CHỦ ĐỀ: “LÒNG NHÂN ÁI TRONG CƠN ĐẠI DỊCH”
Ai cũng có một thời để nhớ. Và có lẽ trong đời sống thánh hiến, giai đoạn thỉnh viện là khoảng thời gian lưu dấu nhiều điều đáng nhớ, đáng ghi: biết bao tâm tình đan xen mơ ước, bao khoảnh khắc vui buồn hòa quyện nơi những chàng thanh niên đầy nhiệt huyết của thời thanh xuân, đang hăng say dấn thân tìm hiểu ơn gọi tu trì.
Trân trọng những dấu ấn đầu tiên của một đời bước theo Đức Giê-su trong ơn gọi tu trì, nhiều thế hệ thỉnh sinh Đa Minh đã lưu ký những tâm tình sâu lắng của mình qua các bài suy tư, những dòng chia sẻ trong các Nội San Thỉnh Viện Đa Minh, những suy tư đậm chất mộc mạc và chân thành. Bảy mươi tư số Nội San kể từ năm 1994 cho thấy một chặng dài lịch sử của truyền thống tốt đẹp nơi Thỉnh viện. Hôm nay cũng vậy, anh em thỉnh sinh niên khóa 2020-2021 mong được góp chút phần trong lịch sử Nội San Thỉnh Viện, qua tập Nội San thứ 74 với chủ đề “Lòng Nhân Ái Trong Cơn Đại Dịch”, với tâm tình tri ân Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam, Cha Giám tỉnh Tôma Aquinô, Ban Giám đốc Thỉnh viện, quý Cha giáo, quý Thầy Cô, Thân Phụ mẫu và gia đình, cùng quý vị Ân Nhân xa gần.
Kính thưa quý độc giả, khi đọc chủ đề của Nội San, có lẽ quý vị cũng có cảm nhận cùng các bạn trẻ thỉnh sinh Đa Minh trong nhịp cầu suy tư về biến cố nổi bật của năm 2020: một năm với nhiều mất mát, đau thương xảy ra khắp nơi trên thế giới do đại dịch Covid-19. Cơn dịch như một bóng đen làm xáo trộn tất cả, phủ lên các quảng trường, đường phố, thành thị, thôn quê nỗi lo âu, bất ổn mà người ta có thể đọc được trên khuôn mặt của nhiều người. Mỗi đợt dịch bệnh bùng phát lại là một đợt giãn cách hoặc cách ly! Và nếu nhìn phố phường từ khung cửa sổ của gia đình mình, ta thấy gì? Một sự im lặng cách tẻ nhạt chăng? Trống vắng hiu quạnh chăng? Sợ hãi chăng? Liệu có tìm ra một tia hy vọng cho nhân loại?
Vâng, chắc chắn là có; ta có một điểm tựa vững chắc cho niềm tin và hy vọng. Những suy tư, tình cảm mà người thỉnh sinh Đa Minh muốn diễn tả đã được gửi gắm trong từng bài viết của Nội San “Lòng Nhân Ái Giữa Cơn Đại Dịch”. Hình ảnh những con người cùng trên một chiếc thuyền nhân loại, mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã diễn tả trong Thông điệp “Fratelli Tutti”, nhắc cho từng thỉnh sinh Đa Minh ý thức mình cũng được mời gọi đồng cảm với tha nhân trong bối cảnh chung này. Chúng ta cũng không tránh khỏi nỗi lòng thương tiếc những nạn nhân, xót xa trước những mất mát, những nỗi niềm buồn lo cho tương lai của nhân loại. Tuy nhiên, là Kitô hữu, ta xác tín rằng chính Đức Giê-su vẫn đang hiện diện và ở cùng chúng ta trong cơn bão tố này; Người vẫn ở đó và đang đưa tay ra an ủi, cứu vớt tất cả chúng ta. Và từ điểm tựa Giê-su, chúng ta cũng muốn trở nên những chứng nhân tình thương giữa thế giới hôm nay, làm lan tỏa tình yêu của Đức Giê-su đến với tha nhân.(Ảnh Bìa: Đa Minh Anh Tuấn)
Những đề tài được viết trong Nội San số 74 được cô đọng trong Lời Tựa mà Ban Biên Tập xin trích đoạn sau đây:
“Góp Nhặt Yêu Thương, góp nhặt ý tưởng; từng bài viết được trình bày trong Nội San là kết quả của những cố gắng mà anh em Thỉnh sinh đang nỗ lực thực hiện, với nguyện ước diễn tả chút tâm tình trước Vẻ Đẹp Muôn Màu Của Thiên Nhiên, Công Trình Của Đấng Tạo Hóa, đang bị tổn thương. Tất Cả Chúng Ta Cùng Trên Một Chiếc Thuyền, vậy liệu ta có thể dửng dưng trước thời cuộc? Liệu ta có biết nói tiếng KHÔNG trước Căn Bệnh Tự Mãn đang diễn ra trong thế kỷ? Ta Có Gì Để Cho Đi?
