[ĐMX73] Chuyện Kể Của Micro

01-06-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1734 lượt xem

_Antôn Lương Minh Thật_
Bất kì chiếc micro nào muốn hoạt động được cũng cần kết nối với nguồn điện. […]  Tôi nhận ra rằng mỗi cá nhân trong cộng đoàn cũng sẽ trở nên vô dụng nếu cá nhân đó ‘không kết nối được’ với Chúa và với anh em.

Chào bạn,

Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện của tôi ngay khi bạn đọc đến những dòng này, nhưng có lẽ trước khi chúng ta bắt đầu, tôi muốn kể cho bạn một chút về tôi nhé.

Tôi là một chiếc micro tại nhà nguyện Thỉnh viện. Tôi không nhớ rõ mình đã gia nhập cộng đoàn này từ bao giờ, nhưng nếu tính mỗi đời Thỉnh sinh đến rồi đi, tôi nghĩ chắc mình đã ‘khấn trọn’ nhiều năm rồi. Dòng thời gian có vẻ ghen tị với tôi nên khiến giọng của tôi không còn trong trẻo như hồi mới đến, nhưng vẫn thật may mắn vì qua nhiều lần sửa chữa, tôi vẫn được anh kĩ thuật trọng dụng để tôi tiếp tục ‘ơn gọi’ của mình trong ngôi nhà nguyện này là phát đi những lời của cha chủ tế, truyền đi những bài giảng và thậm chí là hỗ trợ các anh em ca vang các bài thánh ca tôn vinh Chúa nữa. So với các ‘anh em’ của tôi như anh quạt, anh đèn,… thì tôi nghĩ mình được ưu tiên hơn vì tôi là người duy nhất được khuếch đại âm thanh trong nhà nguyện này. Mặc dù tôi đã hỗ trợ nhiệt tình trong các bài giảng, lúc cầu nguyện, hát thánh ca, nhưng tôi vẫn chưa có cơ hội để kể cho bạn nghe về cuộc đời của chính tôi. Hôm nay, nhân dịp cuốn nội san Đến mà xem 73 với chủ đề về Đời sống cộng đoàn sắp ra lò, tôi xin thân thưa với bạn vài dòng suy tư của tôi với đề tài này nhé.

Chiếc micro không chỉ nói cho nhau nghe mà còn để nghe nhau nói

Là một chiếc micro như tôi, được phục vụ Chúa là cả một niềm hãnh diện vô cùng lớn lao, thì đối với bạn, một người trẻ được Chúa chọn riêng giữa bao nhiêu người để hiện diện trong cộng đoàn này và trở nên chứng tá cho Chúa chắc hẳn phải tự hào biết mấy. Hành trình theo Chúa là cả một chặng đường gian lao, vất vả. Chúa biết sự lo lắng và cả những yếu đuối nơi bạn, nên Chúa không để bạn phải đi một mình. Trong hành trình ấy vẫn có những anh em cùng chung một lối sống, một lý tưởng, một sứ vụ,… mà ta quen gọi là cộng đoàn. Anh em được liên kết với nhau theo cách mà thánh Phaolô đã nói: “Chúng ta liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể” (Rm 13,5).

Chính vì lẽ đó, cộng đoàn là một sáng kiến tuyệt vời của Chúa Giêsu để các môn đệ của ngài thực thi sứ vụ. Là một chiếc micro, với kinh nghiệm nhiều năm truyền tải các bài giảng trong ngôi nhà nguyện này, tôi hiểu rõ tính cộng đoàn cũng là một nét ưu tiên nổi bật trong linh đạo Đa Minh. Bởi cộng đoàn chính là hình ảnh của sự hiệp thông sâu xa trong hiểu biết, hỗ tương và tôn trọng lẫn nhau để thực thi sứ mạng Chúa trao phó cho ta.

