Mục Lục
Societas Verbi Divini – S.V.D.
“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa… Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,1.14).
1. Tổng quát về Hội Dòng
Trong Đức Kitô, từ muôn đời, Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại. Người luôn muốn cho mọi người được ơn cứu độ và nhận biết chân lý (1Tm 2,4). “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Ngôi Lời nhập thể trong Đức Giêsu Nazareth để mặc khải Danh Cha và loan báo Vương Quốc tình yêu của Người. Người đã biểu lộ tình yêu không biên giới và vô điều kiện cho mọi người và cách riêng cho những người đau khổ giữa lòng nhân loại này.
Hội Thánh, Thân mình Đức Kitô, là Bí tích cứu độ phổ quát, tự bản chất là truyền giáo, tiếp tục công trình cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Kitô. Chính trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã muốn cho Dòng Ngôi Lời được khai sinh. Năm 1875, vào ngày lễ Sinh nhật Đức Maria (08/09), tại Steyl nước Hà Lan, thánh Arnold Janssen (1837-1909), một Linh mục triều người Đức đã thành lập Dòng Ngôi Lời. Đáp lại lời mời gọi của Thánh Thần và nhu cầu của các dân tộc, thánh Arnold Janssen đã sáng lập Dòng Ngôi Lời như một cộng đoàn truyền giáo. Danh xưng của Dòng được dâng hiến đặc biệt cho Ngôi Lời và sứ vụ của Người : “Cuộc sống của Người là cuộc sống của chúng ta, sứ vụ của Người là sứ vụ của chúng ta” (Mở đầu Hiến pháp Dòng Ngôi Lời). Vì thế, công cuộc truyền giáo là lẽ sống và cứu cánh của Dòng Ngôi Lời.
Dòng Ngôi Lời viết tắt là S.V.D., ba mẫu tự đầu của ba chữ La Tinh : Societas Verbi Divini. Tiếng Anh : The Society of the Divine Word. Dòng Ngôi Lời là Dòng quốc tế và là Dòng nam truyền giáo đến với muôn dân lớn nhất hiện nay trong Giáo Hội. Tính đến nay Dòng Ngôi Lời có 6.003 thành viên, gồm các Linh mục và Tu huynh đang hoạt động trên 70 quốc gia.
Thánh Arnold Janssen cũng thành lập thêm hai Dòng nữ :
- Dòng Nữ Tỳ Chúa Thánh Linh Truyền Giáo (S.Sp.S – 1889)
- Dòng Nữ Tỳ Chúa Thánh Linh Chiêm Niệm (S.Sp.S.A.P. – 1896)
Ba Hội Dòng trên hợp thành đại gia đình thánh Arnold, hỗ trợ cho nhau bằng lời kinh nguyện và hoạt động trên con đường bước theo Đức Kitô trong sứ vụ truyền giáo.
2. Linh đạo Dòng Ngôi Lời
Linh đạo Dòng Ngôi Lời khởi nguồn từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Cốt lõi linh đạo Dòng Ngôi Lời có thể được tóm lược lại trong năm chiều kích căn bản sau : Thiên Chúa Ba Ngôi – Ngôi Lời – Chúa Thánh Thần – Cộng đoàn – Truyền giáo.
Ba Ngôi
Bởi lẽ Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1Tm 2,4-5), Ngài đã sai Con của Ngài là Đấng cứu độ muôn người và qui tụ tất cả thành một dân của Thiên Chúa nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Cảm nhận sâu xa chân lý này, cha thánh Arnold Janssen đã để lại cho Dòng Ngôi Lời một di sản linh đạo được định hình trong mầu nhiệm Ba Ngôi :
“Ba ngôi Thiên Chúa là cội nguồn, là nguyên mẫu và là sự hoàn thiện của mọi cộng đoàn nhân loại. Nhờ Phép Rửa, tu sĩ Dòng Ngôi Lời được mời gọi đến chia sẻ sự sống thần linh, trở nên phần tử của dân Thiên Chúa và môn đệ của Chúa Giêsu Kitô. Nhờ các lời khấn, tu sĩ Dòng Ngôi Lời gia nhập vào một cộng đoàn được tham gia vào sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha đã sai đến trần gian.” (Hiến pháp S.V.D., số 301)
Ngôi Lời
Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã trở nên người phàm, thông chuyển tình yêu của Chúa Cha cho chúng ta. Các nhà truyền giáo Ngôi Lời mong ước truyền đạt Ngôi Lời cho tất cả mọi người. Để có thể mang Ngôi Lời đến cho người khác, các tu sĩ Ngôi Lời phải gặp gỡ chính Ngôi Lời Nhập Thể qua toàn bộ môi trường xung quanh: nơi con người, nơi thiên nhiên, nơi những sự kiện, nơi những nền văn hóa và nơi những tôn giáo khác, cách đặc biệt trong Thánh Kinh, trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể, trong cầu nguyện và nguyện gẫm. Mục đích cuối cùng là hiệp nhất nên một cộng đoàn quanh Ngôi Lời của Thiên Chúa, và chia sẻ với người khác trong tình yêu.
Chúa Thánh Thần
Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần được sai đến, Tin Mừng bắt đầu lan tràn trên khắp thế giới, liên kết con người của mọi ngôn ngữ và quốc gia trong một gia đình và ngôn ngữ của niềm tin. Để sự hiệp nhất này trở nên hiện thực, những thành viên Dòng Ngôi Lời thánh hiến chính bản thân họ cho Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn đưa họ đến những nơi thiếu vắng niềm tin và đến với những người sống bên lề xã hội.
