[ĐMX73] Thánh Gia: Mẫu Gương Đời Sống Cộng Đoàn

23-06-2020
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2490 lượt xem

_Phanxicô Átxidi Đặng Công Danh_
Nhờ vâng phục Thiên Chúa, Thánh Gia trở nên cộng đòan gương mẫu trong việc chu toàn lề luật. Giống như Thánh Gia, cộng đoàn tu trì có chung một sứ vụ: Rao truyền ơn cứu độ cho mọi dân. Thánh Gia được gọi là cộng đoàn thánh, vì Đức Giêsu là ‘trái tim’ của cộng đoàn.

“Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18)

Ngay từ khởi nguyên theo ý định của Thiên Chúa, con người được dựng nên để sống hiệp thông với Đấng dựng nên mình, và sống với tha nhân, cùng nhau làm thành cộng đoàn. Tuy nhiên, tổ tiên loài người lại muốn đạt đến sự tự do cá nhân mà không cần đến Thiên Chúa. Tương quan tình yêu giữa con người với Thiên Chúa bị phá vỡ. Từ đó, giữa loài người cũng bắt đầu có sự chia rẽ, ganh ghét, cộng đoàn khởi thuỷ của nhân loại không còn duy trì sự hiệp nhất và yêu thương. Vì không muốn con người phải ở trong tình trạng hư mất và chia rẽ nhau mãi, ngày từ đầu Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thể. Để thực hiện chương trình này, một lần nữa Thiên Chúa đã quy tụ và thiết lập cộng đoàn mới là Dân Israel. Từ giữa Dân Người, Thánh Gia là cộng đoàn mẫu mực trong việc vâng phục Thánh ý và thực thi trọn vẹn sứ mạng đem ơn cứu độ cho nhân loại. Cùng nhìn lại chặng đường mà ba Đấng đã đi để cùng với các ngài, chúng ta tiếp tục sống ơn gọi thánh hiến đồng thời nỗ lực xây dựng và canh tân đời sống cộng đoàn.

Thánh Gia – Cộng đoàn được quy tụ để sống giao ước mới

Sau biến cố sa ngã, Thiên Chúa đã quy tụ một dân mới, khởi đầu bằng việc lựa chọn gia đình ông Ápraham và ký kết với ông một giao ước. Nhờ vào sự vâng phục đức tin, ông đã trở thành tổ phụ của một dân mới, dân riêng của Thiên Chúa. Sau này, Con Thiên Chúa làm người cũng xuất thân từ trong dân này. Khi thời gian cứu độ đã đến, Thiên Chúa một lần nữa quy tụ một dân mới cũng khởi đi từ một gia đình, đó là Thánh Gia. Chính gia đình này là cộng đoàn đầu tiên được quy tụ để sống giao ước mới, giao ước được thiết lập trong máu Đức Kitô (x. Lc 22,20), bằng sự vâng phục.

Trước hết, Đức Giêsu – Ngôi Lời nhập thể, đã vâng phục Chúa Cha trong mọi sự. “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Lc 4,34). Trong cơn hấp hối tại vườn cây dầu, Người đã cầu nguyện với Chúa Cha và thốt lên rằng: “Xin theo ý Cha” (Mc 26,36). Và Người đã vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chấp nhận khổ hình, chịu chết một cách nhục nhã, đau thương trên thập giá để trở nên hy lễ đền tội cho nhân loại khốn cùng. Tình yêu và sự vâng phục dâng hiến luôn song hành với nhau. Sự vâng phục hoàn hảo nhất là vâng phục vì tình yêu. Ngôi Lời đã tự huỷ chính mình để có thể sống hoàn toàn cho Chúa Cha và cho loài người chúng ta. Vì vậy, nếu vì sự bất tuân của Ađam mà mọi người thành tội nhân thì nhờ sự tuân phục tuyệt đối nơi Đức Giêsu mà mọi người được giải thoát khỏi tội lỗi, được phục hồi phẩm giá và được dẫn đưa tới hạnh phúc vĩnh cửu (x. 1Cr 15,21-22).

