Xh 32,7-11.13-14; 1Tm 15,12-17; Lc 15,1-32
Tại Việt Nam những năm gần đây, việc tôn kính Lòng thương xót Chúa phổ biến trong đời sống Kitô hữu. Việc thực hành, dưới hình thức đạo đức bình dân, chủ yếu là lần chuỗi Mân Côi, cộng thêm những lời kinh hướng về Lòng thương xót Chúa. Ngoài ra, cũng có sự cổ võ các Kitô hữu làm những công việc bác ái cho tha nhân, theo gương Chúa Giêsu. Thật ra, tất cả đời sống của Hội thánh đều là sự bày tỏ lòng thương xót của Chúa. Cách riêng trong cử hành Thánh Thể, chúng ta nhận biết, ca ngợi và tôn thờ Thiên Chúa, Đấng đầy lòng thương xót, trao ban Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa là sự sống đời cho chúng ta. Cả ba bài đọc Lời Chúa hôm nay, một cách đặt biệt, nói với chúng ta về cùng một chủ đề là: Lòng thương xót của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy bắt đầu với bài đọc thứ nhất, trích sách Xuất Hành. Dân Israel sau khi thoát khỏi Ai Cập, họ vượt qua sa mạc và tập trung tại chân núi Sinai. Tại đây, Thiên Chúa đã ký kết với dân Israel một Giao Ước. Người coi họ là Dân riêng của Người, cam kết bảo vệ họ và đưa họ trở về Đất Hứa. Đối lại, dân Israel hứa chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa và trung thành đi theo đường lối của Người. Nhưng chẳng bao lâu, Dân đã phản bội lại Giao Ước. Thiên Chúa đã thịnh nộ với Dân và dự định ra tay giáng phạt. Ông Môsê đã kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa và nhờ đó, dân đã thoát khỏi án phạt của Người.
Tác giả Thánh Vịnh (105,19-23) đã tóm tắt câu chuyện của Xuất Hành hôm nay bằng những lời thơ rất hay như sau:
Tại Khô-rép, họ đúc một con bê,
rồi phủ phục tôn thờ tượng đó.
Họ đổi Chúa vinh quang
lấy hình bò ăn cỏ.Họ quên Thiên Chúa là Vị Cứu Tinh
từng làm việc lớn lao bên miền Ai-cập,
việc diệu kỳ trong cõi đất Kham,
việc khiếp kinh giữa lòng Biển Đỏ.Chúa tính chuyện sẽ tiêu diệt họ,
nếu người Chúa chọn là Mô-sê
chẳng đem thân cản lối
ở ngay trước mặt Người,
hầu ngăn cơn thịnh nộ
kẻo Chúa diệt trừ dân.
Không phải chỉ có câu chuyện của Sách Xuất Hành hôm nay, mà cả một lịch sử dài của Dân Israel cho thấy chỉ có Thiên Chúa là Đấng trung tín, Người luôn giữ lời đã hứa, còn Israel, thì hết lần này đến lần khác, họ đã phản bội Thiên Chúa. Lịch sử của Dân Thiên Chúa là lịch sử của những sa ngã, phản bội và thất trung, nhưng vượt trên tất cả, lòng thương xót của Thiên Chúa lại luôn được tỏ lộ cho Dân riêng của Người trong mọi hoàn cảnh.
Ở bài đọc thứ hai trích thư thánh Phaolô gửi cho ông Timôthê, thánh nhân đã tự nhận mình là kẻ tội lỗi và đã được Chúa xót thương: “Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin.” Nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, thánh nhân đã được chọn để làm người phục vụ Tin Mừng. Kể lại ơn gọi Kitô hữu và ơn gọi tông đồ của mình, thánh Phaolô chỉ cho người môn đệ thân tín của ngài thấy rằng, điều mang lại phẩm giá đích thực cho con người là sống kết hợp với Đức Kitô, nhờ lòng tin và lòng mến. Nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa, người tông đồ ra đi công bố lòng thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em.
“Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin.” Nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, thánh nhân đã được chọn để làm người phục vụ Tin Mừng. Kể lại ơn gọi Kitô hữu và ơn gọi tông đồ của mình, thánh Phaolô chỉ cho người môn đệ thân tín của ngài thấy rằng, điều mang lại phẩm giá đích thực cho con người là sống kết hợp với Đức Kitô, nhờ lòng tin và lòng mến. Nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa, người tông đồ ra đi công bố lòng thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em.
Cuối cùng, hình ảnh Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót được diễn tả một cách độc đáo qua ba dụ ngôn của Tin Mừng Luca hôm nay. Người chăn chiên bỏ 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc. Người phụ nữ tìm cho kỳ được một đồng tiền đã mất. Hai dụ ngôn này chỉ cho ta thấy mỗi người đều có một vị trí riêng biệt trước mặt Chúa và luôn nhận được sự chăm sóc, quan phòng của Người. Cách riêng, dụ ngôn “người cha nhân hậu”, quả thật là một áng văn chương đặc sắc mô tả về Lòng thương xót của Thiên Chúa. Dụ ngôn này chỉ có duy nhất trong Tin Mừng Luca. Lòng nhân hậu của người cha được thể hiện qua cách ông đối xử thật chu đáo và luôn tôn trọng tự do của hai con.
