[Chia Sẻ Tĩnh Tâm] 5. Cùng Mẹ Bước Vào Năm Tập

12-11-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 4639 lượt xem

Người bảo gì, anh em cứ việc làm theo (Ga 2,5).

Lời Chúa: Ga 2, 1-11

1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su.2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” 4 Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” 5Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”

6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.7 Đức Giê-su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng.8 Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông.9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại10 và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.”11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.12 Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày.

 

Thưa Anh Em,

Với sự nhạy bén, tinh tế và khôn khéo của một người phụ nữ luôn biết quan tâm đến người khác, Đức Maria đã nhận ra sự bối rối của gia đình chủ tiệc đám cưới, tại xứ Cana khi xẩy ra sự cố “hết rượu”, mà chúng ta vừa nghe thánh sử Gioan trình thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay. Sự nhạy bén và tinh tế đó phát xuất từ tấm lòng chan chứa yêu thương của người Mẹ từ ái đối với con cái. Mẹ đã thân thưa với Chúa Giêsu về sự cố của gia chủ:” Họ hết rượu rồi!”[1]

Dầu biết rằng, giờ của Chúa chưa tới, nhưng Mẹ Maria vẫn tin tưởng vào quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa, ngang qua “Người Con” yêu dấu của mình là Chúa Giêsu. Với niềm tin tưởng đó, Mẹ đã nói với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”[2] Và rồi, mặc dầu “chưa tới giờ của Người”, nhưng vì lời đề nghị, hay nói đúng hơn là, vì lời cầu khẩn của Mẹ Maria, Đức Giêsu đã “ra tay” thực hiện dấu lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana này. Qua dấu lạ đó, Đức Giêsu đã bày tỏ vinh quang của Người, và các môn đệ tin vào quyền năng của Người.

“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” Đó là lời nhắn nhủ của Mẹ Maria với gia chủ năm xưa, và đó cũng là lời Mẹ nhắc nhở cho con cái Mẹ, cho các môn đệ Chúa Kitô, cho mỗi Anh Em chúng ta hôm nay, khi chúng ta đang từng bước chập chững bước theo “Con Mẹ” trên nẻo đường dâng hiến hôm nay.

Nếu như năm xưa “giờ của Chúa” chưa tới, mà vì lời khẩn cầu của Mẹ, Chúa đã “ra tay” thi ân giáng phúc như thế, thì lẽ nào, ngày nay “giờ đã tới” và qua sự chuyển cầu của Mẹ Maria, Chúa lại không xót thương, không đoái nhìn đến những tôi tớ, những môn đệ của Người hay sao???

Tin Mừng hôm nay muốn giới thiệu cho ta biết, Đức Giêsu chính là Đấng giải tỏa những khó khăn, những bế tắc của cuộc sống và đem đến cho nhân loại niềm vui, sự bình an, tình yêu và lòng thương xót. Điều quan trọng là chúng ta có dám tin tưởng, có dám tín thác, có dám mở lòng ra với Chúa hay không?

Trong suốt dòng lịch sử Giáo hội, người tín hữu đã luôn yêu mến, tin tưởng, cậy trông vào sự cầu bầu của Mẹ, chạy đến với Mẹ để xin Mẹ trợ giúp, ủi an và đã đón nhận được biết bao ân phúc của Chúa qua bàn tay từ ái của Mẹ Maria.

Đối với Dòng Anh Em Giảng Thuyết chúng ta, Mẹ Maria chính là Đấng Bảo trợ của dòng. Ngay từ buổi đầu, Dòng chúng ta được Mẹ phù trì nâng đỡ, chỉ lối đưa đường trong sứ vụ, trong đời sống. Suốt tám trăm năm nay, Mẹ vẫn luôn đồng hành, che chở. Dòng chúng ta trong mọi biến cố thăng trầm của lịch sử Dòng.