Hình ảnh được trình bày trên trang bìa của Nội San diễn tả phép lạ Chúa Giê-su đã thực hiện cho một cháu bé sống lại (x. Mc 5,22-24.35-43). Nếu theo cách nhìn của nhân loại, cái chết được xem như dấu chấm hết cho một đời người, như Tấm Áo Choàng Đen mà cơn dịch phủ lên nhân loại, thì tốt đẹp thay, Đức Giê-su đã đem lại cho gia đình bệnh nhân một niềm vui lớn lao: Cháu bé được khỏi bệnh. Niềm vui. Đó là điều mà những con người có tấm lòng nhân ái đã thực hiện cho tha nhân trong cơn đại dịch, khi họ dám khoác lên mình Tấm Áo Choàng Tình Nghĩa, như các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, thiện nguyện viên, những con người can đảm trong nhiệm vụ xã hội trao phó, và cả các bậc chân tu nữa. Họ can đảm Phục Vụ Trong Yêu Thương Với Trọn Tấm Lòng Vàng. Đó là điều mà các vị thánh trong Giáo Hội Công Giáo đã sống và phục vụ: tấm gương của thánh Martinô de Porres, thánh Catarina de Sienna, thánh Têrêsa Calcutta, v.v..
Các thánh đã làm Lan Tỏa Lửa Mến Cho Nhân Loại, lan tỏa Bình An Của Đức Kitô bằng một sức mạnh có thể ví như Sức Mạnh Của Sóng Cồn Đại Dương; các ngài dạy ta bài học Cho Đi Mà Không Mong Đền Đáp. Chính sự hiện diện của ta giữa anh em khó nghèo, giữa những người đau khổ, bệnh tật, v.v. là một Món Quà Quý Giá, Món Quà Của Sự Hiện Diện, Quà Của Lòng Tốt, Của Đức Ái Kitô Giáo, Của Lòng Xót Thương.
Nếu có lúc con người thấy dường như thúc thủ hoàn toàn, như người ta nói về cháu bé: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” (Mc 5,35), thì cũng chính lúc đó, họ nghe được câu trả lời đầy hy vọng của Đức Kitô, Vị Thầy Thuốc Nhân Hiền: “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy.” (Mc 5,39). Vâng, ngay trong bối cảnh bi đát nhất, có thể người ta đặt câu hỏi Thiên Chúa Ở Đâu Trong Cơn Đại Dịch? Câu trả lời vẫn là: Có Chúa hiện diện, ta sẽ có tất cả phúc ân của Trời Cao ban tặng.
Vâng, như viên trưởng hội đường sụp xuống dưới chân Chúa mà van xin cho con ông được sống (x. Mc 5,22-23), mỗi chúng ta cũng được mời gọi tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa Toàn Năng và Giàu Tình Thương, bằng những Lời Kinh Tận Đáy Lòng, Kinh Trong Tim, khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ là Cây Bút Chì Trong Tay Thiên Chúa, để Người biến đổi ta thành khí cụ tình thương của Người, khiêm tốn như Hạt Thóc Trắng Ngần Thơm Ngon giúp ích cho đời.” (hết phần lược trích Lời Ngỏ).
Kính thưa quý độc giả, cảm nhận về những sự kiện, góp nhặt từ những suy tư, vụng về ghi lại trên từng trang giấy những thao thức của tuổi trẻ, … đó là những điều mà quý vị sẽ tìm thấy trong Nội San Đa Minh số 74 này. Trên tất cả, đó là tấm lòng thành của từng anh em thỉnh sinh, cảm nghiệm khi nhìn vào cuộc sống và thời cuộc, chắt chiu trong những dòng suy tư, … và mỗi người đang tích lũy cho mình chất sống qua những bài viết đơn sơ và khiêm tốn này.
Kính mời quý độc giả xa gần đón đọc Nội San Thỉnh Viện Đa Minh số 74, “Lòng Nhân Ái Giữa Cơn Đại Dịch”.
Ban Văn Hoá