Kế đến, Đức Maria, người trinh nữ diễm phúc, đã được tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Sau khi được Sứ thần giải thích về ý định cứu độ của Thiên Chúa, Mẹ đã tin tưởng, và mạnh dạn đáp trả bằng hai tiếng “Xin vâng” để hiến dâng cuộc đời phụng sự Thiên Chúa. Mẹ không chỉ chiêm ngắm Con Mẹ là mẫu gương sống động của sự vâng phục mà còn cùng với Người sống vâng phục. Chắc chắn Mẹ Maria đã từng đọc, chiêm nghiệm và tha thiết sống tâm tình được diễn tả trong Thánh Vịnh: “Con thích làm theo thánh ý và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con” (Tv 39,9). Vì thế, thánh Irênê đã nói: “Nhờ vâng phục, Đức Mẹ đã trở nên nguyên nhân cứu độ cho chính mình và cho toàn thể nhân loại”. Nếu khi xưa sự bất tuân và cứng lòng của Evà đã cột chặt nhân loại trong tình trạng tội lỗi thì nay nhân loại được tháo gỡ nhờ sự vâng phục và đức tin của Đức Maria. Sự vâng phục của Mẹ cũng được đặt tiếp nối với sự vâng phục của Đức Giêsu – Ađam mới. Do vậy, Mẹ trở nên Evà mới, mẹ của một nhân loại mới được sinh ra, nuôi dưỡng và lớn lên trong ân sủng cứu độ của Người Con Chí Ái của Mẹ.

Sau cùng, thánh Giuse đã được tuyển chọn làm nghĩa phụ của Đấng là giao ước mới và trở thành bạn đời thanh khiết của Đức Maria – người nữ tỳ diễm phúc. Thánh Cả chiếm một vị trí ‘độc nhất vô nhị’ nhưng rất âm thầm, xem ra như ẩn khuất trong chương trình của Thiên Chúa. Kinh Thánh không ghi lại lời nói nào của ngài. Vậy đâu là dấu chỉ tỏ cho ta biết sự vâng phục của ngài? Rất nhiều lần trong giấc mơ, sứ thần Chúa đã mạc khải cho ngài biết cần phải làm gì. Không một chút do dự, nghĩ suy hay tính toán, thánh Cả đã mau mắn đáp trả Thánh ý trong tinh thần vâng phục tuyệt đối bằng cách lập tức “trỗi dậy” thi hành như lời sứ thần truyền (x. Mt 1,18-25 ; 2,13-23). Thực vậy, thánh Cả cũng đã sống trọn tâm tình diễn tả trong Thánh Vịnh: “Con mau lẹ chứ không trì hoãn, tuân theo mệnh lệnh Ngài.” (Tv 118,60). Sự hiện diện của thánh Giuse trong mầu nhiệm Nhập Thể đã tạo ra một khung cảnh tuyệt vời cho ý định của Thiên Chúa được thực hiện cách hài hòa và huy hoàng, hầu sứ vụ cứu độ của Chúa Giêsu hoàn thành mỹ mãn[1].

Quả thật, sự đáp trả bằng hành vi vâng phục đức tin của Đức Maria và thánh Giuse trước lời mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa liên kết mật thiết với sự vâng phục trọn vẹn nơi Đức Giêsu tạo ra một gia đình thánh, một cộng đoàn mới trổi vượt hơn cộng đoàn nguyên thủy của loài người. Bởi lẽ, cộng đoàn này chỉ có những người “luôn hướng lòng quyết thực thi thánh chỉ, mãi mãi cho đến cùng” (Tv 118,112).