Chúng ta vẫn tin tưởng rằng, Mẹ luôn bảo vệ, chở che và gìn giữ Dòng chúng ta dưới tấm áo choàng của Mẹ. Nhiều tích chuyện đã kể lại để minh chứng điều đó. Xin được đơn cử một tích chuyện sau đây, để cho ta thấy được tình mẫu tử của Mẹ Maria đối với Dòng chúng ta như sau:

Trong một lần ngất trí, Cha Thánh Đa Minh của chúng ta được xem thấy Chúa Giêsu hiện ra có Đức Mẹ đứng bên cạnh mặc áo choàng lộng lẫy, đồng thời có cả vô số các tu sĩ nam nữ các Dòng tháp tùng. Ngài tò mò nhìn xem trong số đó có ai thuộc dòng Ngài không. Nhưng ngắm mãi, cũng chẳng thấy bóng dáng một tu sĩ Đa Minh nào. Thánh Đa Minh cảm thấy rất buồn, phát khóc lên rồi không dám tiến lại gần nữa. Thấy vậy, Đức Giêsu vội  hỏi: Đa Minh, tại sao con khóc?

Cha Đa Minh trả lời? Lạy Chúa, vì con thấy các Dòng khác đông quá mà Dòng con chẳng có một ai ở gần Chúa và Mẹ cả.

Chúa phán: vậy con có muốn xem các con cái của con không?

Cha Đa Minh thưa:Lạy Chúa, con muốn lắm.

Chúa phán: kìa, Cha đã ký thác Dòng con cho Mẹ Cha coi sóc riêng. Con hãy đến với Mẹ.

Đoạn, Cha Đa Minh nhìn sang phía Mẹ Maria. Cánh áo choàng của Mẹ từ từ mở ra, và Cha Đa Minh thấy rõ con cái Ngài được ủ ấp dưới cánh tay dang thẳng phủ áo choàng của Mẹ Maria. Ngài sấp mình tạ ơn Chúa và Đức Mẹ. Lúc ấy đúng nửa đêm, chuông báo thức của Dòng vang lên, ngài tỉnh giấc và thuật lại thị kiến cho anh em và cùng với các anh em hát lời ca tụng Chúa và Mẹ.

Càng đọc lịch sử Dòng, ta càng nhận thấy Cha thánh Đa Minh, cũng như Dòng chúng ta được Đức Mẹ yêu riêng cách đặc biệt. Do đó, chúng ta càng thâm tín rằng: tình mẫu tử giữa Đức Mẹ với Thánh Đa Minh và Dòng đã thành truyền thống. Câu chuyện trên đây đã làm sống động lại truyền thống ấy, cổ võ lòng nhiệt thành đối với Mẹ Thiên Chúa. Dòng luôn được che chở dưới áo choàng của ngài. Đó là một hạnh phúc đặc biệt. Đỉnh cao của lòng sùng kính này là kinh Mân Côi. Vì tràng hạt là một bộ phận không thể thiếu của tấm áo dòng. Nó là biểu tượng của lòng sùng kính ấy.

Qua chút tâm tình đơn sơ về Mẹ Maria và Dòng chúng ta như thế, giờ đây chúng ta cùng bước vào đề tài chia sẻ của chúng ta hôm nay: Cùng Mẹ bước vào Năm Tập. Để nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, chúng ta tìm gặp Chúa dấn bước theo Người trên nẻo đường dâng hiến.

Nữ vương lòng Mẹ khoan nhân
Đoàn con chạy đến chân thành van xin,
Mẹ ơi xin hãy đoái nhìn
Đoàn con khốn khổ muôn nghìn xót xa.
Này đây con cháu E-và
Phận đời lưu lạc đã xa phúc trời,
Bể đời sóng gió chơi vơi
Ngước trông lên Mẹ, diệu vời xót thương.
[3]

1. Cùng Mẹ chiêm ngắm Chúa Kitô

Trong các sách viết về đường lối tu đức dành cho những người sống đời thánh hiến, hầu hết đều dành một phần lớn để nói về Đức Maria như là mô phạm tuyệt hảo cho đời sống dâng hiến, mà bất cứ ai sống đời tu trì cần phải noi theo gương Mẹ.

