[Đến Mà Xem 71] Maria Mađalêna: Chứng Nhân Tình Yêu

05-04-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2225 lượt xem

Giuse Ngô Xuân Hùng

“Ơn gọi ấy chính là phản ánh của….một tình yêu nồng cháy

Maria được sinh ra ở làng Mađalêna, miền Galiê nên được gọi là Maria Madalêna. Maria là tên rất thông dụng của phụ nữ dân Do Thái lúc bấy giờ, vì thế có rất nhiều người phụ nữ cùng tên với bà. Ngay cả Mẹ của Đức Giê-su cùng với một số người phụ nữ theo Đức Giê-su và các môn đệ cũng có tên là Maria.

Trải qua nhiều thế kỉ, giáo hội công giáo Tây Phương cho rằng thánh Maria Mađalêna được nhắc tới trong các sách Tin Mừng và Maria Bêtania cũng như Maria khác mệnh danh là người đàn bà tội lỗi đã xức dầu chân Chúa chỉ là một nhân vật. Vấn đề càng phức tạp hơn khi Tin Mừng Gioan (7,53 – 8,11) nói về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình cũng có tên là Maria. Thế nên Maria Mađalêna cũng bị hiểu nhầm với biệt danh là cô gái điếm.

Cho đến ngày nay sự đồng hóa này vẫn còn tiếp diễn như một quan niệm “thâm căn cố đế”. Các nhà chú giải Kinh Thánh, các họa sĩ, văn sĩ vẫn còn bị chi phối bởi sự đồng hóa này. Sự đồng hóa này đã được thể hiện ở một vài tác phẩm nghệ thuật, văn hóa ở Tây Phương điển hình như : tác phẩm The Da Vinci Code (mật mã Da Vinci); bộ phim của Martin Scorsese phỏng theo tiểu thuyết The Last Temptation of Christ (Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa Giêsu) của Nikos Kazantzakis…

Năm 1969, thời giáo hoàng Phaolô VI, Tòa thánh đã bác bỏ sự đồng hóa này và tách biệt ba người phụ nữ: Maria Mađalêna, Maria Betania, Maria xức dầu chân Chúa vì không có căn cứ để chứng thực ba phụ nữ này là một. Kinh Thánh cũng không có chi tiết nào chứng tỏ ba phụ nữ này là một nhân vật.

Qua các trình thuật của các tác giả Tin Mừng, Maria Mađalêna là một phụ nữ nổi bật được nêu đích danh trong các trình thuật về biến cố Phục Sinh (Mt 28,1; Mc 16,1; Lc 24,10). Bà là Maria đã đứng dưới chân thập giá cùng với Mẹ Chúa Kitô (Ga, 19,25), là người phụ nữ được Chúa trừ bảy quỷ (Lc 8, 1-3). Bà đi theo và gắn bó với Thầy Giêsu ngay cả những lúc bị thử thách nhất, đặc biệt là trong hai biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Kitô: Khổ nạn và Phục sinh. Điều này chứng minh tình yêu của bà đối với thầy Giêsu thật là vĩ đại.

Một ơn gọi lạ lùng

Khởi đi từ các sách Tin Mừng, việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ xem ra thật lạ lùng. Các môn đệ đầu tiên: Simon, Anrê, Gioan… là những người quê mùa, chất phác, nhưng đã được Chúa gọi và biến đổi thành những ngư phủ chuyên chăm đi lưới người (x. Mc 1,16-20). Mátthêu là người thu thuế được Chúa hoán cải và được trở thành môn đệ của Ngài (x. Mt 9,9tt; Lc 19,1-10). Tất cả các môn đệ đã được lời mời của Chúa thúc đẩy, đều có tiếng gọi và sự chọn lựa rõ ràng của Chúa làm dấu chỉ để các ông tin và bước theo Thầy chí thánh. Nhưng đối với Maria Mađalêna thì sao? Trong Tin Mừng không có chi tiết nào cụ thể nói về việc Chúa Giêsu chọn và gọi bà đi theo để làm môn đệ của Ngài. Vậy tại sao bà vẫn một lòng đi theo Thầy Giêsu và hết lòng phục vụ Ngài và các môn đệ (Lc 8, 1-3) ? Bà lấy động lực nào để có thể tiến bước trên con đường theo Chúa, một con đường đầy chông gai? Khi chú ý vào cuộc đời của thánh nữ Maria mađalêna ta thấy được con đường theo Chúa của bà là một huyền nhiệm của ơn gọi.

