Hc 3, 19-21. 30-31; Hr 12, 18-19. 22-24a; Lc 14,1.7-14
Chúng ta nhận thấy trong Tin Mừng, Đức Giêsu thường hay đưa ra các giáo huấn của Người ở các bữa tiệc. Tại sao vậy? Chúng ta có thể nêu lên một vài trường hợp và nối kết chúng lại với nhau để tìm câu trả lời.
Theo Tin Mừng Gioan, khởi đầu sứ vụ, Đức Giêsu dự tiệc cưới ở Cana. Ở đó, Người đã làm dấu lạ đầu tiên “hoá nước thành rượu”, qua đó, Người bày tỏ sứ vụ và vinh quang của Người cho các môn đệ.
Lần khác, trong Tin Mừng Luca, sau khi kêu gọi ông Lêvi, Đức Giêsu đến nhà ông và đồng bàn với những người thu thuế. Trước phản ứng của người Pharisêu, Đức Giêsu khẳng định sứ vụ của Người đến trần gian là để cứu chữa những người tội lỗi sám hối.
Cũng trong Tin Mừng Luca, ở một bữa tiệc khác tại nhà một ông Pharisêu tên là Simon, một phụ nữ tội lỗi đã đến bên chân Người mà khóc. Trước ánh mắt dò xét của người Pharisêu, Đức Giêsu cũng đưa ra một giáo huấn tương tự như tại nhà ông Lêvi, Con Người có quyền tha tội cho ai biết sám hối.
Còn ở bài Tin Mừng hôm nay, câu chuyện xảy ra tại nhà một thủ lãnh Pharisêu. Trong bữa tiệc, Đức Giêsu một lúc đưa ra hai giáo huấn:
– “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.”
– Khi “đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt đui mù.”
Phải chăng các tác giả Tin Mừng đã có một chủ đích nào đó khi đưa giáo huấn của Đức Giêsu vào trong những câu chuyện diễn ra ở bữa tiệc? Phải chăng có những điểm gì đó xuyên suốt trong giáo huấn tại các bữa tiệc này?
Đúng vậy. Trong các giáo huấn của Đức Giêsu tại bữa tiệc, chúng ta thấy có hai điểm chung quan trọng như sau:
– Đức Giêsu đề nghị ông Pharisêu hãy mời những người tàn tật, què quặt, đui mù, v.v., vào dự tiệc cưới. Thực ra đây chính là điều Thiên Chúa đã làm với con người, khi sai Con của Người, đến trần gian. Đức Giêsu đồng bàn với những người tội lỗi, những người thu thuế, những cô gái điếm, có nghĩa là Người cùng chia sẻ thân phận sa ngã yếu đuối chung của cả nhân loại. Người khiêm tốn hiện diện giữa trần gian này “không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,44). Thật vậy, Đức Giêsu đã hiện diện trong tiệc cưới Cana không như thực khách để được phục vụ, nhưng như chủ tiệc phục vụ các thực khách bằng “rượu mới.” Trong bữa tiệc ly, Người đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Khi chịu treo trên cây thập giá, Người đã chia sẻ trọn vẹn thân phận loài người phải chết. Và từ chỗ rốt cùng ấy, Người đưa con người lên đỉnh cao tuyệt vời, đỉnh cao của những người được chọn, những người được tham gia vào đời sống thần linh. Chính ở chỗ rốt cùng của bàn tiệc trần gian, Ðức Giêsu đưa con người tham dự vào bữa tiệc cứu độ, bàn tiệc Thiên Quốc, trong đó mọi người đều được no thoả.
– Và điểm tiếp theo, Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, mời tất cả nhân loại vào tham dự bữa tiệc của Người, bất luận họ là người thế nào. Dù họ là có là Pharisêu, Luật sĩ, luôn tự cho mình là thánh thiện, giỏi giang, hay họ là những người thu thuế, những cô gái điếm, bị liệt vào phường tội lỗi, tất cả đều được mời đến dự tiệc do Người khoản đãi. Không đời nào các ông Pharisêu, Luật sĩ lại chịu ở chung một chỗ với những người thu thuế, gái điếm như vậy, trừ phi có chính Chúa Giêsu ở đó.
Như thế câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay không hoàn toàn mang ý nghĩa luân lý, tức khuyên nhủ người ta khiêm tốn trong đối nhân xử thế hay sẵn sàng cho đi mà không mong đền đáp, cho bằng chỉ ra cho người ta con đường đến với ơn cứu độ:
– Thứ nhất, con Thiên Chúa đã tự hạ mình xuống làm người. Để rồi chính Người đã nâng con người lên và cho họ tham dự vào bàn tiệc cứu độ. Nói theo cách của thánh Phaolô, chúng ta được đồng hàng với Đức Kitô.
– Thứ hai, khi có Đức Giêsu hiện diện, những hạng người xem ra bất tương hợp với nhau có thể cùng ở với nhau. Tuy nhiên, chỉ những ai thực sự khiêm tốn và sám hối, thì mới tìm được sự no thoả nơi bữa tiệc cứu độ ấy.
* * *
Ước gì bàn tiệc thánh thể của Chúa mà chúng ta sắp cử hành đây hiệp thông chúng ta lại với nhau, cho dù giữa những người trong cộng đoàn còn có những khác biệt và thậm chí bất hoà.
Ước gì chúng ta cũng biết phục vụ nhau như chính Đức Giêsu đã hiến thân phục vụ chúng ta bằng Mình và Máu thánh Người. Amen.