[Dòng Anh Em Giảng Thuyết] Ý Nghĩa Ngày 22/12/1216

22-12-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1656 lượt xem

Phan Tấn Thành

Xưa nay người ta (kể cả người đang viết) thường gọi ngày 22/12/1216 là ngày châu phê Dòng Giảng thuyết. Tuy nhiên, như đã trình bày trong buổi lễ khai mạc Năm Thánh (ngày 7/11/2015), ngày ấy không phải là “thành lập” (fundatio), cũng chẳng phải là “châu phê” (approbatio), mà chỉ là “xác nhận” (confirmatio).

A. Xác nhận

– Thật vậy, Dòng Giảng thuyết đã được “thành lập” từ lâu rồi. Ý định có lẽ đã nảy sinh khi đương đầu với nhóm Albigeois, và được thành hình với việc thành lập đan viện ở Prouilhe (1206), nơi mà cha Đa Minh bắt đầu quy tụ một số anh em. Trên pháp lý, theo cha M. H. Vicaire, Dòng được khai sinh vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4 năm 1215, khi đức giám mục Fulco ban cấp sứ vụ giảng thuyết cho cha Đa Minh và các đồng bạn, xét như là một cộng đoàn được quy tụ nhờ việc tuyên khấn trong tay vị thủ trưởng. Dĩ nhiên, năng quyền chỉ có giá trị trong giáo phận Toulouse. Cha Đa Minh muốn mở rộng tầm hoạt động, vì thế ngài tháp tùng giám mục sang Rôma để xin Đức Giáo hoàng xác nhận.

– Ước nguyện của cha đã bị Đức thánh cha Innocentê III khước từ, tiếp theo quyết nghị của công đồng Lateranô IV. Các sử gia không nhất trí trong việc giải thích thái độ của vị giáo hoàng. Rất có thể là ngài chỉ yêu cầu cha Đa Minh định nghĩa rõ rệt hơn quy chế pháp lý của Dòng, điều mà cha đã thực hiện khi trở lại Rôma năm sau, với bản tu luật thánh Augustinô và quy chế về nếp sống tu trì (lấy từ tập tục của dòng Xitô và dòng Prémontrés). Dù nói thế nào đi nữa, không có chuyện “châu phê” hiến pháp của Dòng vào năm 1216. Hiến pháp được soạn thảo muộn hơn (như sẽ nói dưới đây), và chưa bao giờ được Tòa Thánh châu phê cả.

– Sắc chỉ Religiosam vitam ngày 22/12/1216 “xác nhận” một số đặc ân và tài sản của Dòng. Một khi đã được Tòa Thánh xác nhận rồi, thì không sợ bị giám mục nào tước đoạt nữa. Tuy vậy, sắc chỉ ấy chưa bộc lộ căn tính của Dòng; vì thế cha Đa Minh muốn Tòa Thánh xác định rõ hơn nữa. Ngày 21/1/1217, một sắc chỉ mới, Gratiarum omnium largitori, nói rõ hơn rằng đây là dòng các praedicatores. Như vậy là danh hiệu đã được xác nhận. Từ nay, anh em đã nhận được đặc ân đi rao giảng Tin Mừng khắp thế giới, do chính Đức thánh cha cấp ban. Cần nói thêm rằng sắc chỉ ấy mới chỉ là mở màn cho một loạt những văn kiện khác (40 sắc chiếu trong khoảng thời gian từ năm 1218 đến 1221), trong đó Tòa thánh giới thiệu Dòng với hàng giám mục thế giới.

Sau đây là bản dịch của hai văn kiện lịch sử vừa nói.

1/ Sắc chỉ Religiosam vitam (22/12/1216)

Honorio, giám mục, tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa, gửi các con cái thân mến là Đa Minh, thủ trưởng (prior) thánh đường Saint Romain ở Toulouse và các anh em của người khấn dòng hiện tại và tương lai. Để ghi nhớ muôn đời.

Đối với những người đã chọn lựa đời sống tu trì (religiosam vitam), Tòa thánh cần phải bảo đảm và che chở họ, kẻo những cuộc tấn công xấc láo hoặc làm cho họ lạc mất ý định của mình hoặc – mong rằng Chúa không cho phép xảy ra – làm suy giảm nghị lực của nếp sống tu trì.

Vì thế, hỡi các con yêu dấu trong Chúa, Ta ưu ái đón nhận những thỉnh nguyện chính đáng của các con: Ta đặt nhà thờ Saint-Romain tại Toulouse, nơi mà các con đã hiến mình phụng sự Chúa, dưới sự bảo trợ của thánh Phêrô và của Ta, và ta khẳng định điều ấy bằng đặc ân của phúc nghị này.

