[CN33TN-B] Tham Dự Vào Cuộc Chiến Thắng Của Đức Kitô

18-11-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3463 lượt xem

Đn 12,1-3; Hr 10,11-14.18; Mc 13,24-32

Những năm gần đây, lời đồn đại về “ngày tận thế” ngày càng xuất hiện nhiều. Có những người tuyên bố biết rõ ngày tận cùng của trái đất và đã lôi kéo được nhiều người tin theo. Mới đây nhất, đã có lời đồn đại thế giới sẽ chấm dứt vào ngày 23/4/2018. Ngày này đã qua, và rồi người ta lại đồn tận thế sẽ vào năm 2020. Quả thật, chết là một thực tế đáng sợ đối với con người. Đã có những vua chúa, những người giàu có, cố công tìm cho được thuốc trường sinh, nhưng rồi tất cả đều thất bại. Không ai có thể tránh khỏi cái chết. Quả là đáng sợ nếu xảy ra đồng thời sự huỷ diệt sự sống trên trái đất. Nhưng có ngày tận thế không?

Kinh Thánh không nói đến này trái đất bị huỷ diệt, nhưng là Ngày quang lâm của Đức Kitô cùng với Cuộc phán xét chung của Người  (x. Mt 25,31-46). Nhưng ngày nào, giờ nào Đức Giêsu sẽ đến? Về ngày giờ đó, chính Đức Giêsu nói với các môn đệ trong Tin Mừng rằng: “không ai có thể biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,32).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chỉ nói đến những biến cố sẽ xảy ra như dấu chỉ báo trước ngày Người đến: “Trong những ngày ấy, sau cơn gian nan, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời xa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển” (Mc13,24-25). Lối văn khải huyền của đoạn Tin Mừng này có thể khiến gây ngộ nhận, nếu có ai đó đọc đoạn văn này và giải thích theo cách riêng của mình. Với văn hoá của người Híp-ri, ngôn ngữ khải huyền như trên khá quen thuộc, thường được dùng để nói về sự can thiệp mạnh mẽ của Thiên Chúa vào lịch sử Dân Người. Bằng lối nói khải huyền, các ngôn sứ, đặc biệt là sách Đa-ni-en, như trong bài đọc thứ nhất, đề cập đến ngày Con Người xuất hiện để giải phóng Dân Người. Các dân tộc Cận Đông cổ đại vẫn thường coi tinh tú trên trời như các thần thánh của vũ trụ. Tác giả Kinh Thánh dùng lối văn khải huyền mô tả hiện tượng: mặt trời mặt trăng ra tối tăm hay các ngôi sao xa xuống, v.v.., nhằm ám chỉ quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa trên các thụ tạo Người dựng nên. Thiên Chúa – Đấng duy nhất là chủ tể vũ trụ, vượt trên mọi quyền lực thần thiêng vốn là những ngẫu tượng người ngoại giáo tôn thờ.

Khi thuật lại giáo huấn của Đức Kitô về ngày quang lâm, tác giả Tin Mừng cũng đã dùng kiểu nói của truyền thống Híp-ri để làm nổi bật quyền năng chiến thắng của Đức Kitô trên mọi quyền lực tăm tối, nhất là sự chết đang thống trị con người. Giáo huấn về ngày quang lâm không phải là những lời đoạ dẫm, răn đe con người, nhưng thực sự là một Tin Mừng mang lại niềm hy vọng, cách riêng cho những ai đang phải đối diện với những nghịch cảnh của cuộc sống hiện tại. Bất cứ ai đặt niềm tin vào chiến thắng của Đức Kitô – các tín hữu thời sơ khai cũng như các Kitô hữu hôm nay, cũng sẽ không sợ hãi bất kỳ sự đe doạ nào của thế lực sự dữ.

Một vài điểm có thể rút ra từ Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay:

– Thứ nhất, Tin Mừng về ngày quang lâm như một sự khích lệ đối với các Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai đang phải đương đầu những bách hại. Những ai trung thành tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô trước những bách hại, sẽ được kể vào số “những người được tuyển chọn” (x. Mc 13,27). Ngôn sứ Đa-ni-en báo trước về số phận của những chứng nhân trung thành rằng, họ sẽ “được ghi tên trong cuốn sách của Thiên Chúa” và cuộc đời sau cái chết của họ “sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, … sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (x. Đn 12,1.3).

– Thứ hai, Tin Mừng về ngày quang lâm cũng tiếp thêm sức mạnh cho những Kitô hữu đang phải sống giữa những ảnh hưởng của dân ngoại, họ sẽ không vì nao núng mà từ bỏ niềm xác tín của mình vào Đức Kitô. Trong thư Cô-lô-xê, thánh Phaolô nhắc đến tình trạng cộng đoàn tín hữu với niềm tin non trẻ đang có nguy cơ trở lại lối sống xưa, vì bị dụ dỗ bởi “những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Kitô”  (Cl 2,8). Vị Tông đồ nhắc nhở các tín hữu Cô-lô-xê hãy giữ vững đức tin và không để mình sợ hãi trước những thế lực tăm tối, bởi vì Đức Kitô “đã truất phế các quyền lực thần thiêng, đã công khai bêu xấu chúng, đã điều chúng đi trong đám rước khải hoàn của Người” (Cl 2,14).

– Thứ ba, Tin Mừng về ngày quang lâm cũng là lời nhắc nhở các Kitô hữu luôn phải tỉnh thức trước sự dữ. Trong thế giới văn minh hiện đại này, nhân loại tưởng chừng như có thể chung sống hoà bình với nhau. Nhưng thực tế, con người vẫn đang hằng ngày phải đối diện với sự dữ hoành hành: tranh chấp giữa các quốc gia, bạo lực giữa các sắc tộc khiến nhiều người phải chết, những nước cộng sản vẫn không ngừng xâm phạm đến quyền sống và phẩm giá con người, những thủ đoạn làm giàu bất chính đe doạ môi trường và mạng sống con người, v.v.. Tin vào sự chiến thắng của Đức Kitô không cất các Kitô hữu ra khỏi trần gian, trái lại họ được mời gọi cùng với những người thành tâm thiện chí, kiên trì chống lại sự dữ dưới mọi hình thức đang đe doạ con người.

– Cuối cùng, Tin Mừng về ngày quang lâm nhắc nhở các Kitô hữu luôn sẵn sàng trong sự đợi chờ, vì “ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm” (1Tx 5,2). Cuộc sống con người thật mong manh, như lời Thánh Vịnh: “Một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 102,16).

Những ngày cuối của Năm phụng vụ này là dịp thuận tiện để người tín hữu kiểm điểm lại đời sống Kitô hữu của mình trong năm qua dưới những lời giáo huấn của thánh Phaolô sau đây:

“Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (1Tx 5,4-8).

Nhưng làm thế nào người Kitô hữu có thể “tỉnh thức và sống tiết độ” trước những thế lực sự dữ và những cám dỗ? Tác giả thư Híp-ri trong bài đọc II cho chúng ta hay rằng, Đức Kitô đã dâng hiến chính mình để thánh hoá chúng ta và cho chúng ta tham dự vào sự chiến thắng của Người. Đức Kitô mời gọi chúng ta đón nhận Mình và Máu Thánh Người, để nhờ nuôi dưỡng trong ơn thánh, chúng ta có thể “tỉnh thức và sống tiết độ” ở thế gian này. Amen.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com