[Giới Thiệu Dòng Tu] Dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo

05-02-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 5067 lượt xem

Fraternité de la Vierge des Pauvres – F.V.P

Công cuộc cập nhật hóa đời đan tu tại các Giáo Hội phương Tây sau Thế chiến thứ hai, đã được tiến hành theo hai xu hướng khác nhau. Xu hướng truyền thống, tìm trở về nguồn đời sống đan tu mà vẫn giữ nguyên hình thái đan viện lớn, không giới hạn sĩ số. Tiêu biểu nổi bật là đan viện Xitô nhặt phép Giếtsimani, được phát huy mạnh mẽ bởi cha Thomas Merton tại bang Kentucky, Hoa Kỳ. Xu hướng thứ hai được gọi là cải cách, cũng tìm trở về nguồn, nhưng là nguồn Phúc Âm, thích nghi ơn gọi bằng việc biến cải cơ cấu của đan viện cổ truyền thành Huynh đoàn nhỏ, với sĩ số mỗi cộng đoàn chỉ gồm ít người.

Dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo, theo xu hướng cải cách này, đã được sáng lập do cha Ermin de Clerck, xuất thân từ một Đan viện Biển Đức ở Bỉ. Cha đã gầy dựng cộng đoàn đầu tiên của Dòng mới tại thôn Bourricos, thuộc Giáo phận Aire và Dax, mạn Tây Nam nước Pháp, từ đầu năm 1956.

Đấng sáng lập

Linh mục Ermin de Clerck sinh ngày 10/03/1914, trong một gia đình gồm 11 anh chị em, ngài là con áp út trong gia đình. Ngay từ bé, ngài đã ảnh hưởng nền giáo dục đạo đức của cha mẹ nên muốn trở thành một tu sĩ và đã xin gia nhập Dòng Biển Đức Mont-César, Bỉ. Năm 1950, cha Ermin được bề trên chấp thuận cho thử nghiệm trong một cộng đoàn mới tại Wavremont (Pháp). Sau một thời gian thử nghiệm, với sự giúp đỡ của cha Dom Winandy và cha Vollaume, cha Ermin đã khai sinh Hội Dòng mới tại thôn Bouurricos thuộc Giáo phận Aire và Dax, mạn Tây nước Pháp với đường hướng đan tu, tổ chức Hội Dòng như một cộng đoàn nhỏ, sống đời huynh đệ Phúc Âm, yêu mến cầu nguyện và lao động bình dân, lấy tên gọi Dòng Đức Mẹ Người Nghèo. Năm 2002, sau khi đã nghỉ hưu, cha Ermin qua Việt Nam và sống tại đây được 7 năm. Ngày 26/06/2009 ngài được Chúa gọi về.

Tên gọi Đức Mẹ Người Nghèo

Đây là tước hiệu của một trong các nhóm nhỏ tu sĩ nam nữ, thuộc trào lưu canh tân đời tu trong Giáo Hội sau Thế chiến thứ II, nghĩa là thời những năm 1950.

Chiến tranh thế giới thứ II đã xảy ra từ năm 1939-1945, giết chết mấy chục triệu người dân Âu, Mỹ, Phi và Á, tàn phá hủy diệt hàng ngàn thành phố. Vì là chiến tranh toàn diện, nên các nước trong cuộc đều đã tổng động binh, các Linh mục, tu sĩ đều phải ra trận.

Sau chiến tranh, những người sống sót trong hàng tu sĩ đã bị sốc mạnh bởi những kinh nghiệm đau thương sau chiến tranh, sự tàn phá các công trình lớn, kể cả thánh đường, tu viện lâu đời và giết hại vô số người vô tội. Chúa Thánh Thần đã soi sáng, phát động một phong trào canh tân Giáo Hội, trong đó các nhóm tu sĩ nam nữ tìm cách xây dựng lại ơn gọi tu Dòng bằng việc trở về nguồn tám mối phúc thật của Tin Mừng.

Việc canh tân đời tu hậu Thế chiến thứ II được đánh dấu bởi các cộng đoàn nhỏ, thay vì các tu viện ; tổ chức nếp sống nặng tình anh em, thay vì phân cấp nhấn mạnh trên dưới, vốn là hệ thống của các tu viện lớn cổ truyền.

Theo truyền thống lâu đời, các Dòng tu được dâng kính cho Đức Mẹ đều chọn Đức Maria làm Mẹ, làm Quan Thầy. Danh hiệu Đức Mẹ Người Nghèo mà cha Ermin đặt cho Hội Dòng bắt nguồn từ sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Banneux (Bỉ) và đã tự xưng mình là Mẹ Người Nghèo, năm 1933.