Trong sự hiệp thông, hỗ tương đó, việc nói cho nhau nghe và nghe nhau nói là một biểu hiện quan trọng để xây dựng cộng đoàn. Một chiếc micro như tôi, không thể nào chỉ phục vụ những người nói hay mà không khuếch đại âm thanh của người nói dở. Sống trong cộng đoàn, bạn cũng không thể chọn sống với những người bạn ưa và từ chối những người bạn ghét. Bạn cần đón nhận tất cả mọi anh em với trọn vẹn con người của họ. Chấp nhận chính mình với những điểm yếu, khiếm khuyết và tập đón nhận cả những yếu đuối của anh em. Những điểm giống nhau giúp hiểu nhau nhưng chính việc đón nhận những khác biệt lại giúp mọi người yêu thương và làm phong phú cho nhau.

Chiếc micro vô dụng nếu không kết nối với nguồn

Bạn biết đấy, bất kì chiếc micro nào muốn hoạt động được cũng cần kết nối với nguồn điện. Nếu ngày nào đó mất điện, tôi chỉ là một đống sắt vô dụng không hơn không kém. Từ ý tưởng này, tôi nhận ra rằng mỗi cá nhân trong cộng đoàn cũng sẽ trở nên vô dụng nếu cá nhân đó ‘không kết nối được’ với Chúa và với anh em.

Thật vậy, sự kết nối này tuy vô hình nhưng lại vô cùng quan trọng, như dòng điện không ai có thể thấy khi nó chuyển động thì đời sống tương giao của bạn với anh em mình cũng như tương quan với Chúa dẫu không hình hài nhưng lại là yếu tố quyết định cho ý nghĩa của cuộc đời ta. Không có Chúa, bạn sẽ chỉ như một pho tượng biết di chuyển mà thôi, và nếu không có tương quan với anh em, bạn sẽ trở nên cô độc khủng khiếp.

Nếu không kết nối được với Giêsu, chẳng có lý do gì thúc đẩy ta sống với những người ta không quen biết, phải tuân giữ kỷ luật này nọ, phải thay đổi mình để phù hợp với nếp sống chung. Bên cạnh đó nếu không kết nối với anh em trong sự hiệp thông và chia sẻ, ta sẽ không thể nào chịu đựng được những người khác biệt đối với ta, thậm chí có khi là đối nghịch khiến đời ta mệt mỏi. Sống với nhau đã khó, sống với người mình không thích lại càng khó khăn hơn. Thế nhưng không những sống được với nhau, mà lại còn cùng nhau thực thi sứ mạng, và dần dần trở nên anh em của nhau, điều đó chỉ có thể là nhờ kết nối với nguồn Giêsu, nguồn tình yêu bất tận, và kết nối với nguồn anh em, nguồn của sự nâng đỡ và yêu thương chân thành.

Một chiếc micro cần nằm trong tay ai đó

Là một chiếc micro, lẽ dĩ nhiên, tôi chỉ có thể trở nên hữu ích khi ‘nằm trong tay một ai đó’, tự bản thân tôi vốn dĩ là một cái máy, tôi chẳng thể nào khuếch đại được điều gì nếu tôi không nhận được âm thanh. Và rồi nếu tôi chăm chỉ lắng nghe lời phát biểu nhưng tôi không có anh loa hỗ trợ hay anh âm ly chọn đúng tần số thì cũng hoài công. Lại nữa, có đôi khi người anh em mang tên đầu thu sóng mới là người quyết định tất cả, vì chỉ cần anh ấy dò sai tín hiệu thì nguyên team làm việc này coi như vô ích. Qua đó, bạn thấy rõ ràng việc cộng tác với người khác cũng như những tác động của họ đối với ta là vô cùng quan trọng.

Khi tôi kể cho bạn về câu chuyện của tôi, hẳn nhiên bạn cũng sẽ thấy có một sự tương tự nào đó nơi bạn trong tương quan với đời cộng đoàn phải không? Nếu bạn tách rời khỏi cộng đoàn, nghĩa là bạn đang triệt tiêu đi mọi sự giúp đỡ, điều đó không những khiến bạn lẻ loi, cô độc mà càng ngày càng khiến bạn mất mát nhiều năng lượng của chính mình. Bên cạnh đó, nếu bạn ‘bắt sai tín hiệu của anh em mình’ thì cộng đoàn sẽ không bao giờ tìm được tiếng nói chung. Người chỉnh âm ly của tôi hiểu rằng nếu để âm bass quá nhiều thì âm thanh sẽ trầm, nếu để âm treble quá cao thì âm thanh sẽ chói. Cũng vậy, một cộng đoàn ‘quá trầm’ hay ‘quá chói’ sẽ không bao giờ là một cộng đoàn hoàn hảo, tập thể đó sẽ trở nên một mớ âm thanh hỗn độn, ồn ào và chói tai. Do vậy, mỗi cộng đoàn luôn cần chú ý đến sự hài hòa của mỗi cá nhân, để cùng hòa nhập và thăng tiến. Điều đó đòi hỏi mỗi người cần khiêm tốn nhận ra giá trị của người khác, lắng nghe và đón nhận những góp ý, sửa đổi của anh em.

