Sống trên đời, ai cũng có ước mơ, hoài bão. Tuy nhiên, để những hoài bão, ước mơ đó trở nên hiện thực mà không bị mai một theo thời gian thì chúng ta phải bắt tay vào thực hiện. Chúng tôi cũng vậy, sau một năm được học tập, rèn luyện dưới mái nhà Thỉnh viện Đa Minh, chúng tôi đã có cơ hội thực tế để trải nghiệm và sống với ước mơ, hoài bão của mình.
Mang theo ước mơ và hoài bão của mình đến với giáo họ Quảng Phú – một mảnh đất trên đồi núi Tây Nguyên, hai anh em chúng tôi (Văn Thọ và Hoàng Tú) đã có một thời gian trải nghiệm vô cùng quý giá. Trên những con dốc quanh co, ngoằn nghèo uốn lượn theo sườn núi, trên những con đường đầy dẫy những ổ voi, ổ gà chúng tôi cần mẫn đến với các em thiếu nhi thôn 2 và thác 4 thuộc Giáo họ Quảng Phú. Nhiệm vụ của chúng tôi là sinh hoạt, tập hát, dạy kinh, giáo lý cho các em thiếu nhi người đồng bào dân tộc M’Nông (Thôn 2) và H’Mông (Thác 4). Dẫu rằng các em đã quen với việc sinh hoạt nhờ có hai anh em đến giúp tháng sáu, nhưng chúng tôi vẫn nhận ra vần còn có những e ngại của các em đối với những “người thầy” mới lạ. Nhận thấy điều đó, chúng tôi đã nhanh chóng tìm cách tiếp cận để xóa bỏ đi khoảng cách đó với các em. Mỗi sáng, chúng tôi sắp xếp thời gian công việc ở giáo họ để đến sớm hơn với các em, giúp các em dọn phòng, và trò chuyện với các em. Sau các buổi sinh hoạt, chúng tôi ở lại quét dọn, đóng cửa giúp các em. Nhờ những nỗ lực ban đầu đó, các em đã dần thân thiện hơn với chúng tôi. Những ánh mắt dò xét đối với các “Thầy mới” đã không còn nữa nhưng thay vào đó là cái nhìn thiện cảm và những cuộc trò chuyện vui vẻ với nhau.
Dù bước đầu khá thuận lợi như thế, nhưng chúng tôi vẫn có những trở ngại nhất định. Đó là sự khác biệt về ngôn ngữ và việc quy tụ thêm các em khác đến với các buổi sinh hoạt. Ngôn ngữ ở đây chủ yếu là tiếng M’Nông, H’Mông và Ê Đê. Ban đầu, không biết vì lý do gì nhưng các em, đặc biệt là các em H’Mông, rất ngại giao tiếp với chúng tôi bằng tiếng Kinh. Người anh em (Hoàng Tú) hoạt động trên đó phải mất rất nhiều nỗ lực và thời gian để có thể tiếp cận, gần gũi với các em. Hơn nữa, ở đây còn có rất nhiều em thiếu nhi hằng ngày vẫn đi chơi lang thang trên những con đường hoặc đi câu cá, nghịch bùn, nghịch nước trên những ruộng lúa của thôn. Ban đầu, để quy tụ các em khác, chúng tôi nhờ các em đã đi sinh hoạt rủ thêm bạn của mình và hứa sẽ tặng thưởng cho những ai rủ thêm được bạn đến. Tuy nhiên, cách thức đó thực sự không mang lại những kết quả đáng kể. Qua mỗi ngày, chỉ có thêm được đôi ba em đến thêm và sau đó, con số đã chững lại. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nhiều bạn trẻ nơi đây không thích đến sinh hoạt là vì các em vẫn còn thích chơi tự do, sợ bị “quản thúc” bởi người khác. Dẫu vậy, hai anh em chúng tôi vẫn không nản chí. Và cứ thế, mỗi buổi sáng chúng tôi đi sớm hơn so với thường lệ, chúng tôi rẽ vào các ngã đường của thôn, thuyết phục những em mà chúng tôi bắt gặp, cho bánh kẹo và mời gọi các em đến. Sau những buổi sinh hoạt, chúng tôi đến chơi và thăm một số gia đình và nhờ các bố mẹ khuyến khích động viên các em. Nhờ đó, con số các em ngày càng đông thêm. Các buổi sinh hoạt của chúng tôi mỗi ngày một đông đúc và nhộn nhịp hơn rất nhiều. Chúng tôi cảm thấy rất vui, dẫu vậy tự trong thâm tâm luôn thúc giục mỗi người chúng tôi vẫn phải nỗ lực nhiều hơn nữa – giống như tình yêu mà thánh Gioan Bosco đã dành cho người trẻ: “Yêu mến người trẻ mà thôi chưa đủ; hãy làm sao cho họ biết mình được yêu thương”.
