Is 7,10-14; Rm 1,1-7; Mt 1,18-25
Thưa quý cha giáo và anh em thỉnh sinh thân mến,
Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh đã gần kề. Các bài đọc của Chúa Nhật tuần cuối cùng của Mùa Vọng tập trung giới thiệu cho chúng ta gốc tích và sứ vụ của Đấng Cứu Thế.
Bài đọc một trích ở sách ngôn sứ Isaia thuật lại việc Đức Chúa, qua ngôn sứ này, báo cho vua Akhát biết : Đức Chúa sẽ ban cho vua một dấu chỉ“này đây một trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai và tên con trẻ là Emmanuel nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Vị ngôn sứ gửi lời loan báo này đến vua Akhát trong một hoàn cảnh đặc biệt, đất nước đang đứng trước nguy cơ xâm lăng của đế quốc Syria hùng mạnh. Nhà vua lo sợ và tìm biện pháp đối phó bằng cách liên minh với Átsua. Ngôn sứ Isaia nhắc nhở vua Akhát hãy tin tưởng vào sức mạnh của Đức Chúa, hơn là cậy dựa vào ngoại bang, tin tưởng vào quyền năng của Đức Chúa, hơn là cậy dựa vào những thế lực chính trị, quân sự để bảo vệ đất nước. Sứ điệp của vị ngôn sứ cũng thật đặc biệt: dấu chỉ Đức Chúa ở với dân không biểu lộ qua một sức mạnh nào khác, mà lại qua hình ảnh của một trẻ thơ sẽ được sinh ra. Vị ngôn sứ ám chỉ việc hoàng hậu sẽ sinh cho vua Akhát một người con để nối ngôi vua. Tuy nhiên, lời loan báo của ngôn sứ Isaia còn được hiểu xa hơn trong viễn tượng mong chờ Đấng Cứu Thế như ta sẽ được thấy trong bài Tin Mừng.
Trong trình thuật truyền tin cho ông Giuse, thánh Mátthêu trước hết tập trung vào gốc tích Đức Giêsu. Tác giả Tin Mừng thứ nhất viết sứ điệp Tin Mừng nhắm đến độc giả là những người Do thái. Thánh Mátthêu dẫn Cựu Ước, để người Do thái hiểu rằng lời của các ngôn sứ thuở xưa, giờ đã nên ứng nghiệm với sự ra đời của hài nhi Giêsu. Lồng vào trong khung cảnh truyền tin, một khung cảnh rất quen thuộc của truyền thống Kinh Thánh, thánh Mátthêu trích dẫn lại lời của ngôn sứ Isaia “này đây một trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai và tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Trong công trình thực hiện lời hứa này, ông Giuse là con cháu vua Đavít, được tuyển chọn làm cha nuôi của hài nhi sắp sinh ra. Như thế, Đức Giêsu trước hết là Con thiên Chúa, do quyền năng Thánh Thần đã thụ thai cách lạ lòng trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, đồng thời xét như một người phàm, Đức Giêsu xuất thân từ dòng dõi vua Đavít.
Thưa anh em,
Dân Do Thái, trong lịch sử của mình, luôn phải đối diện với các kẻ thù hùng mạnh, phải đi lưu đày và phải chịu sự độ hộ của các đế quốc lân bang. Trong hoàn cảnh như thế, dân Do Thái luôn mong chờ Đấng cứu thế mang lại sự giải phóng có tính cách dân tộc và chính trị. Thiên Chúa, qua các ngôn sứ, chỉ cho dân tộc này thấy sự trung tín của Thiên Chúa và ơn cứu độ Người ban tặng còn vượt xa hơn nữa. Thánh Mátthêu chắc đến sứ vụ của Đấng cứu thế sẽ sinh ra qua lời của sứ thần truyền cho ông Giuse “đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”
Trong những hoàn cảnh lưu đày và chịu sự đô hộ ngoại bang, dân Chúa chọn cũng ý thức những hoàn cảnh bức bách hiện tại xuất phát từ chính tội lỗi và thất trung của họ. Tội lỗi theo nghĩa đi ngược lại đường lối của Đức Chúa. Vì vậy, còn hơn cả kinh nghiêm đau thương của sự mất nước, qua lời chỉ dẫn của các ngôn sứ, dân Chúa chọn cũng phần nào nhận ra rằng chính họ đang phải chịu sự lưu đày và mất tự do nơi chính tâm hồn, khi từ bỏ đường lối của Đức Chúa. Kinh nghiệm đối diện với những giới hạn, bất toàn, tội lỗi, cũng là kinh nghiệm của nhân loại đang khi cố gắng tìm kiếm cho mình một hướng đích, một cứu cánh bằng chính sức của mình.
Với những ý tưởng của bài đọc hôm nay, phụng vụ đang dần hướng chúng ta đến việc chiêm ngắm mầu nhiệm Giáng sinh của Con Thiên Chúa.
Thứ nhất, Ngôi Lời, Con Thiên Chúa nhập thể không chỉ hiện diện và chia sẻ kiếp sống của nhân loại, mà con hơn thế nữa “Người đã cứu dân người khỏi tội lỗi của họ”. Người đã kéo ân sủng từ trời xuống giải thoát con người khỏi ách tội lỗi và ban cho chúng ta sự bình an đích thực.
“Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ
Hoà bình công lý đã giao duyên
Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp
Công lý nhìn xuống tự trời cao” (Tv 85)
Con Thiên Chúa làm người, để từ đó nâng con người sa ngã tội luỵ lên địa vị là con Thiên Chúa. Thánh giáo phụ Irênê đã nói về mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời rằng: “Con Thiên Chúa làm người, để con người được làm con Thiên Chúa.”
Thứ hai, mầu nhiệm Thiên Chúa làm người mời gọi nhân loại cộng tác trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Đức Maria và Thánh Giuse là những người trước hết được mời gọi cộng tác cách đặc biệt vào công trình cứu độ, đó là cưu mang và nuôi dưỡng Con Thiên Chúa. Nhận lời truyền tin của thiên sứ, các ngài đã từ bỏ tất cả những toan tính, những dự định cho tương lai theo cách riêng của mình, để phó thác hoàn toàn cho thánh ý của Thiên Chúa. Tin Mừng luôn cho thấy thánh ý của Thiên Chúa nhiệm mầu và khó hiểu theo cách thế của con người. Chính vì thế, khi đón nhận chương trình của Thiên Chúa, thánh Giuse luôn tỏ ra tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, ngài im lặng và mau mắn thi hành. “Khi tỉnh giấc ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.” Sau này, khi được sứ thần báo mộng cho biết Hêrôđê đang tìm giết trẻ Giêsu, thì Kinh Thánh nói rằng Giuse đã mau mắn “trỗi dậy, và đang đêm, đem con trẻ và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (2,14).
Thưa anh em,
Hôm nay, ngày 22 tháng 12, kỷ niệm 798 năm Dòng Anh Em Giảng Thuyết được châu phê. Trở nên những người Đa Minh là trở nên những người cưu mang, nuôi dưỡng và loan báo Lời cho nhân loại, Lời cứu độ và giải thoát.
Xin Chúa cho chúng ta, trong những ngày chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh sắp tới, có được một tâm hồn rộng mở chờ đón Chúa ngự đến, một tâm tình tạ ơn thích hợp vì hồng ân cao cả này, cũng như một thái độ sẵng sàng để thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Amen.
Tĩnh tâm Thỉnh viện, 22/12/2014