Trước khi gặp Chúa Giêsu, Tân Ước diễn tả Maria Madala là người bị bảy quỷ ám (x. Lc 8,2). Con số 7 xuất hiện nhiều trong Kinh Thánh và đối người Do Thái đây là con số biểu tượng của sự trọng vẹn. Thế nên, khi nói Maria bị bảy quỷ ám có nghĩa là bà bị quỷ ám hết sức nặng nề. Khi thánh nữ gặp được Chúa Giêsu, không ai khác chính Chúa Giêsu đã xua trừ bảy quỷ cho bà (x. Lc 8,2; Mc 16,9). Sau khi đã được Chúa trừ bảy quỷ, thánh nhân đã cảm nghiệm được tình yêu của Chúa đối với mình. Tình yêu đó chính là dấu chỉ, là tiếng gọi mãnh liệt nhất đã thôi thúc bà lên đường đi theo Thầy chí thánh trên con đường rao giảng Tin Mừng. Tình yêu đó chính là động lực đã tiếp thêm cho bà sức mạnh, lòng can đảm để bà bước theo Chúa lên đỉnh đồi Canvê và đứng dưới chân thập giá như một biểu tượng của tình yêu vượt trên mọi tình yêu.

Ơn gọi của Maria thật khác lạ vì nó không giống như ơn gọi của các môn đệ khác. Chúa không kêu gọi bà một cách trực tiếp để bà đi theo Người như Chúa vẫn làm với các môn đệ khác. Ơn gọi ấy cũng không phải là điều kiện của Chúa đặt ra khi Người trừ quỷ cho bà. Mà ơn gọi ấy chính là phản ánh của …

Một Tình Yêu Nồng Cháy

Thánh Têrêxa đã nói “Tin tưởng và chỉ tin tưởng mới dẫn chúng ta đến tình yêu.” Đúng vậy, niềm tin chính là nền móng của tình yêu. Không có tình yêu nào tồn tại mà thiếu đi sự tin tưởng. Niềm tin của Maria Mađalêna cũng đã được phác họa rõ nét trong các trình thuật Tin Mừng. Bà đã tin vào Chúa khi đã bỏ mọi sự, góp công, góp của mà theo Chúa trên đường rao giảng Tin Mừng (x. Lc 8,2-3). Bà đã tin vào Chúa, tin vào con đường Chúa đi khi cùng với Mẹ Maria đi lên đỉnh Canvê, nhìn Chúa chịu khổ hình và chết trên thập giá (x. Ga 19, 25). Hơn nữa, niềm tin ấy còn mãnh liệt hơn cả khi bà đứng trước ngôi mộ trống, nơi đã an táng thi thể của Thầy chí thánh. Có thể nói, không ai yêu Thầy của mình nhiều như Maria mađalêna. Chắc có lẽ vì bà được Chúa yêu nhiều nên bà có một tình yêu đáp trả cũng nhiều vô tận. Thánh Vinh sơn Phaolô nói “ tình yêu thì sáng tạo”. Vì thánh nữ yêu Chúa nhiều nên trong bà có một sức mạnh khiến bà trở nên dũng cảm lạ thường. Bà đã đi theo Chúa trọn con đường chịu nạn trong khi các đấng nam nhi là các tông đồ (trừ thánh Gioan) đã bỏ trốn vì sợ hãi. Bà đã cùng với Mẹ Maria cảm nếm nỗi đau tột độ khi chứng kiến Chúa Giêsu bị tra tấn và đóng đinh. Có lẽ đó chính là giây phút khủng khiếp nhất, không chỉ đối với người bị đóng đinh mà còn đối với những người yêu mến “nạn nhân” hết linh hồn, hết sức lực.

