Mục Lục
Này con đây, thầy gọi con
(1Sm 3,5; Hr 10,9…)
1 Sm 3,1-10
Cậu bé Sa-mu-en phụng sự Đức Chúa, có ông Ê-li trông nom. Thời ấy, lời Đức Chúa thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra. Một ngày kia, ông Ê-li đang ngủ ở chỗ ông, mắt ông đã bắt đầu mờ, ông không còn thấy nữa. Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Đức Chúa gọi Sa-mu-en. Cậu thưa: “Dạ, con đây! “ Rồi chạy lại với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi.” Cậu bèn đi ngủ. Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần nữa. Sa-mu-en dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi.” Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Bấy giờ ông Ê-li hiểu là Đức Chúa gọi cậu bé. Ông Ê-li nói với Sa-mu-en: “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” Sa-mu-en về ngủ ở chỗ của mình. Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước: “Sa-mu-en! Sa-mu-en! “ Sa-mu-en thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.
1. Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy!
Trong cuộc sống, mỗi người đều có cơ hội tiếp xúc với những cái đẹp, dễ thương, hồn nhiên và thơ mộng. Những yếu tố mới mẻ ban đầu ấy, dù là đối với vật chất hay tinh thần đều đáng để cho chúng ta lưu tâm và trân quý. Yêu và được yêu là khát vọng sâu thẳm nhất của con tim, là nhu cầu chính đáng của con người; bất cứ ai sinh ra cũng muốn mình có được tình yêu trọn vẹn với một người nào đó. Và khi khát vọng ấy được thành tựu thì những cái tốt đẹp, thiện lành, niềm tin và sức sống trong ta hiện hữu, dâng trào. Có lẽ khoảng khắc sinh động đó là chất liệu ngọt ngào để xây dựng hạnh phúc lứa đôi, cho nên thi sĩ Thế Lữ mới thốt lên rằng:
“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”.
Nhà thơ khẳng định rằng, giây phút đẹp tuyệt vời ở buổi ban đầu ấy, có thể kéo dài đến cả ngàn năm cũng chẳng ai quên được. Với Anh Em chúng ta, những người đang khao khát dấn bước trong tình yêu và muốn được đắm chìm trong biển cả tình yêu của Thầy Giêsu, để có thể trở nên những “chuyên viên” của tình yêu, trở nên chứng nhân tình yêu, trở nên sứ giả của tình yêu giữa một thế giới thiếu vắng tình yêu hôm nay; thì “cái thuở ban đầu” của tiếng gọi tình yêu của chúng ta lại càng đẹp đẽ, lại càng lãng mạn, lại cao quý, ý nghĩa và linh thiêng hơn biết là chừng nào. “Cái thuở ban đầu ấy” của bạn, của tôi, và của chúng ta càng đáng phải lưu luyến, đáng phải trân trọng, và đáng phải gìn giữ biết bao! Bởi lẽ, nếu không có cái thuở ban đầu ấy, nếu không biết trân quý và gìn giữ thuở ban đầu ấy, làm sao ta có mặt nơi đây, trong ngày hôm nay, và làm sao ta có ngày mai với những dự phóng cho tương lai đầy hứa hẹn…
Vậy thì cái thuở ban đầu ấy là gì, nó được hình thành từ khi nào, và nó được phát xuất từ đâu?
Chắc hẵn mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau, nhưng theo suy nghĩ của anh, cái thuở ban đầu đó được phát xuất từ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, từ khi “chưa có trời cao, chưa có vầng trăng với ngàn sao…” ; từ khi chúng ta chưa được hiện hữu: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi…” Và cái thuở ban đầu ấy lại được hiện thực nơi mỗi chúng ta khi ta chào đời và được thánh hóa qua Bí tích Rửa tội; nó lại càng cụ thể hơn khi ta chập chững bước vào tìm hiểu ơn gọi Đa Minh, với lời gọi mời: “Hãy đến mà xem.”