Thật vậy, Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt vời của đời sống dâng hiến. Hai tiếng “xin vâng” của Mẹ trong biến cố truyền tin gói gọn tất cả cuộc đời tận hiến của Mẹ.[4] Với lời thưa “xin vâng”, Mẹ Maria đã hoàn toàn trao hiến bản thân mình cho Thiên Chúa như một “khí cụ” bình an của Chúa. Với hai tiếng xin vâng, Mẹ đã góp phần “khai thông” chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Sau hai tiếng xin vâng, Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thế làm người, tượng thai trong lòng Mẹ. Từ đó, luôn Mẹ luôn tuân hành ý Cha trên trời và phó thác cho lòng từ bi thương xót của Người. Từ đó, Mẹ say mê chiêm ngắm Tình Yêu cứu độ nơi Ngôi Lời nhập thể mà Mẹ đã cưu mang, sinh hạ và dưỡng nuôi. Và rồi, cùng với Ngôi Lời, Mẹ đã “hiến tế” cuộc đời trong hy tế Thập giá, để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Là những người đang khao khát dấn thân trong ơn gọi Thánh hiến, trong hành trình đời tu, đặc biệt là trong Năm Tập này, chúng ta được mời gọi nhìn lên mẫu gương của Mẹ trong việc tận hiến cho Thiên Chúa, cùng với Mẹ Maria chiêm ngắm Chúa Kitô thông qua các mầu nhiệm Kinh Mân côi. Bởi lẽ, Kinh Mân côi lấy Chúa Kitô làm trung tâm, chất chứa chiều sâu của Tin Mừng: là bảng tóm gọn Tin Mừng, làm vọng lại lời kinh Magnificat, ca ngợi công trình nhập thể và cứu chuộc của Thiên Chúa được khởi sự trong lòng Mẹ Maria. Lời kinh này cho ta học nơi Mẹ để cùng Mẹ chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan và nơi tình yêu của Chúa Kitô.[5] Tình yêu đó được thể hiện qua chặng đường: chặng giáng thế, tình yêu hội nhập (mầu nhiệm năm sự Vui); chặng vào đời, tình yêu dấn thân phục vụ (mầu nhiệm năm sự  Sáng); chặng hiến tế, tình yêu hy sinh (mầu nhiệm năm sự Thương); và chặng quang vinh bất diệt, tình yêu đổi mới (mầu nhiệm năm sự Mừng).[6]

Chiêm ngắm Tình Yêu giáng thế,  tình yêu hội nhập (Năm Sự Vui) là:

  1. Chiêm ngắm tình yêu tự hạ làm người để mở đường cho mọi dân tộc đi đến sự sống mới, sự sống dồi dào;
  2. Chiêm ngắm tình yêu đồng hành với mọi gia đình để đem lại niềm vui cứu độ cho nhà nhà;
  3. Chiêm ngắm tình yêu khiêm tốn mang phận nghèo hèn để đem lại bình an cho nhân thế;
  4. Chiêm ngắm tình yêu tận hiến cho Cha trên trời để trở nên ánh sáng cho muôn dân;
  5. Chiêm ngắm tình yêu quyết tâm thi hành ý Cha trên trời yêu thương cứu nhân độ thế.

Chiêm ngắm Tình Yêu vào đời, tình yêu dấn thân phục vụ (Năm Sự Sáng) là :

  1. Chiêm ngắm tình yêu quyết tâm thi hành kế hoạch và đường lối yêu thương cứu độ của Cha trên trời;
  2. Chiêm ngắm tình yêu đồng hành và chia sẻ vui buồn, lo âu và hy vọng của gia đình;
  3. Chiêm ngắm tình yêu không mõi mệt phục vụ cho Tin Mừng cứu độ và cho sự sống mới của mọi người;
  4. Chiêm ngắm tình yêu hiệp thông với Cha trên trời và toả sáng lòng từ bi bao dung đối với mọi người;
  5. Chiêm ngắm tình yêu quảng đại cống hiến trọn vẹn tấm thân cho sự sống và sự hợp nhất trong nhân loại.

