Fr. Thomas Petri, O.P.
O come, O come, Emmanuel, and ransom captive Israel, that mourns in lonely exile here until the Son of God appear. Rejoice! Rejoice! Emmanuel shall come to you, O Israel!
Nguyện xin Chúa hãy đến giải thoát dân Ngài trong chốn lưu đày đang xót xa ngậm ngùi, nơi quê Người và mơ ước sớm thấy ngày Chúa ra đời. Vui lên! Hân hoan! Đây là Chúa uy quyền nay đến cứu chuộc, giải thoát Israel.
Lời nhạc Giáng sinh nổi tiếng trên không còn đơn thuần là một bản nhạc nữa. Hơn hết, nó chính là lời ca tụng mà toàn thể Giáo hội cùng ca lên trong mùa Vọng, mùa chuẩn bị kỷ niệm biến cố Giáng sinh. Trong suốt bốn tuần lễ ngắn ngủi của mùa này, Phụng vụ Giáo hội tập trung vào việc Chúa Giêsu nhập thể đã hoàn tất các lời tiên báo trong Cựu Ước cũng như đã hiện thực hóa sự mong mỏi của con người, khi không những chuẩn bị cho lễ Giáng sinh mà Giáo hội còn trông đợi sự trở lại trong vinh quang của Người vào ngày cánh chung.
Điệp ca O come, O come, Emmanuel – Lạy Đức Emmanuel, xin ngự đến lấy từ bảy bài thánh ca cổ đã được Giáo hội dùng trong phụng vụ giờ kinh chiều từ thế kỷ IX. Mỗi năm, từ ngày 17 đến 23 tháng Mười Hai, Phụng vụ Giáo hội tập trung kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu xuống thế lần thứ nhất cách đây hơn 2000 năm. Điều này được thể hiện rõ nơi các bài đọc Lời Chúa của những ngày này, cũng như trong các giờ kinh Phụng vụ, nhất là giờ kinh chiều. Mỗi giờ kinh chiều của tuần này, Giáo hội lần lượt xướng lên bảy bài thánh ca cổ này, mà truyền thống quen gọi là Điệp ca O, trước khi nguyện ca Thánh thi Magnificat.
Điệp ca O kêu cầu danh Thiên Chúa bằng việc sử dụng lại những hình ảnh trong Cựu Ước:
O Wisdom From on High – Lạy Ngôi Lời khôn ngoan thượng trí;
O Lord of the House of Israel – Lạy Chúa là Thủ lãnh nhà Israel;
O Root of Jesse’s Stem – Lạy Đức Kitô là mầm non từ gốc tổ Giêsê;
O Key of David – Lạy Đức Kitô, Ngài nắm giữ chìa khóa nhà Đa vít;
O Radiant Dawn – Lạy Đức Kitô là Vầng Đông xuất hiện;
O King of the Nations – Lạy Đức Kitô là Vua muôn nước;
O Emmanuel – Muôn lạy Đức Emmanuel.
Đi kèm theo những danh xưng này là những lời cầu cũng lấy từ Cựu Ước, như:
Come to teach us the path of knowledge – Xin đến mà chỉ dạy đường cứu độ chúng con;
Come to save us without delay – Xin đến mà giải thoát, đừng trì hoãn làm chi;
Come and free the prisoners of darkness – Xin Ngài đến đem ơn giải thoát, cho tù nhân khỏi hết xích xiềng, chẳng còn ngồi dưới bóng đêm thần chết.
Những điệp ca tuyệt mỹ này thể hiện rõ cách Giáo hội hiểu thế nào về tương quan giữa Chúa Giêsu với những lời hứa và những hình ảnh về Thiên Chúa rất phổ biến trong Cựu Ước.
Lạy Ngôi Lời khôn ngoan thượng trí!
Ngôn sứ Isaia tiên báo một chồi non sẽ mọc lên từ cội rễ Giêsê. Một trong những hậu duệ của Giêsê sẽ là Đấng Mêsia và là Đấng cứu chuộc Israel.
“Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn” (Is 11,2). Bởi vì lời tiên báo của Isaia nói về việc trông chờ Đấng cứu chuộc của Israel và của toàn nhân loại theo lời hứa của Thiên Chúa, nên Isaia được kể như vị ngôn sứ của mùa Vọng.
Cùng với danh nghĩa là Đấng được xức dầu, thánh Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Côrintô, còn nói rằng: “Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24). Đức Kitô chính là Đức Khôn ngoan mà sách Châm ngôn đã gọi là tay thợ cả và niềm vui của Thiên Chúa (x. Cn 8,30). Người Con được sinh ra từ trước muôn đời luôn là niềm vui của Cha và nhờ Người, nhờ Tay Thợ Cả này mà mọi sự được dựng nên.
Có lẽ hình ảnh mang nghĩa sâu sắc và thiêng liêng nhất thuộc vào điệp ca được xướng đọc vào ngày 18 tháng Mười Hai: O Lord of the House of Israel, giver of the Law to Moses on Sinai – Lạy Chúa là Thủ lãnh nhà Israel, Ngài đã ban lề luật cho ông Môsê trên đỉnh núi Sinai. Những sự kiện được nhắc đến thuộc vào các trình thuật của sách Xuất hành đều rất vĩ đại, từ bụi gai cháy đến cuộc vượt qua Biển Đỏ, cuối cùng là việc Thiên Chúa ban lề luật cho ông Môsê trên đỉnh núi Sinai được bao phủ bởi sấm chớt.
