Giới thiệu Nội San số 76: Trí trong đời tu

24-04-2024
Bởi: Thỉnh Viện Đa Minh Có: 0 bình luận 183 lượt xem

Lời tựa

Từ chữ trí trong văn hóa Á Đông…

Năm 2023 được coi là năm “bùng nổ” của trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt với sự ra đời của Chat GPT (Chat Generative Pre-training Transformer) – một chatbot được OpenAI phát triển dựa trên mô hình Transformer của Google. Có thể thấy rằng, trí tuệ nhân tạo đang dần hiện diện trong một số lĩnh vực của đời sống, và chi phối nhiều hoạt động xã hội.

Khi những “cỗ máy” thông minh có thể hoạt động thay thế một số vị trí trước đây do con người thực hiện, chúng có thể làm thay đổi cách sống của nhân loại. Cuộc cách mạng, cũng là cuộc khủng hoảng công nghệ này đang là bận tâm lớn trong xã hội. Và những người sống đời thánh hiến cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng AI không thể thay thế trí khôn của con người, bởi con người có đặc tính ưu việt trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

Trong văn hóa Á Đông, cách riêng là văn hóa Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng của tư tưởng Cửa Khổng Sân Trình, chữ “Trí” được kể là một trong là năm đức tính quý báu, là mực thước đo nhân cách và đạo đức của con người.  Ai sống được năm đức tính này cách tròn đầy sẽ trở nên hoàn hảo, phối hợp với Tam cương, Ngũ thường trở thành nền tảng vững chắc của đạo đức phong kiến. Trong đó, chữ “Trí” được coi là một trong những tiêu chuẩn có tính quyết định, giúp con người thông biết lý lẽ, phân biệt thiện – ác, đúng – sai, và đưa ra quyết định phù hợp với đạo đức cùng lẽ phải.

Chữ trí là một trong ngũ thường của nền văn hóa Á Đông.

Với góc nhìn Kitô giáo, “Trí” là một trong ba yếu tố quan trọng của con người. Nó làm nên giá trị và nhân vị cao quý nơi con người: “Trí” để nhận biết, để hiểu và yêu mến Thiên Chúa, đồng thời cũng giúp con người quyết định hợp với phán đoán và tự do.

Trong tương quan với đời tu, “Trí” là một trong những tiêu chí cần thiết của tiến trình huấn luyện và đào tạo. “Trí” trong đời tu gắn liền với học hành, tìm kiếm Thiên Chúa qua các môn thánh khoa; “Trí” cũng được thể hiện sâu sắc qua nhận thức, hiểu biết, tính nhạy bén và phán đoán độc lập, chính xác của một ai đó khi truy tầm chân lý. Hơn nữa, việc trui rèn cái “Trí” nơi người môn đệ Chúa Kitô còn hướng đến mục đích xa hơn: con người nhận biết Thiên Chúa cùng các ân ban của Ngài, bởi chưng “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Là những môn sinh đang chập chững theo Chúa Ki-tô (Sequela Christi) trong linh đạo Đa Minh, một linh đạo gồm Chiêm niệm Giảng thuyết, anh em Thỉnh sinh được mời gọi nhập thế bằng việc sống những giá trị nhân bản cách tròn đầy, sống lời mời gọi của Tin Mừng cách triệt để. Trong việc này, rèn luyện trí năng phán đoán là một trong những phương thế cần thiết, giúp anh em hoàn thiện chính mình và dễ dàng nhận biết Thiên Chúa. Các bài viết trong tập Nội san này kết tinh những suy tư của anh em, xoay quanh chủ đề: Trí trong đời tu.

…đến “Trí trong đời tu”

Đọc qua các bài viết, có lẽ độc giả sẽ hiểu thêm các điểm chính về những suy tư trong tập Nội san Đến mà xem số 76 này.

Trước tiên, anh em khai triển chữ “Trí” trong tư tưởng của Đức Khổng; kế đến là trong tương quan và giao thoa giữa các giá trị văn hóa truyền thống với những nét “chấm phá” của Tin Mừng nơi đời sống tu trì nói chung, và linh đạo Đa Minh nói riêng – mối liên hệ này được nhìn từ những góc độ khác nhau: học hành, sứ vụ Lời, cách đối nhân xử thế, cách nhận biết Thiên Chúa,… Hơn nữa, hạnh các thánh và những dụ ngôn trong Tin Mừng gợi hứng cho anh em Thỉnh sinh suy tư về khác biệt giữa “Trí” theo nghĩa nhân sinh và “Trí” theo Tin Mừng, giúp khám phá những giá trị và lời mời gọi nên trọn lành của Tin Mừng – những giá trị ấy được đan kết bởi thái độ lắng nghe, tinh thần tỉnh thức, khát vọng sống khiêm nhu,… ngay từ những bước đầu chập chững trong đời tu. Nối tiếp nội san số 75, tập nội san này sẽ đem đến những góc nhìn mới qua chữ trí trong tương quan của ngũ thường.

Tập nội san số 76 với chủ đề “Trí trong đời tu“.

Và cuối cùng, trước tốc độ đổi thay nhanh chóng của thời đại cùng với những suy tư của nhân thế, trục khai triển trong Nội San có thể được tóm lược trong ba dòng: “Trí thức” nhân loại là cần, “Tri thức” lại quan trọng hơn, và Tri thức Đức tin là cần thiết nhất cho cuộc lữ hành trần thế của người Kitô hữu, cách riêng là nơi người tu sĩ. Cả ba hoà quyện nơi người môn đệ của Đức Giêsu Kitô, giúp họ tiến bước trên con đường hoàn thiện nơi chính bản thân và theo Tin Mừng. Ước mong tập sách nhỏ này của Thỉnh viện Đa Minh khơi lên được điều gì đó “như là” trong mỗi chúng ta, giúp chúng ta tiến gần hơn với lời mời gọi của Đức Ki-tô: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48).

Phêrô Nguyễn Quốc Quỳnh

Từ khóa: , , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com