[CN02MV-B] “Có Đấng Quyền Thế Hơn Tôi Đang Đến”

09-12-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3858 lượt xem

Is 40,1-5,9-11; 2Pr 3,8-14; Mc 1,1-8

Tin Mừng Máccô không mở đầu bằng gia phả Đức Giêsu, nhưng giới thiệu ông Gioan Tẩy giả là vị Tiền hô dọn đường cho Chúa. Vị ngôn sứ xuất hiện trong hoang địa, rao giảng và kêu gọi dân chúng chịu phép rửa để tỏ lòng sám hối.

Chúng ta sẽ thắc mắc rằng, ở nơi hoang địa vắng vẻ, thì lấy đâu ra người để nghe rao giảng. Tại sao vị ngôn sứ không đến chỗ phố thị đông người để giảng? Phải chăng lời kêu gọi sám hối và loan báo Đấng Cứu Thế của ông Gioan chỉ là tiếng kêu vô ích trong hoang địa mà không người đáp ứng?

Tin Mừng thuật lại rằng, có đông người từ khắp miền Giuđêa và thành Giêrusalem kéo vào hoang địa, đến với Gioan Tẩy Giả và lắng nghe sứ điệp của ông. Dân chúng đến với vị ngôn sứ cũng để thú nhận tội lỗi của họ và lãnh phép rửa trong dòng sông Giođan.

Khung cảnh ‘hoang địa’ được mô tả ở đây không thuần tuý mang ý nghĩa về mặt địa lý, một nơi chốn cụ thể. ‘Hoang địa’ được hiểu theo nghĩa biểu tượng sâu xa hơn, là một nhắc nhớ cho dân tộc Israel về những biến cố lịch sử trong đó Thiên Chúa đã luôn che chở và đồng hành với Dân của Người. Tin Mừng Máccô gợi lại ở đây hành trình hoang địa dân Israel trải qua khi họ chạy trốn khỏi Ai Cập và trở về Đất hứa. Suốt 40 mươi năm trong sa mạc, dân Israel được Đức Chúa dẫn dắt, dưỡng nuôi và chở che. Chính trong tình cảnh hiểm nguy, thiếu thốn này, dân Israel thức tỉnh và nhận biết tình yêu Đức Chúa dành cho họ. Sau khi vượt qua sa mạc, dưới chân núi Sinai, dân Israel được Đức Chúa ban cho Mười Điều Răn, đó là luật lệ đưa dân vào con đường sự sống, vào miền Đất hứa.

Dân Israel đã không trung tín với con đường của Đức Chúa. Và một lần nữa, họ lại bị đưa đi lưu đày ở Babylon. Bài đọc thứ nhất trích sách ngôn sứ Isaia là những lời an ủi của Đức Chúa dành cho dân lưu đày. Vị ngôn sứ nhân danh Đức Chúa, loan báo sẽ có ngày dân Israel sẽ được trở lại quê cha đất tổ. Những hình ảnh hoang địa vị ngôn sứ sử dụng gợi nhớ lại biến cố Dân đã từng được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập thuở xưa. Nếu Đức Chúa đã dùng bàn tay của Môsê mà dẫn dắt cha ông vượt qua hoang địa trở về Đất hứa, thì Người cũng sẽ làm đúng như vậy cho dân lưu đày hiện nay.

Hoàn cảnh dân Israel trong lần lưu đày thứ hai này cũng không khác gì sự thử thách trong hoang địa, họ đang bị hành hạ, chịu bất công và chịu tủi nhục bởi kiếp sống nô lệ. Ðức Chúa đã truyền cho ngôn sứ Isaia: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta, hãy ngọt ngào khuyên bảo Giêrusalem.” Người hứa sẽ làm cho con đường trở về Đất hứa của Dân Người được dễ dàng, phẳng phiu: “Trong sa mạc hãy mở một con lộ thẳng băng… Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu.” Như vậy hoang địa dù có gập ghềnh, gồ ghề và nhiều chướng ngại, nhưng sẽ lại là phương thế, là cơ hội để Đức Chúa giải phóng dân Người. Đức Chúa sẽ như vị mục tử nhân hiền chăn dắt đàn chiên Israel bé nhỏ, tản mác. Người sẽ “tập trung cả đoàn dưới cánh tay, lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt”