Nhờ vâng phục Thiên Chúa, Thánh Gia trở nên cộng đoàn gương mẫu trong việc chu toàn lề luật. Tin Mừng Luca đã ghi lại biến cố dâng Chúa Giêsu trong đền thánh và việc hằng năm cả gia đình cùng trẩy hội lên đền Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua (x. Lc 2,22.41). Sau khi trở về cư ngụ tại Nadarét, chắc chắn cộng đoàn này hằng ngày vẫn sống trong bầu khí cầu nguyện và đến hội đường vào ngày Sabát để tham dự các nghi lễ phụng tự tôn giáo khác. Các ngài đã sống giao ước mới bằng việc chu toàn lề luật. Đây chính là nền tảng để các ngài dễ dàng tìm kiếm, khám phá và chu toàn Thánh ý trong mọi hoàn cảnh của đời sống thường ngày.

Cộng đoàn thánh hiến được sinh ra không do ý muốn của xác thịt, không bởi sự hấp dẫn cá nhân cũng không phải động lực con người, nhưng bởi Thiên Chúa, do lời mời gọi và sự lôi cuốn siêu nhiên[2]. Do đó, mỗi người khi đã nhận ra và sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Chúa bằng việc lựa chọn sống đời dâng hiến thì tất cả sẽ được quy tụ lại để cùng chia sẻ một nếp sống và cùng thực thi một sứ vụ. Cách riêng, cộng đoàn anh em Đa Minh được quy tụ để cùng nhau chia sẻ nếp sống giảng thuyết và cùng nhau thi hành sứ vụ giảng thuyết cứu độ. Sau khoảng thời gian được đào tạo và huấn luyện, mỗi thành viên sẽ có đầy đủ những điều kiện cần thiết để trở thành một nhà giảng thuyết. Và nhờ việc tuyên khấn, chúng ta được sáp nhập vào Dòng, được tận hiến cho Thiên Chúa, hoàn toàn dấn thân vào việc truyền giáo trong hết mọi chiều kích[3]. Khởi từ đây, sứ vụ của cộng đoàn được chính thức trao cho từng người để cùng với cộng đoàn, chúng ta ra đi đến mọi nơi, loan truyền ơn cứu độ của Thiên Chúa được ban qua trung gian Đức Giêsu Kitô. Vì vậy, việc mỗi người tu sĩ Đa Minh vâng phục, tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng và kỷ luật tu trì sẽ là nền tảng căn bản để cộng đoàn sống trọn giao ước đã được ký kết, là cách thức dễ dàng để chu toàn Thánh ý trong từng phút sống trong đời và đây cũng một trong những cách thế hữu hiệu để duy trì, xây dựng một cộng đoàn bền vững, phát triển và vươn tới đức ái trọn hảo là cùng đích của ơn gọi dâng hiến.

Thánh Gia – Cộng đoàn thực thi sứ vụ loan truyền ơn cứu độ

Thánh Gia là cộng đoàn hiệp nhất trong yêu thương và phục vụ. Các ngài luôn chu toàn bổn phận của mình trong vai trò là một thành viên của cộng đoàn. Và cũng nhờ vào điều này, các ngài thực thi trọn vẹn sứ vụ trao ban ơn cứu độ cho nhân loại bằng nhiều cách thế khác nhau.

Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, mang trong mình sứ vụ quan trọng, đó là rao giảng Nước Thiên Chúa và giải thoát nhân trần khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và con người thật. Người thi hành sứ vụ cứu độ của mình không chỉ bằng việc tuân phục Chúa Cha mà còn bằng việc khiêm tốn vâng phục cha mẹ và chu toàn bổn phận của một người con trong gia đình. Thời gian sống ẩn dật đã qua, Người bắt đầu rảo bước khắp các làng mạc, thôn xóm, hội đường và kể cả những vùng đất của dân ngoại để công bố một sứ điệp quan trọng: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Người giảng dạy chân lý bằng dụ ngôn, mở ra một con đường để hết thảy những ai tin và theo bước Người chắc chắn sẽ được cứu độ. Đồng thời, Người cũng làm nhiều phép lạ để củng cố, gia tăng niềm tin của dân chúng. Sau cùng, vào những giây phút cuối cùng, Người nói: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,3), sứ vụ nhập thế để loan báo Nước Thiên Chúa đã hoàn tất. Giờ đây, công cuộc cứu chuộc trần gian đã được thực hiện. Người trở về ngự bên hữu Chúa Cha và mãi luôn dõi theo những bước đi của nhân loại.

