[CN28TN-A] Y Phục Cho Tiệc Cưới Con Chiên  

14-10-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2233 lượt xem

Is 25,6-10a; Pl 4,12-14.19-20; Mt 22,1-14

Bữa tiệc là một hình ảnh quen thuộc của mọi nền văn hoá. Theo phong tục Do Thái thời Đức Giêsu, người ta tổ chức tiệc khá cầu kỳ và ăn lâu giờ. Đặc biệt tiệc cưới của người Do Thái có khi kéo dài suốt cả tuần lể để thân tộc, hàng xóm và bạn bè của đôi bên có thể gặp gỡ nhau và chia sẻ niềm vui với cô dâu chú rể.

Bài đọc thứ nhất là những lời tuyên sấm của ngôn sứ Isaia trong bối cảnh Giêrusalem đang bị quân đội hùng mạnh của Assyri đe doạ. Chẳng bao lâu, dân sẽ bị đem đi lưu đày ở Babylon, sẽ chịu cảnh áp bức, khốn khổ, đói khát. Nhưng rồi, Thiên Chúa sẽ can thiệp, để dân lại được trở về đất hứa và tái thiết lại Giêrusalem. Isaia gọi đó là thời cứu độ, thời cánh chung của dân tộc. Hình ảnh bữa tiệc đã được ngôn Isaia sử dụng để diễn tả hạnh phúc của thời cánh chung này.

Ngày ấy, trên núi này,
Ðức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc:
tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon,
thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.

Để bày tỏ về mầu nhiệm Nước Trời, Đức Giêsu cũng thường, hoặc ở ngay giữa những bữa tiệc để đưa ra giáo huấn của Người, hoặc dùng hình ảnh bữa tiệc để trình bày cho mọi người về Nước Thiên Chúa. Có thể nhắc lại đây vài trường hợp xuất hiện cách thức rao giảng này của Đức Giêsu trong các sách Tin Mừng:

– Khi đi dự tiệc cưới Cana, Đức Giêsu thực hiện dấu lạ cho “nước hóa thành rượu ngon”. Dấu lạ vừa nhằm củng cố niềm tin cho những môn đệ đầu tiên mới được gọi đi theo Người, đồng thời là dấu chỉ loan báo sự viên mãn của thời Tân Ước.

– Lần khác, khi đang dự tiệc với những “người tội lỗi” tại nhà ông Lêvi hay nhà ông Giakêu, nhân niềm vui của bữa tiệc, Đức Giêsu kêu gọi các ông hãy dứt khoát đi theo Người để chia sẻ niềm vui còn lớn lao hơn – niềm vui được giải thoát khỏi tội lỗi và sống một tương quan mới, đích thực với Thiên Chúa và tha nhân.

– Lần khác nữa, khi đang dùng bữa tại nhà các chị em Mátta, Maria và Ladarô, Đức Giêsu mặc khải cho cô Mátta và các em cô biết, ngoài của ăn vật chất, con người còn cần đến một thứ lương thực cao quý khác – Lời Thiên Chúa.

– Vào giờ phút cuối của cuộc sống tại thế, Đức Giêsu đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong một bữa tiệc, để trao ban chính Mình và Máu của Người cho nhân loại, đồng thời truyền cho các Tông đồ cử hành hy lễ tưởng niệm ấy mỗi ngày.

– Sau khi phục sinh, trong khi dùng bữa với hai môn đệ tại làng Emmaus hay với các môn đệ bên bờ Biển Hồ, Đức Giêsu tỏ cho các ông thấy Người đã phục sinh.

Mặc dù không đang trong bữa tiệc như những ví dụ kể trên, Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng dùng hình ảnh quen thuộc của bữa tiệc, để trình bày giáo huấn về mầu nhiệm Nước Trời. Dụ ngôn tiệc cưới này đúng ra là hai dụ ngôn riêng biệt nhưng được Thánh Mátthêu gộp chung lại.

Trong dụ ngôn thứ nhất, có hai loại thực khách được nói đến.

1/ Loại thực khách thứ nhất là những người đã được mời trước và đã từ chối. Họ thực sự là những thực khách danh giá, nhưng đã từ chối lời mời đến tham dự tiệc cưới. Đức Giêsu ám chỉ nhóm khách được mời trước này chính là Israel. Thánh Mátthêu mô tả sự chu đáo và ân cần của nhà vua đối với các thực khách khi ông mở tiệc cưới cho con mình. Sau khi đã chuẩn bị xong xuôi mọi sự, ông cẩn thận sai đầy tớ đi nhắc các quan khách đã được mời đến dự tiệc. Hình ảnh ám chỉ cách thức đối xử rất mực yêu thương Thiên Chúa dành cho dân được Người tuyển chọn. Nhưng dân Israel – những người đáng lẽ sẽ gia nhập Nước trời trước hết, đã từ chối tin vào Đức Giêsu, từ chối tin giáo huấn của Người, và như vậy, họ đã tự loại mình ra khỏi Nước của Người.

