Lv 19,1-2.17-18; 1Cr 3,16-23; Mt 5,38-48
“Chỉ có tình yêu của Đức Kitô mới có thể cứu độ nhân loại, giao hoà con người với Thiên Chúa và con người với nhau. Những ai đáp lại tình yêu Đức Kitô, như những môn đệ của Người, được Người gọi là anh em, thì mới có khả năng sống Luật tình yêu của Người.”
Những bộ phim kiếm hiệp thường cuốn hút người xem bởi những màn đấu võ thuật và tinh thần hiệp nghĩa của những kẻ giang hồ. Những hiệp khách có võ công cao cường, giữa đường gặp chuyện bất bình, hành hiệp trượng nghĩa, diệt trừ kẻ ác, cứu người bị hại. Những cuộc chiến giữa hai phe chính tà, sau những mưu toan, đấu trí và đấu võ đến đầu rơi máu chảy, tổn hại nhân mạng, thì phe chính bao giờ cũng thắng. Những kế hoạch trả thù, như một bổn phận đối với người thân bị hại, chỉ đến khi nào kẻ thù bị giết chết, thì người thân mới có thể “ngậm cười nơi chín suối”.
Dù biết phim kiếm hiệp chỉ là những kỷ xảo võ thuật, nhưng đa số vẫn thích xem, bởi nó làm cho người ta được thoả mãn, khi thấy cái ác bị diệt trừ và kẻ làm điều ác phải đền tội. Triển Chiêu một kiếm giết chết kẻ ác khiến ta có cảm giác khoan khoái hơn là xem Bao Công đưa kẻ ác ra trảm ở công đường. Nhưng rồi người ta cũng thấy không thể loại trừ hết được cái ác và diệt trừ hết được kẻ ác khỏi thế giới này. Xã hội hiện đại hôm nay, ở bất cứ nơi nào cũng đầy những bất công gây ra bởi kẻ ác. Và khi sử dụng phương tiện bạo lực để diệt trừ kẻ ác, mà không có luật pháp công minh, thì cái ác lại tiếp tục nảy sinh cái ác.
Dân Israel là một dân tộc không những đặt niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, mà họ còn tiến bộ về luật pháp và sống có nhân bản. Dựa trên Luật Môsê, dân Israel cố gắng xây dựng một xã hội có sự công bằng. Thập Điều, tức là Mời Giới Răn là luật nền tảng của dân Israel. Trong Thập Điều, sau 3 Giới răn đầu hướng về Thiên Chúa, là 7 Giới răn hướng đến tha nhân và xây dựng xã hội: Ngươi không được bất kính với cha mẹ, không được giết người, không được tham lam, trộm cắp, không được làm chứng gian, không được giận ghét, không được trả thù, không được chiếm đoạt vợ người ta.
Ngoài những điều luật tiêu cực, tức là cấm không được làm điều xấu, Luật Môsê còn có điều luật tích cực, tức là khuyên hoặc buộc phải làm điều tốt cho tha nhân. Đỉnh cao của luật buộc đó là “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,18). Đối với dân Israel, đối tượng của tình yêu này – tha nhân, người thân cận, đồng loại, chính là những người anh em cùng một huyết thống là con cháu ông Ápraham, cùng một niềm tin vào Giavê duy nhất. Nếu có những bất công và kiện tụng xảy ra giữa anh em, thì những người lãnh đạo phải dựa trên lề luật mà xử, nhằm lấy lại công bằng cho những người bị hại. Việc bồi thường thiệt hại phải tương xứng, không được thái quá. Đối với những kẻ ngoại, tức không cùng cùng chủng tộc, cùng tôn giáo, người Israel không có nghĩa vụ phải yêu thương họ, thậm chí với kẻ thù, họ còn phải thù ghét nữa. Đức Giêsu cũng nhắc lại điều ấy trong Tin Mừng “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt 5,43).
Sau khi công bố các Mối Phúc là luật Mới của thời Tân Ước, Đức Giêsu tiếp tục mạc khải cho các môn đệ về sứ mạng canh tân và kiện toàn luật pháp của Người: Thầy không đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ, nhưng là để kiện toàn (x. Mt 5,17). Nếu sự công chính của Luật Cũ đòi hỏi người Israel phải giữ trọn Lề Luật, thậm chí khắt khe và tỉ mỉ như các kinh sư và Pharisêu, thì Đức Giêsu còn đòi hỏi các môn đệ của Người sống sự công chính của Luật Mới còn khắt khe hơn. “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20).
“Công chính hơn” Đức Giêsu đòi hỏi ở đây không có nghĩa khắt khe hơn (về hình thức) và tỉ mỉ hơn (về chi tiết), nhưng là phải loại bỏ mọi hình thức bạo lực nhằm đạt đến công bằng, và nhất là phá bỏ mọi rào cản giữa người với người: về chủng tộc, ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo, v.v.., để tiến đến thực thi tình yêu đối với tha nhân một cách đại đồng và quảng đại. “Đừng chống cự người ác…” (Mt 5,39). Đức Giêsu không có ý khuyên các môn đệ im lặng, cúi đầu chịu bất công, nhưng dạy phải dùng tình yêu để chiến thắng bạo lực và hận thù; tình yêu của Luật Mới là phải đi đến mức sẵn sàng, quảng đại trong mọi hoàn cảnh: “Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,42); và tình yêu ấy còn phải đi đến tận cùng, không còn ranh giới phân biệt giữa người thân và người lạ, phân biệt bạn và thù: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).
Tâm điểm của mạc khải và lời giáo huấn của Đức Giêsu hôm nay là “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Chúng ta được sinh ra bởi Thiên Chúa, Đấng thánh thiện, và được tiền định theo bản tính để nhận biết điều thiện và làm điều thiện, kể cả phải chịu thiệt thòi. Khi sử dụng tự do theo đuổi điều ác và làm điều ác, con người hành động ngược với bản tính của mình. Có thể mục đích của hành động nhằm đạt đến điều thiện, nhưng tự hành động lại đi ngược với bản tính, và như vậy là đang hạ thấp phẩm giá và huỷ diệt chính bản thân mình.
Đức Giêsu không chỉ đưa ra giáo huấn mới mẻ của luật tình yêu, mà Người còn thể hiện luật mới của tình yêu qua cuộc sống và hành động của Người. Khi chịu treo trên khổ giá, Đức Giêsu đã cho thấy tình yêu chiến thắng trước hận thù và bạo lực. Cuối cùng, thì chỉ có Tình yêu của Người mới có thể cứu độ nhân loại, giao hoà con người với Thiên Chúa và con người với nhau. Những ai đáp lại tình yêu Đức Kitô, như những môn đệ của Người, được Người gọi là anh em, thì mới có khả năng sống Luật tình yêu của Người. Khi được “thuộc về Đức Kitô”, thì thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai, chúng ta là những kẻ khôn ngoan đích thực của Thiên Chúa (x. 2Cr 3,18).
* * *
Chỉ có tình yêu và ân sủng của Đức Kitô mới làm cho ta nên công chính và sống công chính theo Luật Mới. Nguyện xin tình yêu Đức Kitô và ơn thánh của Người tuôn đổ trên chúng ta, nhờ hiến tế Thập giá mà giờ đây Giáo hội sắp cử hành trên bàn thờ này. Amen.