Giấc Mơ Vì Người Nghèo Được Thành Toàn Cách Không Ngờ

07-12-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3032 lượt xem

Tim Puet

Kevin Paul Kennedy hiện là một tu huynh Dòng Đa Minh, thuộc Tỉnh dòng thánh Giuse, Hoa Kỳ. Thầy đã từng ước mơ được điều hành một nhà hàng và có thể cung cấp những bữa ăn bổ dưỡng cho nhiều người mỗi ngày. Giờ đây, thầy Paul đang dần thực hiện được ước mơ đó, nhưng trong một cách thức thầy chưa bao giờ nghĩ tưởng đến. Vào những ngày cuối tuần, vị tu sĩ này đã dành công chuẩn bị các bữa ăn để chăm sóc cho hơn 300 người nghèo thông qua tổ chức The Holy Family Soup Kitchen ở Columbus, Hoa Kỳ.

“Đối với tôi, điều quan trọng nhất khi kinh doanh nhà hàng chính là có được cơ hội gặp gỡ mọi người cũng như có thể chăm lo cho họ. Tôi đã dành nhiều năm kinh doanh nhà hàng và cố gắng tập trung vào việc quản lý cũng như điều hành, nhưng cuối cùng, tôi nhận ra, mọi việc chẳng đi đến đâu, vì thế, tôi đã từ bỏ và bắt đầu một công việc khác”, Paul Kenny chia sẻ. “Nhưng tất cả những gì tôi làm trong quá khứ đều tập trung vào các dịch vụ. Giờ đây, khi làm việc trong tổ chức từ thiện này [The Holy Family Soup Kitchen], tôi có cơ hội thực sự để thực hiện ước mơ thuở trước của mình, cũng như làm quen được với những người mà tôi phục vụ và xây dựng được mối quan hệ thân thiết, thấu hiểu với họ. Tôi yêu thích việc trò chuyện với họ, học nhớ tên của họ, lắng nghe và thấu hiểu những câu chuyện họ kể tôi nghe.”

Sau một năm tu tập tại tu viện St. Gertrude (Cincinnati) và năm năm theo học tại Học viện Tỉnh dòng tại Washington, thầy Paul chuyển đến sống tại Columbus từ năm 2013. Ngay từ khi đến đây, thầy đã tham gia phục vụ trong tổ chức The Holy Family Soup Kitchen. Tổ chức này, được linh mục Francis Schweitzer thành lập vào cuối thập niên 1970, đã phục vụ và hỗ trợ những người vô gia cư cũng như những gia đình có thu nhập thấp trong suốt hơn bốn thập kỷ qua.

Sau khi vị điều hành đương nhiệm của tổ chức qua đời, thầy đã được chọn để thay thế. Trong cương vị Giám đốc điều hành, thầy nói với các nhân viên của tổ chức:

“Những người này [người vô gia cư và gia đình có thu nhập thấp] chính là người thân cận, chứ không phải là những dữ liệu để nhập vào các báo cáo. Tuy đôi lúc thật khó để có thể nhìn ra và thấu hiểu được những nỗi đau khổ của họ, nhưng tôi luôn tự nhủ, họ chính là hình ảnh của Chúa Giêsu, và khi chúng ta phục vụ họ chính là lúc chúng ta phục vụ Chúa Giêsu.”

Khi nói về ơn gọi sống đời tận hiến của mình, thầy kể:

“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ đi tu. Gia đình chúng tôi không thuộc giáo xứ St. Gertrude (Cincinnati) được các tu sĩ Đa Minh chăm lo mục vụ. Nhưng chúng tôi đã từng ghé vào đó đôi lần để tham dự thánh lễ. Giáo xứ này, hàng tuần, đều có thánh lễ lúc 6 giờ chiều Chúa nhật. Vì thế, mỗi khi sinh hoạt Hướng đạo về trễ, chúng tôi đều ghé vào để dự lễ. Một lần nọ, khi vừa dự lễ xong, cha tôi hỏi tôi nghĩ gì về việc sẽ trở thành một linh mục. Như nhiều người trẻ khác, tôi trả lời ngay với cha, ‘Tại sao con phải đi tu?’ Nhưng sau đó, tôi nói, nếu như tôi đi tu, thì nơi tôi ở phải là một nơi như nhà thờ St. Gertrude; thậm chí, tôi còn không nghĩ đến việc mình thích hợp với việc dâng thánh lễ. Tôi thích một cuộc đời dâng hiến mà ở đó, tôi vẫn là một người bình thường và có thể dành thời gian để gặp gỡ người khác. Vài năm sau đó, điều đó đã xảy ra.”

Việc kinh doanh của thầy cuối cùng gặp thất bại. Nhờ đó, thầy nhận ra mình cần phải thay đổi đời sống của mình. Tuy nhiên, sự thay đổi ban đầu cũng không khá hơn gì, khi công việc thầy chọn lại là đi thu nợ. Cuộc đời của thầy chuyển hướng khi thầy được tổ chức The Hamilton County Job and Family Services Department thuê để góp phần xây dựng đời sống hạnh phúc cho nhiều người. Sau đó, thầy lại chuyển sang làm việc cho tổ chức Jewish Vocational Services of Cincinnati, với trách nhiệm giúp đỡ những người bị thiểu năng trí tuệ. Vì đã từng có dịp làm việc với Ban Mục vụ Giới trẻ tại nhà thờ St. Gertrude trước đó, nên, thầy được giao trách nhiệm trợ giúp các Trung tâm Tĩnh tâm dành cho học sinh trung học. Về những cảm nghiệm trong giai đoạn này, thầy chia sẻ:

“Đây thực sự là một công việc khiến tôi rất hài lòng. Chính đây là lúc mà cuộc đời của tôi thực sự thay đổi. Trong một lần xưng tội nọ, đột nhiên, tôi nghe như có một tiếng nói vang vọng trong tâm mình, như thể đó là tiếng nói của Chúa, ‘Ta muốn con cho ta hết những gì con có, và Ta muốn con trở thành một tu sĩ’”.

