Kn 11,22 – 12,2; 2Tx 1,11 – 2,2; Lc 19,1-10
Trong Tin Mừng Nhất lãm, ta gặp thấy 3 nhân vật thu thuế đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu. Ông Mátthêu trong Mt 9,9-13 và ông Lêvi trong Mc 2,13-14 và Lc 5,27-28, theo các nhà chú giải có thể là một người. Còn ông Giakêu thì chỉ có trong Tin Mừng Luca 19,1-10. Ông Mátthêu khi được kêu gọi, đã bỏ nghề thu thuế và trở nên Tông đồ của Chúa, và cũng là tác giả Tin Mừng thứ nhất. Còn ông Giakêu, không thấy Tin Mừng Luca nói ông có bỏ nghề thu thuế hay không. Khi được Đức Giêsu đến nhà, ông vui mừng đón tiếp Người. Hơn nữa, ông còn biểu lộ sự đáp trả lời mời gọi của Người để sống một cuộc đời mới bằng một cách rất cụ thể: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”
Ông Giakêu không được chọn làm Tông đồ và cũng không chắc ông có mặt trong số 72 môn đệ của Đức Giêsu. Nhưng điều ta có thể tiên đoán: sau cuộc gặp gỡ Đức Giêsu, cuộc đời của ông sẽ khác đi, ngay cả khi ông tiếp tục với nghề thu thuế. Những lời ông thưa với Đức Giêsu diễn tả một quyết tâm hoán cải đi theo đường công chính, vì ơn cứu độ Chúa đã ban tặng cho nhà ông. Từ đây, dù làm nghề gì hay trong bất cứu mối tương giao nào với tha nhân, ông sẽ phải ý thức giữ sự công bằng, tôn trọng quyền lợi của người khác, và vượt trên nữa là thực thi đức ái, nhất là đối với người nghèo khó.
Nhiều người xầm xì “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Đức Giêsu đã vào trần gian như một quán trọ, Đức Giêsu vào trọ nhà ông Giakêu, và rồi Người ở lại mãi với con người nhờ Lời của Người và qua các bí tích, đặc biệt là Thánh Thể. Đức Giêsu ở lại nhà ông Giakêu, để chia sẻ với ông nỗi đau khổ của tâm hồn khi bị người khác hất hủi, chê cười, loại trừ, xa lánh, bị xem như hạng người dơ bẩn, tội lỗi. Và Chúa đã chữa lành vết thương tâm hồn ấy của ông bằng ân sủng cứu độ. Không chỉ có ông Giakêu, mà toàn thể nhân loại đã đánh mất sự công chính nguyên thuỷ, cần đến sự cứu chữa của Đức Kitô.
Ông Giakêu vui mừng vì ơn gọi đời mình – ơn gọi “sống công chính và thánh thiện”. Niềm vui mừng ấy nối tiếp với sự dấn thân thực thi công bằng và bác ái. Liệu niềm vui cứu độ có tiếp tục ở lại mãi với ông, nhất là khi Đức Giêsu hiện diện cụ thể bằng xương bằng thịt, rời khỏi nhà ông? Liệu quyết tâm sống công chính của ông có được thực hiện sau đó hay không? Nếu trước đây thì không, nhưng bây giờ thì ông có thể thực hiện điều ông quyết tâm. Ông đã lãnh nhận ơn cứu độ: không chỉ sự công chính nguyên thuỷ đã được phục hồi, mà ân sủng của Thần Khí còn được ban tặng để ông có thể thực hiện sự dấn thân đi theo Chúa. Chúng ta được nên công chính nhờ Đức Kitô và chúng ta có thể sống xứng đáng với ơn công chính Người ban tặng cũng nhờ Thần Khí Người trao ban cho chúng ta.
Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai đặc biệt nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta không thể tự mình mà sống xứng đáng với ơn kêu gọi. Phải cầu nguyện không ngừng để xin ơn Chúa trợ giúp cho ta. Chính thánh Phaolô xác quyết với các tín hữu Thêxalônica rằng:
“Lúc nào chúng tôi cũng cầu nguyện cho anh em: xin Thiên Chúa chúng ta làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi, và xin Người dùng quyền năn mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm gì lòng tin.”
Anh em đã chọn Đức Kitô để “sống công chính và thánh thiện”, bằng một lối sống được mệnh danh là “đức ái trọn hảo”. Con đường của lối sống ấy đã bắt đầu mở ra cho anh em, nhưng để đi trọn con đường ấy, ta không tự mình thực hiện mà cần đến sự đồng hành của Đức Kitô – bằng Lời và bằng ân sủng của Người, và ta cũng cần sự đồng hành của anh em nữa, là những người chia sẻ cùng một chí hướng theo linh đạo giảng thuyết Đa Minh.
Tạ ơn Chúa đã kêu gọi chúng ta sống ơn gọi tận hiến. Và chúng ta cũng tin tưởng rằng Người sẽ hoàn thành điều người đã khởi sự, nếu từng ngày chúng ta vẫn kêu xin và phó thác cuộc đời vào bàn tay dẫn dắt của Người. Amen.