Antôn Phan Văn Giáo Thánh Alêxù sinh vào khoảng cuối thế kỷ IV trong một gia đình khá giả ở Rôma. Khi trưởng thành, ngài trốn khỏi gia đình và tới thành Edessa, Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, ngài sống ẩn tu một thời gian, rồi chuyển sang lối sống hành khất. Ngài trở nên nổi tiếng về đời sống khó nghèo, khiêm nhường, và được nhiều người biết đến như một vị thánh. Giáo hội tại Rôma kính nhớ thánh Alêxù vào ngày 17 tháng 07 hằng năm.
“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Đó là lời của Đức Ki-tô kêu gọi mọi người đi theo ngài. Nghe qua câu nói trên, thiết nghĩ ai cũng lo lắng và sợ hãi, liệu rằng con đường theo Đức Ki-tô có dễ chịu và thoải mái cho mình không, hay là một con đường đầy chông gai, khổ đau và thậm chí bị mọi người chế giễu, sỉ nhục… Tuy nhiên, đối với những người yêu mến Đức Ki-tô thực sự thì con đường đau khổ ấy sẽ trở thành con đường của niềm vui và hoan lạc. Bởi khi đặt niềm tin vào Đức Ki-tô chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ, can đảm và càng thêm yêu mến con đường ấy vì chính Đức Ki-tô đã nói: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”(Mt 11,19-30).
Tin Mừng Máccô (10, 17-27) kể lại câu chuyện một người thanh niên nọ đến gặp Đức Giê-su và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giê-su bảo: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ”. Anh ta đáp: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Nghe người thanh niên nói như vậy, mỗi người chúng ta chắc hẳn đều nhận thấy rằng anh ta quả là một người thanh niên hoàn hảo vì đã giữ trọn các Lề luật của Thiên Chúa. Nhưng khi nghe Đức Giê-su bảo người thanh niên hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời thì người thanh niên ấy buồn rầu bỏ đi, bởi anh ta nhiều của cải.
Quả thật, việc từ bỏ của cải, vinh hoa phú quý thật là một điều khó khăn, đem tất cả những thứ thuộc về mình để cho người khác lại càng khó khăn gấp bội. Hành động ấy quả thật điên rồ phải không? Hơn nữa, việc từ bỏ ấy để theo Đức Ki-tô quả là một thách đố đối với loài người, khó để chấp nhận theo suy nghĩ của loài người. Tư tưởng của con người trần gian là như thế. Nhưng đối với những người đặt niềm tin vào đức Ki-tô, thì họ coi cuộc sống trần thế này chỉ là tạm thời, của cải vật chất chỉ là phù vân. Họ sẵn sàng từ bỏ tất cả để thuộc về Đức Kitô bởi họ nhận ra rằng, con đường thập giá là một lựa chọn khôn ngoan vì phần thưởng của họ không chỉ là cuộc sống trong Thiên Chúa ở đời này, mà còn là sự hiệp thông vĩnh cửu với Người trong Nước trời mai sau.
Nhiều Kitô hữu đã được Hội thánh tuyên dương, tôn lên bậc hiển thánh, các ngài là những chứng nhân trung thành của Đức Kitô, các ngài hoạ lại nếp sống của Đức Kitô như chính khi Người còn ở thế gian. Trong số các vị ấy, có một vị thánh nổi tiếng với đức tính khiêm nhường nổi bật, đó là thánh Alêxù. Vào ngày 17 tháng 07 hằng năm, Giáo hội Rôma kính nhớ thánh Alêxù thành Edessa hay cũng còn được gọi là Alêxù thành Rôma (nguyên gốc tiếng Ý là Alessio di Roma). Theo như những tài liệu có được hiện nay, phải thế kỷ thứ IX, Giáo hội Tây phương mới biết đến thánh Alêxù.
