Donald J. Goergen, O.P.
Tôi chưa bao giờ gặp một linh mục Đa Minh cho tới khi học xong đại học. Thực tế, cho đến lúc đó, tôi chưa bao giờ gặp một linh mục dòng nào. Tất cả các linh mục tôi biết đều là linh mục giáo phận Sioux, bang Iowa. Các nữ tu Phan Sinh ở Dubuque, Iowa, dạy tôi ở cả tiểu học và trung học. Các sơ đã và mãi là những giáo viên tốt nhất của tôi. Tôi đã từng nghe và đọc về các tu sĩ nam. Tôi nhớ mình đã xem những bức hình trong một số sách, và đã nghĩ về ơn gọi linh mục từ năm lớp tám. Nhưng bố tôi nói rằng chúng tôi đã có trường trung học Công giáo ngay tại Remsen này, thì không cần phải chuyển đến học ở trường trung học của chủng viện nữa. Nhưng tôi mới chỉ là học sinh lớp tám. Vì thế, tôi đợi thêm bốn năm nữa để gia nhập vào giáo phận, vì tôi đã quen với những người ở quê tôi đi học và trở thành linh mục cho giáo phận. Tôi gia nhập đại học tại tiền chủng viện, nơi các tu sĩ Đa Minh dạy triết học. Tôi thích triết học và thích cả các giáo sư của tôi. Một số giáo sư là linh mục triều, một số là tu sĩ Dòng Giảng Thuyết. Lúc ấy, tôi chưa biết nhiều về thánh Đa Minh. Tôi học Latinh và triết học.
Cuộc sống con người diễn ra, nhưng hiếm khi như người ta nghĩ. Tuy nhiên, Chúa Quan Phòng luôn luôn hành động. Sau trận ốm nặng tại nhà, và sau chút do dự của Đức cha giáo phận, tôi gia nhập đại chủng viện. Đó là thời điểm thú vị trong lịch sử. Công đồng Vatican II bắt đầu khi tôi đang học đại học, và năm 1965, chúng tôi bắt đầu chứng kiến những ảnh hưởng của Công đồng. Tinh thần suy nghĩ phóng khoáng hơn, thậm chí người ta nói đến cả chống đối, thấm nhập vào môi trường chủng viện truyền thống. Khi tôi đang sống trong chủng viện giáo phận, chúng tôi dự các lớp thần học ở Học viện Aquinas, là học viện do các tu sĩ Đa Minh bảo trợ và giảng dạy. Tôi nhận ra rằng có một ơn gọi vừa trở thành linh mục, vừa là giáo sư. Tuy nhiên, tôi rời khỏi chủng viện trong năm thứ ba thần học. Sau những kinh nghiệm phát triển đầy đủ từ đời sống chủng viện, và sau những cuộc tìm hiểu chiếu lệ tại nhiều dòng khác, tôi viết lên tường : Tôi có nhiều kinh nghiệm và sự trợ giúp từ các giáo sư Đa Minh hơn bất cứ nơi nào khác. Đấy cũng là sự quan phòng. Tôi khấn lần đầu vào tháng Mười Hai năm 1971.
Qua tất cả những điều trên đây, tôi chỉ muốn giới thiệu một nhân vật mà dần dần tôi biết và yêu mến : Thánh Đa Minh Guzman. Đó là câu chuyện của ngài, không phải của tôi, mà tôi muốn kể, dù hai câu chuyện luôn đan xen. Trong chính câu chuyện của tôi mà câu chuyện của ngài trở nên sống động. Có một số sách nghiên cứu tôi có thể trưng ra, ở nhiều cấp độ hiểu biết khác nhau, có giá trị cho việc nghiên cứu thêm. Tôi không muốn lặp lại những gì các tác giả khác đã nói.[1] Edward Schillebeeckx, một tu sĩ Đa Minh danh tiếng thế kỷ XX, người vùng Flandres, cho rằng, câu chuyện của thánh Đa Minh chỉ sống động nhờ các tu sĩ Đa Minh sống động.[2] Chính nhờ các anh em Đa Minh mà chúng ta biết cha Đa Minh và lần đầu tiên tôi biết ngài qua việc được nhận biết là thành viên của gia đình Đa Minh. Cha Đa Minh là người anh em và nhà giảng thuyết, và ngài muốn Dòng của ngài, một khi ngài được hướng dẫn để sáng lập, là dòng của những người giảng thuyết, chứ không phải dòng cha thánh Đa Minh. Ơn gọi cuộc đời của ngài là trở nên người anh em giảng thuyết.
