Điểm khác nhau giữa dòng tu, tu hội đời và tu đoàn tông đồ

24-04-2024
Bởi: Thỉnh Viện Đa Minh Có: 0 bình luận 251 lượt xem

Ngày nay, người ta dễ dàng nhận ra diện mạo của một vị tu sĩ qua chiếc áo dòng, dù rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu“. Có lẽ đã không ít lần, chúng ta được các “sơ” ( sœur) hay các “phe” (frère) giới thiệu về cộng đoàn tu trì của mình; nhờ vào lời giới thiệu, ta biết được sơ hay thầy thuộc “phe” nào. Ví dụ: Con là đan sĩ thuộc dòng Biển Đức; Con là tu sĩ thuộc dòng Đa Minh; Con tu ở Tu hội Đắc Lộ được 10 năm rồi; Con mới học Triết II, thuộc Tu đoàn Tông đồ Giáo sĩ Nhà Chúa… Vậy, câu hỏi được đặt ra: Đâu là điểm khác nhau giữa Dòng tu, Tu hội đời và Tu đoàn tông đồ?

Dòng tu

Theo Giáo luật (1983), điều 607:

(2) “Dòng tu là một xã hội, trong đó các phần tử tuyên giữ các lời khấn công khai trọn đời hay tạm thời, nhưng lập lại khi mãn hạn tuỳ theo luật riêng, và sống chung đời huynh đệ.”

(3) “Việc các tu sĩ làm chứng công khai cho Đức Kitô và cho Giáo Hội bao hàm sự xa cách thế tục, theo một hình thức riêng thích hợp với đặc tính và mục tiêu của mỗi dòng.”

Như vậy, yếu tố pháp lý căn bản của các dòng tu được tóm lại trong ba điểm:

  • Ba lời khấn công (một số Dòng tu có lời khấn thứ tư);
  • Sống cộng đoàn  
  • Chứng tá công khai và tách xa thế tục

Dòng tu còn được chia thành:

  • Dòng tu thuộc luật Giáo hoàng, do Tòa thánh thiết lập hay châu phê (ví dụ: Dòng Phanxicô, Dòng Đa Minh, Dòng Tên…);
  • Dòng tu thuộc luật Giáo phận, do Giám mục giáo phận thiết lập và chưa được Tòa thánh cấp nghị định phê chuẩn (ví dụ: Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc…).
Dòng Đa Minh là một trong các dòng tu lâu đời trong Giáo hội Công Giáo.

Tu hội đời

Theo Giáo luật (1983), điều 710:

“Tu hội đời là một hội dòng tận hiến, trong đó các tín hữu sống giữa đời nhắm tới sự trọn lành của đức ái và dấn thân mưu cầu sự thánh hoá đời ngay ở giữa đời.”

Tu hội đời có ba đặc điểm chính:

  • Không có lời khấn công, nhưng chỉ có mối dây ràng buộc thánh;
  • Không có đời sống chung;
  • Sống giữa đời;

Thật vậy, nếu các thành viên của các Dòng tu được mời gọi sống xa cách đời, thì những thành viên của các Tu hội đời được mời gọi sống giữa đời. Các Tu hội đời thường không có tu phục riêng; họ chỉ mặc thường phục của nơi sở tại (áo dài, áo sơmi…) để sống chan hòa với đời. 

Tu hội Truyền Giáo tại Việt Nam.

Tu đoàn tông đồ

Theo Giáo luật (1983), điều 731:

          (1) “Các Tu đoàn tông đồ đuợc coi như tương đương với Hội dòng tận hiến. Các phần tử của Tu đoàn tông đồ tuy không có lời khấn dòng, nhưng theo đuổi mục tiêu tông đồ riêng của tu đoàn, và nhắm tới sự trọn lành của đức ái do việc sống chung theo một nếp sống đặc thù, và do việc tuân giữ hiến pháp.”

          (2) “Trong số những Tu đoàn ấy, có những Tu đoàn trong đó các phần tử chấp nhận các lời khuyên Phúc Âm với một dây ràng buộc do hiến pháp xác định.”

Tu đoàn tông đồ đuợc coi như tương đương với Hội dòng tận hiến.

Các Tu đoàn tông đồ có hai đặc điểm chính:

  • Không có lời khấn công, nhưng chỉ có một mối dây ràng buộc nào đó, kể cả ám tàng;
  • Có đời sống chung;    

Do đó, các Tu đoàn tông đồ sẽ không buộc phải có lời khấn dòng nhưng lại có đời sống cộng đoàn. Tuỳ theo hiến pháp mà họ có thể chấp nhận tuân giữ những lời khuyên Phúc Âm.

Tài liệu tham khảo

  • Bộ Giáo luật 1983
  • Giuse Phan Tấn Thành, O.P. (2017). Giải thích Giáo luật – tập III, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội.

Micae Lê Bá Thạch

Từ khóa: , , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com