. Vị Bề trên đưa bàn tay vị bờ vai cậu, cậu giật mình quay lại, một cảm giác sững sờ trước bề trên và cậu run sợ, mồ hôi ướt đầm áo trắng, và hơn hết là cậu đoán bề trên đã nghe những gì cậu nói nãy giờ. Gãi đầu ngại ngùng, cậu ấp úng:

“Dạ! Dạ! Dạ thưa Cha! Con xin lỗi…!” Vị Bề trên bước tới chỗ ghế đá đặt dưới gốc cây gần chỗ sân Thỉnh sinh thường quét, cậu rón rén đi theo sau. Một cơn gió thổi mát rượi mang lại một cảm giác dễ chịu. Vị Bề trên ghé vào tai cậu và hỏi:

“Con! Nếu những cành cây này mất đi thì sẽ còn đâu những bóng mát để cha con chúng ta ngồi vui vẻ trò chuyện, còn đâu chỗ để anh em chúng con tụ năm tụ bảy xào xáo nữa, sẽ không thấy dễ chịu như cơn gió vừa rồi mang đến con nhỉ! Rồi khách đến thăm tu viện sẽ ngồi hóng mát ở đâu? Và… có lẽ họ sẽ thấy vui lắm nếu khoảnh sân trước mặt họ sạch, họ biết có bàn tay ai đó đã dọn sạch khoảnh sân để họ có chỗ lý tưởng để ngồi. Con nghĩ người khách nào đó ngồi ở chiếc ghế này hoặc đi vòng quanh đây có vui không? Nghĩ tới đó con thấy việc mình làm có ý nghĩa lớn lao biết chừng nào con nhỉ! Vị Bề trên ngừng đôi lúc để cùng cậu nghe tiếng gió thổi qua các kẽ lá, cũng để cho cậu suy ngẫm đôi lúc.” Lát sau ngài nói tiếp:

“Đi tu không chỉ là học để làm những điều phi thường, nhưng là để học biết làm những điều tầm thường cách phi thường con à! Qua ngày đó cậu đã nhận ra những điều ấy và vui vẻ đón nhận mọi điều tốt đẹp.”

Xem thêm: Nội san Đến Mà Xem 75

Bước từng bước vào đời sống chung

Thời gian vẫn cứ thế vần xoay. Từng khoảng thời gian trôi qua là một khoảng lặng trong ngôi nhà chung. Tiếng đồng hồ mỗi khắc, mỗi giờ đều nhắc nhở anh em, và hầu như không có một khoảng “thời gian chết”; thời gian cứ trôi và nhịp sống cũng đi theo, ngày qua ngày, tạo cho anh em chúng tôi nhịp sinh học chung. Xuất phát từ rạng sáng khi những tiếng ồn không làm sao nhãng tâm trí, để rồi kết thúc vào chiều tối với tiếng vang của những chú ve sầu đang thi nhau rền vang trong buổi chiều hè, anh em chúng tôi bước vào một khoảng lặng trong giờ lễ sáng, dâng lên Chúa bao tâm tình của một đêm an lành, để rồi xin Ngài ban bình an cho một ngày tươi đẹp. Chúng tôi phải tập những việc mà trước đây chưa từng làm, tự tạo cho bản thân một đời sống cầu nguyện riêng theo cách của riêng mình, tự tạo thói quen để củng cố bản thân, để củng cố tinh thần, và hơn hết là củng cố đời sống tu trì trong nếp sống của người tu sĩ Đa Minh tương lai. Bỡ ngỡ trước những điều mới, trước những điều nhỏ nhặt nhất mà trước đây chưa từng ai mách bảo, bỡ ngỡ trước những người anh em đơn sơ, giản dị, và bỡ ngỡ hơn nữa trước những vị Bề trên thân thiện và nhiệt tình. Dường như không có cách biệt về ranh giới tuổi tác và thế hệ. Mọi người đón nhận nhau và coi nhau như những người anh em thân thiết. Tôi vui mừng khi được anh em đón nhận, và cũng vui mừng khi mình tự mở lòng, mở tâm hồn để đón nhận tất cả anh em.