Những cái tên có thể nói trước điều gì đó. Đó là lý do khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta được đặt tên thánh đầy ý nghĩa. Đó cũng là lý do nhiều tu sĩ khi vào dòng thì nhận một tên mới, và thường tiếp tục giữ tên mới ấy. Tôi đã không nhận tên khác khi vào dòng. Ông nội tôi tên là Dominic Goergen, còn tên của bà nội tôi là Catherine Meyer. Trong thời gian tôi lớn lên tại nông trại, tên của ông bà hiếm khi được nhắc đến bởi các ngài đã qua đời từ lâu. Ông tôi qua đời khi bố tôi chín tuổi, còn bà nội qua đời khi bố tôi 14. Rõ ràng, bố tôi muốn đặt tên cho tôi là Dominic theo tên ông nội tôi, nhưng mẹ tôi do dự. Vì thế, tôi được đặt tên là Donald Joseph (Joseph theo tên anh rể của bố tôi), nhưng cách nào đó, tên thánh Đa Minh ẩn phía sau. Tôi không biết câu chuyện về tên của mình cho đến khi bố tôi qua đời, và cô tôi kể cho tôi nghe. Thế nên, khi tôi lớn lên, tên thánh Đa Minh cũng chỉ ẩn phía sau. Tôi không biết nhiều về ngài.
Làm thế nào mà chính thánh Đa Minh làm cho cái tên của ngài trở thành một câu chuyện, có lẽ là câu chuyện hơn là lịch sử. Miền Castile cổ (Tây Ban Nha) không xa Caleruega, nơi sinh của thánh Đa Minh, có một thị trấn tên là Silos. Một đan viện Biển Đức tọa lạc tại thị trấn này. Đan viện lưu giữ hài cốt một vị thánh địa phương danh tiếng sống ở thế kỷ XI, qua đời năm 1073, là thánh Santo Domingo. Ngài là bổn mạng của các thai phụ, và đan viện mang tên ngài.[3] Bà Gioanna, thân mẫu cha Đa Minh, đã hành hương tới đền thánh này để cầu xin vị thánh cho bà được thai nghén an toàn. Cha Giođanô Saxônia đã ghi chép về giấc mơ của bà Gioanna.[4] Không biết giấc mơ đó có xảy ra ở đền thánh hay không, nhưng được kết nối với lời cầu xin cùng vị thánh trứ danh. Chính bà đã thấy một con chó nhỏ trong lòng bà, ngậm bó đuốc rực cháy, soi khắp thế gian khi được sinh ra. Giấc mơ đó được giải thích như sau : Bà sẽ sinh ra một người con, và tiếng nói của ngài sẽ được cả thế giới nghe thấy. Tên của ngài là Đa Minh, theo tên của vị thánh dòng Biển Đức mà bà Gioanna đã cầu xin. Trong tiếng Latinh, anh em Đa Minh là Dominicani, hay Domini canes, được dịch là “những con chó của Thiên Chúa”. Thời Trung cổ, người ta còn hiểu từ này là : Những con chó săn của thiên đàng nếu bạn muốn. Có gì nơi một cái tên ? Đa Minh – Dominic, trong thời gian, đã thay thế tu sĩ Biển Đức trùng tên về danh tiếng, dù ngày nay đan viện ở Silos vẫn còn. Điều này làm cho chúng ta có thể nói rằng, bên trong mỗi tu sĩ Đa Minh, có cái gì đó của Biển Đức. Dòng của thánh Đa Minh bắt nguồn từ truyền thống đan tu, dù một tu sĩ (anh em) không phải là đan sĩ. Vậy thì, thế nào là anh em ?