Sau khi đã đón nhận và cưu mang Ngôi Lời, Đức Maria trở nên hòm bia của giao ước mới. Mẹ đã ý thức được sự cấp bách và cần thiết của việc mang ơn cứu độ đến cho nhân loại. Vì vậy, Mẹ đã “vội vã”, nhanh chóng lên đường cùng với Con Mẹ đến thăm gia đình người chị họ là bà Elisabeth (x. Lc 1,39-45). Mẹ đã cộng tác vào công trình cứu chuộc của Con mình từ khi bắt đầu lãnh nhận thiên chức làm mẹ Đấng Cứu Thế. Do đó, Mẹ trở nên mẫu gương cho mọi cộng đoàn thánh hiến lên đường cho sứ vụ truyền giáo của mọi nơi trên thế giới. Đức Maria luôn chu toàn bổn phận một người vợ, người mẹ trong gia đình, nhất là bổn phận của nhà giáo dục Con Thiên Chúa. Bởi lẽ, mẹ không chỉ sinh ra, nuôi dưỡng mà còn đồng hành với người Con trong sự trưởng thành về mặt nhân tính để Đức Giêsu có thể “ngày càng lớn lên thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40). Mẹ đã hết lòng chuẩn bị cho Con mọi điều có thể và cùng lên đường với Người trong khi thi hành sứ vụ công khai. Mẹ ngỏ lời để Con thực hiện phép lạ đầu tiên tại Cana; Mẹ theo bước chân rao giảng khắp miền Giuđa của Con; Mẹ đứng dưới chân thập giá cùng Con chia sẻ khổ đau; sau cùng, Mẹ hiện diện để nâng đỡ và cầu nguyện cùng cộng đoàn Kitô hữu sơ khai. Với tất cả những điều này, Mẹ chu toàn sứ vụ được Thiên Chúa trao phó và hiệp thông với Con mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

Hơn ai hết, thánh Giuse, người cha nhận hậu và tôi tớ trung thành của Thiên Chúa, đã gánh vác cộng đoàn trong hy sinh âm thầm, đã nỗ lực bảo vệ cộng đoàn trước sự bách hại của thế gian và mưu chước của ma quỷ. Khi thi hành chức vụ làm cha, ông Giuse đã hợp tác với bạn trăm năm trinh khiết của mình để kiến tạo căn nhà Nadarét thành môi trường thuận tiện cho sự trưởng thành của Đấng Cứu Độ loài người. Và rồi khi tập cho Đức Giêsu làm thợ mộc, ông Giuse đã đưa Người đi vào thế giới lao động và đời sống xã hội[4]. Cuộc đời của thánh Giuse là một lời rao giảng trong âm thầm nhưng rất giá trị. Ngài đã rất xót xa khi nhìn thấy Con Thiên Chúa phải hạ sinh nơi chuồng bò thấp hèn ở Bêlem. Ngài lo lắng khi nghe lời Simêon tiên báo về tương lai của Hài Nhi và những đau khổ mà Maria sẽ phải gánh chịu. Ngài cảm nghiệm sâu sắc nỗi khó nhọc lúc gia đình phải trốn chạy Hêrôđê và sống kiếp tha hương tại Ai Cập. Ngài đón nhận tất cả gian khổ, thiếu thốn khi gia đình trở về sinh sống tại làng quê nghèo hèn, nhỏ bé, “từ Na-da-ret, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46b). Và ngài sợ hãi khi lạc mất Con, đã cùng Maria thao thức tìm kiếm trong suốt ba ngày liền. Ngài đã chấp nhận xóa mình đi và hiến thân hoàn toàn để phục vụ cho công trình của Thiên Chúa. Vì thế, bằng cách chu toàn hết mọi bổn phận được ủy thác, thánh Giuse đã cộng tác với Đức Maria trong việc đem ơn cứu độ đến cho nhân loại sẽ được thành toàn trong Đức Giêsu.