Theo tương truyền, Alêxù sinh vào cuối thế kỷ thứ IV, là con trai duy nhất của một Nghị viên Viện Nguyên Lão Rôma. Cha ngài là Euphemianô và mẹ là Aglaia. Khi đến tuổi trưởng thành, bố mẹ đã cưới cho ngài một người vợ xinh đẹp thuộc dòng dõi quý tộc. Tuy nhiên, ngay trong đêm tân hôn, Alêxù đã âm thầm rời bỏ người vợ mới cưới, trốn khỏi gia đình, rời Rôma đến Edessa, tức Sanliurfa, Thổ Nhĩ kỳ ngày nay. Tại đó, ngài sống cuộc đời khó nghèo như một ẩn sĩ, và chẳng bao lâu nhận được sự kính trọng của rất nhiều người. Sau đó, ngài thôi sống ẩn tu và chuyển sang đời hành khất.
Thánh nhân đã sống như một người hành khất suốt 17 năm trước một ngôi thánh đường tại Edessa. Cả vùng duyên hải kháo nhau rằng, người hành khất này chính là một vị thánh. Thế là mọi người kéo đến chiêm ngưỡng ngài, khiến cho ngài phải bỏ đó để đến một nơi khác. Đang khi đáp tàu trốn khỏi Edessa với ý định tới một nơi rất xa, Alêxù đã gặp phải một trận bão ngoài khơi. Trận bão này đã đẩy chiếc tàu của ngài dạt vào bờ biển Rôma. Rời khỏi tàu, Alêxù quyết định tìm về nhà cha mẹ mình. Tuy nhiên, cha mẹ ngài lại không nhận ra người hành khất này là con trai của họ, nhưng vì lòng nhân hậu, ông bà vẫn chấp nhận cho người hành khất ấy được vào sống trong nhà. Từ đó, Alêxù đến sống dưới chân cầu thang của chính nhà cha mẹ mình. Trong 17 năm sống ở đó, Alêxù thường xuyên bị các tên đầy tớ xỉ vả và trút nước bẩn lên người, nhưng ngài vẫn cố gắng chịu đựng và luyện tập sự kiên nhẫn. Ngài thường ra ngoài chỉ để cầu nguyện trong nhà thờ và kể cho các em nhỏ nghe về Thiên Chúa. Mặc dù ngài có thể nói cho cha mẹ biết ngài là Alêxù, để trở lại tư cách làm con và được sống sung sướng như trước nhưng ngài lại chọn cách giấu nhân thân của mình, sống một cách lặng lẽ, âm thầm. Ngài quả là con người có lòng can đảm, ý chí mạnh mẽ với một sự chọn lựa hết sức đặc biệt. Sau một thời gian lâm bệnh nặng và bị những tên đầy tớ hắt hủi, Alêxù qua đời vào năm 417 (có tài liệu nói ngài qua đời năm 430). Sau khi ngài qua đời, người ta đã phát hiện ra đó là Alêxù nhờ vào một bức thư mà ngài để lại.
Giáo hội Tây phương tôn kính ngài bắt đầu từ thế kỷ thứ IX. Theo tương truyền, các bệnh nhân khi chạm tới thánh cốt của ngài thì đều được chữa lành. Vào thời trung cổ, các truyền thuyết về thời thanh niên của thánh Alêxù rất được nhiều người biết tới, và sự tôn kính dành cho ngài cũng rất phổ biến. Truyền thuyết về thánh Alêxù còn được soạn thành thơ trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, chẳng hạn như trong tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Đức, riêng tiếng Việt có đến hai bản: ở miền Bắc được soạn thành vè bốn chữ, còn ở Miền nam là thơ lục bát.
Các thánh tích của ngài hiện đang được bảo quản trong nhiều ngôi thánh đường khác nhau. Vào năm 1350, một dòng tu mang tên thánh Alêxù đã được thành lập để chăm sóc các bệnh nhân. Sự tôn kính thánh Alêxù đã đạt tới đỉnh điểm vào cuối thời trung cổ cũng như vào thời Barock. Vào thế kỷ XVII, một vở kịch về thánh Alêxù được biên soạn bởi Stefano Landi đã được biên soạn thành một vở kịch mới bởi Giulio Rospigliosi – người sau này trở thành Giáo hoàng Clemen IX. Vào năm 1977, vở kịch này vẫn còn được trình diễn ở nhiều nơi tại Âu Châu.