Trước hết, Ta quyết định rằng đời sống kinh sĩ đã được thiết lập tại thánh đường này, phù hợp với Thiên Chúa và tu luật thánh Augustinô (ordo canonicanus, qui secundum Deum et beati Augustini regulam in eadem ecclesia … institutus esse dignoscitur), phải được tuân giữ mãi mãi, không được thay đổi.

Ngoài ra, tất cả mọi bất động sản, mọi của cải mà thánh đường hiện đang hưởng quyền sử dụng chiếu theo đức công bình và giáo luật, hoặc sẽ thủ đắc trong tương lai, nếu Chúa ban, do sự chuyển nhượng của các vị giáo hoàng, do lòng quảng đại của các vua chúa, do sự dâng cúng của các tín hữu hoặc do các phương tiện ngay chinh khác, sẽ thuộc về quyền sở hữu của các con và các kẻ kế vị một cách bền vững và bất khả xâm phạm.

Trong số những tài sản ấy, Ta muốn liệt kê ra đây:

  • Nơi tọa lạc thánh đường (Saint Romain) kể trên cùng với những sở hữu trực thuộc.
  • Nhà thờ tại Prouilhe cùng với những sở hữu trực thuộc.
  • Lãnh địa Casseneuil cùng với những sở hữu trực thuộc.
  • Nhà thờ Đức Mẹ tại Lescure cùng với những sở hữu trực thuộc.
  • Lữ quán Toulouse đứng tên ông Arnaud Bernard, cùng với những sở hữu trực thuộc.
  • Nhà thờ Chúa Ba ngôi tại Loubens, cùng với những sở hữu trực thuộc.
  • Những thuế thập phân mà hiền huynh Fulco, giám mục Toulouse, đã cung cấp cho các con, với sự đồng ý của công nghị giáo phận, như đã được nói trong thư của ngài.

Không ai được cả gan đòi hỏi hoặc tước đoạt thuế thập phân trên những mảnh đất mà các con đã tự tay mình hoặc trả tiền công để khai khẩn, cũng như trên những cánh đồng để nuôi đoàn súc vật của các con.

Dĩ nhiên là các con được phép thâu nhận và giữ lại những giáo sĩ và giáo dân tự do, không mắc nợ nần, mà muốn từ bỏ thế gian để đi tu; không ai được ngăn cản điều này.

Ngoài ra, Ta nghiêm cấm người anh em nào của các con đã tuyên khấn trong nhà thờ của các con không được rời bỏ nếu không có phép của bề trên, ngoại trừ lý do duy nhất là họ muốn gia nhập một dòng khắc khổ hơn. Không ai được cả gan thâu nhận kẻ đã rời bỏ các con nếu không có một chứng thư do cộng đoàn của các con ban cấp.

Tại các nhà thờ giáo xứ mà các con coi sóc, các con có quyền tuyển chọn những linh mục để tiến cử lên giám mục giáo phận. Nếu thấy họ có khả năng, vị giám mục sẽ trao cho họ việc coi sóc các linh hồn; họ chịu trách nhiệm trước mặt giám mục về khía cạnh thiêng liêng, và chịu trách nhiệm trước mặt các con về khía cạnh vật chất.

Ta cũng quyết định rằng không ai có quyền đặt ra những nghĩa vụ mới lên các nhà thờ của các con, hoặc công bố án phạt tuyệt thông và cấm chế chống lại các con hoặc các nhà thờ của các con khi không có lý do minh bạch và hợp lý. Khi có vạ cấm chế đè nặng trên lãnh thổ, thì các con vẫn được phép cử hành kinh thần vụ, nhưng phải đóng cửa nhà thờ, không được giật chuông, và chỉ đọc nhỏ tiếng, sau khi đã đuổi những người bị vạ tuyệt thông và cấm chế ra ngoài.

Dầu chrisma, dầu thánh, sự cung hiến bàn thờ hoặc thánh đường, các việc truyền chức cho các giáo sĩ, thì các con hãy đến xin vị giám mục giáo phận, miễn là vị ấy công giáo, hiệp thông với tòa Roma và không có ý gian. Nếu không, các con được phép đến với bất cứ vị giám mục công giáo mà các con muốn, miễn là vị ấy hiệp thông với Tông Tòa; họ sẽ nhân danh Ta mà ban cấp cho các con điều thỉnh cầu.