Khi chú giải về các sự kiện đó, các Giáo phụ thường nhấn mạnh đến sự hiện hữu của Thiên Chúa được tỏ bày cho dân Israel dưới nhiều cách thế khác nhau. Thánh Justinô nói thêm: “Cũng là Thiên Chúa đó, Đấng đã hiện ra với Abraham và Isaac dù dưới hình hài của một thiên thần hay một con người, cũng đã ẩn mình sau hình ảnh bụi gai cháy và trò chuyện với Môsê”.
Thánh Gregory thành Nyssa suy tư như sau về hành trình trong sa mạc, nhất là về các hình ảnh đám mây, sấm sét, và lều tạm: “Từ những gì đã được thánh Phaolô khai mở, chúng ta nói rằng Môsê từ ban đầu đã được hướng dẫn bởi một trong những hình ảnh đó nơi sự thánh thiêng của lều tạm, nơi ôm trọn cả vũ trụ.” Lều tạm này, chính là Đức Kitô Con Thiên Chúa, “vừa hữu hình vừa vô hình, vừa hiện hữu từ trước muôn thuở mà không phải tạo thành, vừa được sinh ra trong xác phàm”.
Người Con từ trước muôn thuở của Thiên Chúa vừa là hình ảnh trọn vẹn nhất của Thiên Chúa vừa là chính Thiên Chúa hiện diện nơi bụi gai rực cháy, trên đỉnh Sinai và nhất là trong cuộc nhập thể.
Vì vậy, không có gì gây ngạc nhiên khi điệp ca ngày 18 tháng Mười Hai lại bắt đầu bằng lời O Adonai – Lạy Chúa. Danh xưng này được người Do Thái dùng để kêu cầu Thiên Chúa khi họ đọc kinh Torah để tránh gọi đích danh tên gọi của Đức Chúa, Lord – Chúa. Trong thư gửi tín hữu Philípphê, thánh Phaolô đã dùng tên này để tuyên xưng niềm tin về Đức Giêsu bởi chính Người đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang để đón nhận cái chết (x. Pl 2,6-11). Đức Giêsu Kitô chính là Adonai, là Kyrios, là Chúa.
Cuối cùng, những điệp ca còn lại tuyên xưng Đức Kitô thành toàn những chờ mong bấy lâu nay của toàn dân Israel. Người là Oriens, vầng đông mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo sẽ chiếu tỏa trên những người được Thiên Chúa tuyển chọn (x. Is 60,1-2). Người cũng là cội rễ Giêsê. Vì thế, không những chỉ là sự thành toàn mọi lời tiên báo, nhưng Người còn là khởi đầu dòng dõi Israel.
Đức Kitô là Đấng Sáng tạo và qua Người, dòng dõi Israel được sinh sôi nảy nở. Do vậy, Đức Kitô vừa là khởi đầu, vừa là cùng tận của những lời đã được hứa cho vua David (x. 2Sm 7,12.14a.16). Người là Alpha và Omega. Người là Đấng mà Cựu Ước tiên báo sẽ là vị Vua trị vì muôn dân nước.
Khi vừa được xướng hát trước thánh ca Tin Mừng Magnificat của Đức Trinh Nữ Maria, vừa được xướng đọc xen kẽ trong các thánh thi mùa Vọng, những điệp ca trên trình bày mầu nhiệm về Đức Kitô đã được Cựu Ước mặc khải nơi vinh quang và vương quyền của Thiên Chúa.
Thánh Tôma Aquinô nói rằng nhiều ngôn sứ vĩ đại tiên báo những lời chính xác và rõ ràng về Đức Giêsu và những mầu nhiệm biểu lộ nơi Người, cho dù những vị này sống trước biến cố Nhập Thể đến hàng trăm năm. Một lần kia, Đức Giêsu đã nói: “Ông Abraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ” (Ga 8,56). Đức Kitô đã hiện diện thực sự trong Cựu Ước, trong lịch sử dân Israel.
Tất cả bảy điệp ca tuyệt mỹ trên cho chúng ta thấy rõ, mùa Vọng có ý nghĩa hơn nhiều so với việc chuẩn bị Đại lễ Giáng sinh cách đơn thuần. Bảy Điệp ca O nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Kitô chính là trung tâm điểm của lịch sử cứu độ, và của cả lịch sử nhân loại, bởi Người là Đức Emmanuel – Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Sự khôn ngoan của Thiên Chúa được biểu lộ qua việc Người dựng nên con người chúng ta để khi thông hiệp với Thiên Chúa, chúng ta có thể chiếu rãi ánh sáng của Người không chỉ cho chính bản thân mình, mà còn cho mọi người. Hằng năm, Giáo hội cho chúng ta sống bốn tuần mùa Vọng này để chính chúng ta có được một đời sống xứng hợp, rằng trong sự chuẩn bị, nhiệt tâm và hy vọng hân hoan, Thiên Chúa sẽ đến và cứu chữa chúng ta.
O Emmanuel,
the one awaited by the gentiles,
and their Savior:
come to save us,
Lord our God.
Muôn lạy Đức Emmanuel
Đấng nắm giữ vương quyền
và ban hành luật pháp
khắp nơi trông đợi Ngài giải thoát muôn dân
Xin dủ thương ngự đến gian trần
cho chúng con hưởng ơn cứu độ.1