[Đến Mà Xem 70] Nhìn và lên đường

20-05-2017
Bởi: Nguyễn Hoàng Bảo Có: 0 bình luận 2128 lượt xem

Nguyễn Anh Vũ

Giữa những xao động của nhân thế nổi trôi
Giữa những sục sôi tranh chấp trong kiếp người
Giữa những đẹp tươi hay ê chề thất bại
Con xin dành một cõi rất riêng tư
Cho Giêsu, Đấng tình yêu thẳm sâu

Những lời hát trong ca khúc “Một cõi riêng tư” như một lời ru nhẹ đưa ta vào nơi thinh lặng, một cõi riêng tư, vào vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, nơi đó chỉ có Chúa và ta. Lạy Chúa, hầu như chúng con chỉ nhớ đến Chúa khi chúng con gặp khó khăn, vấp ngã trên đường đời. Và hầu như tất cả mọi người đều chỉ chạy đến để cầu xin sự thương xót, để xin ơn bình an của Ngài xuống trên chúng con. Chúng con quên mất Chúa khi chúng con vui vẻ, hạnh phúc. Chúng con không ngó ngàng đến Chúa trong những cuộc vui và thậm chí chúng con quên cả những lời cám ơn vì ơn lành Chúa đã ban cho chúng con. Và con, một người trẻ Kitô hữu đang tập bước theo Chúa. Con theo Ngài với một khát vọng, một ước mơ, một tương lai và một niềm hy vọng bằng chính trái tim mà Chúa đã ban tặng cho con. Với tiếng gọi đó, xin Chúa đồng hành để con can đảm bước theo dấu chân của Ngài, và xin dạy con sống đúng nghĩa với hai chữ “ơn gọi” mà con đã đi theo.

Ơn gọi, hai tiếng thiêng liêng cao quý mà không phải ai cũng có thể dấn thân vào đời sống đó. Đó là tiếng gọi yêu thương của Chúa cho con người từ muôn thuở. Nếu được gọi, Ngài đã gọi ta từ khi ta còn chưa được sinh ra. Lời của Ngài vang vọng trong không gian và thời gian và Ngài mong chờ một ngày nào đó ta nghe được tiếng gọi của Ngài. Nhưng để nghe được tiếng gọi và đáp lại lời mời gọi của Ngài quả thật không phải là dễ dàng. Trước hết, ơn gọi được xuất phát và được nuôi dưỡng từ gia đình, từ chiếc nôi của tình thương. Theo quan điểm của Hội Thánh, gia đình là “chiếc nôi của đời sống và tình thương.” Hình ảnh chiếc nôi nói lên được nhiều điều cao quý về đời sống, vận mạng của con người. Chiếc nôi không chỉ là chiếc võng hay chiếc giường nhỏ để đặt một đứa trẻ nằm ngủ, nhưng thực ra là cả một tấm lòng ấm áp tình người của cha mẹ, của gia đình, đang rộng mở đón chào một sinh linh bé nhỏ, một quà tặng vô giá Thiên Chúa gởi đến. Cũng nơi cái nôi đó, ơn gọi được nảy nở được phát triển, được cổ võ và vun trồng. Một gia đình công giáo sống đạo hạnh, mến Chúa yêu người, sống đức tin sống động, sẽ nuôi dạy con cái nên người, sẽ cống hiến cho tương lai của Giáo hội những người con yêu quý hiến thân cho Chúa. Ơn gọi là do Chúa chọn nhưng cũng dựa trên những nền tảng vững chắc từ gia đình, nhờ vào hỗ trợ vững chắc từ cha mẹ, từ những người anh em trong gia đình, ơn gọi trong tương lai sẽ bước đi một cách vững vàng. Bên cách đó, cha mẹ luôn mong muốn cho con cái của mình có một cuộc sống yên ổn, một cuốc sống tốt, chính vì thế khi biết được tiếng gọi của Chúa, hầu hết các bậc phụ huynh đều mong muốn con mình bước vào đời tu để đổi mới cuộc sống, để làm chứng và phục vụ giữa một xã hội phức tạp với biết bao bộn bề, bon chen.

