1Sm 16,1b.6-7.10-13a; Ep 5,8-14; Ga 9,1-41
Chúng ta nhận thấy mỗi Tin Mừng tường thuật con người và sứ vụ của Đức Giêsu theo một sắc thái riêng.
- Tin Mừng Mátthêu nhằm đến các độc giả là Kitô hữu gốc Do Thái, vì vậy Đức Giêsu được mô tả là Ngôn Sứ vĩ đại, đến để hoàn tất Lề Luật, đúng như lời Kinh Thánh và các ngôn sứ đã loan báo.
- Tin Mừng Máccô làm nổi bật hình ảnh Đức Giêsu với sứ vụ Mêsia có tính cách ‘bí mật’ và chỉ được tỏ lộ dần dần cho dân chúng.
- Tin Mừng Luca trình bày Đức Giêsu phản chiếu khuôn mặt của Thiên Chúa đầy lòng xót thương, nhân hậu.
- Cuối cùng, Tin Mừng Gioan làm nổi bật chiều kích thiên tính của Đức Giêsu, Đấng là Ngôi Lời vĩnh cửu mặc lấy xác phàm để cứu độ con người.
Để giúp cho độc giả nhận ra sứ vụ thần linh của Đức Giêsu , tác giả Tin Mừng Gioan thường xây dựng những câu chuyện có sự tranh luận hay đối thoại, đôi khi rất dài, giữa Đức Giêsu và một số nhân vật đặc biệt.
Sau đây là một vài ví dụ:
- Cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô về phép rửa và Thần Khí ở chương 3,1-21.
- Cuộc tranh luận về bánh trường sinh ở chương 6,22-64.
- Cuộc đối thoại với cô Mácta ở chương 11,1-44.
- Chúa Nhật tuần trước, chúng ta được nghe cuộc đối thoại khá dài giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari về nước hằng sống ở chương 4, 1-42.
- Còn Chúa Nhật hôm nay là cuộc đối thoại về Ánh Sáng ở chương 9,1-40.
Khác với Tin Mừng Nhất Lãm, các nhân vật trong Tin Mừng Gioan thường tỏ ra hiểu biết và có những lập luận khá chắc chắn. Điều này đôi khi khiến cho chúng ta ngạc nhiên, thậm chí cảm thấy khó hiểu. Ví dụ anh mù hôm nay, lọt lòng mẹ đã bị mù, vậy thì làm sao anh có thể học được, để có kiến thức khôn ngoan đối đáp lại những người Pharisêu?
Ta cũng có thể hiểu rằng chính tác giả Tin Mừng Gioan đã gán những lập luận của mình cho anh mù để dẫn đưa độc giả của mình, qua cuộc tranh luận, dần dần khám phá Đức Kitô và tin Người là Ánh Sáng thật của Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ đã đến thế gian để chữa lành sự mù loà của nhân loại.
Bài Tin Mừng hôm nay có thể giúp những môn đệ của Đức Kitô rút ra những bài học cho mình trên hành trình tìm kiếm, tuyên xưng và công bố Đức Kitô là ánh sáng trần gian. Xin được chia sẻ hai điểm.
Điểm thứ nhất, chúng ta thấy có những phản ứng khác nhau của dân chúng khi Đức Giêsu tỏ mình là Đấng mang lại ánh sáng cho con người.
– Trước hết, anh mù – người được Đức Giêsu chữa lành, đã có phản ứng tích cực khi Đức Kitô mời gọi anh bước vào cuộc đối thoại với Người, để rồi đức tin của anh dần dần được khai mở. Ngay khi vừa được sáng mắt, anh tuyên xưng:
“Người là một vị ngôn sứ” (Ga 9,17).