Khi mới chập chững bước vào cổng Tu viện Thánh Vinh Sơn Liêm – Tam Hà, chắc hẳn Anh Em cũng chưa biết nhiều về dòng Đa Minh. Có lẽ, hồi đó Anh Em chưa biết rõ mình tìm thấy gì trong Dòng, nhưng cũng chỉ đáp lại lời mời gọi khi âm thầm, lặng lẽ, khi mãnh liệt vang dội. Rồi có những ước mơ Anh Em đã mong mỏi từ trước hay mãi khi gia nhập Thỉnh viện mới nẩy sinh, ước mơ tìm kiếm Thiên Chúa dấn thân phụng sự Chúa, phục vụ ơn cứu độ các linh hồn, để đem “Niềm vui Tin Mừng” đến với những người nghèo khó, tật bệnh, những người bị bỏ rơi trong xã hội.
Anh Em đã thấy gì từ thuở ban đầu ấy?
Anh Em thấy Dòng có nhiều Tu viện, Tu xá và cộng đoàn, hiện diện ở nhiều vị trí khác nhau, làm nhiều việc khác nhau: giáo sư, giáo sử, giáo xứ, bác ái, từ thiện, truyền thông… Dần dần Anh Em đã khám phá ra được các nét chung của Dòng. Trước hết, đó là những cộng đoàn cầu nguyện bằng việc cử hành phụng vụ chung, học hành và thi hành sứ vụ Tông đồ; đồng thời, Anh Em cũng đã thấy dòng là cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa và thực thi Thiên ý qua việc tuân giữ kỹ luật tu trì. Học hành cũng là một hình thức khổ chế, bên cạnh việc chuyên chăm học Thánh khoa. Dòng còn muốn chúng ta gặp gỡ, đối thoại với những người khác, để nắm bắt được những ưu tư của thời đại và tìm phương cách đáp ứng khát vọng của dân Chúa.
Lời Thánh Thi Kinh Sách Thứ sáu Tuần III sau đây, có lẽ cũng phần diễn tả được tâm tình băn khoăn thao thức của Anh Em khi đối diện với “những điều trông thấy” trong cái “Thuở ban đầu” ấy rằng:
Hồn con thổn thức băn khoăn,
Mỏi mòn trông Chúa viếng thăm cho tường:
Tay con tội ác còn vương,
Lệ sầu hối cải đoạn trường ăn năn.
Giê-su Chúa Cả từ nhân,
Hồn con cầu khẩn Ngài ban ân tình,
Thứ tha lầm lỗi muôn nghìn,
Tay con rửa sạch giữ gìn trắng trong.
Nguồn ơn thập tự máu hồng,
Nợ từ muôn kiếp trả xong một lần,
Này đây dân Chúa hân hoan,
Dâng lời vạn tuế khải hoàn âu ca.
Hiển vinh Thánh Tử dịu hòa
Ngàn năm thống trị cùng Cha trên trời,
Thánh Thần nguồn mạch an vui,
Ba Ngôi một Chúa đời đời uy linh.
Trước những Anh Em “trông thấy” trong cái thuở ban đầu ấy, có thể làm “chùng bước” trước tiếng gọi của Chúa, nhưng cũng có thể là những động lực thúc đẩy Anh Em hăng hái và can đảm tiếp bước cha anh. Những động lực đó giúp Anh Em xác tín hơn về ơn gọi của mình: Chính Chúa đã chọn gọi Anh Em.
2. Chính Thầy đã chọn anh em
“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn”
Đó là lời khẳng định của Chúa Giêsu với các môn đệ năm xưa, nhưng cũng là lời thân thương mà Chúa đang ngõ với chúng ta, với mỗi Anh Em hôm nay trong chính giờ phút này. Lời đó nhắc nhớ chúng ta ý thức sâu xa thân phận nhỏ bé, yếu đuối của mình, để khiêm tốn đáp trả và để tín thác vào tình yêu và lòng xót thương của Thiên Chúa. Chúng ta được chọn gọi là nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, chứ không do công trạng riêng của mình. Hơn ai hết, thánh Phaolô Tông đồ đã kinh nghiệm điều đó khi người nói: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.”
Chúng ta thường ngạc nhiên khi thấy những người có tài giỏi, đức độ mà Chúa không chọn, nhưng lại chọn những kẻ xem ra có vẻ kém cỏi hơn, ít thông minh hơn. Chúa không chọn theo tiêu chuẩn con người, nhưng theo tiêu chuẩn “những kẻ Người muốn.” Đó chính là sự huyền nhiệm của ơn gọi. Một khía cạnh khác cũng huyền nhiệm không kém, đó là ngoại trừ việc mười hai tông đồ được Chúa đích thân chọn, kể từ Matthia trở đi, Chúa chọn một con người qua trung gian Hội Thánh, cách cụ thể qua Bề trên hợp pháp.