Những hoang địa và thử thách của dân Israel phải đối diện  gợi cho chúng ta một sự liên tưởng về tình trạng hoang địa và thử thách của cuộc đời mỗi người. Hãy thử tưởng tượng nếu phải vượt qua hoang địa, nhất là nếu phải đi một mình, thì điều đầu tiên đến trong đầu chúng ta đó là một hành trình nhiều bất trắc, hiểm nguy. Sống làm một kiếp người, không ai trong chúng ta lại không kinh nghiệm phải đối diện với những khó khăn, thử thách, ví tựa như hành trình vượt qua hoang địa vậy. Những khó khăn và thử thách có thể mang nhiều hình thù khác nhau. Đó có thể là những khó khăn về kinh tế gia đình, làm ăn thất bát vào dịp cuối năm; hoặc là đau ốm của bệnh tật, yếu đuối của tuổi già; hoặc những đau khổ tinh thần: một người thân qua đời, bạn bè phản bội, v.v.; hoặc là những thử thách của đời sống đức tin: khủng hoảng, sa sút, nguội lạnh, v.v..

Những nỗi niềm hoang địa, thử thách trong cuộc đời có khi ngắn ngủi, có lúc kéo dài, có lúc nhẹ nhàng, có khi gay gắt. Dù thế nào đi nữa thì trước những thứ hoang địa này, Tin Mừng hôm nay cho chúng ta hay đó chính là cơ hội chúng ta có thể gặp được vị ngôn sứ của Đức Chúa với sứ điệp chúng ta cần lắng nghe. Khi xưa, dân Israel đã gặp gỡ Thiên Chúa của họ trong chính hoang địa gồ ghề, khúc khuỷu của lịch sử dân tộc. Ngày nay, cũng chính nơi thử thách của cuộc đời mà chúng ta cũng sẽ có cơ may được gặp gỡ Thiên Chúa.

Thánh Máccô dùng hình ảnh hoang địa trong Tin Mừng và mô tả nó như là nơi chốn lý tưởng mà con người có thể trở về với chính mình, với thinh lặng của tâm hồn, đồng thời có thể lắng nghe lời Thiên Chúa qua sứ điệp vị ngôn sứ rao giảng. Ông Gioan Tẩy giả loan báo thời giờ đã đến, Thiên Chúa đang khởi sự thực hiện lời hứa thuở xưa cho dân Israel: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi… Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.” Đấng ấy chính là Đức Giêsu, Đấng Cứu độ muôn dân.

Ông Gioan kêu gọi mọi người sám hối, từ bỏ đường lối tội lỗi, và chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng nghênh đón Đấng Cứu độ đang đến. Giữa những vất vả, chông gai của kiếp người, xét cho cùng gánh nặng tội lỗi mới chính nguyên nhân sâu xa nhất khiến con người mất đi sự bình an, phải lê bước trong nhọc nhằn và không có lối thoát cho cuộc đời.

Khi xưa, đã có rất đông dân chúng lắng nghe sứ điệp của ông Gioan và thực hành sám hối nơi dòng sông Giođan. Ước mong rằng sau khi lắng nghe sứ điệp của Gioan Tẩy giả hôm nay, mỗi chúng ta sẽ mau mắn nắm lấy cơ hội hoang địa của cuộc đời: phó thác tất cả những khó khăn, đau khổ, thức thách cho Chúa, đồng thời sẵn ràng mở rộng tâm hồn, mời đón Người đến cứu thoát chúng ta khỏi những gian truân, lo âu và bất an đang đè nặng tâm hồn.

Trong đêm Giáng Sinh, chúng ta cất lên lời ca “Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Sự bình an ấy đã dành cho chúng ta ngay ở đây, vào lúc này, khi chúng ta đang chăm chú lắng nghe Lời Chúa và lát nữa đây sẽ đón rước Chúa vào tâm hồn. Amen.

A.P




GLHTCG, số 523: Thánh Gioan Tẩy Giả là vị Tiền Hô trực tiếp của Chúa, đã được sai đến để dọn đường. Thánh nhân là “ngôn sứ của Đấng Tối Cao (Lc 1, 76), trổi vượt tất cả mọi Tiên tri, và là vị Tiên tri cuối cùng. […] Thánh nhân đi trước Chúa Giêsu trong “thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia” (Lc 1, 17), và làm chứng cho Người bằng lời rao giảng của mình, bằng phép rửa thống hối của mình và cuối cùng bằng cuộc tử đạo của mình.

GLHTCG, số 524: Mỗi năm khi của hành phụng vụ Mùa Vọng, Hội Thánh thể hiện lại niềm ong đời Đấng Mêsia: khi hệp thông với sự chuẩn bị lâu dài để đón Đấng Cứu độ ngữ đến lần thứ nhất, các tín hữn canh tân lòng sốt sắng đón chờ Người ngự đến lần thứ hai.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com