Chiêm ngắm Tình Yêu hiến tế, tình yêu hy sinh (Năm Sự Thương) là :

  1. Chiêm ngắm tình yêu quyết tâm từ bỏ ý riêng để thi hành ý Cha yêu thương đến cùng;
  2. Chiêm ngắm tình yêu tự nguyện nhận lấy nỗi đau bất công để giải thoát nhân trần;
  3. Chiêm ngắm tình yêu chuốc lấy tủi nhục oan trái để phục hồi sự sống và phẩm giá con người;
  4. Chiêm ngắm tình yêu chấp nhận thập giá và hy sinh mạng sống để cứu độ nhân sinh;
  5. Chiêm ngắm tình yêu tự nguyện chập nhận cái chết của kiếp người trong cõi trần vì sự sống của muôn dân.

Chiêm ngắm Tình Yêu bất diệt, tình yêu đổi mới (Năm Sự Mừng) là :

  1. Chiêm ngắm tình yêu đổi mới phận người, tạo thành con người mới với một quả tim mới, khởi đầu hình thành một cộng đồng nhân loại mới, xây dựng trời mới đất mới;
  2. Chiêm ngắm tình yêu lên ngôi trong vinh quang Nước Chúa là Nước Tình Yêu vô biên;
  3. Chiêm ngắm tình yêu mở rộng con tim đón nhận và chia sẻ ân ban Chúa Thánh Thần là nguồn mạch tình yêu bất tận;
  4. Chiêm ngắm tình yêu quy tụ nhân thế về một cõi yêu thương vô tận;
  5. Chiêm ngắm tình yêu chia sẻ sự sống và hạnh phúc bất diệt trong cõi trường sinh.

Khi chiêm ngưỡng Chúa Kitô, chúng ta rộng mở cho việc tiếp nhận mầu nhiệm sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, để được sống kinh nghiệm tình yêu của Thiên Chúa Cha một cách mới mẻ luôn mãi, và hưởng nếm niềm vui của Chúa Thánh Thần.[7] Như thế việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô cũng giúp ta được biến đổi nên giống Chúa Kitô, lời thánh Phaolô xác tín: “Khi phản chiếu vinh quang của Chúa như một tấm gương, chúng ta được biến đổi nên giống cùng một hình ảnh đó, ngày lại ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do tác động của Thần Khí Chúa”[8]

Nhờ đó, đời sống thánh hiến của ta mang lại nhiều giá trị đích thực trong việc phục vụ ơn cứu độ các linh hồn, theo đặc sủng và linh đạo của Dòng. Là những người con của Mẹ Maria, chúng ta noi gương Mẹ luôn chiêm ngắm Chúa, để trở thành người môn đệ trung tín của Chúa trong đời sống thánh hiến.

2. Với Mẹ sống và thực thi Lời Chúa

Với tư cách là người môn đệ Chúa Kitô, Mẹ Maria không chỉ luôn chăm chú lắng nghe Lời Chúa, mà Mẹ còn suy đi nghĩ lại trong lòng, sống và thực thi Lời Chúa trong mọi giây phút trong suốt cuộc đời.[9] Chính vì thế, Mẹ đã mở rộng tấm lòng, chìm sâu trong niềm tin để hoàn toàn đón nhận và vâng phục ý Chúa. Mẹ tín nhiệm tuyệt đối vào Lời Chúa; Mẹ đặt trọn tương lai đời mình vào bàn tay quan phòng của Chúa. Và rồi điều “không thể” đã trở thành “có thể”.[10]

Từ đó, Mẹ đã dấn thân hết mình vào sứ mạng của “Con Mẹ” trong từng biến cố và đồng hành với Người cho đến tận đồi Calvê.[11] Không chỉ thế, Mẹ còn trở nên “đồng hình đồng dạng” với “Con Mẹ” trong hiến lễ cuối cùng trên đồi Calvê. Lời Thánh Thi sau đây phần nào diễn tả được sự hiến tế của Mẹ trong hành trình đức tin:

Mẹ chết lặng đứng kề bên Thánh giá,
Nhìn thân con héo hắt từng giờ.
Nhớ lời Ngôn sứ xưa kia,
Lưỡi gươm đâm thấu chia lìa tâm can.