– Với người con thứ, ông chấp nhận cho anh tự do ra đi, để sống với phần gia tài anh được hưởng, dù ông biết trước rằng rồi đầy cuộc đời của anh sẽ rơi vào cảnh bi đát. Người con thứ bỏ nhà ra đi. Anh ngộ nhận rằng với số tài sản vật chất anh có, anh có thể tự sống một cuộc đời theo ý riêng của mình mà không cần đến cha. Anh đã không nhận ra được rằng giá trị làm nên chính anh không phải là tài sản vật chất, mà là tương quan của anh với cha, là phẩm giá làm con của anh, là tình yêu của cha dành cho anh.
Ở nhà, hằng ngày người cha thương nhớ đứa con của mình, ông lo lắng cho sự bất hạnh của người con hoang đàng, mong ngóng anh sẽ hồi tâm và mau trở về. Chính vì vậy, khi anh trở về còn từ đằng xa, thì người cha đã nhận ra: “Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để.” Người cha đã tha thứ cho đứa con trước cả khi anh ta lên tiếng xin sự thứ tha. Dù người con đã gây ra lầm lỗi, thì anh vẫn luôn là con của ông. Đó cũng là chính lý do, ông sai gia nhân mở tiệc ăn mừng.
– Với người con cả, người cha đã không trách mắng khi anh ta nổi giận. Trái lại, ông ôn tồn nói cho anh biết, cũng như người con thứ, anh cũng là con của ông và được hưởng mọi quyền lợi của một người con. “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.”
Người con cả nổi giận với cha vì cho rằng cha đã đối xử quá tốt với thằng em hoang đàng. Bao năm ở với cha, anh chỉ mong có “được một con dê con để ăn mừng với bạn bè.” Cũng như người con thứ, anh đã không ý thức được giá trị lớn lao nhất mà anh đang có chính là tư cách làm con. Vì không nhận biết phẩm giá là con trong nhà cha, nên anh cũng từ chối chấp nhận người em trở về. Anh muốn loại trừ người em và gọi là “thằng con của cha,” chứ không phải là người em của anh.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay củng cố niềm xác tín của chúng ta rằng, chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, ngay cả khi chúng ta tội lỗi, thất trung, chạy theo ngẫu tượng như dân Israel, ngay cả khi chúng ta lầm lạc lìa xa Chúa như người con thứ, hay lúc chúng ta nổi giận, trách móc Chúa như người con cả.
Thế nhưng, để nhận biết và đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa quả thực sẽ không dễ dàng. Hết lần này đến lần khác, dân Israel lãng quên Thiên Chúa, đã chạy theo các thần ngoại bang để tìm kiếm sự che chở cho mình. Thiên Chúa nhiều lần thịnh nộ và bắt họ lưu đày, nhưng rồi Người vẫn yêu thương và ra tay giải cứu. Cho dù luôn nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa, nhưng rồi dân Israel vẫn không thể một lòng trung tín với Người.
Người con thứ sống trong cảnh đói khát, khổ sở, anh mong quay trở về nhà để có được cơm dư gạo thừa mà “ăn cho đầy bụng”; sự tính toán của anh chỉ đơn giản có thế, anh không mong trở về để được phục hồi tư cách làm con trong nhà cha.
Lời Chúa hôm nay, một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng, sự hoán cải, trở về với Thiên Chúa của ta dù còn đầy những tính toán, thì đó vẫn là cơ hội tốt để chúng ta có thể dần dần khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa, dần dần nhận biết quý trọng phẩm giá đích thực của mình là được trở nên con cái của Thiên Chúa, được mời gọi bước vào trong tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.
* * *
Vào đầu thế kỷ thứ XIII, chứng kiến những biến động của thời cuộc và những khó khăn Giáo hội đang phải đương đầu, với tình trạng lạc giáo lan tràn và sự sa sút phẩm chất hàng giáo sĩ, thánh Đa Minh nhận ra rằng chính trong hoàn cảnh thử thách ấy, lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn luôn được ban tặng cho con người một cách dồi dào. Thánh nhân đã đến với những anh em lạc giáo, không phải với tư cách trịch thượng, dạy bảo, nhưng là để chia sẻ với cảnh ngộ của họ, và như thế ngài đã có thể thuyết phục họ trở về với đức tin chân thật. Hơn thế nữa, thánh Đa Minh còn có một dự án táo bạo hơn, là thiết lập cộng đoàn những anh em ra đi rao giảng lòng thương xót của Thiên Chúa. Và đó là khởi đầu cho sự hình thành Dòng Anh Em Giảng Thuyết, quen gọi là Dòng Đa Minh.
Anh em đến với Dòng để tìm hiểu ơn gọi, anh em được mời gọi gia nhập cộng đoàn của những người chiêm niệm lòng thương xót của Thiên Chúa, và công bố lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời giảng và bằng cử hành các bí tích. Xin cho mỗi anh em chúng ta dần dần nhận ra tiếng gọi của Chúa trong ơn gọi Đa Minh. Amen.