Dĩ nhiên, những người Do thái được ám chỉ ở đây cũng chỉ là một số, chứ không phải tất cả. Những người từ chối Nước Trời chủ yếu là các thượng tế và kỳ mục, bởi lẽ ngay mở đầu dụ ngôn tác giả Mátthêu đã nói rõ dụ ngôn này Đức Giêsu kể cho họ. Nếu nối kết dụ ngôn này với dụ ngôn về vườn nho của những tuần trước, chúng ta lại càng thấy rõ hơn điều ấy:

  1. Những người vào làm vườn nho từ sáng sớm đã lẩm bẩm kêu ca về tiền lương.
  2. Người con thứ “thưa vâng” rồi lại không chịu đi làm vườn nho.
  3. Những tên tá điền bất lương bắt con trai ông chủ và giết chết cậu ta.

Đức Giêsu nói vớinói về các thượng tế và luật sĩ trong dụ ngôn vườn nho của các tuần trước, và hôm nay Người tiếp tục nói vớinói về sự từ chối ơn cứu độ của họ.

2/ Loại thực khách thứ hai là những người được mời bất ngờ và đã đến dự tiệc. Họ không có trong dự tính của bữa tiệc, nhóm thực khách bất ngờ được mời hoàn toàn là do lòng rộng lượng và hào phóng của đức vua. Đức Giêsu ám chỉ nhóm thực khách được mời “ở các ngả đường” chính là những dân ngoại, mặc dù không được mời từ trước, nhưng họ vẫn được Thiên Chúa rộng rãi mời vào dự tiệc Nước Trời.

Khi viết lại câu chuyện dụ ngôn này, tác giả Mátthêu cũng nhắm đến các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi lúc bấy giờ. Hẳn là đã xảy ra những thiên vị, tranh chấp trong cộng đoàn tiên khởi giữa người Do Thái và người ngoại trở lại. Câu chuyện tiệc cưới với hai loại thực khách được mời là giáo huấn của Đức Giêsu về phẩm giá bình đẳng giữa các Kitô hữu trong Hội thánh. Dù là người Do Thái hay dân ngoại, khi đã trở thành môn đệ Đức Kitô, họ đều là những thực khách của tiệc cưới, dù cách thức họ được mời có khác nhau và được mời vào những thời điểm khác nhau. Dụ ngôn có một giáo huấn tương tự là câu chuyện ông chủ thuê thợ làm vườn nho và đã trả công đồng đều: từ người làm trước tiên vào giờ thứ nhất, lẫn người làm sau chót mãi giờ thứ mười một, mỗi người là một đồng.

Câu chuyện “những thực khách được mời bất ngờ” tiếp nối bằng một dụ ngôn khác “khách dự tiệc không mặc y phục tham dự lễ cưới.” Người ta có thể thắc mắc rằng, những người đang “đang ở các ngả đường” thì làm gì đã chuẩn bị sẵn áo cưới để đi dự tiệc. Quả đúng vậy, nhưng câu chuyện ám chỉ một điều khác, đó là tình trạng của các Kitô hữu. Chắc hẳn nhiều người đã được rửa tội và trở thành phần tử của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, nhưng họ đã không sống đúng với giáo huấn của Đức Kitô. Họ đã không mặc áo cưới cho đúng với tác phong của một công dân Nước Trời. Họ là những người tham dự tiệc cưới trong tình trạng quần áo lôi thôi, thiếu chỉnh tề. Dụ ngôn thứ hai là một lời nhắc nhở đặc biệt cho các Kitô hữu của mọi thời đại.

Thứ y phục các Kitô hữu mặc vào mình, với tư cách là công dân Nước Trời để tham dự Tiệc Cưới Con Chiên, là y phục của sự thánh thiện, của nhân đức – tức là mặc lấy chính những tâm tình, cách sống của Đức Kitô, và diễn tả trong đời sống của mình trong tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.

Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Rôma hãy tránh xa tội lỗi và mặc lấy Đức Kitô (x. Rm 13,14). Trong thư gửi tín hữu Côlôxê, thánh nhân giải thích việc mặc lấy Đức Kitô có nghĩa là:

Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia.

Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo (Cl 13,12-14).

* * *

“Phúc cho ai được mời đến dự Tiệc Chiên Thiên Chúa.” Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con giờ đây có được tâm tình sẵn sàng và chỉnh tề trong trang phục áo cưới của mình, để bước vào phụng vụ Thánh Thể, và nhờ việc tham dự Tiệc Cưới Con Chiên ở trần gian một cách xứng hợp, chúng con lại được Chúa dẫn đưa vào Tiệc Cưới Con Chiên ở trên trời. Amen.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com