Nhìn Chúa chịu muôn ngàn ngược đãi
Vì bao nhiêu tội lỗi trần gian
Con yêu rất mực từ nhân
Trút hơi thở cuối cô thân não nùng.

Hỏi ai có đau thương hơn Mẹ
Khi nhìn con chết cách thương đau?
Vững tin trong nỗi ưu sầu
Mẹ can đảm chịu dãi dầu cùng con.

Kính lạy Chúa uy hùng cứu độ
Khi con vương bể khổ trần ai
Vì lời Đức Mẹ van nài
Cho con đạt tới thiên đài vinh quang.
[12]

Tâm tình dâng hiến và nỗi lòng thương đau của Mẹ khi đứng dưới chân thập giá được linh mục Kim Long diễn tả thật sinh động qua những ca từ đơn sơ mà da diết cõi lòng: “Mẹ đứng đó khi hoàng hôn tím màu. Nhạc thương trầm buông hắt hưu. Đồi cao u hoài loang máu đào. Con Chúa đau thương treo trên thập giá hiến thân vì nhân loại tội tình. Mẹ đứng đó tâm hồn tê tái sầu. Đồng công cùng con dấu yêu. Vì thương nhân loại bao khốn cùng. Xin dẫn đưa bao tâm hồn lạc hướng về bên Mẹ Mẹ ơi.”[13]

Là những người dõi bước theo Mẹ trong hành trình dâng hiến, cách riêng là trong thời gian Tập viện này, chúng ta được mời gọi theo gương Mẹ sống Lời Chúa, cùng Mẹ hiến tế cuộc đời với Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Mẹ. Chúng ta được mời gọi hãy dừng lại giây lại để cùng chiêm ngắm dung nhan tận hiến của Mẹ dưới chân Thập giá trên đỉnh đồi Calvê chiều xưa.[14] Đây là giây phút đau thương nhất trong cuộc đời Mẹ, là đỉnh cao dâng hiến với lời “xin vâng” của Mẹ. Đó cũng là lời đáp trả trọn vẹn nhất trong việc thực thi ý Chúa.

Có người Mẹ trần gian nào mà không đau đớn khi con cái mình gặp cảnh hoạn nạn rủi ro nào đó trong cuộc sống, dù chỉ là một rủi ro nhỏ bé. Ai có thể tưởng tượng được lòng Mẹ đau đớn thế nào khi đứng dưới chân thập giá nhìn Con Mẹ trong thân thể nát tan, máu loang khắp mình trên thập giá gỗ đang héo hắt từng giây… Mẹ vẫn đứng đó âm thầm lặng yên. Sự âm thầm lặng yên của Mẹ không phải là sự ơ hờ vô tâm, mà là một sự lặng thầm của sự đón nhận, vâng phục và tuân hành ý Thiên ý. Mẹ đứng đó chấp nhận chết đi cái tình mẫu tử bao la của mình để cho công cuộc cứu độ của Con Mẹ được hoàn tất. Mẹ đứng đó để hiệp thông cùng Con “cứu nhân độ thế”. Mẹ đứng đó để đón nhận cả nhân loại làm con mình và trở thành Mẹ của toàn thể nhân loại.[15] Như thế, đời tận hiến trọn vẹn của Mẹ không chỉ dành cho Thiên Chúa mà còn cho cả nhân loại nữa.[16]

Trong hành trình dấn bước theo Chúa, Anh Em chúng ta được mời gọi nhìn lên Mẹ Maria, như là mẫu gương tuyệt vời của đời sống thánh hiến, cùng Mẹ sống và thực thi Lời Chúa trong cuộc đời, can đảm và quảng đại hiến tế mỗi ngày, để đem lại ơn cứu độ cho bản thân và ơn cứu độ các linh hồn. Để được như thế, chúng ta cùng với Mẹ thực thi Lời Người dạy.

