[CN06TNA] Nên Công Chính Nhờ Đức Kitô

15-02-2020
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1726 lượt xem

” Sự công chính con người có được không phải do thi hành tỉ mỉ Lề luật, mà nhờ vào việc đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ qua Đức Giêsu. “

Hc 15,15-20; 1Cr 2,6-10; Mt 5,17-37

Dân Dothái là một trong những dân tộc sớm có tổ chức, kỷ cương nhờ luật lệ chặt chẽ. Đặt biệt, họ luôn tự hào về nguồn gốc của mình là dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn và ban cho Lề luật. Các giới luật, được gọi là Luật Môsê, chứa đựng trong bộ Ngũ Thư, tức năm cuốn sách đầu của Cựu Ước. Mười Điều Răn là những giới luật cao trọng và cốt lõi nhất. Lề luật của người Dothái gồm có 613 giới luật, trong đó có 248 điều phải thực hành tương ứng với 248 bộ phận trong cơ thể con người, và 365 điều không được phép làm tương ứng với 365 ngày của năm. Ai sống theo Lề luật là đi theo đường lối của Thiên Chúa, và do đó, được Thiên Chúa bảo vệ, chúc phúc. Ngược lại, những ai bất tuân Lề luật là quay lưng lại với Thiên Chúa, và như thế sẽ bị Thiên Chúa sửa phạt. Để bảo đảm những quy định của Lề luật được tuân giữ cách chắc chắn hơn, giới kinh sư Dothái còn thêm nhiều khoản luật chi tiết khác nữa vào việc thực hành. Dó đó, việc tuân giữ Lề Luật trở thành gánh nặng đối với người Dothái thời Đức Giêsu.

Khi thi hành sứ vụ, Đức Giêsu thường bị bị giới kinh sư và người Pharisêu tố cáo vi phạm Lề Luật, như chữa bệnh trong ngày Sabát, không rửa tay trước khi ăn, v.v.. Trước những chỉ trích, tố cáo này, Đức Giêsu thường trực tiếp trả lời cho họ bằng cách chỉ ra tầm quan trọng của Lề Luật và tinh thần thực hành đúng đắn là như thế nào. Riêng với các môn đệ, Đức Giêsu còn mạc khải cho họ biết sứ mạng của Người đến trần gian là để kiện toàn Lề Luật và làm cho lời của các ngôn sứ loan báo về Đấng Cứu Thế được nên ứng nghiệm:

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).

Đức Giêsu kiện toàn Lề Luật và làm cho lời của ngôn sứ nên ứng nghiệm như thế nào? Khởi đầu sứ vụ, Đức Giêsu vào hội đường ở Nadarét. Khi được ông trưởng hội đường mời đọc Sách Thánh, Đức Giêsu đã mở sách ngôn sứ Isaia và đọc đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 5,19-20). Sau đó, Đức Giêsu giải thích vào áp dụng đoạn Kinh Thánh ấy cho bản thân Người: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 5,21).

Sứ mạng của Đức Giêsu – “đem Tin Mừng cho kẻ nghèo”, thể hiện qua những lời giáo huấn mang ơn cứu độ, sự bình an, hoà giải và tha thứ đến cho con người. Sứ mạng của Người còn thể hiện qua hành động đầy quyền năng, như chữa lành bệnh tật, trừ khử ma quỷ, dẹp yên bão tố, hoá bánh ra nhiều, v.v.. Trọng tâm sứ mạng của Đức Giêsu là bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người. Đồng thời Người cũng dạy con người một khi lãnh nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, thì cũng mở lòng thực thi bác ái đối với đồng loại. Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân là giới răn kép không thể tách rời trong thực hành.

“Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). 

Nhiều kinh sư và pharisêu cố gắng tuân giữ tỉ mỉ Lề luật, kể cả luật thành văn được ghi chép trong Sách Thánh, lẫn luật truyền khẩu do chính họ đặt ra. Việc giữ luật của họ xem ra chỉ nhắm mục đích để được Thiên Chúa thưởng công hoặc để được người đời khen ngợi. Những người này tự cho mình là công chính khi cậy dựa vào việc giữ luật tỉ mỉ, nhưng lại quên mục đích chính yếu của Lề luật là nhằm đến đức ái với Thiên Chúa và với tha nhân. Chính sự sai lạc tinh thần thực hành Lề luật như thế đã khiến giới kinh sư chỉ trích Đức Giêsu khi Người chữa bệnh ngày Sabát, khi Người tỏ lòng thương xót. gần gũi đồng bàn với những người tội tỗi, thu thuế, gái điếm, v.v..

