Is 61,1-2a.10-11; Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28
Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, “khiêm nhường” có hai nghĩa: 1/ khách quan là sự hạ mình, trở nên bé nhỏ, và 2/ chủ quan là sự cảm nhận về tình trạng yếu hèn của bản thân.
Trải qua dòng lịch sử của Giáo hội, chúng ta thấy được rất nhiều tấm gương khiêm nhường nổi bật. Đầu tiên là phải nói đến Mẹ Maria, “Này tôi là nữ tì của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1,31-38). Mẹ đã khiêm nhường nói lên hai chữ “xin vâng” để rồi đón nhận Ngôi Hai Chí Thánh vào cung lòng mình. Mẹ suốt đời âm thầm phục vụ trong khiêm tốn, dưỡng nuôi Con Thiên Chúa. Sự khiêm nhường còn được bộc lộ qua đời sống các thánh khác, như thánh Phanxicô Assidi, thánh Đa Minh, thánh Tôma Aquinô, v.v.. Tự nhận mình hèn mọn trước mặt Thiên Chúa và tự hạ mình trở nên nhỏ bé trước mặt người đời, các ngài đều lấy sự khiêm nhường là đức tính tiên phong để hòa mình với tha nhân, ngõ hầu có thể đem Chúa đến cho mọi người.
Trình thuật Tin Mừng Gioan hôm nay cũng cho ta cái nhìn về đức tính khiêm nhường của vị Ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước – ông Gioan Tẩy giả. Khi các tư tế và các thầy Lêvi liên tục đưa ra các danh xưng để xác định Gioan là ai, thì ngài đã từ chối những danh xưng ấy không một chút do dự: “Tôi không phải là Đấng Kitô, không phải là Êlia cũng không phải là tiên tri.” Trước những lời ca tụng, những danh xưng cao quý mà người đời đặt cho, chắc hẳn khó ai có thể cưỡng lại, khiêm hạ mà gạt bỏ được, chí ít thì cũng vui thầm trong lòng bởi lẽ họ xem trọng mình. Thế nhưng thánh Gioan Tẩy giả lại kiên quyết từ chối và tự nhận mình chỉ là “tiếng hô trong hoang địa” mà thôi. Sự khiêm nhường của thánh nhân còn nổi bật hơn với lời thú nhận: “tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Hành động “cởi quai dép” cho người khác chỉ xảy ra ở mối quan hệ bất bình đẳng giữa đầy tớ và ông chủ mà thôi. Ấy thế mà, thánh nhân thậm chí còn nhận mình không đáng ở vào quan hệ đầy tớ-ông chủ với Đấng đến sau ông và là Đấng mà ông tin và đang rao truyền.
Có lẽ chính vì sự khiêm nhường cao cả ấy mà thánh nhân đã được Đức Giêsu khen ngợi: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả” (Mt 11,11). Cũng vì khiêm nhường mà ngài lại có diễm phúc lấy nước mà rửa cho Đức Kitô ở dòng sông Giođan. Và cũng vì khiêm nhường mà ngài đã có một lòng cam đảm mạnh mẽ trong lời rao giảng, và cuối cùng đã chết để làm chứng cho chân lý.
Sống trong xã hội đầy tính cạnh tranh và loại trừ, sự khiêm nhường sẽ là liều thuốc để hàn gắn những đổ vỡ, xoá bỏ hận thù và đưa con người xích lại gần nhau hơn. Thật vậy, bằng đức tính khiêm nhường, người ta sẽ dễ dàng nhìn nhận sự thật bản thân, thấy được con người đầy tội lỗi, yếu đuối của mình, để rồi trở nên mạnh mẽ hơn về đức tin, cảm nhận sâu sắc hơn về tình yêu của Thiên Chúa. Mỗi khi chúng ta khiêm nhường cũng chính là lúc chúng ta lại xích lại gần hơn với tha nhân, đồng loại, có thể mở rộng trái tim đón nhận mọi người như lời Chúa dạy “Ngươi hãy yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12, 31). Mỗi khi chúng ta khiêm nhường thì chúng ta có thể thông phần vào chính cuộc khổ nạn của Chúa Con Chí Thánh, có thể liên kết mật thiết hơn với Thiên Chúa trong chính đời sống hằng ngày.
Xin Chúa giúp chúng con, trên con đường theo đuổi ơn gọi, luôn biết theo gương thánh Gioan Tẩy giả và các thánh, lấy đức tính khiêm nhường làm kim chỉ nam trong đời sống cũng như trong mọi việc làm, nhờ vậy chúng con có thể thăng tiến hơn trong ơn gọi của mình, sống được như lòng Chúa mong muốn, và sau cùng đạt đến vinh quang Nước Trời là cùng đích tối hậu của đời mình. Amen.
Giuse Ngô Xuân Hùng