Mang “Trí”vào tất cả công việc

Tri thức là công việc hệ trọng suốt cuộc đời mỗi con người, cách riêng với người đang chập chững bước những bước đầu tiên trong đời sống tu trì. Khi còn nghĩ ta bằng lòng với vốn hiểu biết của mình, ngày đó ta đang bước đến bên bờ vực thẳm. Bước vào con đường học tập không phải là việc bắt buộc chúng ta, nhưng đó là nỗ lực rèn luyện nhân cách, rèn luyện sự bền bỉ, và sự dấn thân vào tiến trình nghiên cứu học hỏi. Bởi khi có tri thức, ta sẽ có cơ may nhận ra sự quyến rũ đầy màu sắc của việc học hành. Mục đích của học hành không chỉ là tạo sự phát triển sung mãn và đầy đủ cho bản thân, nhưng còn để hiểu biết, tin tưởng, yêu mến và phục vụ tha nhân. Vì lẽ đó, Lời Chúa không thể sinh hoa trái trong tâm hồn chúng ta nếu ta không qua tiến trình rèn luyện tâm linh là cầu nguyện. Ta cũng không thể nói với thế giới nếu mỗi người không mở lòng đón nhận anh em, đón nhận Lời Chúa trong từng phút giây của cuộc sống. Do đó, để học tập đạt hiệu quả, người tu trì Đa Minh tập cho mình nếp sống thinh lặng và yêu thích đời sống chiêm niệm, vì đó là phương tiện giúp anh em thỉnh sinh truy tìm sự khôn ngoan trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Vấn đề học tập của mỗi người vẫn còn đó nhiều việc phải làm. Anh em luôn được mời gọi “Hãy ra khơi”, nhưng để con thuyền không bị nhấn chìm giữa giông tố của biển cả, người tu sĩ không ngừng học tập, trau dồi những hành trang cần thiết trước khi có thể thả lưới, quăng chài. Để hoàn thành tốt sứ mệnh ấy, mỗi người cần dựa vào sức mạnh và sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần, bằng đời sống kí thác trong Chúa qua thinh lặng, cầu nguyện và chiêm niệm.

Chữ “Trí” qua việc lắng nghe, nhận định

Nhìn nhận lại bản thân trong bước khởi đầu nếp sống tu trì, cách riêng là trong nếp sống cộng đoàn, nhìn lại những thiếu sót của chính mình trong đời sống, ta tự hỏi liệu đã đủ hiểu biết về đời sống chung chưa ? Đã hiểu rõ đi tu là gì chưa? Đã thật sự lắng nghe lời nhắc nhở mà Thiên Chúa gửi gắm đến ta hay chưa? Chúa Giêsu đã dạy ta cần biết lắng nghe bằng con tim, với thái độ bình tĩnh và kiên nhẫn, chấp nhận dành thời gian, không vội đưa ra giải pháp có sẵn, chung chung. Vì thế, việc chúng ta cần làm là dùng “Trí” để xem xét, hoặc hơn hết, ta cần lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau, mở tâm hồn, và đừng đóng cửa. Một người có thể nói ra những bức xúc hay những tổn thương trong tâm hồn những khi cầu nguyện, không phải để chấm dứt với những cay đắng giận hờn. Trái lại, họ cần được Lời Chúa soi chiếu, thúc đẩy, giúp nhìn nhận xem xét để bước sang một giai đoạn mới tốt đẹp hơn.

Tạm kết

Mang một chút gia vị chua, cay của đời sống dân dã, pha trộn thêm một chút vị ngọt bùi của nếp sống cộng đoàn tu trì, ta cân bằng chúng trước những thách đố, thử thách để tạo một ý chí, một tâm hồn luôn sẵn sàng đón nhận mọi điều. Và bản thân cậu Thỉnh sinh cũng vậy, hành trình của cậu cũng cần những hương vị chua và cay, ngọt và bùi, để rèn luyện bản thân sao cho xứng đáng với ơn gọi mỗi ngày một hơn.

Xem thêm: Thỉnh viện Đa Minh tuyển sinh ơn gọi niên khóa mới

Giuse Nguyễn Văn Chí

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com