Ta cũng quyết định rằng các con có quyền an táng tại nhà thờ này. Vì thế không ai được ngăn cản ý định sốt sắng của những người đã ngỏ ý muốn được an táng tại đó, miễn là họ không mắc vạ tuyệt thông hoặc cấm chế.

Chừng nào con là kẻ đứng đầu nơi này, hoặc các người kế vị của con, qua đời, thì không ai được đặt làm đầu cộng đoàn bằng mưu kế hoặc vũ lực. Vai trò lãnh đạo được dành cho kẻ nào được bầu lên qua sự đồng thuận, hoặc ít là của đa số lành mạnh của hội đồng các anh em, dựa theo Thiên Chúa và tu luật thánh Augustinô.

Ta cũng phê chuẩn những đặc ân cổ truyền và các tục lệ hợp lý đã được cấp cho nhà thờ của các con, và Ta xác nhận chúng ngõ hầu chúng được bảo toàn vĩnh viễn.

Ta quyết định rằng không ai được phép quấy nhiễu nhà thờ ấy, tước đoạt các vật sở hữu, và cầm giữ các vật ấy sau khi đã tước đoạt, làm suy giảm giá trị bằng bất cứ cách nào; trái lại, các tài sản ấy phải được bảo trì nguyên vẹn nhằm phục vụ những người đã được ban cấp, ngõ hầu họ có thể hoạt động và sinh sống, tuy vẫn tôn trọng quyền bính của Tông Tòa và những quy luật chính đáng của vị giám mục giáo phận.

Vì thế, nếu trong tương lai, một người nào, dù là giáo sĩ hay giáo dân, sau khi đã biết được quyết định của Ta qua văn kiện này, mà còn cả gan vi phạm, và nếu sau khi đã được cảnh cáo lần thứ hai và lần thứ ba mà không chịu sửa chữa lỗi lầm của mình bằng sự đền bù xứng đáng, thì họ sẽ bị tước mất quyền hành và danh dự gắn với tước vị; người ấy hãy biết rằng họ sẽ bị tố cáo trước tòa án của Thiên Chúa vì tội phạm đã gây ra; họ sẽ bị loại ra khỏi sự hiệp thông Mình và Máu cực thánh của Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu chuộc chúng ta, và vào ngày chung thẩm, họ sẽ bị trừng phạt khủng khiếp. Ngược lại, những ai tôn trọng các quyền lợi của nơi tu trì này thì sẽ được bình an của Chúa Giêsu Kitô; họ sẽ nhận được hoa trái của việc lành ngay từ đời này, và sẽ lãnh nhận phần thưởng bình an bất diệt nơi Vị Thẩm phán chí công. Amen, amen, amen.

Xin giữ bước đi của con vũng vàng trên đường của Chúa (Tv 16,5).

Honoriô, Giáo hoàng

(Tiếp theo là chữ ký của 18 vị Hồng y)

Ban hành tại Rôma, cạnh đền thờ thánh Phêrô, ngày 22 tháng 12 năm Chúa Giáng sinh 1216, năm thứ nhất triều đại giáo hoàng Honoriô III.

Như vậy, qua văn kiện này, Dòng được nhìn nhận như là một dòng kinh sĩ, vì thế có những đặc quyền gắn liền như là thâu nhận các phần tử muốn gia nhập, nhận lời tuyên khấn và truyền chức, bầu cử bề trên, cử hành thần vụ, an táng. Ngoài ra, Dòng còn được làm tư hữu một số thánh đường và đồn điền. Tổng hội năm 1220 sẽ quyết định khước từ quyền (của Dòng) chiếm hữu tài sản.

2/ Sắc chỉ ngày 21/1/1217: Xác nhận tên của Dòng

Honorio, giám mục, tôi tớ của các tôi tớ Chúa, gửi lời chào thăm và phép lành tông tòa đến các con thân mến, là thủ trưởng và các anh em ở Saint-Romain, những nhà giảng thuyết ở miền Toulouse (dilectis filiis priori et fratribus Sancti Romani praedicatoribus in partibus Tholosanis).

