Cv 2,1-11 ; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
Nhờ Chúa Thánh Thần, các môn đệ của Đức Kitô sẽ ra đi cho đến tận cùng trái đất để công bố những kỳ công của Thiên Chúa bằng ngôn ngữ và văn hóa của mọi dân tộc, để mọi người trên khắp thế giới cùng nhận biết Thiên Chúa là Cha và sống với nhau như anh em.
Bài đọc trích sách Công vụ Tông đồ hôm nay thuật lại một biến cố có ý nghĩa quan trọng đối với sự khai sinh của Hội thánh. Câu chuyện xảy ra vào ngày lễ Ngũ tuần của người Do Thái, Chúa Thánh Thần đến với Hội thánh một cách thật đặc biệt. Các môn đệ nhận được ơn Thánh Thần, mạnh dạn rao giảng Chúa Kitô Phục sinh. Tại sao Tông đồ Công vụ tường thuật Chúa Thánh Thần lại hiện xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần, chứ không phải là ngày khác? Để nắm bắt được ý nghĩa của biến cố này, trước hết chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa và nguồn gốc lễ Ngũ Tuần của Người Do Thái.
Đối với người Do Thái, lễ Ngũ Tuần là một trong ba ngày lễ lớn nhất trong năm. Lễ được cử hành năm mươi ngày sau lễ Vượt qua, nên gọi là lễ Năm Mươi. Một tuần theo lịch Do Thái là mười ngày, vì vậy gọi là Lễ Ngũ Tuần. Lễ Vượt qua tưởng niệm biến cố Chúa giải thoát dân Israel khỏi nô lệ Ai Cập, năm mươi ngày sau, họ cử hành lễ Ngũ Tuần để ghi nhớ Thiên Chúa đã ký kết giao ước với dân Người ở chân núi Sinai. Lễ Ngũ tuần có nguồn gốc là ngày lễ nông nghiệp. Năm mươi ngày sau khi thu hoạch, dân Chúa hôm nay đem bột, bánh và súc vật dâng lên Thiên Chúa, Đấng đã cho mùa màng phong phú. Từ ngày mặc lấy ý nghĩa kỷ niệm ngày ký kết giao ước, lễ Ngũ tuần lại có tính cách dân tộc và được quy định theo Lề luật. Thế nên rất nhiều người Do Thái ở xa cũng về Giêrusalem dự lễ.
Chính trong bầu khí hân hoan, nô nức của ngày lễ Ngũ tuần, người Do Thái được chứng kiến sự kiện lạ lùng xảy ra nơi nhà các môn đệ đang hội họp. Theo lệnh Chúa, các môn đệ ở tại Giêrusalem để chờ đợi “điều Chúa Cha đã hứa”. Thì này, “bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa đầy vào cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp”. Không người Do Thái nào khi chứng kiện sự việc lạ lùng này lại mà không liên tưởng tới những hiện tượng hùng vĩ đã xảy ra trên núi Sinai xưa. Cả núi đều rung chuyển mạnh vì có tiếng sấm của Giavê từ trên cao. Nếu, ngày xưa sau ánh chớp, thì lửa bốc lên thiêu đốt của lễ của dân Người; thì hôm nay cũng vậy, “họ thấy những lưỡi như thể bằng lửa tản ra đậu xuống từng người một.” Ngày xưa, dưới chân núi Sinai, toàn dân tập họp để nghe ban bố Lề luật, thì hôm nay, nhiều người nói nhiều thứ tiếng khác nhau, đại diện cho toàn thế giới cũng đến nghe các môn đệ rao giảng về những kỳ công của Thiên Chúa.
Như vậy trong bối cảnh của ngày lễ Ngũ tuần Do thái, Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ là cao điểm của mầu nhiệm vượt qua mới. Đức Giêsu Kitô đã giải phóng chúng ta trong sự chết và sự sống lại của Người. Nay người tổ chức chúng ta lại thành một Dân duy nhất, khi ban Thần Khí của Người xuống trên Hội thánh. Các môn đệ của Người sẽ ra đi cho đến tận cùng mặt đất để công bố những kỳ công của Thiên Chúa bằng ngôn ngữ và văn hóa của mọi dân tộc, để mọi người trên khắp thế giới cùng nhận biết Thiên Chúa là Cha và sống với nhau như anh em. Do đó ngày hôm nay có thể coi như ngày khai sinh của Hội thánh, ngày Hội thánh khởi sự sứ vụ đi vào lòng các dân tộc, ngày chúng ta phải ý thức mình là công dân của Nước trời và là anh em với mọi người.
Nhờ bí tích Rửa tội và bí tích Thêm sức, các Kitô hữu được trao ban Thánh Thần để sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu của mình và được sai thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Sứ mệnh này, như Phaolô nói, có rất nhiều hình thức khác nhau, nhưng tất cả đều phát xuất từ một Thánh Thần và quy về cùng một mục đích là quy tụ toàn thể nhân loại và xây dựng Hội thánh
“Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.”
Những lời của thánh Phaolô giúp các Kitô hữu biết tôn trọng những khác biệt khi cùng nhau thi hành sứ mệnh Chúa Kitô uỷ thác. Nếu ai cũng để cho Thánh Thần thúc đẩy, thì tất cả chúng ta sẽ là tông đồ của ngày lễ hiện xuống hôm nay. Chúa Giêsu phục sinh luôn ở với chúng ta. Người ban cho chúng ta Thánh Thần để không những chúng ta được vui mừng vì thấy Người, mà còn được Thần Khí thúc đẩy để hăng say thi hành sứ mạng quy tụ mọi người vào nhiệm thể Chúa Kitô, góp phần xây dựng một gia đình nhân loại duy nhất, một xã hội hòa bình, thịnh vượng.
Lạy Chúa Thánh Thần,
Ngài làm cho các dân tộc,
tuy ngôn ngữ bất đồng,
nhưng cùng tuyên xưng một đức tin duy nhất.
Xin ngự đến tâm hồn tín hữu
và làm cho họ cháy lửa yêu mến Ngài.1