“Bởi lẽ mọi hoạt động truyền giáo tự bản chất là công việc và là sự tỏ hiện của Chúa Thánh Thần, chúng ta hoàn toàn tự đặt mình cũng như Hội Dòng của chúng ta dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Người, ánh sáng của Người giúp chúng ta hiểu được Tin Mừng, biết nhận định các dấu chỉ của thời đại và như thế chúng ta nhận ra được ý của Thiên Chúa. Sức mạnh của Người giúp chúng ta trở nên những người cộng tác và những nhà truyền giáo trung thành của Ngôi Lời.” (Hiến pháp S.V.D., số 105)
Cộng đoàn
Vì ý thức rằng Chúa Ba Ngôi “là cội nguồn, là nguyên mẫu và là sự hoàn thiện của mọi cộng đoàn nhân loại,” nên tính cách quốc tế là đặc điểm nổi bật của đặc sủng Dòng Ngôi Lời và qua đó làm chứng cho tính cách phổ quát của Giáo Hội và cho sự hiệp nhất của tất cả mọi người theo nguyên mẫu Ba Ngôi. Các thành viên trong cộng đoàn huynh đệ Ngôi Lời, dù khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc nhưng tự nguyện nối kết như anh em để cùng nhau trở nên một dấu chứng sống động về tính cách hợp nhất trong sự khác biệt. “Nhất tâm trong đa diện” là phương châm sống của mọi cộng đoàn tu sĩ Ngôi Lời.
Truyền giáo
Thánh Arnold Janssen từng nói : “Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất.” Truyền giáo đối với các tu sĩ Ngôi Lời khởi đi từ sự lắng nghe Lời, cộng tác và trở nên chứng nhân của Ngôi Lời, cũng như làm chứng cho Nước Trời :
“Chính nhờ sự lắng nghe và sống Lời Chúa mà chúng ta trở nên những người cộng sự của Ngôi Lời. Làm chứng nhân bằng cuộc sống Kitô chân chính trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn, đó là bước đầu tiến tới việc thực hiện công cuộc phục vụ truyền giáo của chúng ta. Người ta phải nhận ra được rằng chúng ta quả là những người đã cảm nghiệm được trong đời sống riêng của chúng ta Nước Trời mà chúng ta loan truyền.” (Hiến pháp S.V.D., số 106)
Linh đạo Ngôi Lời đòi hỏi các nhà truyền giáo sẵn sàng dấn thân ra đi đến bất cứ nơi đâu mà nhu cầu rao giảng Tin Mừng đòi hỏi :
“Chúng ta hoạt động trước hết và nhất là ở những nơi mà Tin Mừng chưa hề được rao giảng hoặc chưa được rao giảng cho đủ và ở những nơi mà Giáo Hội địa phương chưa tự lực sống vững được. Những công việc khác cần phải tùy thuộc vào mục đích chính này. Bất cứ ai muốn gia nhập Hội Dòng của chúng ta phải sẵn sàng đi bất cứ nơi nào mà Bề trên sai họ tới để chu toàn sứ vụ thừa sai của chúng ta, cho dù việc bổ nhiệm này đòi phải rời bỏ quê hương xứ sở, tiếng mẹ đẻ cũng như nền văn hóa của mình. Sự sẵn sàng này là đặc điểm chính của ơn gọi truyền giáo của chúng ta. Các anh em trong Hội Dòng luôn có quyền tự nguyện đi truyền giáo tại một quốc gia khác hoặc một nền văn hóa khác.” (Hiến pháp S.V.D., số 102)
Tóm lại, linh đạo của Dòng Ngôi Lời hướng dẫn các tu sĩ của Dòng quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa Cha trong Ngôi Lời và trong Thánh Thần của Ngài nhằm “làm sáng tỏ lời ban sự sống” và làm tỏ hiện sự tốt lành của Thiên Chúa trong đời sống và công việc phục vụ ở những nơi Tin Mừng chưa được rao giảng hoặc chưa được rao giảng đủ.
3. Tỉnh Dòng Ngôi Lời – Giuse Việt Nam
Cột mốc lịch sử chính ghi dấu sự hiện diện của Dòng Ngôi Lời tại Việt Nam là ngày 19 tháng 03 năm 1998 khi Dòng Thánh Giuse chính thức được sát nhập vào Dòng Ngôi Lời và trở thành Tỉnh Dòng Ngôi Lời – Giuse Việt Nam. Theo thời gian
Tỉnh Dòng không ngừng lớn lên trong bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa.
Tỉnh Dòng Ngôi Lời – Giuse Việt Nam hiện có 160 thành viên kể từ Tập sinh cho đến Khấn trọn và đang làm việc trên nhiều Giáo phận, tỉnh thành trong cả nước. Dòng cũng đã gửi gần 100 thành viên đi truyền giáo, làm việc và học tập khắp nơi trên thế giới.
Tỉnh Dòng cũng được chia thành nhiều hạt, mỗi hạt gồm nhiều cộng đoàn.
- Trụ sở chính của Dòng : số 10 Võ Thị Sáu, Nha Trang, Khánh Hòa.
- Trụ sở hai : số 5 Chử Đồng Tử, phường 7, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
Những hoạt động mục vụ của Tỉnh Dòng
- Mục vụ cho dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa
- Mục vụ giáo xứ, di dân
- Mục vụ giới trẻ và sinh viên
- Mục vụ tông đồ Thánh Kinh
- Chăm sóc và hướng nghiệp cho Trẻ Em Mồ Côi
Số Sinh viên theo học tại Trung tâm Học vấn Đa Minh (từ 2002) : 29 anh em.