__Tôma Lê Dương Thành Trí__
Ngày nay, khi nhắc đến “truyền giáo” hay “loan báo Tin Mừng”, chắc hẳn ai cũng nghĩ đến hành động ra đi, dấn thân nhằm đạt được mục đích tối hậu là Tin Mừng được loan báo. Chúng ta còn thấy, theo dòng lịch sử, hành trình ấy còn bao gồm những khó khăn và cả những hi sinh, mất mát, đặc biệt là việc chịu bách hại. Chứng tá rõ nét và sống động là tấm gương của các Thánh và các vị Thừa sai, những người luôn chăm lo cho việc truyền giáo… Nhưng đối với xã hội hiện nay, việc truyền giáo không còn phải chịu nhiều sự bách hại, nhà truyền giáo không còn phải hi sinh cả tính mạng, thay vào đó, họ lại có thêm nhiều cách thức loan báo Tin Mừng mới mẻ. Và công cuộc truyền giáo ấy không giới hạn nơi các linh mục và tu sĩ, nhưng mở ra đến mọi Kitô hữu, để mọi người cùng ra đi, sống và làm chứng cho Tin Mừng Đức Kitô.
Thật vậy, bản chất và sứ mạng của Giáo hội là truyền giáo[1]. Vì Giáo hội được hình thành để tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô. Khi hoàn tất sứ mạng của mình ở trần gian, Đức Giêsu đã sai các tông đồ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21), nghĩa là được sai đi đến tận cùng trái đất để truyền giáo. Truyền giáo là rao giảng một con đường sống, là làm cho các giá trị Tin Mừng được thấm nhập – nghĩa này thuộc phẩm tính; và theo nghĩa lượng tính, truyền giáo là làm cho tổ chức tôn giáo của mình, tức Giáo Hội hữu hình được lan rộng ra[2]. Việc truyền giáo phải được thực hiện cách liên lỉ và bằng mọi cách thức nhằm làm chứng cho Đức Kitô, khởi đầu từ Giêrusalem đến tận cùng trái đất[3]. Đây là vấn đề cốt lõi, trước khi nghĩ đến việc tăng số lượng tín hữu. Vì lẽ đó, mỗi Kitô hữu được mời gọi trở nên những nhà truyền giáo từ trong gia đình, nơi làm việc, và trong các tổ chức, cộng đoàn mình tham gia. Mỗi chúng ta đều là những nhà truyền giáo bất luận tuổi tác, trình độ văn hóa hoặc hoàn cảnh sống. Việc làm chứng cho Chúa bằng chính nếp sống, lối cư xử và cách làm việc hàng ngày chính là gương sáng có sức lôi kéo và biến đổi người khác hơn bất cứ lời nói nào.
Một cộng đoàn “bất đắc dĩ”
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, dạy rằng: “Con người hôm nay tin tưởng các chứng nhân hơn là thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là bài vở, tin vào cuộc sống và hành động hơn là lý thuyết”[4] và “Thế giới hôm nay mong đợi nơi nhà truyền giáo sự loan truyền về Thiên Chúa mà chính họ cần phải biết đến và cần quen thuộc với, giống như họ đã và đang nhận ra Đấng vô hình. Thế giới kêu gọi và hy vọng nơi nhà truyền giáo biết sống cuộc sống đơn giản, tinh thần cầu nguyện, biết sống từ thiện với mọi người, đặc biệt là đối với những người thấp hèn và nghèo khổ”[5]. Thật vậy, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển thần tốc, con người, khi bị các trào lưu xã hội làm xáo trộn, dần co cụm để tự vệ và không phân định được nguồn thông tin xác thực. Nhà truyền giáo gặp phải một vấn đề nhức nhối: Làm cách nào để tiếp cận và tạo sức ảnh hưởng đến người khác?