Nhưng có phải những người theo Chúa đều muốn có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, muốn thoát khỏi những suy nghĩ lo toan hằng ngày hay muốn tìm kiếm cho mình một địa vị trong lòng người khác. Đó chỉ là những suy nghĩ đơn giản của những người đứng ngoài cuộc nhìn nhận và đánh giá cuộc sống của những người trong đời sống ơn gọi. Với tôi, người đã từng trải nghiệm những năm tháng đầu đời ơn gọi, không đơn giản tu nghĩa là chỉ ngồi đọc kinh, đọc sách hay chỉ cầu nguyện và học hành. Mà đi theo Chúa là chấp nhận một cuộc sống mới, đổi mới toàn diện con người, đổi mới cuộc sống và chấp nhận một cuộc lữ hành trên con đường hẹp và lắm gian nan. Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói trong bài giảng vào mùa Chay 2013 về việc đi theo chân Chúa Kitô: “Đi theo Chúa Giêsu thật là khó khăn . . . Đi theo Chúa Giêsu thì nhận lãnh được nhiều điều tốt đẹp nhưng chỉ có được sau khi đã chịu bách hại”.

Quả thật, đời sống ơn gọi không phải là một con đường trải đầy hoa hồng để cho người theo Chúa bước lên. Để có một cuộc sống yên bình, để lãnh nhận được nhiều điều tốt đẹp thì họ phải trải qua nhiều gian nan thử thách trong đời tu của mình. Nhạc sĩ Hoàng Quân đã viết:

“Con đường theo Thiên Chúa tình yêu
Là con đường vác thánh giá,
là từ bỏ chính thân mình đi
để dõi bước theo chân của Người.
Là con đường hy sinh chết,
thì cũng giống như lúa mì kia,
bằng lòng chết mới sinh nhiều bông”.

Một khi đã chấp nhận theo Chúa, trước tiên đó là việc ta phải từ bỏ chính thân mình, từ bỏ tất cả mọi sự ở thế gian mà theo Chúa. Từ bỏ ở đây chính là từ bỏ gia đình, bạn bè, người thân và kể cả ước mơ, rồi từ bỏ những cám dỗ, những cuộc chơi, sở thích, thú vui hằng ngày. Ta phải chiến đấu để có thể vượt ra khỏi ham muốn bản năng của con người mà sống cho lý tưởng siêu nhiên hơn. Đi tu ta thoát khỏi những lo toan của cuộc sống hằng ngày, không phải lo cơm áo gạo tiền, nhưng ngược lại ta phải lo bồi dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ học thức, phải tập sửa đổi bản thân, đổi mới con người cho phù hợp với cuộc sống mới, một bước ngoặc mới của cuộc đời. Với tình yêu là tinh thần nhiệt huyết với tiếng gọi theo Chúa, chắc chắn khó khăn, thử thách đều có thể vượt qua. Và qua đời sống mới đó, ta có một gia đình mới, một gia đình của những người có cùng một chí hướng. Mà trong gia đình đó mọi người đều yêu thương nhau, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn để cùng tiến đến cùng một đích điểm là chính Thiên Chúa.

Lặng yên ngẫm lại một chặng đường tôi đã đi qua, một năm không dài nhưng cũng có thể đủ để tôi cảm nhận được những thay đổi trong cuộc đời và hiểu được đời sống ơn gọi, mà cụ thể ở đây cũng chỉ là những ngày đầu đời ơn gọi.

Đường con theo Chúa chẳng thiếu gian khó dặm trường,
chẳng thiếu mưa gió mịt mùng
không thiếu những ngày quạnh vắng cô đơn,
những ngày đời con tăm tối u buồn.

