Philípphê Trương Đức Minh
Qua Bản tu luật mang tên ngài, thánh nhân chỉ dạy cho chúng ta một nghệ thuật sống nhân bản đích thực.
Lịch sử Giáo hội đã ghi lại biết bao biến cố xảy ra trong hơn hai ngàn năm qua, bắt đầu từ việc Chúa đặt Phêrô làm vị thủ lãnh đầu tiên, trải qua những triều đại giáo hoàng khác nhau với những dấu ấn thăng trầm. Bức tranh lịch sử Giáo hội sẽ không thể đẹp hơn được nếu thiếu đi nét vẽ về hình ảnh của các vị thánh: thánh tông đồ, thánh mục tử, thánh tiến sĩ, thánh trinh nữ, thánh tử đạo… Các thánh đã làm cho đời sống Giáo hội thêm lôi cuốn, đẹp đẽ, sống động và khả tín hơn. Một trong những người được Đức giáo hoàng Ghêgôriô Cả gọi là ông tổ của thuyết nhân bản đích thực, không ai khác đó chính là thánh Biển Đức.
Tiểu sử thánh Biển Đức
Những tài liệu có tính lịch sử đáng tin cậy ghi chép về cuộc đời và hoạt động của thánh Biển Đức rất hiếm hoi. Một trong những tài liệu cổ xưa nhất cung cấp thông tin về cuộc đời thánh nhân đó là bộ sách Đối Thoại gồm hai tập do Đức giáo hoàng Ghêgôriô Cả biên soạn. Trong tập hai của cuốn sách, Đức Thánh Cha đã thuật lại những nét cơ bản về cuộc đời của Biển Đức. Thánh giáo hoàng Ghêgôriô cho biết Biển Đức sinh vào khoảng năm 480 thuộc vùng Nicea nước Ý. Cha mẹ người khá giả nên gửi người về Rôma học. Nhưng người không ở Rôma lâu, vì như Đức Ghêgôriô cho biết, thiếu niên Biển Đức chán ngấy kiểu sống trác táng của các bạn đồng trang lứa, và không muốn phạm cùng các lỗi lầm ấy. Người chỉ muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa mà thôi. Vì thế trước khi kết thúc chương trình học, Biển Đức rời Rôma và lui vào sống trong vùng núi tĩnh mịch ở mạn đông thành phố này. Sau khi dừng chân tại làng Effide, nơi thánh nhân sống chung với một cộng đoàn tu sĩ, người sống đời ẩn tu tại Subiaco ba năm, hoàn toàn một mình trong một hang đá. Từ thời Trung cổ trở đi, nơi này trở thành con tim của một tu viện Biển Đức, được gọi là ”Hang thánh”.
Thời gian sống cô tịch một mình với Chúa tại Subiaco đã là thời gian trưởng thành. Thánh nhân chịu đựng và thắng vượt được ba thử thách: tự mãn coi mình là trung tâm, lòng ham muốn sắc dục và sự giận dữ báo thù. Thánh nhân xác tín rằng chỉ khi thắng vượt được ba chước cám dỗ đó, người mới có thể nói lời hữu ích cho những ai cần trợ giúp. Dường như thánh nhân đã hoàn toàn kiểm soát được cái tôi của mình, trở thành người tạo dựng sự an hoà cho những người chung quanh. Chỉ khi đó người mới quyết định thành lập các tu viện đầu tiên trong thung lũng Anio, gần Subiaco.
Tên gọi của thánh nhân thật đặc biệt, gốc Latin là “Benedictus”, tiếng Anh là “Benedict”, cả hai đều mang nghĩa là “chúc tụng”, nhưng lại được dịch sang tiếng Việt là “Biển Đức”. Tên gọi tiếng Việt được cắt nghĩa như sau: “biển” ám chỉ một nơi rộng lớn bao la, “đức” có thể nằm trong chữ nhân đức, đức độ, đức hạnh. Vậy “Biển đức” nghĩa là biển trời nhân đức, nhân đức rất nhiều không thể diễn tả được. Nếu như đọc toàn bộ bản tu luật do chính thánh nhân biên soạn, chúng ta cũng không cảm thấy khó hiểu lắm khi tên của ngài được dịch sang tiếng Việt là như thế.
Như đã nói trên, lịch sử không để lại nhiều tài liệu ghi chép về đời sống của ngài, con người của ngài được thể hiện khá rõ qua Tu luật mà ngài đã viết (khoảng 540) để hướng dẫn các môn sinh của mình thực hành trong đời sống nhân bản cũng như đời sống tâm linh. Tu luật của ngài rất nổi tiếng, đã đặt nền cho sự nở rộ của phong trào đan tu thời Trung cổ và vẫn còn tiếp tục cho đến hôm nay. Nhiều vị Sáng lập dòng tu đã tham khảo Tu luật của thánh Biển Đức để viết hiến pháp dòng của mình.