Hôm nay trong huyền nhiệm ấy, Chúa cũng chọn gọi chúng ta dấn bước theo Người, để cuộc sống của ta mang lại những hoa trái bền vững. Thiên Chúa chọn gọi chúng ta qua trung gian Tỉnh dòng, qua cha Giám đốc và Ban đào tạo, qua các giai đoạn đào tạo. Cho đến nay, Anh Em đã được Thiên Chúa chọn gọi qua ít là hai lần thi tuyển đầu vào, một lần khảo hạch, phỏng vấn…Tất cả đều qua trung gian là Tỉnh dòng, cụ thể là qua các vị hữu trách hợp pháp.
Các môn đệ của Chúa năm xưa xuất phát từ nhiều môi trường khác nhau. Anh Em hôm nay cũng được chọn từ những vùng miền, văn hóa, trình độ khác nhau. Để trở thành người môn đệ của Chúa, mỗi chúng ta cần biết chấp nhận nhau dù khác biệt nhau để không còn xa lìa. Sống gần nhau và sống vì nhau, giúp nhau qua khổ đau.” Theo ngôn ngữ của thánh Phaolô thì, “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.”
3. Này con xin đến, để thực thi ý Chúa
Đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa không phải chỉ là một tiếng “vâng” vọng lại, mà còn là chấp nhận hệ lụy cả cuộc sống, là trái tim được dâng trao, là hiệp thông cả những ân phúc và đau khổ với Người. Công đồng Vaticanô II dạy rằng: “Đang khi còn là lữ hành trên mặt đất, bước theo vết chân Người trong đau thương và bách hại, chúng ta cùng thông hiệp với những đau khổ của Người như thân thể kết hợp với đầu. Hiệp thông với sự thương khó của Người để cùng được vinh hiển.”
Đáp lời xin vâng, cũng có nghĩa là bước theo Chúa Giêsu. Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã chia sẻ kinh nghiệm mười bốn bước theo Chúa Giêsu, đó cũng phải là những bước chân chập chững của chúng ta :
“Bước lang thang ra chuồng bò ở Bêlem, bước hồi hộp trên đường trốn sang Aicập, bước bồn chồn trở về Nagiarét, bước phấn khởi lên đền thánh với cha mẹ, bước vất vả suốt 30 năm lao động, bước yêu thương 3 năm rao giảng Tin mừng, bước thao thức tìm chiên lạc, bước xót xa vào Giêrusalem đầm đìa nước mắt, bước cô đơn ra trước tòa không người thân, bước ê chề vác thánh giá lên đồi tử nạn, bước thất bại chôn mồ kẻ khác, không tiền bạc, không manh áo, không bạn hữu, bước khải hoàn sống lại, hãy vững lòng Thầy đã thắng thế gian, bước khổng lồ đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng, bước liều mạng lăn xả vào thử thách, chấp nhận mọi hậu quả, vì Chúa đã dạy con liều mạng.”
Con đường Đức Giêsu đã đi, cũng sẽ là con đường của mỗi chúng ta, có lang thang, hồi hộp, bồn chồn; có phấn khởi, vất vả, yêu thương; có thao thức, xót xa, cô đơn; có ê chề, thất bại, liều mạng; nhưng tất cả đều là những bước khổng lồ hùng tráng, bước khải hoàn loan báo Vương Quốc Thiên Chúa hiện diện ngay giữa lòng trần gian. Quả thế, bước theo Đức Kitô là chúng định hướng đi cho đời mình một cách dứt khoát và quyết liệt, chứng tỏ mình đang thực hiện một cuộc trở về liên tục, vì khi khám phá ra những điều kiện, những yêu sách và những đòi hỏi khác nhau của việc theo Đức Kitô, anh chị em có cơ hội xác định lại mối tương giao giữa mình với Đấng mà mình đang bước theo, hầu kiện toàn tương quan ấy một cách bền vững hơn.