Đức Giêsu cho thấy rằng không có sự xung đột hay đối nghịch nào giữa việc tuân giữ Lề luật và thực thi lòng thương xót. Bởi lẽ Lề luật và lòng thương xót có cùng một nguồn gốc, phát xuất từ chính Thiên Chúa. Thực hành lòng thương xót, mang lại thiện hảo cho con người, đó chính là làm Lề luật được kiện toàn. Đức Giêsu cho thấy nơi bản thân người sự kiện toàn Lề luật ấy đang diễn ra. Sự công chính con người có được không phải do thi hành tỉ mỉ Lề luật, mà nhờ vào việc đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ qua Đức Giêsu. Cách cụ thể, để nên công chính, người môn đệ tin vào Đức Giêsu, đón nhận giáo huấn của Người bằng cách lắng nghe và thực hành trong đời sống. Đó là ý nghĩa lời Đức Giêsu dạy các môn đệ:

“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”

Nếu những kinh sư và người Pharisêu chỉ lo tuân giữ Lề luật theo nghĩa đen, cố giữ sao cho đầy đủ hình thức bên ngoài, thì Đức Giêsu muốn các môn đệ kiện toàn việc tuân giữ lề luật sâu xa hơn, đó là tuân giữ Lề luật ngay trong tâm hồn. Con người không những không được làm những điều sai trái, vi phạm lề luật, mà còn phải giữ cho tâm hồn khỏi những tư tưởng và toan tính làm điều ác. Những ai phạm tội trong tư tưởng, dù người khác không biết, nhưng trước mặt Thiên Chúa, người đó đã bị kết án rồi, vì “Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội” (Hc 15,20).

Trung thành tuân giữ lề luật Thiên Chúa, tức là sống bác ái, có lòng nhân từ, khoan dung, tha thứ, v.v.. theo tinh thần của Đức Kitô, người môn đệ sẽ phải chịu thiệt thòi, thậm chí bị bách hại, bị loại trừ. Nhưng thánh Phaolô nói với các tín hữu Côrintô trong bài đọc thứ hai, bằng tất cả sự xác tín rằng, đó chính là con đường đưa đến sự sống thật, con đường gặp được “sự khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa.” Ngược lại những ai làm điều gian ác, trước mắt người đời, họ có được nhiều lợi lộc, được xem là khôn ngoan, nhưng thánh Tông đồ quả quyết, đó là con đường “đưa đến diệt vong.”

Giáo hội đón nhận gia sản lề luật từ truyền thống Dothái giáo, cụ thể là Mười Điều Răn. Mục đích của việc tuân giữ giới răn được Đức Giêsu kiện toàn bằng luật của ân sủng. Lời Chúa hôm nay hướng dẫn người tín hữu thi hành lề luật theo tinh thần của Đức Kitô. Việc giữ luật không nhằm để được phần thưởng, nhưng vì lòng mến. Người tín hữu đến nhà thờ không phải chỉ để khỏi phải xưng tội bỏ lễ Chúa Nhật, nhưng quan trọng hơn là để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Lời Chúa và Thánh Thể. Nhờ việc nuôi dưỡng đức tin và lòng mến đối với Thiên Chúa, người tín hữu có khả năng thực thi bác ái đối với anh chị em mà không so đo tính toán, không kể lể công trạng. Nếu để cho tinh thần và lời giáo huấn của Đức Giêsu hôm nay hướng dẫn, người tín hữu sẽ giữ được tâm hồn ngay thẳng không bị lung lạc bởi sự dữ, dẫn đến hành động tội lỗi, vi phạm lề luật của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con chu toàn lề luật theo tinh thần đức ái. Xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, và nhờ kết hợp với Đức Giêsu Kitô, chúng con trổ sinh hoa quả dồi dào là các việc lành phúc đức. Amen.


GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

“Việc chu toàn Lề luật cách trọn hảo chỉ có thể được thực hiện bởi Đấng ban hành Lề luật của Thiên Chúa, là Ngôi Con, được sinh ra dưới Lề luật.” (số 580).

“Trung thành với Sách Thánh và theo gương Chúa Giêsu, Truyền thống Hội thánh nhìn nhận Mười Điều Răn có tầm quan trọng và ý nghĩa hàng đầu.” (số 2064).

“Mười Điều Răn nêu ra các đòi hỏi của lòng mến Chúa yêu người. Ba điều răn đầu đề cập đến tình yêu đối với Thiên Chúa, và bảy điều răn sau, đến tình yêu đối với người lân cận.” (số 2067).

“Mười Điều Răn tạo thành một tổng thể thống nhất không thể tách biệt. Mỗi ‘lời’ quy chiếu về từng lời và về tất cả các lời khác; các lời tương thuộc lẫn nhau. Hai Bảng Luật soi sáng cho nhau, hợp thành một tổng thể thống nhất hữu cơ. Vi phạm một điều răn là vi phạm tất cả các điều răn khác. Không thể tôn trọng người khác mà không chúc tụng Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá của họ. Không thể tôn thờ Thiên Chúa mà không yêu thương tất cả mọi người là thụ tạo của Ngài. Mười Điều Răn thống nhất đời sống đối thần với đời sống xã hội của con người.” (số 2069).

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com