[Chúa Nhật I Mùa Vọng C] “Đứng Thẳng và Ngẩng Đầu” Để Đón Chúa

01-12-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1540 lượt xem

(Gr 33, 14-16; 1 Tx 3, 12 – 4, 2; Lc 21, 25-28.34-36)

Hôm nay, cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta bước vào một năm phụng vụ mới. Chu kỳ của năm phụng vụ, với các mùa nối tiếp nhau, nhắc nhở các Kitô hữu ý thức nhịp điệu của thời gian, ý thực sự khởi đầu và kết thúc của vũ trụ tạo thành này. Thiên Chúa chính là Chủ tể của thời gian, là căn nguyên và cùng đích của thế giới hữu hạn, bất toàn, trong đó nhân loại là những lữ khách đang trên con đường tiến về Vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Thiên Chúa là Đấng dựng nên muôn loài và đặt chúng dưới sự quan phòng kỳ diệu của Người. Lời Chúa trong suốt năm Phụng vụ sẽ giúp cho các tín hữu hiểu điều ấy.

– Trước hết, các bài đọc Cựu Ước dẫn chúng ta đi suốt dòng lịch sử của dân Israel, để nhận biết Thiên Chúa, Đấng đã bước lịch sử của nhân loại và hướng dẫn con người qua các ngôn sứ.

– Tiếp đến, các bài đọc Tin Mừng trình bày khuôn mặt Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, Đấng là trung tâm quy hướng của toàn thể vũ trụ và lịch sử nhân loại.

– Cuối cùng, các bài đọc Sách Thánh dẫn đưa chúng ta vào mầu nhiệm Hội thánh, Đức Kitô tiếp tục sự hiện diện của Người với nhân loại qua dấu chỉ bí tích, cho đến ngày Người đến lần thứ hai.

* * *

Trở lại với các bài đọc Lời Chúa hôm nay. Khởi đầu cho Mùa vọng, cả ba bài đọc chưa tập trung ngay vào mầu nhiệm Giáng sinh, mà vẫn tiếp tục nối dài ý nghĩa của lễ Chúa Kitô Vua. Đặc biệt, bài Tin Mừng của thánh Luca đưa ra những lời tiên báo về ngày Đức Giêsu quang lâm, cùng với những lời khuyên liên quan đến cách thế sống đức tin của người Kitô hữu.

Nội dung của bài Tin Mừng được chia làm hai phần.

– Phần thứ nhất, Đức Giêsu nói đến những dấu chỉ của ngày cánh chung. “Sẽ có những điềm lớn trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét.” Nếu như quá chú ý đến những sự việc được mô tả trên đây, chắc chắn người ta sẽ không khỏi kinh ngạc và khiếp sợ. Thực ra, đây chỉ là một hình thức văn chương khải huyền khá quen thuộc của truyền thống Hípri để nhấn mạnh rằng thế giới vốn được Thiên Chúa thiết lập trong hoà bình, trật tự, đang chịu thử thách và đe doạ bởi sự dữ. Đó là hệ quả của việc con người từ chối sống theo đường lối của Thiên Chúa. Nhưng, Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử của nhân loại để tái tạo một thế giới mới. Ngôi Lời làm người, để chúng ta được giao hoà với Thiên Chúa và nhân loại được tiến bước trong một lịch sử mới, lịch sử của ơn cứu độ và giải thoát. Lịch sử mới ấy, ngôn sứ Giêrêmia đã tiên báo, mà chúng ta vừa được nghe trong bài đọc I: Trong những ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Giê-ru-sa-lem sẽ an cư lạc nghiệp.”

– Phần tiếp theo của bài Tin Mừng nêu lên một cung cách sống đức tin đích thực của người Kitô hữu: “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên.” Đón nhận đức tin, bước theo Đức Kitô, là trở nên một thụ tạo mới của Thiên Chúa. Điều này bao hàm rằng người Kitô hữu không thể tiếp tục sống như trước đây, nhưng phải hoán cải toàn diện, nghĩa là để cho ân sủng của Chúa biến đổi cuộc đời mình trong một tương quan mới với Thiên Chúa và với tha nhân. Đón nhận ơn đức tin, là trở nên những con người của tự do trong ân sủng, các Kitô hữu không còn sợ hãi trước những đe doạ của quyền lực sự dữ. Hơn nữa, họ được kêu gọi tham gia vào công cuộc làm biến đổi nhân loại, một công cuộc đã được khởi đầu nơi Đức Giêsu và sẽ được hoàn tất khi Con Người đến lần thứ hai. Trong bài đọc hai, thánh Phaolô đã tha thiết cầu xin cho các tín hữu Thexalônica luôn sống xứng đáng với ơn Thiên Chúa kêu gọi: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết.”

* * *

Những dấu chỉ của thời cánh chung được mô tả trong bài Tin Mừng là lời nhắc nhở cho chúng ta chú ý đến thực trạng của thế giới hôm nay. Con người thực sự đang tận hưởng cuộc sống vật chất với những thành quả mình làm ra nhờ khoa học và kỹ thuật phát triển. Nhưng kèm theo đó, hàng ngày người ta cũng lại chứng kiến biết bao những sự dữ đang hoành hành thế giới này. Thật đáng tiếc, nguồn gốc của sự dữ ấy lại đến từ chính những động lực tham lam của con người. Chiến tranh ở Trung đông với nhiều phe phái và quốc gia tham chiến, những hành động khủng bố hàng hoạt của các nhóm Hồi giáo quá khích vẫn đang tiếp tục ở khắp nơi. Những bất công, tệ nạn tham nhũng, quyền con người không được tôn trọng, sự phân hoá giàu nghèo vẫn đang diễn ra hằng ngày trong xã hội Việt Nam.

Hơn lúc nào hết, người Kitô hữu được mời gọi trở nên chứng tá cho thế giới hôm nay về niềm hy vọng rằng: sự dữ sẽ bị đẩy lùi và sự thiện sẽ toàn thắng. Thế giới này được tạo dựng không phải để cho con người tồn tại trong sự xâu xé lẫn nhau, trong sự mâu thuẫn và tranh dành quyền lợi, nhưng là để cùng nhau chung sống hoà bình, cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng, văn minh. Góp phần làm làm cho bộ mặt thế giới trở nên tốt hơn là bổn phận gắn liền với ơn gọi Kitô hữu.

Nhưng điều gì thực sự sẽ làm cho thế giới này biến đổi? Lát nữa đây, sau lời truyền phép, cộng đoàn sẽ tuyên xưng: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến.” Đây chính là lời công bố của Hội thánh cho thế giới: Đức Giêsu Kitô là nguồn sống, là sức mạnh đang làm biến đổi thế giới này. Ước gì chúng ta có thể sống niềm xác tín ấy một cách cụ thể, có nghĩa là mỗi ngày trở nên giống Chúa Kitô hơn trong thái độ, lời nói, hành động và cung cách sống của mình. Đó cũng chính là cung cách “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” để đón chờ Chúa đến. Amen.

 

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com