Người anh em
Có nhiều dòng đan tu, như Biển Đức hoặc Xitô, và các thành viên của họ là nam nữ đan sĩ. Đời sống của họ có yếu tố ổn định ; nhà hoặc đan viện của họ mang ý nghĩa xa lánh thế gian. Khi thánh Đa Minh lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết, ngài không muốn các anh em giới hạn trong nơi kín cổng cao tường theo kiểu đan tu thời đó. Ngài muốn, và đã sai anh em ra đi, rao giảng Tin mừng và giảng dạy chân lý đức tin Công giáo. Các anh em vừa lữ hành, vừa hành khất –đó thật là hình thức tu trì mới mẻ. Các anh em không sống trong các đan viện tự cung tự cấp, nhưng lấy đường phố làm nội vi. Vậy nên, một phong trào mới bắt đầu. Đó là phong trào mới trong lịch sử đời tu. Bấy giờ, anh em vừa là tu sĩ vừa là đan sĩ.
Không chỉ các anh em Đa Minh là tu sĩ. Anh em Phan Sinh cũng được thánh Phanxicô Assisi thiết lập trong khoảng thời gian này. Cả hai dòng đều mới mẻ, giản dị, năng động, và phát triển nhanh chóng. Nhưng chúng ta đã “vượt qua chính mình”, vì mãi tới năm 1216, cha Đa Minh mới thiết lập Dòng. Ngài sinh khoảng năm 1170. Chúng ta sẽ quay lại với câu chuyện của ngài sau. Nhưng cần nhớ điều mà thánh Đa Minh trở thành : Đó là một người anh em, và ngày hôm nay ngài được nhớ đến như một nhà giảng thuyết. Có những dòng đan tu khác, và những dòng chủ yếu hoạt động tông đồ –rất nhiều trong số này được thiết lập sau thời Cải cách, nhưng thánh Tôma Aquinô, một tu sĩ Đa Minh danh tiếng như thánh tổ phụ, nói rằng các anh em giảng thuyết như được hòa trộn cả hai. Thật vậy, anh em vừa là chìm đắm trong chiêm niệm, nhưng lại vừa lữ hành và hoạt động tông đồ, được xác định bằng sứ vụ của anh em. Được đặt nền trên đời sống chiêm niệm, anh em trao Lời Thiên Chúa cho người khác. Thánh Tôma viết trong Summa Theologiae : Comtemplata aliis tradere.[5] Chiêm niệm và trao cho người khác hoa trái của sự chiêm niệm –Contemplari et comtemplata aliis tradere– sau này trở thành một trong ba khẩu hiệu của Dòng. Nhưng “trao cho” –tradere– đem chúng ta đến một từ khác : đó là nhà giảng thuyết.
Nhà giảng thuyết
Trong cuốn Siêu hình, Aristotle nói rằng “LÀ” có thể được nói hay được hiểu theo nhiều cách.[6] Tương tự thế, chúng ta có thể nói giảng thuyết có nhiều hơn một nghĩa. Đối với nhiều người, đó là ngã rẽ ; với người khác, đó là sự thất vọng. Nhưng ở tâm điểm của nó, giảng thuyết thực sự là tin mừng. Trong truyền thống Kitô giáo, giảng thuyết thường được kèm theo bởi từ tin mừng. Đây là từ đa nghĩa. Thánh Đa Minh có ý gì khi muốn dòng của ngài là dòng của những nhà giảng thuyết ? Thánh nhân làm gì khi ngài và Đức cha Diego “giảng thuyết” ở miền Nam nước Pháp ? Ngài hiểu gì khi ký vào một tài liệu dòng chữ predicationis humilis minister (tôi tớ hèn mọn của việc giảng thuyết) ?[7] Làm sao ước muốn giới thiệu chân lý Công giáo cho người Cathar[8] –một phong trào lạc giáo xuất hiện trong thế kỷ XI– là “giảng thuyết” ? Điều đó cần phải thực hiện cùng với chân lý –một khẩu hiệu khác của Dòng : Veritas. Điều đó cũng phải được thực hiện với lòng can đảm khi lôi kéo người khác kiếm tìm chân lý. Điều đó không chỉ là những gì giới hạn nơi tòa giảng, dù cũng diễn ra tại đấy ; hoặc như một người bạn của tôi nói rằng, Dòng Đa Minh là dòng của những người giảng thuyết, chứ không phải dòng của những người giảng lễ. Việc giảng thuyết của thánh Đa Minh chứa đựng mọi điều phải thực hiện cùng với Chúa Giêsu Kitô, “để loan báo Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 1,23 ; 2,2), như thánh Tông đồ Phaolô, nhà giảng thuyết, đã nói.
