Giáo huấn bằng những câu chuyện dụ ngôn là một trong những phương pháp được người xưa ưa chuộng. Trong truyền thống Cựu Ước, các tác giả Kinh Thánh thường dùng những hình ảnh rút ra từ cuộc sống thường ngày hay từ những quy luật thiên nhiên để trình bày đạo lý mạc khải của Thiên Chúa. Bằng cách so sánh ẩn dụ, câu chuyện dụ ngôn giúp cho người nghe có thể tiếp cận đạo lý một cách vừa sinh động, vừa theo chính mức độ họ có khả năng nắm bắt chân lý hàm chứa trong dụ ngôn ấy. Khi giảng dạy, Đức Giêsu cũng rất hay dùng dụ ngôn, khi thì để dạy dỗ dân chúng, khi thì để hướng dẫn các môn đệ, hoặc có khi để trả lời cho những vấn nạn do những người Pharisêu và Luật sĩ đặt ra.
Dụ ngôn người gieo giống trích đọc vào Chúa Nhật XV hôm nay là dụ ngôn đầu tiên trong số bảy dụ ngôn được thánh Mátthêu sắp xếp và thuật lại ở chương mười ba. Vượt xa hơn truyền thống Do Thái, Đức Giêsu dùng dụ ngôn để trình bày cho các thính giả của Người về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Mầu nhiệm này vừa mới mẻ, lại vượt quá trí hiểu của con người, do vậy, sau khi kể dụ ngôn cho dân chúng, Đức Giêsu còn giải thích riêng cho các môn đệ để các ông có thể nắm bắt thực tại được dụ ngôn ám chỉ.
Trong câu chuyện dụ ngôn người gieo giống, Đức Giêsu khởi đầu bằng câu: “người gieo giống ra đi gieo giống…” Nhưng khi giải thích cho các môn đệ, Người lại nhắm vào mảnh đất hạt giống được gieo xuống, hơn là tập trung vào người gieo và hạt giống. Khi ghi lại những lời giải thích của Đức Giêsu cho các môn đệ, tác giả Tin Mừng Mátthêu chỉ tập trung vào những điểm có ý nghĩa nhất đối với các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi lúc bấy giờ, khi Tin Mừng được viết ra. Cách riêng đoạn chen vào giữa dụ ngôn và lời giải thích của Đức Giêsu về dụ ngôn được xem như lời nhắc nhở, một cảnh tỉnh đối với những ai nghe rao giảng Tin Mừng mà không chịu sinh hoa trái.
Thực tại Đức Giêsu muốn ám chỉ trong dụ ngôn người gieo giống là Nước Thiên Chúa. Những hình ảnh của dụ ngôn là dấu chỉ khơi gợi, giúp các Kitô hữu sống thực tại của mầu nhiệm này đang diễn ra trong đời sống Giáo hội và ngay chính trong cuộc đời của người tin thời Giáo hội tiên khởi cũng như thời nay.
– Điểm thứ nhất, Thiên Chúa được ví như người gieo giống. Đức Giêsu chính là Lời, là hạt giống được Thiên Chúa gieo vào trần gian. Hình ảnh người gieo giống trong câu chuyện dụ ngôn rất ư hào phóng, thậm chí phung phí hạt giống khi gieo xuống, bất kể đất xấu hay tốt: “có hạt rơi trên vệ đường…, có hạt rơi trên đá sỏi…, có hạt rơi vào bụi gai…, có hạt nhằm đất tốt…” Khi ban tặng Ngôi Lời cho nhân loại, Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người được cứu độ. Lòng quảng đại, rộng rãi của Người vượt quá điều lòng người mong đợi. Trong tâm thức của người Do Thái, ơn cứu độ chỉ dành riêng cho Israel, vì họ là dân riêng của Thiên Chúa và đã được chuẩn bị kỹ lưỡng để đón nhận ơn cứu độ. Thế nhưng, trong lời rao giảng, Đức Giêsu không chỉ nhắm đến dân Israel mà còn hướng đến cả dân ngoại nữa. Thậm chí không ít lần Đức Giêsu đã khen ngợi lòng tin vững mạnh của những kẻ ngoại. Vấn đề không phải là mảnh đất đã được chuẩn bị tới đâu để hạt giống được gieo xuống, điều Đức Giêsu quan tâm: khi hạt giống là Lời Thiên Chúa được gieo xuống, thì mảnh đất là tâm hồn người đón nhận có sẵn sàng để Lời Thiên Chúa hoán cải hay không. Sức hoán cải của Lời sẽ làm cho đất dù khô cằn, sỏi đá hay bị gai góc lấn chiếm, được biến đổi, trở thành phì nhiêu và sinh hoa trái.