Tình yêu của Maria Mađalêna còn được diễn tả rõ nét trong buổi “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, khi trời còn tối mịt” (Ga, 20,1-2), bà đã đi ra mồ Chúa. Một sự nhớ nhung đã thể hiện một tình yêu thật mãnh liệt kể cả khi người mình yêu đã chết. Theo tục lệ của người Do Thái, họ thường viếng mộ trong 3 ngày sau khi người thân của họ qua đời và được an táng. Họ tin rằng 3 ngày sau khi chết, linh hồn người chết còn hiện diện ở nơi trần thế. Maria Mađalêna ra mộ ngày thứ nhất trong tuần, tức là ngày Chúa Nhật, là ngày thứ ba sau khi Chúa chết và được mai táng trong mồ. Tình yêu của thánh nữ đối với Thầy chí thánh thật là mãnh liệt, nhờ có tình yêu mà bà trở nên dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để có thể đứng lên mạnh mẽ và làm công việc mà hẳn là chính Chúa đã dự liệu để bà thực hiện, đó là …

Loan Tin Mừng Phục Sinh

Ngọn lửa tình yêu nồng cháy trong tâm hồn thôi thúc bà liên lỉ đi tìm Thầy tưởng đã chết. Trong sự hy vọng, khao khát gặp Đấng mà bà đang tưởng nhớ, là lúc bà tìm và nghe được tiếng nói sống động đã gọi đích thân tên mình “Maria”. Vì yêu nhiều nên khi nghe tiếng gọi, bà đã nhận ra giọng nói thân quen của Chúa. Một niềm vui lớn không tả xiết tràn ngập cõi lòng. Chính bà là người đầu tiên được Chúa hiện ra và trao sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh, trước hết cho các anh em của Người, nghĩa là cho các Tông Đồ. Đó là lý do thánh nữ nhận được danh hiệu “Tông đồ của các Tông đồ”. Bà là sứ giả thay lời cho chính Chúa Phục Sinh nói với các Tông đồ : “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”. Bà Maria Mácđala cũng đi báo cho các môn đệ khác: “Tôi đã thấy Chúa,” và bà kể lại những điều Người đã nói với bà (x. Ga 20,17-18). Thật là khó khăn cho Maria Mađalêna khi bà phải thực hiện nhiệm vụ quan trọng đến thế. Trong bối cảnh mà người nam được đề cao hơn người nữ lúc bấy giờ thì việc báo tin cho những anh em thận cận của Chúa mang một nỗi sợ không hề nhỏ, bà sợ các môn đệ sẽ không tin bà (Mt 28, 8; Mc 16, 11). Nhưng nỗi sợ ấy đã bị dập tắt bởi tình yêu đang cháy rực trong con tim của thánh nhân, để rồi Maria Mađalêna được diễm phúc trở thành người đầu tiên mang tin vui Phục sinh đến cho nhân loại.

Nhìn Lại

Suy ngẫm về ơn gọi và sứ mạng của Maria Mađalêna là dịp để ta nhìn lại hành trình ơn gọi đời mình. Chẳng khác gì bà, ta cũng mang thân phận tội lỗi. Bà được Chúa yêu nhiều, tha thứ mọi tội lỗi, chữa lành bệnh tật và bà đã đáp trả tình yêu ấy một cách mãnh liệt. Ta cũng được Chúa yêu nhiều, tha hết mọi tội lụy, nhưng lòng ta lại ra chai đá, không biết tạ ơn, không nhận ra tình yêu nên chẳng thể đáp trả tình yêu. Đôi khi ta còn sống hời hợt, sống vô cảm trong ơn gọi là con đường mà Chúa đã mời gọi chúng ta bước vào. Maria theo Chúa đến cùng với một tình yêu không bờ bến, thế nên bà đã dũng cảm đối đầu với những khó khăn thử thách. Ta cũng theo Chúa, theo tiếng gọi của tình yêu, nhưng vì tình yêu của ta chưa đủ lớn nên ta sợ đủ điều, ta sợ khổ chế, sợ luật lệ, sợ lụy đến bản thân, sợ chết…

“Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” để dù còn đó những bám víu của cuộc đời, còn đó những nỗi sợ của thân phận con người, với ơn gọi trở thành người Anh Em Giảng Thuyết, ta hãy cứ tiến bước dù đằng trước có chông gai, sỏi đá… Ước gì cuộc đời thánh Maria Mađalêna sẽ trở thành động lực sống trong ơn gọi đời tu của mỗi người, nhất là trong ơn gọi đời tu Đa Minh, chúng ta cũng sẽ hăng hái lên đường… Loan tin Phục Sinh!!

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com