Các nghệ sĩ thường trình bày thánh Alêxù trong bộ dạng người hành khất ngồi dưới chân cầu thang. Ngài được tôn kính với tư cách là bổn mạng của những người hành hương, những người hành khất, những người sống nay đây mai đó và các bệnh nhân. Thánh Alêxù cũng được mừng kính với tư cách là vị bổn mạng chống lại động đất, sấm sét, giông tố, bão táp, dịch hạch và các dịch bệnh bộc phát.
Với thánh Alêxù, chúng ta nhìn nhận ngài là một vị thánh tuyệt vời. Ngài không phải là một tu sĩ nhưng ngài chọn lối sống ẩn tu và hành khất. Ngài có lòng đạo đức, say mê với việc cầu nguyện và sống trong tâm tình mật thiết với Đức Kitô. Với lòng nhẫn nại, khiêm nhường, và nhờ ơn Chúa giúp, ngài đã vượt qua được những sỉ nhục, những khó khăn, thiếu thốn để trở nên bông hoa cứng cáp, màu sắc tươi sáng và ngát hương của Thiên Chúa giữa trần gian. Qua nếp sống thánh thiện của ngài, mọi người nhận ra được hình bóng của Đức Kitô đang hiện diện.
Noi gương thánh Alêxù, các Kitô hữu của nhiều thế hệ đã cố gắng từ bỏ những đam mê, sự quyến rũ của cuộc sống trần thế này để lắng nghe được lời kêu gọi của Đức Kitô. Theo lời mời gọi của Đức Kitô, các Kitô hữu đặt niềm tin vào Thiên Chúa, nhận biết được sự yếu đuối của bản thân. Chạy đến với Đức Kitô, các tín hữu cầu xin ơn thứ tha tội lỗi và xin Người ban thêm sức mạnh hầu can đảm vác thánh giá đời mình trên hành trình trần gian để tiến về quê hương vinh phúc mai sau.
Phụ thêm:
Dưới đây là trích đoạn trong “Vãn bổn xưa”[1] về thánh Alêxù, kể lại việc thánh nhân cầu xin Chúa và Đức Mẹ giải thoát để khỏi phải sống cuộc hôn nhân do cha mẹ bắt ép, vì ước nguyện của ngài là được thuộc trọn về Chúa.
Lê-xù mặt khó dàu dàu,
Gối quỳ tạ Chúa nguyện cầu chưa thôi
Lạy Bà bào chữa cho tôi
Chúa Cha giúp sức trước mai chẳng hề.
Thiên thần gìn giữ phù trì
Cứu tôi qua khỏi nhục thân đêm nầy
Xem lên mặt Chúa thương thay
Hai hàng châu lụy chảy ngay ròng ròng.
Lại xem bên dấu nương long
Thảm não tấm lòng đòi đoạn thiết tha.
Liều mình quyết chí thật thà
Tôi xin giữ vẹn nguyệt hoa đêm nầy.
Chúa xưa chịu chết trên cây
Tôi nay vui sướng mình nầy làm chi.
Thì mình tay chấp gối quì
Xin Cha giúp sức phù trì cho con
Chẳng còn ước sự phàm trần
Chẳng tham quái vật tiền tài nhọc thân
Không cầu tước vật quân thần
Tìm bề khổ hạnh cô bần quả cô.
Lại xin Đức Chúa Khi-tô
Mở lòng soi sáng xuống cho lẽ nào
[1] Sách được xuất bản năm 1954, với Imprimatur của Đức cha Cassaigne, Đại diện Tông toà Sài Gòn, nội dung được đăng trên http://caimon.org/Giaoly/
Chuyenxua/Alexu/index.htm