– Điểm thứ hai, khi trao Con Một cho nhân loại, Thiên Chúa trao điều quý giá nhất cho con người, cùng với sự mạo hiểm, vì sẽ có những người như Isaia tiên báo “bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải.” Như người nông dân gieo hạt giống xuống đất và hy vọng hạt giống sẽ mang đến một vụ mùa tốt tươi, Thiên Chúa cũng kiên trì chờ đợi con người đón nhận Lời gửi xuống trần gian. Hạt giống Lời được gieo nơi tâm hồn con người sẽ âm thầm lớn lên. Bằng giác quan con người sẽ không cảm nhận được sự lớn mạnh của Lời. Hơn nữa, con số những người sẵn sàng đón nhận Lời, tức là những môn đệ tin theo Đức Giêsu lại khá ít ỏi so với đám đông dân chúng, những người “nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe, không hiểu”. Nhưng chỉ cần con số ít ỏi ấy – “số còn sót lại”, mùa màng sẽ bội thu. Hạt giống Lời Thiên Chúa rồi sẽ sinh hoa kết trái: “hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục”.
Từ những ý nghĩa của Lời Chúa hôm nay, một vài điểm suy niệm có thể rút ra cho chúng ta:
– Thứ nhất, Thiên Chúa luôn hào phóng với con người; những ơn huệ Người ban cho chúng ta luôn dư đầy và rộng rãi. Mỗi mảnh đời, mỗi tâm hồn con người dù đang được chuẩn bị tốt hay còn cằn cỗi, còn gai góc, còn bận tâm về nhiều thứ trên đời, thì Lời Thiên Chúa vẫn hiện diện ở đó, âm thầm chờ đợi thời điểm thuận tiện để sinh hoa kết trái. Trong bài đọc thứ nhất, Ngôn sứ Isaia chỉ cho thấy Lời Thiên Chúa là Lời mang lại cho con người sự sống: “tựa như mưa tuyết xa xuống từ trời … cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn.” Giáo huấn của Chúa Giêsu hôm nay khơi dậy nơi chúng ta niềm hy vọng vào sức mạnh tiềm ẩn của Lời Thiên Chúa.
Thứ hai, nhiều khi chúng ta rất sốt ruột vì hạt giống Lời Chúa trong ta, hay nơi những người khác không chịu nảy mầm, không chịu đơm bông kết trái. Rất nhiều cố gắng đi theo Chúa, nhưng rồi ta lại thất bại bởi sự yếu đuối, lầm lỗi của mình, hết lần này đến lần khác. Theo Chúa Giêsu, chúng ta không thể trông mong có ngay được kết quả. Vì con đường Đức Giêsu đi là con đường của khổ giá, hạt giống có chết đi mới sinh hoa kết trái dồi dào (x. Ga 12, 24). Sự thử thách tôi luyện đức tin và lòng tín thác của chúng ta vào Thiên Chúa. Tác giả Thánh Vịnh 126 nói về thành quả của sự kiên trì trong đau khổ và thử thách của Dân Chúa chờ mong ơn cứu độ:
Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.
Còn thánh Phaolô trong bài đọc II khích lệ các Kitô hữu thành Rôma đang chịu thử thách, bách hại bằng như lời sau đây: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.” Cuộc đời trần gian với nhiều đau khổ, bất toàn rồi sẽ qua, sự sống vĩnh cửu, trọn hảo đã được Đức Kitô chuẩn bị sẵn sàng cho mỗi chúng ta ở cuối con đường.
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua của Con Một Chúa đã đem lại cho chúng con ân huệ dồi dào; xin cho chúng con được thấy những ân huệ Chúa ban sinh hoa kết quả trong suốt cuộc đời chúng con. Amen.