Dịp hè 2019, chúng tôi có cơ hội được đến phục vụ tại miền truyền giáo Kontum. Sau một tháng cộng tác với hai cha anh trong Dòng, chúng tôi thấy câu hỏi trên cần phải được cụ thể hóa hơn: Làm cách nào để tiếp cận và tạo sức ảnh hưởng đến người khác, đặc biệt là anh chị em dân tộc thiểu số ở các vùng truyền giáo xa xôi? Vì đang tìm hiểu Dòng, đời sống hai cha anh tại đây giúp tôi hiểu rõ rằng, đối với các tu sĩ Đa Minh, việc truyền giáo được thực hiện qua việc giảng thuyết. Từ “giảng thuyết” mặc dù có thể bao hàm nhiều cách thức truyền thông khác nhau, nhưng xét theo nghĩa chuyên môn, vẫn là việc chính thức và công khai loan báo Tin Mừng của Giáo hội[6]. Việc giảng thuyết của anh em Đa Minh phải khởi đi từ việc cùng chung sống, cùng cử hành phụng vụ, cùng học tập và nghiên cứu,… để kín múc được hoa trái của tình huynh đệ, như nguồn chất liệu phong phú, như phương tiện hữu hiệu để loan báo Tin Mừng. Đối với các tu sĩ Đa Minh, những hoạt động ấy cần được thực hiện trong một cộng đoàn, tạo thành một nếp sống. Cộng đoàn này, một khi phảng phất hương thơm tình hiệp nhất yêu thương thì dù ở đâu, cũng trở thành giọt nước thấm vào những miền truyền giáo xa xôi, cụ thể là miền Tây Nguyên; trở thành yếu tố cần thiết giúp hạt giống Tin Mừng vốn đã được gieo nơi lòng mỗi người, được nảy mầm và triển nở mạnh mẽ.
Một cách nào đó, chúng tôi là những nhà truyền giáo trẻ, và khi đặt chân đến vùng đất xa xôi với nền văn hóa xa lạ, chúng tôi thật sự cần phải có sự quan sát tinh tế. Tin Mừng Chúa Kitô không phải là để áp đặt và hoạt động truyền giáo không phải là mua chuộc, dụ dỗ nhưng là để con người tự khám phá và cảm nghiệm. Nơi những vùng truyền giáo này, việc học hỏi ngôn ngữ của anh chị em dân tộc thiểu số là một bước đệm cần thiết. Các cha anh Đa Minh đã tìm cách đón nhận và tiếp thu nền văn hóa ở đây trước hết bằng việc học ngôn ngữ. Việc học ngôn ngữ không phải là điều đơn giản, nhưng chính việc các ngài đến sống và sinh hoạt với anh em dân tộc thiểu số đã giúp các ngài thấu hiểu không chỉ ngôn ngữ, mà còn tập quán, trình độ nhận thức, quan hệ xã hội, hoạt động kinh tế và cả vấn đề tâm linh. Nhờ đó, các ngài có thể tìm kiếm những phương thức mới để loan báo Tin Mừng. Có như thế, đức tin mới bén rễ sâu và bền chặt trong tâm hồn người đón nhận. Nơi chúng tôi đến giúp chỉ có hai cha anh, và hai người cũng đủ để có thể tạo nên một cộng đoàn. Ở đây, hai cha tạo điều kiện cho một số em học sinh đến ở và học tập. Các cha không chỉ cho các em một môi trường tốt để học, mà còn dẫn đưa các em vào môi trường của một cộng đoàn Giáo hội. Nơi cộng đoàn này, các em sống chung với nhau, cầu nguyện với nhau, học tập với nhau, giải trí với nhau. Hai cha anh không giảng về nếp sống Đa Minh cho các em, nhưng nếp sống mà các ngài thụ hưởng làm cho nơi ở trọ của các em thành một cộng đoàn Đa Minh. Như thế, chỉ cần trung thành duy trì nếp sống Đa Minh, dù ở bất cứ đâu, các ngài đã, đang và luôn thi hành sứ vụ giảng thuyết một cách sống động và thu hút.
Sức hấp dẫn “bất đắc dĩ”
Sự đa dạng trong mọi lĩnh vực của xã hội hiện đại đòi hỏi nhà truyền giáo cần có những phương tiện và cách thức loan báo Tin Mừng hợp thời và hữu hiệu. Do đó, hàng giáo sĩ rất cần đến sự cộng tác của người giáo dân nhiệt tâm để công việc có thể đạt được hiệu quả. Việc truyền giáo là một việc làm vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính tập thể, và ở đâu có sự cộng tác, ở đó có sự phong phú về cách thức và phương tiện truyền giáo. Người giáo dân trước hết được khơi dậy một ý thức truyền giáo và được kêu gọi tham gia truyền giáo bằng việc đảm nhiệm các tác vụ nơi vùng truyền giáo. Họ như là trung gian giữa các nhà truyền giáo với những người đón nhận đức tin. Mặt khác, chính họ cũng là những nhà truyền giáo đích thực. Nhà truyền giáo giáo dân có thể là giáo lý viên, trưởng các ban ngành, tổ chức trong giáo xứ, những người chăm lo việc bác ái, công lý và hòa bình. Họ sẽ san sẻ trách nhiệm với các nhà truyền giáo. Chính giáo dân là những người rất năng động trong việc hòa nhập với anh chị em đồng bào tại các vùng truyền giáo. Do đó, khi đến với vùng truyền giáo Tây Nguyên, là các nhà truyền giáo trẻ, chúng tôi còn học được rằng, việc cộng tác với người giáo dân sẽ giúp chúng tôi hiểu và nắm bắt được mối bận tâm của họ, đồng thời học hỏi nơi họ cách thức loan báo Tin Mừng cho chính vùng truyền giáo ấy. Quá trình cộng tác này đem lại lợi ích cho cả hai và hướng đến mục đích tối hậu là “Danh Cha cả sáng”, cũng như hiện tại hóa và phát sinh những điều thiện hảo của chính ơn gọi mà chúng tôi đang theo đuổi. Một cách nào đó, việc cộng tác cách nhịp nhàng như thế tự nó đã là một lời truyền giáo sống động.