Giống như Thánh Gia, cộng đoàn tu trì đều có chung một sứ vụ: Loan truyền ơn cứu độ cho mọi dân. Do đó, việc gắn bó với Chúa bằng kinh nguyện và phụng vụ bí tích là điều kiện tiên quyết để ta có thể lên đường thực thi sứ vụ này. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân ý thức rõ vai trò, trách nhiệm và không ngừng nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được cộng đoàn trao phó. Đây là cách thức dễ dàng nhất để ta sống và hoàn thành ơn gọi đời mình. Vì vậy, nếu ta trung thành thực hiện những điều ấy, thì dù ta là ai, giữ vị trí nào, đều có thể đóng góp phần mình vào việc hoàn thành sứ vụ chung của cả cộng đoàn. Cách riêng, đối với Dòng Anh em Giảng thuyết, “ngay từ thời sơ khai, đã được thành lập đặc biệt để lo việc giảng thuyết và ơn cứu độ các linh hồn”[5], các tu sĩ thi hành sứ vụ cứu độ bằng việc chung sống đồng tâm nhất trí, trung thành tuân giữ các lời khuyên phúc Tin Mừng, sốt sắng cử hành phụng vụ, chuyên cần học hỏi, và kiên tâm tuân giữ nếp sống tu trì. Tất cả những việc đó không những tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa chúng ta, mà còn trực tiếp phục vụ cho ơn cứu độ con người.[6] Chính vì vậy, mỗi tu sĩ Đa Minh cũng được mời gọi chu toàn tất cả những điều này bằng tất cả niềm tin, trông cậy vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, cũng như nỗ lực sống đức ái tại nơi mình được sai đến. Bằng cách này, sứ vụ của Dòng sẽ được mở rộng và lan tỏa đến tất cả mọi nơi đang mong chờ ơn cứu độ của Đức Giêsu.

Đức Giêsu – Trung tâm của cộng đoàn

Thánh Gia được gọi là cộng đoàn thánh vì Đức Giêsu là ‘trái tim’ của cộng đoàn. Bởi lẽ, tất cả mọi biến cố xảy ra trong cộng đoàn đều quy hướng về Đức Giêsu. Ngay từ đầu, Đức Giêsu chính là căn nguyên của sự liên kết giữa Đức Maria và thánh Giuse trong tình bạn thanh khiết để tạo nên cộng đoàn thánh này. Người cũng là chủ thể duy nhất, mục đích tối hậu mà cộng đoàn hướng tới. Sứ vụ đầu tiên cộng đoàn lãnh nhận là đón nhận và nuôi dưỡng Ngôi Lời nhập thể. Đức Maria và thánh Giuse cùng nhau thực hiện mọi việc để Đức Giêsu có một môi trường tốt lành để trưởng thành về mặt nhân tính và hòa nhập với cộng đồng nhân loại. Cộng đoàn này ắt hẳn luôn sống trong bầu khí hiệp thông cầu nguyện, lao động kiếm sống và phục vụ lẫn nhau trong tình mến. Tuy vậy, Đức Maria và thánh Giuse đã từng bị lạc mất Chúa Giêsu trong một lần cộng đoàn hành hương tại đền Giêsusalem (x. Lc 2,41-50). Sự ‘biến mất’ cách đột ngột của Đức Giêsu khiến các ngài hoảng hốt, bối rối và lo sợ. Lúc ấy, các ngài chia sẻ với nhau nỗi đau khổ chung, vì thiếu vắng Chúa Giêsu, một sự thiếu vắng không thể chịu đựng được, không thể hiểu được. Lúc này, cộng đoàn đã bị phân tán và sứ vụ được trao không thể tiếp tục. Vì vậy, để tìm lại sự gắn kết trong cộng đoàn, các ngài đã gấp rút trở lại Giêrusalem để tìm kiếm và sau ba ngày đã gặp được Đức Giêsu. Cộng đoàn thánh được tái lập, Chúa Giêsu cùng với cha mẹ hồi hương. Cộng đoàn thánh lại tiếp tục sứ vụ của mình trong những năm tháng sinh sống tại làng Nadarét.

