(Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6)
Phụng vụ Chúa Nhật II Mùa Vọng hướng các Kitô hữu đến sự chuẩn bị sẵn sàng để chờ đón Chúa đến. Bài đọc thứ nhất trích sách Barúc1, với những hình ảnh như “sa mạc”, “đất hoang” hay “đồng khô cỏ cháy”, tác giả hồi tưởng tình cảnh dân Israel đã trải qua lưu đày ở Babylon (587-583 B.C.). Sự giam cầm khổ ải đã sớm chấm dứt, vì Thiên Chúa đoái thương nghe tiếng kêu xin của dân. Chính Chúa đã ra tay hành động, đã chuẩn bị một con đường dẫn đưa dân trở về đất hứa, trở về thành thánh Giêrusalem. Hình ảnh của thời cứu độ được Barúc miêu tả tràn đầy niềm vui và hết sức sống động: “Nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra từ vùng đấy hoang vu. Miền nóng bỏng biến thành ao hồ, đất khô cằn có mạch nước trào ra.” Ngày Thiên Chúa cứu độ, cũng chính là lúc “mắt người mù được mở tung ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ quẻ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.”
Barúc mô tả lại cảnh lưu đày và cuộc hồi hương của dân tộc ông của 400 năm về trước không chỉ để hồi tưởng quá khứ, mà nhất là hướng lòng dân đến một niềm hy vọng lớn lao hơn. Sấm ngôn của Barúc loan báo về sự sự giải thoát, nhưng không phải trên bình diện chính trị, mà là sự giải thoát tâm hồn con người khỏi cảnh lưu đày rời xa Thiên Chúa. Và vì rời xa Thiên Chúa, người ta không có được hạnh phúc đích thực, không có khả năng để chấp nhận chính mình và không có khả năng để sống với nhau như anh em một nhà.
Kinh nghiệm của con người cho ta hay mọi giá trị trần gian này rồi cũng sẽ qua đi, mọi nỗ lực kiếm tìm hạnh phúc cả một cuộc đời, thì cũng vẫn còn đó những trục trặc, những giới hạn, mà người ta không thể vượt qua để có được một hạnh phúc đích thực cho mình. Những giới hạn có thể là nơi chính bản thân: như không đủ khả năng để dành một vị trí trong xã hội theo ý muốn, hay thiếu sức khoẻ để theo đuổi một công việc hay thất bại do không đủ ý chí, nghị lực để thực hiện một định hướng tương lai đời mình. Những trục trặc khiến ta không có được hạnh phúc có thể đến từ những đổ vỡ tương quan con người với nhau, như gia đình không được đầm ấm, sự xung khắc giữa những đồng nghiệp, v.v.. Rồi cũng có những hoàn cảnh khách quan khiến người ta thấy của đời của mình như đang vượt qua những sa mạc đầy gian nan, đau khổ: có thể là không có đủ những điều kiện vật chất, hoặc có thể là thiếu tình người, thiếu sự giúp đỡ, thiếu những tấm lòng đối xử với nhau cách nhân ái. Nói một cách nào đó, những hình ảnh sách Barúc dùng để mô tả cảnh lưu đày: sa mạc, đồng khô, cỏ cháy, v.v., có thể vẫn đang diễn ra trong cuộc đời của ta.
Những người Do Thái, cách riêng, tác giả sách Barúc, dù đã được giải thoát khỏi cảnh lưu đày trở về quê cha đất tổ, nhưng họ vẫn mong chờ một miền đất hứa khác. Chính nơi miền đất ấy, như lời sấm của Barúc sẽ được gọi là “bình an xây dựng trên công chính.” Một miền đất đích thực, nơi đó mọi thung lũng của bất công, giết chóc và hận thù được lấp đầy. Như Barúc mong đợi, đó làm miền đất phẳng phiu để dân Ítraen, cũng như mọi dân tộc sẽ “tiến bước an toàn” và “ hoan lạc dưới ánh vinh quan của Chúa.”
Hai trăm năm sau thời ông Barúc, Gioan Tẩy giả xuất hiện và đã chỉ cho dân chúng thấy niềm hy vọng cứu độ mà sách Barúc loan báo giờ đây đang trở thành hiện thực. Bài Tin Mừng Luca mô tả sứ vụ của Gioan Tẩy giả và lời rao giảng của ông về Đấng Cứu độ sắp xuất hiện: “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”
Chỉ còn hơn hai tuần nữa, chúng ta sẽ mừng biến cố Chúa Giáng Sinh, biến cố 2000 trước Gioan tẩy giả đã loan báo dân Israel. Nếu như trong thời Cựu Ước, chính Thiên Chúa đã mở ra cho dân Người con đường trở về đất hứa, thì giờ đây Thiên Chúa lại tiếp tục mở ra một con đường mới, không chỉ cho dân Israel mà cho toàn thể nhân loại, con đường trở về với Thiên Chúa. Đức Giêsu, Đấng đã giáng sinh làm người là con đường dẫn đưa nhân loại đến miền đất hứa, là hạnh phúc đích thực của cuộc đời mỗi người, đó là gặp gỡ chính Chúa.
Thế nhưng, để có thể gặp được Chúa, thì chính mỗi người sẽ phải lên đường. Con đường cứu độ đã được mở ra và Gioan Tẩy giả muốn chúng ta chuẩn bị tâm hồn cho con đường tiến đến với Chúa bằng cách nhìn nhận tội lỗi, tỏ lòng sám hối và xin ơn tha thứ. Một khi đón nhận tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa với lòng biết ơn, người ta có khả năng để mở lòng ra với mọi người, sống hoà giải, tha thứ và yêu thương anh chị em.
Lát nữa đây, cả cộng đoàn phụng vụ chúng ta sẽ cử hành Thánh Thể, một bữa tiệc với lương thực thần thiêng, mà mỗi người chúng ta khi đón nhận là đón nhận chính Chúa. Ước chi Lời chúa và Thánh thể Chúa luôn nâng đỡ cuộc đời của mỗi chúng con trên hành trình trần thế đầy gian nan, vất vả này. Amen.