Sứ vụ của thánh Đa Minh ngày càng mang tính tông đồ và tin mừng hơn. Sứ vụ ấy đòi hỏi lối sống mà các tông đồ đã sống (vita apostolica).[9] Sứ vụ ấy đặt nền trên tin mừng (evangelium) và phục vụ những người cần đến lời cứu độ trong cuộc đời và đang tìm kiếm ơn cứu độ. Trở thành nhà giảng thuyết là làm trung gian cho Lời của Thiên Chúa trong những lời con người : một lời tình yêu, thương xót, và trắc ẩn. Đối với thánh Đa Minh, người của Chúa và tràn đầy Thiên Chúa, thì thương xót (misericordia), chân lý (veritas) và huynh đệ (fraternitas), hoặc đời sống chung (vita communis) –tất cả là những lời thánh. Ngài được biết đến như là Preadicator gratiae –nhà giảng thuyết về ân sủng, hoặc nhà giảng thuyết đầy ân sủng. Câu chuyện cũng cho chúng ta biết vì sao, thánh Đa Minh, khi còn là sinh viên tại Palencia, gặp nạn đói xảy ra trong vùng, đã bán cuốn sách bằng da mà ngài rất quý, để làm phúc cho người nghèo đói. Ngài nói : “Tôi sẽ không học trên tấm da chết khi những bộ da sống đang chết vì đói.” Rõ ràng, chúng ta thấy những nét chính nơi tính cách của thánh Đa Minh thể hiện sớm trong cuộc đời ngài. Không biết là để đáp ứng thức ăn cho kẻ đói, hay chân lý cho kẻ khao khát, mà “người anh em giảng thuyết” của chúng ta có mặt ở đó. Đã đến lúc tìm hiểu kỹ hơn về ngài.
[1] Một khảo luận mang tính học thuật và đầy đủ vẫn là của cha M. H. Vicaire, tựa đề “Thánh Đa Minh và thời đại ngài” (Dominic and His Times). Nghiên cứu lịch sử gần đây nhất có thể được tìm thấy nơi cha Simon Tugwell, OP, tựa đề “Những ghi chép về cuộc đời thánh Đa Minh” (Notes on the life of St. Dominic). Một tác phẩm ngắn hơn, nhưng rất đáng chú ý, là tác phẩm “Thánh Đa Minh” (Dominic) của Vladimir Koudelka. Cũng có nhưng tác phẩm khác của cha Guy Bedouelle, OP ; cha William A. Hinnebusch, OP, …
[2] Edward Schillebeeckx, OP, “Dominican Sprituality”, trích trong tác phẩm God among us, the Gospel Proclaimed.
[3] Cho tới năm 1931, theo tục lệ, viện phụ đặt chiếc gậy của thánh Đa Minh Silos bên cạnh hoàng hậu trong thời gian bà sinh con.
[4] Giođanô Saxônia, Libellus, số 5. Cha Vicaire ghi chú rằng, một câu chuyện tương tự cũng được liên hệ tới một số vị thánh.
Giođanô là tu sĩ kế vị cha Đa Minh làm Tổng quyền, vì thế cha là Tổng quyền thứ hai. Tác phẩm Libellus, hoàn thành khoảng năm 1232-1233, bao gồm những ghi chép sớm nhất mà chúng ta có được về cha Đa Minh và lịch sử Dòng.
[5] Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II-II, các vấn đề 186-188 về đời sống tu trì, trong vấn đề 188, mục 6, chúng ta thấy rằng : “Tựa như được chiếu sáng thì tốt hơn là chỉ chiếu sáng, thì trao cho người khác hoa trái của sự chiêm niệm thì tốt hơn là chỉ chiêm niệm”.
[6] Aristotle, Metaphysics, bk.4, chp.2 ; x. bk.7, chp.1.
[7] Các bản Latinh thời này thường viết là predicatio. Để thống nhất với kiểu viết sau này, tôi sẽ viết là praedicatio.
[8] Cathar, còn được gọi là Albigensians, theo tên thành phố Albi, miền Nam nước Pháp, nơi có nhiều người Cathar cư ngụ.
[9] Để hiểu thêm về đời sống tông đồ thế kỷ XII và XIII, xem M. D. Chenu, “Monks, Canons, and Laymen in search of the Apostolic Life”, trong Nature, Man and Society in the Twelfth Century (Chicago : University of Chicago Press, 1968), 202-238.