Mỗi chúng ta với tấm lòng khao khát dấn thân trong ơn gọi tu trì, hăng say nhiệt tình vì sứ vụ Giảng thuyết, với ngọn lửa tình yêu nồng cháy, chúng ta được mời gọi đáp lại tiếng Chúa, “ở lại với Chúa “, kín múc nguồn mạch ân sủng của Chúa. Đặc biệt trong Năm Tập này, để rồi mai ngày chúng ta được Chúa sai đi, sẵn sàng ra đi, lên đường với một tâm hồn tràn ngập Thần Khí và sức sống của Chúa, ra đi làm chiến sĩ rắc gieo niềm tin, loan báo Tin Mừng vì Nước Trời, can đảm và kiên trì ra đi làm nhân chứng cho một cuộc tình, một cuộc tình giữa Chúa Giêsu và hiền thê của Người là Giáo hội, ra đi loan báo cho họ biết con đường sự thật và sự sống vĩnh cửu. Đặc biệt, mỗi người hãy dám sống triệt để lời khuyên Tin Mừng, sống và làm chứng cho các giá trị Tin Mừng như: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” Nếu chúng ta sống các giá trị này theo gương Đức Kitô thì chúng ta sẽ mang một làn gió mới đến cho tất cả mọi người.
Để qua đó, như ngôn sứ Isaia, chúng ta mạnh mẽ thưa lên với Chúa rằng: “‘Dạ, con đây, xin sai con đi.’ , để như thánh vương Đa Vít, chúng ta hân hoan đáp lời rằng: cam ‘Này con xin đến!’ Và để như tác giả sách Hipri, chúng ta xác tín rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.’”
Như đã chia sẻ với Anh Em trong tâm tình suy niệm Chầu Thánh Thể hôm khai mạc tuần Tĩnh tâm, đáp lại lời mời gọi dấn bước theo Chúa, là đáp lại tiếng xin vâng, là chọn cho mình con đường thập giá và từ bỏ. Thật vậy, “Những ai hưởng ứng lời mời gọi nên trọn lành ấy, đều họa theo lối sống mà Chúa Giêsu và các Tông đồ để lại như kiểu mẫu, lối sống được định chế qua các thời đại, để đi đến cấu trúc hiện nay trong các Dòng.” Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã khẳng định rằng: “mọi ơn gọi đời sống thánh hiến đều bắt nguồn từ Thập Giá Chúa Kitô.”
Từ bỏ chính mình, vác thập giá mình là những từ rất quen thuộc và gần gũi đối với người Kitô hữu nói chung, cách riêng là với những người sống đời tu. Những từ đó nghe thì dễ, nhưng để thực hiện được những điều đo không phải là điều dễ dàng. Bởi lẽ, có sự dấn thân nào mà không phải trả giá, có chia cắt nào mà không xót xa, có từ bỏ nào mà không âu sầu luyến tiếc? Người môn đệ Chúa Kitô phải là người chấp nhận những sự trả giá đó.
Hành trình theo Chúa là hành trình thâp giá và “liều mạng” vì Thầy. Trải qua hơn hai ngàn năm nay, thập giá dù có được thăng hoa bởi những vần thơ, nốt nhạc êm đềm du dương đến mấy, thì thập giá vẫn là đau khổ, là cô đơn và thua thiệt. Thập giá đó, với sức nặng trĩu vai mà phải vác đi trên con đường từ bỏ, hy sinh, nhiều thác ghềnh, lắm chông gai thì quả là khó khăn vất vả biết bao.
Sức nặng thập giá dường như gia tăng hơn trong thời đại thực dụng và hương thụ của thế giới ngày hôm nay; khi mà con người chạy theo những dục vọng đam mê, tiền tài danh vọng, thì người môn đệ Chúa Kitô phải từ khước tất cả để chỉ “chọn những gì đời bỏ và bỏ những gì đời chọn”.
Thập giá thực sự là thập giá khi phải đối diện với bao tổ am hạnh phúc của những cặp uyên ương mà người “môn đệ Đức Kitô” lại một mình đơn chiếc, với lời cam kết sống đời độc thân khiết tịnh vì Nước Trời. Thế đó, thập giá chính là cái giá mà người “môn đệ Đức Kitô” đánh đổi khi phải chọn lựa giữa những thực tại trần thế, và khước từ những gì cản trở trên nẻo đường theo Chúa.
