Hc 35,12-14.16-18; 2Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9-14
Ở Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, Đức Giêsu dạy các môn đệ phải không ngừng cầu nguyện qua dụ ngôn “Ông quan toà bất chính và bà goá quấy rầy.” Tiếp tục đề tài cầu nguyện, trong bài Tin Mừng tuần này, cũng qua một dụ ngôn, Đức Giêsu chỉ dạy các môn đệ biết phải có thái độ nào khi cầu nguyện để được nên công chính. Dụ ngôn Đức Giêsu kể, được duy nhất Tin Mừng Luca thuật lại, mở đầu như sau: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế.”
Dưới đánh giá của người Do Thái thời bấy giờ, hai người này thuộc vào hai nhóm tương phản với nhau. Nhóm Pharisêu còn được gọi là Biệt Phái, vì những người thuộc nhóm này có cách sống tách biệt mình khỏi nếp sống thường dân. Họ tỏ sự trung thành với Thiên Chúa qua việc tuân giữ tỉ mỉ, chi tiết mọi Lề Luật, cho nên được dân chúng xem trọng. Ngược lại, những người thu thuế bị xếp vào hạng tội lỗi, bất chính ngang hàng với gái điếm, vì họ đã cộng tác với chính quyền Rôma. Hơn nữa, với nghề này, người thu thuế dễ sinh ra gian dối và tham lam.
Hai con người, một là Pharisêu và một là người thu thuế cùng đến trước mặt Chúa trong Đền thờ. Lẽ dĩ nhiên ai cũng thấy rằng người Pharisêu có được sự chuẩn bị tốt hơn. Như chính người Pharisêu này đã kể ra : “con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Lề luật chỉ đòi buộc người Do Thái ăn chay mỗi năm một lần (Lv 16,29-31); người Pharisêu này đã vượt xa khỏi quy định này, một tuần hai lần ăn chay, tức là hơn 100 lần một năm. Lề luật chỉ đòi buộc người Do Thái đóng một phần mười lợi tức nông nghiệp (Đnl 11,22-29); người Pharisêu này đã đóng thuế một phần mười mọi lợi tức thu nhập của mình. Rõ ràng với những gì người Pharisêu đã làm, xem ra ông xứng đáng đứng trước mặt Chúa hơn những người khác.
Trái lại, người thu thuế lên Đền thờ, thậm chí ông chỉ đám đứng ở đằng xa để cầu nguyện. Ông không dám ngước mắt lên vì một phần thấy mình bất kính trước mặt Chúa, mặt khác ông sợ sự đánh giá, soi mói của những người tự cho mình là công chính. Người thu thuế đã không kể được bất kỳ công lênh nào và cũng chẳng có gì đề mà tự hào, ngoài sự nhìn nhận tội lỗi và kêu xin lòng thương xót của Chúa.
Kết quả của việc cầu nguyện của hai con người ấy ra sao? Đức Giêsu nói rằng, người thu thuế khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính, còn người Pharisêu thì không. Tại sao vậy, tại sao lại có sự ngược đời như thế?
Theo thánh Luca, Đức Giêsu kể dụ ngôn nhắm đến những người có thái độ kêu ngạo khi cầu nguyện. Thay vì chú trọng đến bài học dành cho những người này, chúng ta để ý đến giáo huấn tích cực của Chúa Giêsu về cầu nguyện qua hình ảnh người thu thuế lên đền thờ. Nếu một người có thái độ khiêm tốn, nhìn ra được sự yếu hèn của mình trước mặt Thiên Chúa, thì tâm hồn đã sẵn sàng để mở ra với ân sủng của Người. Sự khiêm tốn giúp người ta nhận ra thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, cả trong những yếu đuối của mình lẫn khi làm được những điều tốt.
Bài đọc thứ nhất trích sách Huấn Ca nói đến lời cầu nguyện của những người khiêm tốn, hèn mọn. “Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người, sẽ được Người chấp nhận,” được an ủi và nâng đỡ. Cũng vậy, trong bài đọc II, thánh Phaolô nói về cái chết ngài sắp phải đối diện để làm chứng cho đức tin. Sức mạnh để ngài chiến thắng không phải từ chính bản thân ngài, hay từ bất cứ sự trợ giúp nào, nhưng từ ân sủng của Chúa. Thánh Phaolô xác tín vòng hoa dành cho người công chính mà ngài được sắp nhận là nhờ Đấng ban sức mạnh cho ngài.
Điệp ca của Thánh Ca Tin Mừng Giờ Kinh sáng hôm nay tóm tắt giáo huấn Đức Kitô:
“Khi trở xuống về nhà,
người thu thuế đã được nên công chính
nhờ Đấng ông tin tưởng.
Sự công chính, tức ơn cứu độ là một quà tặng do lòng thương xót của Chúa, chứ không phải do tự sức con người có thể đạt được. Người Pharisêu trong dụ ngôn đã đến trước mặt Chúa với rất nhiều những thực hành đạo đức đáng tự hào. Cầu nguyện với người này không còn mang bản chất là sự thâm giao với Thiên Chúa, nhưng đã biến thành phương tiện để kể lể công trạng, và đòi Thiên Chúa phải thưởng công. Đối lại, người thu thuế cho thấy việc cầu nguyện trước tiên là gặp gỡ chính Chúa và nhận ra lòng thương xót của Người. Nhận ra ân huệ nhưng không của Chúa sẽ thúc đẩy người ta đáp trả bằng một đời sống theo thánh ý Chúa, tức là hoán cải và canh tân không ngừng.
Mỗi Kitô hữu được đón nhận ân sủng cứu độ qua bí tích Thánh tẩy và toàn bộ đời sống của chúng ta là nỗ lực đáp trả với Chúa vì hồng ân lớn lao này. Đặc biệt hơn, tu sĩ là những người đón nhận quà tặng là đời sống thánh hiến, sẽ chuyên tâm cho việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa và phục vụ ơn cứu độ con người.
Xin Chúa giúp cho mỗi chúng ta luôn nhận ra những hồng ân lớn lao Thiên Chúa ban tặng, để đáp trả cho tương xứng qua chính sự dấn thân của mình trong tương quan với Chúa và phục vụ anh chị em. Amen.