Ta đội ơn Đấng ban phát mọi ân huệ (omnium gratiarum largitori) vì ân huệ mà Thiên Chúa ban cho các con (1Cr 1,4), các con ở lại trong ân huệ ấy (1Pr 5,5) và sẽ mãi mãi ở lại trong ân huệ ấy, theo như Ta mong ước. Thật vậy, được thiêu đốt bên trong nhờ ngọn lửa yêu mến, các con đã chiếu tỏa ra bên ngoài hương thơm tiếng tăm khiến cho các linh hồn mạnh khỏe được hân hoan và các linh hồn đau yếu được bình phục. Như thế, tương tự như những y sĩ nhiệt thành, các con không để cho những thảo dược thiêng liêng bị cằn cỗi, nhưng đã phát sinh hoa trái nhờ lời Chúa mà các con gieo vãi bằng lời giảng hùng hồn của các con. Nhờ vậy, giống như những người tôi tớ trung tín, các con đã khai thác những nén bạc được trao phó để sinh lời gấp đôi của Chúa (Mt 25,20). Như thế, giống như những lực sĩ vô địch của Đức Kitô, được trang bị với khiên thuẫn đức tin và mũ chiến cứu độ (Ep 6,16), không sợ những kẻ chỉ giết được thân xác (Mt 10,28), các con đã đương đầu các thù địch của đức tin bằng cách quảng đại rao giảng lời của Thiên Chúa, sắc bén hơn thanh gươm hai lưỡi (Hb 4,12). Như thế, các con khinh chê mạng sống mình ở đời này, để giữ gìn nó trong cuộc sống vĩnh cửu (Ga 12,25).

Mặt khác, bởi vì thắng lợi, chứ không phải là sự chiến đấu, mới đạt được triều thiên, và trong số các nhân đức cần trang bị trong cuộc đua, duy chỉ đức kiên trì mang lại giải thưởng mong muốn (1Cr 9,24), cho nên Ta gửi đến các con thân yêu, qua bức thư này, lời khuyên lơn khẩn thiết và lệnh truyền để các con được ơn xá tội: nhờ được củng cố luôn mãi trong Chúa, các con hãy chuyên chăm loan báo lời Thiên Chúa (Cv 8,4), khi gặp thời thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, để chu toàn tươm tất nhiệm của người rao giảng Tin mừng (2Tm 4,2-5). Nếu vì công việc này mà các con phải chịu cực khổ, thì các con đừng chỉ bình tĩnh chịu đựng, mà còn hãnh diện, giống như thánh tông đồ (Rm 5,3), và vui mừng vì đã được xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh thánh Chúa Giêsu (Cv 5,41); bởi vì một chút gian truân tạm thời sẽ phát sinh một khối vinh quang sung túc (2Cr 6,17), không thể nào sánh được với những khổ cực trong hiện tại (Rm 8,18).

Phần Ta, khi nhìn thấy các con như những người con ưu tú của Giáo Hội, Ta xin các con hãy dâng lên Thiên Chúa hy lễ của môi miệng chúc vinh (Hb 13,15) để cầu nguyện cho Ta, ngõ hầu biết đâu điều mà Ta không đạt được do công lênh của mình thì sẽ nhận được nhờ những lời chuyển cầu của các con.

Ban hành tại điện Lateranô, ngày 27 tháng giêng, năm thứ nhất triều giáo hoàng của Ta.

Sắc chỉ này gửi cho cha Đa Minh và các “anh em giảng thuyết”, và trao cho họ sứ vụ giảng thuyết. Đây là lần đầu tiên một dòng được thiết lập nhằm chuyên lo giảng thuyết. Danh xưng đã được xác nhận và từ nay sẽ được sử dụng trong các công văn của Tòa thánh.

B. Hiến pháp Dòng Anh em Giảng thuyết

Như vậy, ngày 22/12/1216 không phải là ngày châu phê hiến pháp của Dòng, bởi vì lúc ấy hiến pháp chưa được soạn thảo ! Phải chờ đến năm 1220, tổng hội Bologna mới biểu quyết bản văn đầu tiên. Đặc trưng của Dòng là các tổng hội cứ sửa đổi hiến pháp liên miên (vì không cần thẩm quyền nào châu phê). Nên lưu ý lúc đầu hiến pháp được gọi là Institutiones (mà dấu vết còn lưu lại trong công thức tuyên khấn), về sau này mới đổi thành Constitutiones. Theo nguyên gốc Latinh, hai động từ instituere constituere đều có nghĩa như nhau : thiết lập, quy định.

Thực ra, trong lịch sử, Dòng không chỉ sửa đổi nội dung của các khoản luật, mà đôi khi sửa đổi cả cái sườn (cấu trúc nữa). Gần nhất, trong thế kỷ XX, đã có sự thay đổi bố cục của bản hiến pháp dưới thời tổng quyền của cha Stanilas Gillet (năm 1932, cập nhật theo bộ giáo luật 1917) và cha Aniceto Fernandez (1968, cập nhật sau công đồng Vaticanô II), tức là bản văn hiện hành.

(Trích trong Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam, Bản tin Khuyến Học – Số 07 (22.12.2016), tr 2-5)

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com