Sau những tranh luận với những người Pharisêu, anh càng tỏ ra xác tín hơn vào Đức Giêsu: “Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9,33). Vì công khai tuyên bố Đức Giêsu chữa lành cho mình, anh đã bị giới lãnh đạo Do Thái trục xuất khỏi Hội đường – một hình phạt nặng nề đối với người Do Thái lúc bấy giờ. Gặp lại Đức Giêsu, anh đã sẵn sàng để cho Người mở đôi mắt đức tin mà tuyên xưng:
“Thưa ngài, tôi tin” (Ga 9,38).
Cử chỉ anh sấp mặt trước Đức Giêsu là một lời tuyên xưng Người là “Chúa”.
– Trái với phản ứng của anh mù, cha mẹ anh, những người hàng xóm, những người Pharisêu hay biết anh mù được chữa lành, nhưng xem ra không hề quan tâm đến sự hiện diện của Đức Giêsu. Họ mải tranh luận với nhau xem anh có đúng là người mù trước đây hay không. Họ chất vấn anh để tìm hiểu xem anh được chữa lành như thế nào. Những tiểu tiết và những phụ thuộc bên ngoài xem ra lại quan trọng hơn chính nguồn mạch đem lại sự chữa lành. Họ không muốn quan tâm tìm hiểu xem Đức Giêsu là ai.
Qua Lời Chúa, bí tích, kinh nguyện và phụng vụ hằng ngày, Đức Giêsu mời gọi chúng ta bước vào cuộc đối thoại với Người. Chúng ta đang chọn lựa một phản ứng thế nào trước lời mời gọi ấy?
Điểm thứ hai, chúng ta thấy có nhiều thái độ khác nhau đối với anh mù của những nhân vật trong trình thuật Tin Mừng hôm nay.
– Các môn đệ trông thấy anh mù và chỉ muốn biết nguyên nhân nào anh bị mù, “tại tội anh hay tội cha mẹ anh.” Rất nhiều khi ta cũng giống như thế, cứ loay hoay tìm hiểu nguyên nhân gây ra đau khổ, mà quên đi rằng chính con người đang gặp đau khổ cần phải được cảm thông và giúp đỡ.
– Cha mẹ anh mù khi bị giới lãnh đạo Do Thái chất vấn, họ đã khôn khéo trả lời để khỏi liên luỵ. Họ nhìn nhận người được sáng mắt là con của mình, nhưng lại không dám làm chứng Đức Giêsu đã chữa lành cho anh. Trong cuộc sống hôm nay, tỏ ra là người có đức tin đôi khi sẽ bị liên luỵ, phiền hà, vì vậy ta bị cám dỗ tìm cách giấu đi căn tính Kitô hữu của mình.
– Những người hàng xóm, những người Pharisêu chỉ chú ý vào khuyết tật của anh mù, chứ không quan tâm đến chính anh. Người ta nhận biết anh mù khi anh trong tình trạng khuyết tật. Còn khi anh được sáng mắt, họ lại không nhận ra anh nữa. Có lẽ đây cũng là một thái độ rất thông thường của con người chăng? Người ta thích nhìn vào cái xấu của một ai đó để hình dung ra họ, thay vì nhìn vào chính phẩm giá của họ để biết họ là ai.
Ngược lại với những thái độ trên, Đức Giêsu không chỉ nhìn thấy sự mù loà, mà còn gặp gỡ chính con người đang chịu sự đau khổ ấy. Dó đó, Người không dừng lại ở việc chữa lành mù thể lý, mà còn dẫn đưa anh đến sự sáng mắt tâm hồn, giúp anh nhận biết Người là Ánh Sáng trần gian. Đức Giêsu không quan sát con người ở sự yếu đuối của họ. Người nhìn nhận phẩm giá của bất cứ ai đến với Người, cho dù họ tội lỗi, và mời gọi họ bước vào cuộc đối thoại. Người dần dần khai mở lòng trí cho họ để họ nhận biết Người là Đấng Cứu Độ.
* * *
Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã cho chúng con nhận biết Người là Ánh Sáng thế gian. Xin đẩy lui mọi bóng tối tội lỗi còn đang che phủ tâm hồn chúng con, để nhờ lòng tin sống động, chúng con hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới. Amen.