Ý nghĩ thiêng liêng của việc lấy danh hiệu Đức Mẹ Người Nghèo, cốt nhất là tình liên đới thiết thực của đời sống dâng hiến trong cộng đoàn, đối với người nghèo. Tình liên đới vừa theo tinh thần Tám mối phúc thật của Tin Mừng, vừa theo các nhu cầu xã hội của các dạng người nghèo, đang đặt ra cho Giáo Hội và cho các Dòng Tu.

Khó nghèo, vì thế trở thành mô thức nền tảng, bao trùm cách tổ chức đời sống ơn gọi của cộng đoàn. Về nội bộ, khó nghèo thể hiện trong phương thức xây dựng những cộng đoàn nhỏ bé, ít người, với cơ sở vật chất đơn giản, nhẹ nhàng, bình dân.

Về quan hệ với xã hội, khó ngèo thể hiện trong cách quan tâm, ưu tiên gần gũi, hữu ích cho các thành phần nghèo dưới dạng khác nhau : kinh tế, văn hóa, tinh thần, v.v., tóm lại là thành phần bất hạnh trong xã hội.

Tôn chỉ mục đích

Dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo tiếp tục ơn gọi bán chiêm niệm, thích nghi cấu trúc với hoàn cảnh mới của thế giới người nghèo, nên thường được thiết lập tại môi trường xã hội bình dân, gần gũi người nghèo, người bất hạnh. Mục đích của Dòng là thực tập ơn gọi chuyên nguyện qua mọi sinh hoạt đời thường tại nhà và giữa xã hội, theo những đòi hỏi luôn luôn mới của Phúc Âm Chúa Giêsu đối với mọi người, cách riêng với thành phần bất hạnh. Phương châm : “Vì Chúa Giêsu và đạo Phúc Âm của Ngài.”

Hoạt động

Theo truyền thống đan tu, Dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo không có công trình xã hội. Mỗi anh em theo khả năng, phục vụ những người nghèo sau khi đã tuyên khấn. Ưu tiên những mảnh đời bất hạnh trong ngành công tác xã hội, giáo dục, y tế.

Dòng Đức Mẹ Người Nghèo tại Việt Nam

Song song với việc học ở ngoại quốc, nhiều vị hiện đang là thành viên trong Dòng đã được tiếp xúc với Đấng sáng lập, được sinh hoạt với cộng đoàn và cảm nhận linh đạo Dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo thích hợp với con người và tính cách của mình, vì thế, các vị đã xin chuyển và trở thành thành viên của cộng đoàn những năm 1960. Dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo hiện diện tại Việt Nam năm 1970 do hai cha Bảo Tịnh Vương Đình Bích vốn là đan sĩ của Dòng Xitô Phước Lý (Đồng Nai) và cha An Sơn Vũ Hữu Vị, đan sĩ thuộc Dòng Biển Đức Thiên Hòa (Huế) khởi xướng, các ngài đã thực tập sống đời sống bình dị như những con người bình thường khác để hòa vào đời sống còn nhiều thiếu thốn của dân nghèo, và sống tương quan thân thiết với những người lương dân.

Ở Việt Nam, hiện có hai cơ sở, đều tọa lạc trong Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh. Cũng theo phương châm của đấng sáng lập, việc hoạt động tông đồ tại Việt Nam cũng nhấn mạnh tới những con người bất hạnh trong xã hội như : giúp đỡ những người nghèo, chương trình học bổng cho những em sinh viên, học sinh nghèo vượt khó có hoàn cảnh khó khăn, v.v..

Anh em sinh viên học tại Học Viện Đa Minh

Dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo vốn là một Dòng nhỏ với số lượng khiêm tốn nên số sinh viên theo học tại học viện cũng khá mỏng. Năm đầu tiên anh em được bước vào Trung tâm Học vấn Đa Minh là năm 2001, năm ấy có 3 sinh viên và tốt nghiệp năm 2007. Đó là bước khởi đầu cho sự hòa nhập trong môi trường học vấn Triết học cũng như Thần học của anh em Dòng Đức Mẹ Người Nghèo. Nơi đây không chỉ là nơi thụ huấn kiến thức mà còn là môi trường giao lưu với các Dòng khác để hiểu được sự đa dạng trong ơn gọi cũng như hiểu biết sự phong phú về linh đạo của các Dòng tu. Hiện tại Dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo có hai sinh viên đang theo học tại Học viện : Triết I và Thần II.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com