Tu luật của thánh Biển Đức với những hướng dẫn cho một nếp sống nhân bản
Tu luật thánh Biển Đức gồm 76 chương, là những hướng dẫn rất tỉ mỉ cho các đan sĩ trong việc thực hành các nhân đức tự nhiên và siêu nhiên để tiến bộ trên đường trọn lành. Từ những việc nhỏ nhặt hằng ngày như chào hỏi, nói năng, đi đứng, ăn uống, ngủ nghỉ, v.v., cho đến những việc lớn hơn như lao động, hội họp, cầu nguyện, vâng phục, v.v., thánh Biển Đức luôn thể hiện sự cẩn trọng, chừng mực và quân bình trong những hướng dẫn của mình.
Thật ra khi nói đến nhân bản Kitô giáo, thì không thể tách rời đời sống nhân bản và sự tăng trưởng tâm linh, tức đời sống trong tương quan với Chúa, cả hai có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Chính vì vậy, khi đưa ra những hướng dẫn cho hành xử nhân bản, thánh Biển Đức cũng đều nối kết các hành vi nhân bản với đời sống siêu nhiên.
Ta hãy cùng rảo qua vài chương trong Tu luật liên quan đến giáo huấn của thánh Biển Đức về đời sống nhân bản trong đan viện.
Ở Chương hai của Tu luật, sau khi đã đưa ra những chỉ dẫn việc hành xử quyền bính của Viện phụ với tư cách thay mặt Chúa, thánh nhân đưa ra lời khuyên nhủ Viện phụ phải cư xử với mọi đan sĩ trong đan viện sao cho công bằng, tránh thiên vị:
Trong đan viện, viện phụ đừng thiên vị ai. Đừng thương người này hơn người nọ, trừ khi nhận thấy kẻ ấy trội hơn về các việc lành và sự vâng phục. Không được ưu đãi người tự do hơn người xuất thân từ giai cấp nô lệ, trừ khi có lý do chính đáng. Nhưng nếu vì lẽ công bằng mà viện phụ xét là cần phân biệt như thế thì ngài cứ làm, bất kể người được ưu đãi thuộc giai cấp nào; ngoài ra, ai nấy cứ giữ thứ vị của mình. […] Vì thế, viện phụ phải thương yêu mọi người như nhau, áp dụng một quy tắc chung cho mọi người, tùy theo công trạng của họ.
Đối với mỗi đan sĩ, nhân đức phải luyện tập trước hết là vâng phục (chương 5), tiếp đến là khiêm nhường, được đề cập ở Chương 7. Chương này đưa ra 12 bậc của sự khiêm nhường, được xem như những nấc thang nhân đức đan sĩ lên tận trời cao. Sự khiêm nhường xét như phương thế của đường trọn lành, nhưng cũng là một đức tính nhân bản, liên quan đến cách hành xử hằng ngày của đan sĩ: khiêm nhường để nhẫn nại, kiên tâm chịu đựng (bậc thứ 4), để nói năng, trình bày sự thật (bậc thứ 5), để biết bằng lòng với công việc được giao (bậc thứ 6), để giữ thinh lặng, chừng mực trong lời nói (bậc thứ 9), để tránh cười đùa, cợ nhả (bậc thứ 10), biết giữ sự trang nghiêm (bậc thứ 11)
Chương 19 và 20 nhắc bảo về sự cung kính khi cầu nguyện. Thái độ khiêm tốn, cử chỉ lễ độ thể hiện bên ngoài là một hành vi nhân bản cần phải có đối với việc phượng tự. Trong cử hành phụng vụ và cầu nguyện, điều chính yếu là thái độ nội tâm, là mối tương quan của con người với Thiên Chúa, nhưng người ta cũng không thể coi thường những cử chỉ, thái độ, hành vi bên ngoài, vì nó là dấu chỉ diễn tả phẩm chất là sự hiệp thông bên trong. Chính vì vậy, thánh nhân khuyên anh em hãy hát thánh vịnh và đọc kinh như thế nào để “tâm trí hoà hợp với lời đọc,” nhắc nhở anh em nhớ rằng “Thiên Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi và mắt người hằng nhìn xem người lành kẻ dữ.”