Ngoài các buổi sáng đến với các em ở Thôn 2 và Thác 4, chúng tôi còn đảm nhận thêm một lớp học đệm đàn nhà thờ ở giáo họ từ hai anh em trước vào các buổi chiều. Tuy đó không phải là khả năng chuyên môn, nhưng sau một tháng, giáo họ cũng đã có thêm một số “tay đàn” để phục vụ thánh lễ. Đó là kết quả đáng mừng, vượt quá suy nghĩ và niềm mong ước của chúng tôi. Mỗi khi nhớ đến kết quả này tôi nhớ lại câu nói của ̣Thánh Phaolô: “Tôi trồng, anh Apolo tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên”. Bởi “hoa trái” đó cũng là nhờ những hy sinh của những người đi trước đã đặt nền móng cho các em. Chúng tôi chỉ là người cộng tác để Thiên Chúa cho những “hạt giống” đó mọc lên. Chúng tôi hy vọng các em sẽ tiếp tục nỗ lực luyện tập để trở nên những người có ích cho giáo họ.
Bên cạnh việc sinh hoạt và dạy học, chúng tôi còn được Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Thanh Phong tạo điều kiện cho anh em chúng tôi có cơ hội đến thăm những người nghèo và những người thiếu may mắn ở giáo họ, đặc biệt là ở những nơi mà chúng tôi phụ trách. Thật đúng là trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một tiếp xúc. Có lẽ bạn cũng sẽ rưng rưng nước mắt như tôi khi nhìn thấy và tiếp xúc với cuộc sống của những người dân tộc đồng bào ở nơi đây. Các em ở nơi đây rất hiếm khi mới có một bữa ăn sáng. Ba bốn đứa trẻ, đứa cầm thìa, đứa không có thìa dùng tay, chụm nhau vào một cái bát tô trộn lẫn cơm và canh, để ăn trưa là cảnh tượng đã đập vào mắt và in sâu vào tận tâm trí tôi từ lần đó. Một cảnh tượng mà chúng tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ có trong thời đại văn minh hiện đại. Chúng tôi ước mong có thể làm được một chút gì đó để giúp đỡ họ nhiều hơn. Nhưng điều kiện hiện tại và thời gian ngắn ngủi đã không cho phép chúng tôi ở lại lâu hơn với họ.
Trở về Thỉnh Viện nhưng chắc hẳn những hình ảnh con người và cuộc sống nơi đây sẽ luôn ở mãi trong tâm trí của chúng tôi. Và chắc hẳn rằng đây sẽ là động lực giúp chúng tôi nỗ lực hơn trong hành trình bước theo Chúa, sống yêu thương và phục vụ. Chúng tôi thầm cảm ơn những con người nơi đây đã âm thầm gửi tặng cho chúng tôi những bài học đắt giá mà có lẽ chúng tôi chưa bao giờ lĩnh hội một cách trọn vẹn – bài học về giá trị cuộc sống, tình yêu thương và lối sống chân chất với nhau. Cám ơn các em đã tặng cho các anh những chiếc vé để trở về với tuổi thơ – cái tuổi mà ai đã đi qua đều mơ ước được trở về…
Văn Thọ – Hoàng Tú
Nhóm sứ vụ tháng 7 tại Gh. Quảng Phú – Gp. Buôn Mê Thuột.