Cũng vậy, cộng đoàn tu trì sẽ dễ dàng bị đổ vỡ, tan rã và thậm chí biến mất nếu một ngày, cộng đoàn ấy vắng bóng Đức Giêsu. Chính Người là cầu nối giữa cộng đoàn nhân loại với cộng đoàn tuyệt hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi. Người là Đấng đã đến trong thế gian và hướng dẫn cộng đoàn nhân loại tiến đến chỗ viên mãn, là hiệp nhất với nhau trong ngày Chúa quang lâm[7]. Tranh cãi, bất hòa, ganh ghét và chia rẽ là những điều rất dễ thấy ở mọi cộng đoàn tu trì. Tất cả những điều này ảnh hưởng tiêu cực tới sự hiệp thông và sứ vụ chung của cộng đoàn. Nguyên nhân chủ yếu là do mỗi thành viên thiếu niềm tin vào Thiên Chúa và chưa thực sự nhận ra sự hiện diện của Người nơi anh chị em trong cộng đoàn. Do đó, việc xây dựng và củng cố đức tin chính là cách thế để nhận ra sự hiện diện của Đức Giêsu trong cộng đoàn. Đời sống phụng vụ chung phải được ưu tiên và quý trọng như một phần thiết yếu của cộng đoàn. Mỗi thành viên cần chuẩn bị chu đáo và hiện diện đầy đủ và cử hành sốt sắng các giờ cầu nguyện và cử hành phụng vụ chung để được nuôi dưỡng và củng cố đức tin của mình. Mỗi thành viên có đức tin vững mạnh sẽ tạo nên một cộng đoàn có đức tin vững mạnh. Chúng ta phải coi việc đọc, suy niệm và chiêm niệm Lời Chúa là cơm bánh thiết thực hằng ngày của mình. Mỗi người nỗ lực sống trọn tình yêu dành cộng đoàn trong từng ngày sống. Vì “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7). Cộng đoàn cũng cần đối thoại khi xảy ra tranh chấp, cần khiêm nhường trong ứng xử, cần kiên nhẫn trong việc sửa lỗi, cần tha thứ cho những lỗi lầm,… Bằng cách học hiểu và sống theo những tiêu chuẩn này, chúng ta sẽ dần khám phá được hình ảnh Thiên Chúa nơi anh chị em. Vì vậy, việc gìn giữ tương quan với Thiên Chúa và anh chị em là cách thức duy nhất để xây dựng và thăng tiến đời sống cộng đoàn.

Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Xin làm cho chúng con cũng biết học đòi mà ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời. Amen. (Lời tổng nguyện Lễ Thánh Gia)


[1] X. Lm. Giuse Nguyễn Hòa Nhã, Tổng luận Thần học căn bản về Thánh Cả Giuse, tr. 7.

[2] X. Huấn thị Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, số 1.

[3] X. Phan Tấn Thành, Tìm hiểu Dòng Đa Minh, Học viện Đa Minh, 2016, tr. 175.

[4] Đức Gioan Phaolô II, “Nhà giáo dục Con Thiên Chúa” trong Những bài giáo huấn về Đức Maria, Dg. Phan Tấn Thành (1999), tr. 149.

[5] Hiến pháp tiên khởi, Tự ngôn dẫn lại trong Hiến pháp nền tảng, số II

[6] X. Hiến pháp nền tảng, số IV.

[7] X. Felix Podimattam, OFM CAP., Cộng đoàn đời sống thánh hiến, chuyển ngữ: Nguyễn Ngọc Kính, OFM (Hà Nội: Tôn giáo, 2016), tr. 40.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com