Chương 22 của Tu luật đưa ra hướng dẫn về việc ngủ nghỉ sao cũng luôn giữ được sự đức hạnh:
Mỗi người ngủ riêng một giường, chăn nệm tùy cảnh sống và như viện phụ ấn định. Nếu có thể mọi người hãy ngủ chung một nơi, nhưng nếu không thể được vì đông quá, thì ngủ từng nhóm mười hay hai mươi người, có đàn anh coi sóc họ. Trong phòng ngủ, phải thắp đèn cho đến sáng. Nằm ngủ phải ăn mặc chỉnh tề, thắt lưng dây da hay dây gai, chớ đeo dao bên mình, sợ rằng mê ngủ mà bị thương…
Chương 39 và 40 đề cập đến việc ăn uống của anh em. Tu luật nhắc bảo về sự cần thiết phải ăn uống cho đủ, nhưng phải luôn giữ chừng mực, tránh say sưa, vô độ, phải kiêng thịt quanh năm, trừ những người đau yếu:
Trong bữa ăn hằng ngày, vào giờ sáu hay giờ chín, cha thiết tưởng chỉ dọn hai món nấu chín là vừa, xét theo sự yếu đuối của mỗi người; như thế, ai không dùng được món này thì dùng món kia. Vậy hai món nấu chín là vừa cho anh em, nếu có hoa quả hoặc rau tươi có thể thêm món thứ ba. Mỗi ngày một cân bánh là đủ, dù ăn một bữa hay hai bữa, trưa và tối…. Tuy nhiên, phải tránh thái quá, đừng để đan sĩ bội thực bao giờ, vì không gì trái với tư cách Kitô hữu cho bằng ăn uống vô độ. Như lời Chúa dạy: ‘Anh em hãy ý tứ đừng để lòng mình ra nặng nề bởi chè chén say sưa’. Đối với trẻ em, đừng dọn cùng một phân lượng, nhưng ít hơn người lớn, để luôn giữ chừng mực trong mọi sự. Mọi người phải tuyệt đối kiêng thịt loài bốn chân, ngoại trừ những người đau yếu kiệt sức.
Chương 36 đưa ra những chỉ dẫn để có những hành xử tinh tế, huynh đệ trong việc chăm sóc những anh em đau yếu, nhiệm vụ này được trao cho viện phụ và những anh em được chỉ định chăm sóc cho bệnh nhân:
Viện phụ phải rất mực quan tâm để ý kẻo anh em đau ốm bị bỏ rơi cách nào chăng. Nên cho anh em đau ốm ở riêng một nơi. Hãy cử một anh em có lòng kính sợ Chúa và siêng năng cần mẫn để săn sóc họ. Phải cho bệnh nhân tắm rửa mỗi khi cần. Còn người mạnh khoẻ và nhất là anh em trẻ thì ít khi cho phép ấy. Anh em đau ốm và kiệt sức cũng nên cho dùng thịt để bổ sức lại. Khi đã phục hồi sức khoẻ, những anh em ấy lại kiêng thịt như bình thường. Viện phụ phải hết sức quan tâm kẻo quản lý hay những anh em phụ trách chểnh mảng việc săn sóc bệnh nhân, vì chính ngài sẽ chịu trách nhiệm về bất cứ thiếu sót nào của môn đệ.
Trong mọi phương diện của đời sống nhân bản, thánh Biển Đức luôn muốn anh em giữ một trạng thái quân bình và cân bằng để tâm hồn và thân xác luôn được gìn giữ vẹn toàn dưới một mức độ kỉ luật cần thiết. Một câu hỏi đặt ra là: Liệu thánh Biển Đức có chi tiết, tỉ mỉ quá không khi soạn thảo bản luật mang tên ngài? Những chỉ dẫn của ngài có còn phù hợp với thời đại ngày nay nữa không? Rõ ràng các vị thánh tổ phụ sáng lập dòng tu sau này, dù có lấy lại Tu luật thánh Biển Đức, nhưng không theo cách rập khuôn tu cứng nhắc mà luôn có những thích ứng phù hợp tuỳ vào linh đạo riêng, hoàn cảnh và thời đại.
* * *
Thánh Biển Đức là một con người mẫu mực về đời sống nhân bản. Qua Bản tu luật mang tên ngài, thánh nhân chỉ dạy cho chúng ta một nghệ thuật sống nhân bản đích thực. Với những hướng dẫn rất cụ thể, ngài muốn mọi Kitô hữu, cách riêng các đan sĩ, luôn thăng tiến trên đường trọn lành, trước hết là bằng cách tập luyện các đức tính nhân bản. Thật sự đây là một lý tưởng không dễ để thực hiện chút nào. Hãy thử tập luyện chỉ một nhân đức thôi chứ đừng nói đến nhiều nhân đức, con người chúng ta đôi khi cũng cảm thấy không thể trung tín nổi, có lúc háo hức hăng hái, nhưng có lúc lại chán nản buông xuôi. Phận người là thế, kể từ khi nguyên tổ phạm tội, con người mang bản tính dễ sa ngã và nghiêng chiều theo sự dữ. Để đạt đến sự thánh thiện, ý chí thôi chưa đủ, dù ta có ý chí mạnh thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn luôn cần đến ân sủng của Chúa. Chỉ trong sự liên kết với Đức Giêsu Kitô, chúng ta mới có hy vọng trở thành một con người nhân bản đích thực.