Trong niềm hân hoan, náo nức hướng đến một cuộc sống mới cao cả hơn, tốt đẹp hơn, tôi bước vào đời tu với sự chào đón, yêu thương nồng nhiệt của các anh em. Tất cả dẫn tôi vào một thế giới rất đẹp và tràn đầy sức sống. Nhưng đó mới chỉ là những ngày sống khởi điểm, khi đã bước vào quá trình đào tạo, cuộc sống trở nên vội vã hơn, thời gian trôi qua nhanh hơn, tất cả mọi người đều dồn hết sức vào việc học, việc tích lũy cho mình những kiến thức cần thiết cho con đường trong tương lai. Ai đã từng dấn thân vào việc học đều nhận thấy rằng đây không phải là công việc thoải mái, nhàn hạ gì. Ngược lại nó đòi hỏi một nỗ lực mạnh mẽ, đòi hỏi một sự kiên tâm bền bỉ và đòi hỏi một tinh thần không bao giờ được ngủ yên, nhưng phải tỉnh táo để nhận ra điều gì đang là nhu cầu thực của con người, đâu là điều Thiên Chúa muốn ta làm. Bên cạnh đó, việc rèn luyện để thay đổi bản thân cũng không kém phần quan trọng. Các anh em đến từ khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam, mỗi người một diện mạo, một tính cách khác nhau. Vì thế việc làm quen, thích ứng với mỗi người không phải là dễ dàng mà phải rèn luyện, uốn nắn lâu dài để hòa đồng được hết với mọi người. Ngoài ra, tôi còn phải bỏ lại sau lưng những cuộc vui cùng bạn bè, những bữa cơm cùng gia đình, bỏ lại những niềm vui rộn rã hằng ngày để tập với một lối sống của sự thinh lặng, lối sống của một cộng đoàn.

Một cộng đoàn, cũng là một xã hội thu nhỏ. Trong nếp sống cộng đoàn, buồn có, vui có, hạnh phúc có, chia ly có và cả những xung đột cũng có. Tôi vui vì tôi được anh em yêu thương, tôi vui vì tôi được hòa mình vào những sinh hoạt hằng ngày của một đời sống mới, tôi vui vì nhìn thấy những giọt nước mắt của các anh – những người đã chung sống – được lãnh nhận tu phục, tôi vui và tôi vui… vì rất nhiều lý do. Nhưng cũng chính môi trường đó, chính những cuộc xung đột, chính những giọt nước mắt giây phút chia tay những người anh em, những người chấm dứt con đường ơn gọi – những người đã cùng chia cơm, sẻ bánh – đã làm tôi ngậm ngùi, xót xa. Tuy nhiên, những hình ảnh đó, những nụ cười trong hạnh phúc, những giọt nước mắt trong ngậm ngùi đó lại chính là động lực thúc đẩy tôi kiên cường tiến bước trên con đường ơn gọi của mình, cũng như tiếp bước con đường mà các anh đã đi qua.

Một năm, một khoảng thời gian để tôi tập làm quen, tập thích nghi với cuộc sống mới đã kết thúc. Giờ đây đã đến lúc tôi phải tự bước đi nhiều hơn, phải lên đường bằng chính đôi chân của mình. Lên đường trong việc tự đào luyện mình để có thể dấn thân phục vụ, để mang tình yêu của Chúa đến cho mọi người, để vươn tới những mục tiêu sứ vụ, mà không chỉ mình tôi, còn anh em tôi, gia đình tôi và mọi người đều mong chờ. Trong nhạc phẩm Gieo bước hành trình, nhạc sĩ Ý Vũ đã viết những ca từ này: “Nào bạn ơi mau lên gieo bước hành trình. Dòng thời gian đi nhanh chẳng biết dừng chân, đừng phân vân bi quan sẽ làm tất cả muộn màng cuộc sống quanh ta luôn vội vã”. Nếu chúng ta đã sẵn sàng để bước tiếp con đường Giêsu, con đường yêu thương thì tôi và bạn hãy thực hiện ngay đừng chần chừ, đừng do dự. Bởi thời gian, bởi xã hội sẽ có thể làm thay đồi chủ ý của ta, làm lung lay tinh thần hăng say nhiệt huyết của ta.