3. Thực thi lời Mẹ nhủ khuyên

Hành trình đời dâng hiến của chúng ta không phải lúc nào cũng êm xuôi đường bằng phẳng, trải đầy hoa thơm cỏ lạ, nhưng là bước đi trên lộ trình gập ghềnh tiến về đồi sọ Can-vê với nhiều thách đố cam go. Mẹ Maria đã trải qua hành trình đó; Mẹ đã vượt qua những khó khăn thử thách của cuộc đời; Mẹ đã trở thành mẫu mực cho đời dâng hiến vì, “trong các thụ tạo tinh sạch, không một ai sánh kịp với sự thánh thiện của Mẹ Thiên Chúa.”[17] Thật hạnh phúc cho chúng ta biết bao khi có Mẹ luôn ở bên cạnh và cùng đồng hành với chúng ta trên bước đường đời. Ngước nhìn lên Mẹ, sống trong Mẹ, thực thi lời Mẹ nhủ khuyên, chúng ta sẽ được bình an và vững bước trên hành trình dâng hiến.

Như xưa tại tiệc cưới Cana, các gia nhân đã vâng nghe lời Mẹ, thực thi Lời Chúa; nhờ đó, Chúa đã thi thố quyền năng và lòng thương xót của Người xuống trên họ, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người. Ngày nay, Mẹ Maria vẫn luôn hiện hiện và đồng hành với chúng ta trong biến cố cuộc đời. Mẹ vẫn nhắn nhủ chúng ta thi hành ý Chúa.

Để khát vọng dấn bước theo Chúa Kitô của chúng ta được hoàn trọn, chúng ta phải biết tôn kính, mến yêu, noi gương Mẹ và vâng nghe lời Mẹ. Ba mệnh lệnh Mẹ truyên năm xưa vẫn còn nguyên giá trị cho nhân loại, cách riêng cho con cái Mẹ hôm nay.

Thánh Gioan Bosco nói rằng: “việc sùng kính Mẹ Maria là phương thế an toàn nhất để được ơn chết lành.” Thánh Gioan Berchmans đã nói: “Ai có lòng yêu mến Mẹ Maria sẽ được ơn bền đỗ.” Thánh Inhaxiô thành Antioch cũng khẳng định rằng: “Ai có lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria sẽ không bao giờ bị hư mất.”

Mẹ Maria, trong vai trò Mẫu Tử, Mẹ đã không ngừng quan tâm đến mọi nhu cầu của con cái, nhất là những người tội lỗi. Điều này đã được Thánh Bênađô và Thánh Anphongsô nói tới: “Tội lỗi nặng nề đến đâu mà đến cầu xin Mẹ, Mẹ cũng không xét xem họ có công nào đáng nhận lời không; Mẹ chỉ làm có một việc là đoái nhận và cứu giúp mọi người.” Thánh Phêrô Chrisotlôgô xác tín rằng: “Những tội nhân nhận được ơn tha thứ chính là nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria.”

Đến lượt chúng ta, hẳn cũng không có cách gì tốt đẹp và ý nghĩa cho bằng lấy tình con thảo để yêu mến Mẹ bằng tất cả con tim và thực thi lời Mẹ nhắn nhủ cách tích cực. Những biểu hiện đó có thể là: cung kính khi đi ngang qua tượng hoặc hình ảnh Mẹ; dâng Mẹ tất cả tâm tư, buồn vui, sướng khổ, thành công hay thất bại… chúng ta hãy chạy đến với Mẹ để thổ lộ tâm tình như những đứa con thơ bé của Mẹ.

Nếu trẻ thơ thực sự an tâm khi chúng được ở trong vòng tay âu yếm của người mẹ, thì với chúng ta, mỗi người cũng hãy nép vào lòng Mẹ trong tâm tình phó thác để được an bình thư thái. Thánh Lôrensô thành Brindisi đã nói: “Thiên Chúa muốn mọi người, tất cả học biết sự thật này từ lúc còn thơ trẻ: đó là ai tin tưởng nơi Mẹ Maria, rằng ai cậy trông nơi Mẹ Maria sẽ không bị từ bỏ dù ở đời này hoặc đời sau”.