Sẽ không ai tiếp tục nói khi chiếc micro bị lỗi

Một chiếc micro như tôi hoàn toàn tiên liệu được rằng dù mình có thuộc vào loại sản phẩm tốt nhất thị trường, thì thỉnh thoảng tôi vẫn phải chấp nhận những trục trặc, rủi ro không mong muốn. Nguyên nhân thì hằng hà sa số, có thể là do sự cố về điện, lỗi đường dây, hay đơn giản là do vận hành đầu thu không đúng,… Dù là nguyên nhân nhỏ hay to thì âm thanh của tôi trong những lúc ấy chẳng thể nào làm hài lòng được người nói lẫn người nghe.

Vậy nên một cộng đoàn trong đời tu vốn dĩ được coi là một môi trường lý tưởng nhưng chắc hẳn vẫn không thiếu những lúc xung khắc hay trục trặc. Trong cộng đoàn, không phải ai cũng hợp tính với mình, không phải ai cũng có cùng sở thích với mình, cùng quan điểm với mình. Cách riêng người Thỉnh sinh khi đang sống trong giai đoạn đầu tiên của hành trình ơn gọi, vẫn còn đó những yếu đuối ban đầu, những khác biệt nhau về văn hóa, tuổi tác, ý thức hệ,… Tất cả làm nên những sắc màu khác nhau trong bức tranh cộng đoàn.

Lẽ dĩ nhiên, sẽ không ai tiếp tục nói khi chiếc micro bị lỗi, nhưng sẽ cần nhanh chóng tìm nguyên nhân và cách khắc phục. Do vậy, khi những tín hiệu cho thấy đời sống cộng đoàn có vấn đề, mỗi thành viên cũng cần tìm hiểu nguyên do và tìm cách điều chỉnh. Ông bà ta vẫn dạy: “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân”. Vì thế, hãy cố gắng trong khả năng có thể, rồi Chúa sẽ bổ khuyết cho những điều mình không làm được.

Lời kết

Bạn thân mến,

Khi chuẩn bị kết thúc câu chuyện của tôi, tôi nghĩ rằng những điều tôi vừa kể trên có thể không giúp bạn khám phá điều gì mới mẻ, nhưng có thể bạn sẽ nhận ra nhiều điều đã bị chúng ta bỏ quên. Vấn đề không phải là chúng ta không biết, không hiểu, mà là chúng ta đã không hành động.

Là một chiếc micro trong nhà nguyện, hằng ngày tôi vẫn gặp bạn trong thánh lễ và cả những lúc cầu kinh. Tôi biết mỗi sáng mai, khi cánh cửa nhà nguyện mở, bạn sẽ tới đây dâng hy tế cuộc đời bạn và cả cuộc đời của những người anh em mình. Thế nhưng, phận người yếu đuối, đôi khi cộng đoàn chưa hẳn là ‘địa đàng dương thế’. Thậm chí có khi trái tim bạn đầy ắp sự chán chường, thất vọng như các môn đệ trên đường Emmaus. Nhưng cuối cùng niềm vui và sức mạnh của Chúa Giêsu lại là điểm tựa để họ đứng lên và quay về. Chính vì lẽ đó, Đức Giêsu luôn là trung tâm của đời sống cộng đoàn. Vì Giêsu, ta đến với nhau, và cũng vì Giêsu, ta được phân tán cho sứ mạng. Và tại cuối con đường, trong Giêsu ta lại tìm thấy nhau trong chính cộng đoàn này.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com