Thập giá đó chính là việc chúng con tập sống đời sa mạc, sống đời sống cộng đoàn; tuân giữ kỹ luật; học hành và cử hành phụng vụ…
Là những người đang khao khát đáp lại tiếng Chúa, Anh em chúng con được gọi mời bước đi trên con đường “từ bỏ” ấy, vì không có con đường nào khác dẫn tới vinh quang Thiên Chúa, ngoài con đường Thập giá. Ở đâu và bất cứ thời đại nào, ơn gọi tận hiến vẫn bao hàm một đòi hỏi bỏ chính mình, vác thập giá mình như thế. Người môn đệ Chúa Kitô được mơi gọi hiến trọn cuộc đời cho Thiên Chúa với sứ mạng là phục vụ giữa dòng đời: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.” Dòng đời thật lắm phong nhiêu. Trong dòng đời có nhiều hoa thơm trái mọng, cũng không ít khổ đau và nước mắt. Dòng đời đó vẫn luôn cuồn cuộn những trào lưu hưởng thụ với những gọi mời của vật chất, những cám dỗ ngọt ngào của thú vui trần tục… Một dòng đời như thế thì bước đi của người môn đệ trên “lộ trình từ bỏ” quả là một thách đố lớn. Không phải dễ dàng chút nào khi mà người môn đệ Chúa Kitô phải là người “yêu thương hết mọi người, nhưng trái tim lại không thuộc riêng về một ai”.
Đối diện với những hoa thơm trái ngọt đong đưa gọi mời bên đường đi, rất dễ làm cho người môn đệ có cảm tưởng như mình đang thiếu thốn điều gì đó hay có cảm tưởng như mình đang lạc lõng giữa dòng đời hôm nay. Lúc đó, sự từ bỏ và hành trình thập giá dầu có được thánh thiêng hóa đến đâu đi nữa thì vẫn không tránh được nỗi cô đơn và đau khổ.
Thế đó, hành trình theo Chúa là hành trình chấp nhận những thử thách trong đời sống thường ngày. Những thử thách đó đến từ nhiều phía, có khi từ chính nội tại và cũng có khi đến từ ngoại cảnh. Đối diện với những thử thách và thập giá trong đời tu, có lẽ chúng ta cũng cảm thấy sợ hãi và lo lắng, vì thân phận yếu đuối mỏng dòn của chúng ta. Nhưng Anh Em đừng sợ, lời ủi an của Thầy Giêsu năm xưa quả quyết với thánh Phaolô, cũng là lời khích lệ đỡ nâng Anh Em hôm nay:”Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Điều quan trọng là Anh Em có dám tin vào sức mạnh và lòng thương xót của Chúa hay không?!
Lời kết
Xin mượn một bài thơ mang tựa đề: “Chiếc bị” để kết thúc cho tâm tình chia sẻ trong ngày hôm nay:
Bạn đã ghé qua nhà tôi
Và bảo tôi cùng đi với bạn
Bạn đã ghé qua nhà tôi
Lúc tôi mải xem sách
Hay bận tính sổ cũng không biết nữa
Điều tôi biết ấy chính là bạn
Chính bạn đã ngang qua
Thế rồi tôi đứng lên
Tôi đã nhét hết tất cả những gì tôi có cho đầy chật bị
Tôi cùng bạn ra đi
Và bạn
Bạn chẳng có chi
Một ngày một đêm đôi ta rảo bước
Bạn đàng trước, tôi đàng sau… lóc ca lóc cóc,
Hôm sau tôi mở bị
Bỏ lại gói quần áo
Và bạn
Bạn chẳng có chi
Một ngày một đêm hai ta rảo bước
Bạn đàng trước, tôi đàng sau… lóc ca lóc cóc
Buổi sáng tôi bỏ bên vệ đường
Cuốn sách và cả ống sáo sậu
Bạn
Bạn chẳng bảo gì.
Đến trưa tôi mất tấm ảnh mẹ tôi ngày đi lấy chồng
Bạn đàng trước tôi đàng sau… lóc ca lóc cóc
Lúc ánh chiều tà đang lịm tắt
Tôi quẳng luôn chiếc bị
Thế rồi bạn ngừng bước và… bảo tôi
Trong một nụ cười, ta đã đến nơi rồi!
Ts. Phêrô Võ Tá Đương, O.P.