Trong lịch sử Giáo hội, dường như không có vị thánh nào mà không có lòng yêu mến Đức Mẹ. Vì thế, các ngài đã được Mẹ Maria gìn giữ như của riêng nơi Mẹ, nhờ đó, các ngài đã tiến bước trên con đường nhân đức cách trung thành, anh hùng và tràn đầy lòng yêu mến. Sau cùng, các ngài đã được lãnh nhận triều thiên mà Thiên Chúa dành cho những người được tuyển chọn.

Với Dòng Anh Em Giảng thuyết chúng ta, Ngay từ ngày khai sinh, Dòng đã có mối liên hệ đặc biệt và thân tình với Mẹ Maria. Quả thế, Hiến pháp Dòng dạy rằng: “Anh em hãy hết lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Thánh Mẫu Thiên Chúa, là Nữ Vương các Tông đồ và là gương mẫu của việc suy gẫm các lời Đức Kitô và mau mắn tuân phục trong sứ mạng riêng. Hằng ngày, anh em hãy đọc kinh Mân Côi và qui hướng về phụng vụ cho thích hợp”[18]

Thực hành lòng sùng kính Đức Mẹ Mân Côi là để cho Mẹ Maria dạy dỗ ta lớn lên trong tình yêu của Chúa, nhắc nhở ta sống yêu thương như Chúa yêu thương, dẫn dắt ta bước theo Chúa trên đường yêu thương cứu nhân độ thế. Đó là cách tốt đẹp nhứt đáp trả tình Chúa yêu thương cứu độ và lòng từ mẫu của Người Mẹ hiền luôn hộ phù chở che chúng ta trong hành trình tiến về Nước Chúa là Nước Tình Yêu bất diệt.

Đối với Dòng Đa Minh, kinh Mân Côi chính là gia sản vô cùng quí giá mà Cha Thánh để lại. Tương truyền rằng, thánh Đa Minh đã vất vả đi chinh phục người lạc giáo Albigois ở miền Nam Paris, nước Pháp. Thánh nhân đã hy sinh hãm mình, làm việc lành phúc đức để cầu nguyện cho họ trở lại, nhưng hầu như vô hiệu và bè rối lạc giáo ngày càng bành trướng, làm hư hại bao nhiêu linh hồn… Thánh nhân đã khóc lóc và chạy đến cùng Đức Mẹ kêu van hết lời, và rồi Thánh nhân đã được Đức Mẹ ban cho một phương thế hiệu nghiệm là kinh Mân Côi.

Nhờ kinh Mân Côi mà thánh nhân đã cứu được bao nhiêu linh hồn, đem được bao nhiêu người lạc giáo trở về cùng Hội Thánh. Và cũng có tương truyền rằng, chính thánh Đa Minh đã lãnh nhận chuỗi tràng hạt từ tay Đức Mẹ và đã đi tuyên truyền cho việc đọc kinh này. Từ đó, thánh nhân và các tu sĩ dòng Đa Minh hết lòng yêu mến và nhiệt tâm truyền bá kinh Mân Côi, coi đó như là sứ vụ của Dòng. Bởi vậy, nơi các địa phận dòng Đa Minh coi sóc, đặc biệt là nơi các Tu viện của Dòng, nhà thờ, nhà nguyện nào cũng có tượng Đức Mẹ Mân Côi là Đức Mẹ bế Chúa Con, tay cầm tràng hạt trao cho thánh Đa Minh.

Qua dòng thời gian, biết bao nhiêu tu sĩ đã lãnh sứ vụ truyền bá kinh Mân Côi, bao hiệp hội Mân Côi được thành lập bởi con cái cha thánh Đa Minh. Kinh Mân Côi cũng đã theo các vị thừa sai giảng thuyết vượt đại dương đến các châu lục. Nhiều vị thánh tử đạo tiến ra pháp trường với chuỗi Mân Côi trên tay, miệng không ngừng cất cao lời kinh Kính Mừng. Cũng chính nhờ kinh Mân Côi mà Đức Mẹ đã gìn giữ, bảo trợ Dòng qua mọi biến cố thăng trầm lịch sử và cho Dòng ngày càng phát triển.