Cùng với chiều dài lịch sử kéo dài từ Cựu Ước cho tới nay, có rất nhiều cuộc lên đường, cuộc lên đường của tổ phụ Ápraham tiến về đất hứa (St 12,1tt), cuộc lên đường của dân Hípri thoát khỏi lưu đày Ai Cập, 40 năm trong sa mạc để tiến về đất hứa (Xh 12,37tt). Tiêu biểu nhất đó là cuộc đời của Chúa Giêsu trong thời gian thi hành sứ vụ. Người tiến lên Gierusalem để chịu khổ hình (Lc 22,1tt), và cuối cùng người phục sinh (Lc 24,1tt) và trở về ngự bên hữu Chúa Cha (Lc 24,50-51). Trong Năm thánh Dòng Đa Minh 2016, các anh chị em trong gia đình Đa Minh đều hướng về cuộc lên đường của “Người lữ hành Tin Mừng”. Cha Đa Minh đã đi đến nhiều nơi rao giảng Tin Mừng và thành lập nhiều cộng đoàn cho sứ vụ này. Mỗi cuộc hành trình có những khó khăn khác nhau, có những điểm đến, mục tiêu khác nhau. Nhưng tất cả đều hướng tới một mục đích tốt đẹp, một tương lai rạng ngời, ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

Do đó, tôi cũng như các bạn, những người cùng đang lên đường, cùng đi theo một tấm bản đồ định hướng, cùng có một mục tiêu và một đích đến, trước hết phải noi theo gương sống của thầy Giêsu, rồi bước tiếp con đường mà các bậc tiền nhân đã đi qua và sau cùng là phải nhiệt tâm, can đảm tiến bước với hy vọng tốt đẹp đang chờ ta ở cuối con đường. Nhưng để can đảm bước theo Ngài ta phải chuẩn bị cho chính mình những hành trang cần thiết, mà một trong những hành trang quan trọng đó chính là kiến thức. Nếu đã có ý hướng lên đường theo Ngài, chúng ta phải trau dồi, bồi dưỡng cho mình những bài học cần thiết cho một đời ơn gọi, có thể đó là những kiến thức căn bản về đời sống xã hội, đời sống Kitô giáo, những bài học giáo lý…và hiện nay ngôn ngữ là một hành trang không thể thiếu trên con đường của sứ vụ. Bên cạnh đó, người đi theo Chúa còn cần trở nên những tấm gương sống đạo đức mẫu mực để mọi người noi theo, vì vậy tập thay đổi chính cách sống, tập yêu thương, tập tha thứ và tập hy sinh dấn thân là việc cần phải làm của những người mới bước vào đời tu. Cuối cùng là chúng ta tin tưởng vào chính bản thân, không sợ khó, sợ khổ và nhất là đặt trọn niềm tin vào sự quan phòng của Chúa về một tương lai tươi sáng, về bến bờ hạnh phúc mà ta đang tiến tới. Mặc dù chúng ta không biết được con đường phía trước có những gian nguy gì, có những thử thách gì, nhưng hãy yên tâm vững bước vì chắc chắn Chúa sẽ luôn đồng hành cùng ta.

Chúa hỡi sức con yếu hèn,
Chúa hỡi khó khăn trăm bề,
Chúa hỡi thế nhân lọc lừa.
Con cần Chúa.
Chúa hỡi giúp con theo Ngài,
Chúa hỡi vững tin nơi Ngài,
Chúa hỡi bước đi bên Ngài.
Con sướng vui.

Lạy Chúa, mang thân phận của một con người, chắc hẳn con sẽ không ít lần yếu đuối, vấp ngã trước những thử thách khó khăn. Xin Chúa đồng hành cùng con để con can đảm, tự tin bước trên con đường mà Chúa mời gọi. Và xin Chúa nâng đỡ, hướng dẫn để con trung tín và hăng say với cuộc hành trình mới này.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com