[CN26TN-A] Làm Theo Ý Cha

30-09-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2177 lượt xem

Ed 18,25-28 ; Pl 2,1-11 ; Mt 21, 28-32

Vườn nho là hình ảnh quen thuộc đối với người Do Thái. Trong Cựu Ước, các ngôn sứ dùng hình ảnh vườn nho để ám chỉ Dân Chúa. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu cũng thường dùng hình ảnh vườn nho để giảng về mầu nhiệm Nước Trời.

Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước là dụ ngôn về những người thợ làm vườn nho. Chúa Nhật tuần sau sẽ là câu chuyện các tá điền chiếm đoạt vườn nho của ông chủ. Còn bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện người cha sai hai đứa con đi làm vườn nho. Hai người con có những phải ứng khác nhau. Người con cả nói ‘không’, nhưng rồi sau hối hận đi làm. Người con thứ nói ‘vâng’, nhưng rồi lại phớt lờ không làm theo ý của cha.

Đức Giêsu dùng dụ ngôn này để nói với các thượng tế và kỳ mục, và dành cho họ sự khiển trách nặng nề “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”

Do đâu, Đức Giêsu lại nặng lời với họ như vậy? Thiết tưởng cần trở lại với bối cảnh của diễn biến trước đó. Đức Giêsu vào Đền Thờ Giêrusalem và xua đuổi những người đang buôn bán ra khỏi đó. Giới chức Do Thái phẫn nộ với hành động của Người, họ chất vấn: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

Thay vì đưa ra câu trả lời trực tiếp, Đức Giêsu kể dụ ngôn “Hai người con”. Kể xong, Người đặt câu hỏi với những kẻ chống đối: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Câu trả lời của họ “người con thứ”, lại như một lời tự kết án chính mình. Các thượng tế và kỷ mục thờ phượng Thiên Chúa trong Đền Thờ và chỉ thưa “vâng” với Thiên Chúa một cách hình thức bên ngoài mà thôi, thực tế họ đã không đi theo đường công chính. Có phải là chỉ cần giữ nghi lễ Đền Thờ là nên công chính? Thưa, không! Con đường để nên công chính là TIN vào Đấng mà ông Gioan đã loan báo, Đấng ấy chính là Đức Giêsu, người đang nói với họ.

Trở lại với dụ ngôn, tại sao người con thứ lại không chịu làm vườn nho như ý muốn của cha, cho dù trước đó đã thưa ‘vâng’? Bởi vì người con thứ đã coi việc làm vườn nho như một việc bó buộc phải làm. Anh ta quên một điều rất căn bản này: anh là con của cha, tham gia vào công việc làm vườn nho chính là cách để anh hoàn thành tư cách làm con của mình.

Đời sống Kitô hữu được ví như tiến trình tham gia vào vườn nho của Chúa là Hội Thánh. Chính trong Hội Thánh, người tín hữu được đón nhận mọi phương thế cần thiết để hoàn thành ơn gọi của mình. Tin và bước theo Đức Kitô cũng bao hàm việc chấp nhận sống theo giáo huấn của Người. Thế nhưng, việc sống đạo của các tín hữu rất nhiều khi bị xem như một thứ bó buộc: phải đi lễ, phải đọc kinh, phải học giáo lý, phải xưng tội, v.v.., hoặc trở thành một thức mặc cả đòi Chúa thưởng công. Một khi người ta xem việc làm theo ý Chúa như một sự chẳng đặng đừng, thì việc thực hành đạo sẽ chỉ dừng lại ở bình diện bên ngoài mà không có sự đào sâu nội dung bên trong.

Đời sống tu trì với những phận vụ hằng ngày đôi khi cũng bị xem như một sự miễn cưỡng bó buộc: phải giữ giờ kinh, phải giữ nề nếp, phải sống cộng đoàn, phải học hành, v.v.. Và nếu có cơ hội, có những tu sĩ tìm cách né tránh việc “phải làm” chừng nào tốt chừng ấy, hoặc làm cho có lệ mà không quan tâm đến phẩm chất. Trong nhà dòng, các tu sĩ đọc kinh rất nhiều, nghe Lời Chúa hằng ngày, nhưng cũng thường khi lại thiếu bác ái trong những tương quan, đối xử hằng ngày với nhau.




Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra ơn huệ cao quý khi chúng con được Chúa sai đi làm vườn nho của Ngài. Xin cho chúng con biết phát huy mọi khả năng Chúa ban mà hoàn thành ơn gọi đời mình trong tâm tình hiếu thảo với Chúa. Amen.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com