Với cách thức này, các cha anh trong Dòng đã xây dựng những cộng đoàn Đa Minh truyền giáo. Nơi đó, các ngài đã đào tạo một số người để cộng tác vào việc truyền giáo. Đó là những giáo dân hăng hái và nhiệt tâm trong các hoạt động của giáo xứ. Tại cộng đoàn truyền giáo Đak Mốt (Ngọc Hồi, Kontum), một người phụ nữ nọ góa chồng khi chưa đầy 40 tuần trăng, một mình làm lụng vất vả nuôi hai đứa con, một trai một gái, nhưng không bao giờ chị bỏ quên các công tác nơi giáo điểm truyền giáo – nơi mà chị dâng tặng một phần ngôi nhà của mình làm nhà chung (chúng tôi gọi là “nhà xứ”) để các cha có nơi cử hành thánh lễ, các bí tích, tổ chức các buổi họp mặt, dạy và học giáo lý. Chị được các cha huấn luyện về giáo lý cũng như các kĩ năng cần thiết để dạy giáo lý cho trẻ em, giúp chuẩn bị cho anh chị em dự tòng được rửa tội, thông tin cho các ngài về những nhu cầu, khó khăn vật chất của anh chị em đồng bào nơi đó, và cùng với các cha thăm viếng kẻ liệt, thăm hỏi, hun đúc đức tin cho người nguội lạnh. Đặc biệt hơn cả, và khó khăn hơn cả là việc chị sẵn sàng giải thích giáo lý cho những người chưa biết đến đạo Công giáo và Tin Mừng Đức Kitô. Ở trong gia đình, chị đóng vai trò của một người cha gánh vác mọi công việc nặng nhẹ, của một người mẹ ân cần chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ và cả chuyện học hành của con cái. Trong làng, có nhiều anh trạc tuổi chị muốn được kết duyên cùng chị để và cùng chăm lo cho con cái, nhưng như chị chia sẻ, chị vẫn muốn sống đời góa bụa để luôn là một người mẹ mẫu mực. Mẫu mực trong việc chu toàn trách nhiệm của đấng sinh thành. Mẫu mực trong việc sống trọn ơn gọi Kitô hữu. Cuộc đời góa bụa đó, với nhiều người, có thể là một cuộc đời bất hạnh, đơn độc, và bi đát; nhưng chị lại vui vẻ đón nhận cuộc đời đó, và từ bỏ niềm vui sống với một người đàn ông để được tự do hoàn toàn vươn đến niềm vui vượt trội hơn. Quả thật, chị là “bà góa đích thực, sống một thân một mình, đã đặt hy vọng vào Thiên Chúa và ngày đêm kiên trì đọc kinh cầu nguyện” (1Tm 5,5). Như thế, chị đã tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc trong chính ơn gọi của mình.
Nhưng rồi có điều gì khác vượt trội hơn tình yêu Thiên Chúa để gợi hứng cho việc dấn thân trong niềm vui và hi vọng không? Thưa không! Chỉ tình yêu của Thiên Chúa là điều lớn lao hơn cả. Chị đã đặt hy vọng vào Thiên Chúa, do đó, chị, và không chỉ riêng chị, còn cả chúng tôi nữa, đều cảm thấy tràn đầy niềm vui. Chính chị đang là một nhà truyền giáo đích thực. Chị đáp trả lời mời gọi cộng tác của các cha, sâu xa hơn là lời mời gọi sống và làm chứng cho Tin Mừng của Đức Kitô qua công việc thường nhật, tuy nhỏ bé nhưng là cơ hội lớn để nên trung tín trọn vẹn. Niềm tin vào Đấng siêu nhiên từ lâu đã được khắc ghi nơi tâm khảm con người và chỉ cần chất xúc tác thì niềm tin ấy bùng lên chiếm trọn tâm trí và con tim, khiến họ can đảm sống và dấn thân để trở thành chứng tá sống động, là hình ảnh phản chiếu Đức Kitô.
