(Thuộc Giáo phận Vĩnh Long)
Thông tin tổng quát
Sáng lập : Hai cha thừa sai Gernot và Ritter, tại Cái Nhum, năm 1870.
Đặc sủng : Trợ giúp hàng giáo sĩ trong việc truyền giáo.
Bổn mạng : Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ.
Linh đạo : Sống như muối như men.
Công tác tông đồ đặc thù : Dạy Giáo lý.
Lược sử
Được gợi hứng từ tổ chức thầy giảng của các nhà thừa sai tại Việt Nam thế kỷ XVI – XVII, cha Gernot (MEP) và cha Ritter (MEP) đã thành lập một tổ chức Thầy giảng tại vùng đất Cái Nhum vào năm 1870. Ơn gọi này được mô phỏng theo ơn gọi của 72 môn đệ được Đức Giêsu kêu gọi trong Phúc Âm thánh Luca.[1]
Ngày 24/01/1924, tổ chức Thầy Giảng Cái Nhum chính thức được Thánh bộ Truyền giáo công nhận với một danh hiệu mới là “Hội Dòng Sư Huynh Giáo Lý Công Giáo.” Ngoài mục đích truyền giáo, Hội Dòng còn có thêm một công tác khác là dạy học tại các trường Công Giáo. Vì là một Hội Dòng thuộc quyền Giáo phận nên khi Giáo phận Vĩnh Long được thành lập (1938), Hội Dòng tất yếu thuộc quyền các Giám mục Giáo phận Vĩnh Long. Tuy nhiên, hoạt động của Hội Dòng vẫn được trải rộng trên 4 Giáo phận tách ra từ Giáo phận Đàng Trong là : Sài Gòn, Vĩnh long, Mỹ Tho và Đà Lạt.
Có thể nói thời gian từ 1924 đến 1975 là giai đoạn phát triển cực thịnh của dòng. Đức Giám mục tiên khởi của Vĩnh Long đã ban quyền tự trị cho dòng vào năm 1938. Ngài cũng đã gửi các tu sĩ đến học ở học viện của dòng Xitô Mỹ Ca, Phước Sơn. Một số khác được Bề trên gửi ra nước ngoài học tập. Xuất phát từ nhu cầu mục vụ cũng như việc cử hành các Bí tích trong dòng, Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục đã truyền chức Linh mục cho tu sĩ Michel Nguyễn Văn Lực vào tháng 08 năm 1953.
Từ đó đến nay, Hội Dòng luôn có một vài Linh mục để thi hành mục vụ và cử hành các Bí tích.
Năm 1955, cha Michel Nguyễn Văn Lực đã triệu tập Đại hội toàn dòng. Đại hội này đã tu chính Hiến pháp và đổi tên là Dòng Kitô Vua.
Trong hai thập niên 1950 và 1960, nhân sự của dòng phát triển khá nhanh. Năm 1963, dòng có 50 tu sĩ, 5 tập sinh và 130 đệ tử. Nhà chính tại Cái Nhum được nâng cấp và xây thêm nhiều nhà mới. Dòng cũng mở thêm các cơ sở, trường học tại các Giáo phận Vĩnh Long, Sài Gòn và Đà Lạt. Về công tác truyền giáo, các Sư huynh Kitô Vua đã lập hàng trăm xứ đạo mới, dạy giáo lý và rửa tội cho cho hàng ngàn tân tòng.[2] Khía cạnh nổi bật và chính yếu nhất của ơn gọi Dòng Kitô Vua là dạy giáo lý.
Trụ sở chính của hội dòng hiện nay ở tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Một cộng đoàn Học viện tại thành phố Hồ Chí Minh. Một nhà khách tại Bãi Dâu, Vũng Tàu. Một cộng đoàn hưu dưỡng tại trung tâm hành hương Fatima, Vĩnh Long. Năm 2004, Hội Dòng bắt đầu gửi các tu sĩ của mình đến học tại Trung tâm Học vấn Đa Minh (Gò Vấp).
[1] Xc. Lc 10, 1-12.
[2] Xc. Kỷ yếu dòng Kitô Vua, Nhà in Long Hồ, 1963, trang 82.
Xem thêm bài viết: Giới thiệu các dòng tu tại Việt Nam