Cv 14,21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35
Ngày nay nhìn thấy logo quả táo khuyết trên điện thoại, người ta nhận ra ngay sản phẩm đó là của Apple. Nhìn thấy logo hình cánh chim với chữ H người ta biết đó là thương hiệu Honda. Nhìn thấy hình ảnh tựa cái khiên với hai màu đen trắng, người ta biết đó là Dòng Đa Minh. Dường như bất kỳ một tổ chức nào cũng đều có logo riêng, một biểu tượng độc quyền làm dấu hiệu để phân biệt, xác định tổ chức của mình, thành viên của mình hay sản phẩm của mình.
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau”
Những lời này Đức Giêsu nói với các môn đệ trong khung cảnh của bữa tiệc ly, khởi đầu cho diễn từ cáo biệt, vào lúc Người sắp rời bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha. Những lời giáo huấn của Người vào lúc này có ý nghĩa như một sự trăn trối, đồng thời cũng rất quan trọng quyết định cho sự tồn tại của nhóm các môn đệ, khi mà Người sắp không còn ở với họ nữa. Đức Giêsu truyền cho các môn đệ “hãy yêu thương nhau”, đó là dấu hiệu để mọi người nhận biết những kẻ thuộc về Người. Hơn nữa, Người còn nhấn mạnh rằng, điều răn yêu thương Người truyền cho các ông là “một điều răn mới.”
Thế nhưng ta tự hỏi “tình yêu” thì đâu có phải là điều mới mẻ và xa lạ với con người, từ xa xưa người ta đã nói đến tình yêu rồi. Trước Đức Giêsu, các triết gia đã bàn về tình yêu. Văn chương cũng lấy tình yêu làm đề tài muôn thuở. Mười điều răn được ban cho dân Hípri trong thời Cựu Ước cũng gồm tóm trong hai từ “yêu thương”: Trong sách Đệ Nhị Luật, ông Môsê truyền lệnh của Đức Chúa cho dân “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em .”(6,5),và trong sách Lêvi là lệnh truyền: “ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (19,18).
Vậy, đâu là tính chất mới mẻ của điều răn yêu thương Đức Giêsu truyền cho các môn đệ hôm nay? Tìm hiểu khung cảnh của diễn từ, trong đó Đức Giêsu đưa ra giáo huấn, có thể giúp chúng ta có câu trả lời cho thắc mắc này.
Tác giả Tin Mừng Gioan dẫn nhập vào khung cảnh của diễn từ ly biệt như sau: “Khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu nói: ‘Giờ đây, Con Người được tôn vinh…’.”
Giuđa ra đi, rời khỏi phòng Tiệc ly. Ông rời bỏ Đức Giêsu, xa lìa cộng đoàn các tông đồ đang vây quanh Thầy. Giuđa đi vào trong bóng tối, chịu sự chi phối của quyền lực Xatan. Giuđa sắp bán Thầy, đưa Thầy đến cái chết bằng sự phản bội. Giuđa không thể nhầm lẫn hay nghi ngờ tình yêu của Thầy dành cho các môn đệ, bởi vừa ngay trước đó, Đức Giêsu đã cúi xuống, như một người phục vụ, rửa chân cho các môn đệ, từng người một. Như thế hành động của Giuđa còn vượt quá sự phản bội, một hành động phủ nhận, khước từ tình yêu của Thầy.
Nếu đọc tiếp những câu theo sau ngay đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ gặp những lời đầy quả quyết của Phêrô: “con sẽ thí mạng vì Thầy.” Nhưng Đức Giêsu cảnh báo ông sẽ hành động không khác Giuđa là mấy, ông sẽ chối Thầy đến ba lần. Như thế Đức Giêsu đã biết trước, khi người bị bắt và bị kết án xử tử, thì các môn đệ của Người sẽ bỏ trốn hoặc sẽ chối Thầy để tránh liên luỵ.
Tác giả Tin Mừng Gioan đã đặt giáo huấn của Đức Giêsu về giới răn yêu thương trong khung cảnh mà bi kịch đã lên đến đỉnh điểm: các môn đệ của Người, kẻ thì phản bội, kẻ thì chối thầy, số còn lại sẽ chạy trốn. Chính trong giây phút mà mọi hành động của các môn đệ, những điều sắp diễn ra dường như đang đối nghịch, phủ nhận tình yêu, thì Đức Giêsu lại nói, đó là giờ “Con Người được tôn vinh”, giờ khởi đầu cho sự chiến thắng của tình yêu. Đức Giêsu bước vào cuộc khổ nạn trong yêu mến và vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha. Bước vào cuộc khổ nạn, và qua hành động tột đỉnh của sự hiến thân này cho nhân loại, Đức Giêsu cho thấy chỉ tình yêu duy nhất của Người mới có khả năng đối diện và chữa lành mọi yếu đuối, mọi thất trung và phản bội của con người.
“Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”
Điều thực sự mới mẻ và độc nhất vô nhị trong lệnh truyền yêu thương này, chính là nền tảng của tình yêu, điểm quy chiếu của tình yêu. Chỉ khi đón nhận tình yêu của Đức Kitô, sống trong tình yêu của Đức Kitô, các môn đệ mới thể thực hiện trọn vẹn lệnh truyền yêu thương của Người. Chỉ trong tình yêu của Đức Kitô, con người mới có khả năng yêu thương nhau một cách thực sự, quảng đại và vô vị lợi, vượt qua giới hạn của gia đình, của máu mủ, của thân tộc, để vươn tới hết mọi người. Chỉ trong tình yêu của Đức Kitô, con người mới có thể yêu thương kẻ đối nghịch, xoá bỏ mọi hận thù và xích lại gần nhau.
Bài đọc thứ nhất trích sách Công vụ Tông đồ hôm nay tóm tắt hoạt động của các nhà truyền giáo và đời sống chứng tá của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ở nhiều miền khác nhau trong đế quốc Rôma. Các cộng đoàn Kitô hữu được tình yêu của Đức Kitô quy tụ, họ nuôi dưỡng tình yêu của mình trong tình yêu của Đức Kitô, nhờ thế mà cộng đoàn cỏ thể mở ra để đón nhận tất cả mọi người, đông đảo các dân ngoại đã gia nhập vào Hội thánh.
“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu tương nhau”
Dấu hiệu tình yêu chúng ta mang trên mình không gì khác hơn là sự phản ánh tình yêu Đức Kitô và theo khuôn mẫu của Đức Kitô. Có như thế, mọi người mới có thể nhận biết chúng ta là môn đệ của Người. Có như thế, đời sống Kitô hữu mới có thể trở nên chứng tá mời gọi mọi người đón nhận đức tin, gia nhập Hội thánh.
Đức Giêsu đã hiến thân trên thập giávì tình yêu dành cho nhân loại và Người không ngừng trao ban tình yêu ấy, khi ở giữa Giáo hội, giữa nhân loại qua dấu chỉ bí tích: Mình và Máu Thánh của Người. Mỗi lần cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, là mỗi lần chúng ta được mọi gọi đón nhận và sống trong tình yêu của Đức Kitô một cách mật thiết hơn, sâu sắc hơn.
* * *
Xin sức mạnh của tình yêu nơi bí tích Thánh Thể chúng ta sắp cử hành, biến đổi từng người nên những môn đệ đích thực, có khả năng yêu thương và làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô. Amen.