Nhà truyền giáo là người mang trong mình sứ mạng và tinh thần của Giáo Hội, được thúc bách bởi lòng nhiệt thành vì phần rỗi các linh hồn; là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới, nghĩa là một tình yêu không loại trừ hay thiên vị một ai. Vì thế, nhà truyền giáo không chỉ ý thức về bản chất ơn gọi truyền giáo, để dấn thân cách đúng đắn và triệt để, mà còn phải hướng đến đối tượng đón nhận đức tin. Điều này chắc chắn đúng với tình hình xã hội hiện nay, xã hội mà con người được thuyết phục do đời sống cụ thể hơn là do luận chứng khoa học. Đó là thách đố mà những nhà truyền giáo trẻ như các cha anh, và cả chúng tôi nữa, có thể gặp phải. Bằng cách này, các ngài chịu trách nhiệm đến một mức độ nào đó, về giá trị Tin Mừng được loan báo và về phần rỗi của những người đón nhận đức tin. Như thế, để là chứng nhân cho Thiên Chúa, thứ nhất nhà truyền giáo phải có kinh nghiệm về Thiên Chúa, tìm thấy nơi Đức Kitô nguồn hi vọng đích thực trong chính đời sống ơn gọi của mình; thứ hai là phải có niềm vui nội tâm phát xuất từ đức tin. Đó chính là nét đặc sắc của cuộc đời nhà truyền giáo. Chính niềm vui xuất phát từ bên trong sẽ được biểu lộ ra hành động bên ngoài cách chân thật, nhiệt tâm không mệt mỏi, chán nản, không dửng dưng, hờ hửng hay qua loa, lấy lệ.
Tạm kết
Nhiệt tâm truyền giáo được thể hiện cách cụ thể qua những lời cầu nguyện sốt sắng và những hi sinh trong cuộc sống hằng ngày. Đó là nếp sống thường nhật của người đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, được mời gọi loan báo Tin Mừng. Hơn thế nữa, việc truyền giáo không thể chỉ dựa vào sức lực phàm nhân cũng như phương tiện trần thế. Vì vậy, hiệu quả của công cuộc truyền giáo không chỉ đến từ những hoạt động bên ngoài, những lời nói hùng hồn đanh thép, mà trước hết đến từ nếp sống thấm đượm tinh thần Kitô giáo. Các cha anh Đa Minh đã đến, sống và làm chứng cho Tin Mừng Đức Kitô qua chính nếp sống đơn sơ, qua chính những hành động nhỏ nhặt nhất tưởng chừng như không đáng để tâm. Hơn nữa, các cha anh cũng chỉ đơn thuần đến để thi hành sứ vụ giảng thuyết mà không mang trong mình tham vọng nào khác. Như các cha anh chia sẻ, việc truyền giáo chẳng bao giờ là dễ dàng. Các cha nói, dự phóng truyền giáo ban đầu không như thế này, nó lớn hơn. Những điều “bất đắc dĩ” bắt đầu xảy ra, các cha phải “bất đắc dĩ” đón nhận. Nhưng chính chứng từ của sự “bất đắc dĩ” ấy lại có một sức hấp dẫn mạnh mẽ lạ thường, trở nên khả dĩ, thu hút và lan truyền mãnh liệt ở những vùng khô cằn, bạc màu đức tin. Chính những điều đó sẽ như men, như muối, như ánh sáng, tuy âm thầm lặng lẽ nhưng lại hoạt động mạnh mẽ, là thêm mặn mà, là dậy men nồng, là chiếu giãi ánh sáng cho những người chung quanh.
[1] X. Ad gentes, số 2
[2] X. Lm Lê Công Đức, Truyền Giáo, conggiao.info
[3] X. Lc 24, 47.
[4] Evangelii Nuntiandi, số 42
[5] Evangelii Nuntiandi, số 76
[6] X. Guy Bedouelle, Thánh Đa Minh – Ân Sủng Lời Chúa, tr.117.