Từ đó, thầy bắt đầu chuẩn bị những gì cần thiết để theo đuổi tiếng gọi đó. Vào năm 2007, sau khoảng một năm rưỡi chuẩn bị, thầy đã được trao tu phục Đa Minh và tuyên khấn giữ ba lời khuyên Phúc Âm: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Thầy đã chọn theo đuổi ơn gọi Đa Minh ở bậc trợ sĩ. Và việc thầy trở thành một trợ sĩ không chỉ có ý nghĩa quan trọng riêng với thầy, mà còn đối với cả Tỉnh dòng thánh Giuse, bao gồm các bang vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, kéo dài xuống Virginia, Ohio, Kentucky và Kenya. Thầy Paul là trợ sĩ đầu tiên hoàn thành tiến trình đào tạo sau năm tập ở Tỉnh dòng trong suốt 41 năm qua. Vị tu huynh trẻ tuổi nhất của Tỉnh dòng đã hoàn thành tiến trình trên cũng đã 73 tuổi. Hiện tại, Tỉnh dòng này chỉ có sáu tu huynh, ba trong số này đang tiếp tục theo học sau giai đoạn tập sinh, cùng với 234 linh mục và ba giám mục.

“Là trợ sĩ, chúng tôi chia sẻ và cộng tác với sứ vụ của các Linh mục. Chúng tôi tham dự vào sứ vụ giảng thuyết của Dòng bằng chứng tá hơn là từ tòa giảng. Đó chính là sứ mạng của tôi tại bếp ăn từ thiện.”

Là một tu sĩ Đa Minh, thầy đã chọn tên thánh Paul – Phaolô, được tách ra từ tên khai sinh của mình. Thầy đã chọn tên này để tưởng nhớ ông cố của thầy, vì đây cũng là tên gọi của ông. Mặt khác, từ Paulus trong tiếng Latin có nghĩa là nhỏ bé, và thầy Paul thì cao chưa quá năm feet (tức cao khoảng 1,5m). Thầy lạc quan cho rằng, đôi khi chính những điều đó khiến cho thầy dễ gần hơn với nhiều người thuộc mọi lứa tuổi.

Thầy Paul thường dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng các bạn trẻ, nhất là những bạn đang phân vân trong việc lựa chọn sống đời tận hiến. Thầy khuyên họ:

“Hãy cầu nguyện cho điều đó. Hãy mở rộng trái tim để có thể lắng nghe được tiếng Chúa. Nếu bạn thực hiện điều Chúa muốn bạn làm, bạn sẽ cảm thấy được bình an. Bạn phải dùng chính khả năng của mình để phục vụ Thiên Chúa.”

Quốc Trọng lược dịch
từ Tim Puet, “A dream of feeding hundreds daily is being fulfilled in an unexpected way,” Catholic Times (21/10/2018), tr. 7

LỜI BẠT CỦA NGƯỜI DỊCH

Tháng 10 vừa qua, tại Vatican, đã diễn ra Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới với chủ đề: “Người trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”. Các nghị phụ đã dành nhiều thời gian để lắng nghe những thao thức của người trẻ ngày hôm nay, và cùng nhau lựa chọn những cách thế hữu hiệu để giúp người trẻ phân định ơn gọi của mình. Vì thế, mẫu gương của thầy Kevin Paul Kennedy, OP. thuộc Tỉnh dòng thánh Giuse (Hoa Kỳ) thật đáng được học hỏi.

  • Trước hết, thầy là một người trẻ. Thầy đã dành phần lớn tuổi trẻ của mình để loay hoay đi tìm lý tưởng sống. Nhưng cuối cùng, thầy đã nhận ra được tiếng Chúa gọi, và đã can đảm bước theo tiếng gọi ấy.
  • Điều gì giúp thầy có thể biết mình đã lựa chọn đúng khi trở thành một tu sĩ dòng Đa Minh? Đó chính là sự bình an. “Nếu bạn thực hiện điều Chúa muốn bạn làm, bạn sẽ cảm thấy được bình an”. Vì thế, với người trẻ, đừng nên tìm kiếm những sự ổn định nhất thời, mà hơn hết, cần xác định xem, “Tôi có thực sự bình an khi sống cuộc đời đó?”. Nếu câu trả lời là có, cuộc đời đó là cuộc đời Chúa muốn nơi bạn.
  • Phân định ơn gọi là một tiến trình gian nan, cần phải cầu nguyện nhiều. Vì thế, với kinh nghiệm cá nhân của mình, thầy đã khuyên các bạn trẻ phải cầu nguyện liên lỉ. Chính việc cầu nguyện là phương thế hữu hiệu nhất để người trẻ có thể nghe được tiếng Chúa, và tìm kiếm được bình an đích thực.
  • Tuy nhiên, trước khi người trẻ lựa chọn sống đời tu trì, hôn nhân hay độc thân giữa đời, họ phải sống ơn gọi Kitô hữu tại khu xóm, trường học, hay bất cứ đâu họ đặt chân đến. Làm sao họ có thể sống trọn ơn gọi đó? Thầy Paul cho họ một gợi ý: “Bạn phải dùng chính khả năng của mình để phục vụ Thiên Chúa”. Phục vụ Thiên Chúa là phục vụ người thân cận. Ai là người thân cận? Trong sứ vụ của thầy, họ là những người vô gia cư, là những gia đình nghèo khổ. Còn người trẻ hôm nay, ai là người thân cận với họ?

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com