Tiếp nối truyền thống đạo đức tốt lành của Dòng, trong hành trình đời tu, cách riêng là trong Năm Tập này, chúng ta hãy hết lòng sùng kính, mến yêu Mẹ, noi gương Mẹ trong đời sống đức tin, đời sống dâng hiến, và thực thi lời Mẹ nhủ khuyên, để được an vui, hạnh phúc trong tình mẫu tử của Mẹ. Anh Em hãy cùng với Mẹ bước vào Năm Tập trong tin yêu và phó thác, trong sự dìu dắt và đồng hành của Mẹ, để đặt nền móng vững chắc cho “tòa nhà” đời tu của  Anh Em vững chắc, kiên cố, “Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá”[19] dưới sự gìn giữ chở che của Mẹ Maria, Đấng bảo trợ dòng Anh Em Giảng thuyết.

Với niềm tôn kính, mến yêu, tin tưởng, cậy trông và phó thác nơi Mẹ, chúng ta cùng dâng lên Mẹ tâm tình của những người con thảo, qua lời Thánh Thi sau đây:

Xin dâng Mẹ đây vòng thiên tuế
Và triều thiên hoa huệ trắng ngần
Trọn đời Mẹ đã hiến thân
Buồn vui muôn nỗi thông phần cùng Con.

Mẹ đứng đó, tâm hồn tê tái
Nhìn Con yêu quằn quại giữa trời
Dang tay ôm trọn phận người
Máu hồng tuôn đổ thắm đồi Canvê.

Nguồn cứu độ tràn trề tuôn mãi
Tử thần kia thất bại thê lương
Này đây chiếu tỏa Vầng Dương
Phục sinh Cứu Chúa thiên đường âu ca.

Tin Mừng ấy vang hòa khắp cõi
Chúa phục sinh cứu mọi tâm hồn
Và đây Mẹ Đấng Chí Tôn
Được về hưởng phúc xác hồn cùng Con.

Nơi dương thế mỏi mòn trông ngóng
Chúa phục sinh giải phóng khải hoàn
Trọn đường lử thứ trần gian
Hợp đoàn với Mẹ hỷ hoan muôn đời.[20]

Nguyện xin Đức Maria cùng đồng hành với Tỉnh dòng chúng ta, cách riêng với mười lăm Anh Em trong Năm Tập và trong hành trình ơn gọi.




[1] Ga 2,3

[2] Ga 2, 5.

[3] Các Giờ Kinh Phụng vụ, Phần riêng Dòng Đa Minh, Thánh thi Kinh sách, lễ Đức Mẹ bảo trợ Dòng.

[4] Xc. Lc 1, 38.

[5] Xc. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi của Đức Maria – Rosarium Virginis Mariae, số 01.

[6] Xc. Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Lời Chủ Chăn tháng 10/2008, số 03.

[7] Xc. Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi của Đức Maria – Rosarium Virginis Mariae, số 09.

[8] 2 Cr 3,18.

[9] Xc. Lc 2,51.

[10] Xc. Lc 1, 37.

[11] Xc. Ga 19, 25.

[12]Các Giờ Kinh Phụng vụ, phần riêng Dòng Đa Minh, Thánh thi Kinh sách, lễ Mẹ sầu bi.

[13] Kim Long, Mẹ đứng đó, Tccd, tr.358,

[14] Xc. Ga 19, 25.

[15] Xc. Ga, 19, 26 -27.

[16] Xc. Phan Tấn Thành, OP, Vầng trăng tuyệt vời, tr. 229.

[17] Jos SchrJrers, CSsR, Đời tận hiến, tr. 209.

[18] Hiến Pháp và Chỉ thị Anh Em dòng Giảng thuyết, số 67 § II.

[19] Mt 7, 25.

[20] Giờ Kinh Phụng vụ, Phần riêng dòng Đa Minh, Thánh thi kinh Chiều lễ Đức Mẹ Mân Côi.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com