Mục Lục
Sao Chúa lại gọi con
(Xc. St 12, 1-6; Gr 1, 1-6; 1Sm 3, 1-10…)
Lời Chúa: St 12, 1-5
ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi.2 Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.
3 Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.”
4 Ông Áp-ram ra đi, như ĐỨC CHÚA đã phán với ông. Ông Áp-ram được bảy mươi lăm tuổi khi ông rời Kha-ran.5 Ông Áp-ram đem theo vợ là bà Xa-rai, cháu là ông Lót, và mọi tài sản họ đã gầy dựng được, cùng với gia nhân họ đã có tại Kha-ran. Họ ra đi về phía đất Ca-na-an và đã tới đất đó.
Chia sẻ
Thiên Chúa cần một người cha cho dân mình; Người chọn một cụ già.
Thế là Abraham đứng lên…
Thiên Chúa cần một người phát ngôn; Người chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật nói ngọng.
Thế là Môsê đứng lên…
Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân của mình; Người chọn một cậu thanh niên nhỏ nhất, yếu nhất trong gia đình ông Gie-sê.
Thế là Đavit đứng lên…
Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo hội; Người chọn một anh chối đạo.
Thế là Phêrô đứng lên…
Thiên Chúa cần một gương mặt để diễn tả tình yêu cho nhân loại; Người chọn một từng bị quỷ ám.
Đó là Maria Mađalêna.
Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô lên sứ điệp của Người; Người chọn một kẻ chuyên bắt đạo.
Đó là Phaolô gốc thành Tác-xô.
Thiên Chúa cần một ai đó để quy tụ Dân và đi đến với những người khác; Người đã chọn bạn, dù bạn run sợ.
Lẽ nào bạn không đứng lên !?
Đặc biệt, hôm nay Thiên Chúa cần những người trẻ, để tiếp bước Thánh phụ Đa Minh và các cha anh tiền bối trong dòng Anh Em Giảng thuyết, để “nói với Chúa và nói về Chúa” cho con người thời đại; Người đã chọn bạn và tôi.
Thế là chúng ta hiện diện nơi đây, trong tòa nhà của Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam này. Thiên Chúa, Giáo hội và Dòng đang kỳ vọng nơi chúng ta. Tương lai của Giáo hội và của Dòng đang được đặt để trong tay Anh Em. Đó là niềm tự hào, nhưng cũng là trọng trách đối với Anh Em. Mặc dầu còn nhiều thách đố, nhưng Anh Em hãy can đảm, đón nhận nó với tình yêu và trách nhiệm. Đừng sợ! Bởi lẽ, “Ta ở với người để giải thoát ngươi” (Gr 1,8).
Trở lại với chuỗi dài của những tiếng gọi trong suốt dòng lịch sử Giáo hội, ta dễ dàng nhận ra rằng, ơn gọi là một huyền nhiệm. Đó là một mầu nhiệm của tình yêu và lòng thương xót Thiên Chúa ban tặng cho con người (Xc. Mc 3,13). Mặc dầu được chọn, gọi theo những cách thế khác nhau, nhưng dường như tất cả đều có chung một mẫu số đó là sự ngỡ ngàng trước tiếng gọi của Chúa, bởi lẽ, khi đó tất cả đang đứng trước ngưỡng cửa vào đời, đang có những hoài bảo cho cuộc đời, đang tìm định hướng cho tương lai, đang chuẩn bị cho riêng mình một kế hoạch, một chương trình. Nói theo nhạc sĩ Đức Huy thì, họ đang đi tìm cho mình một con đường, một lối đi để dấn bước vào đời.
1. Tìm một con đường, tìm một lối đi
Tìm một con đường, tìm một lối đi,
ngày qua ngày, đời nhiều vấn nghi,
lạc loài niềm tin, sống không ngày mai,
sống quen không ai cần ai, cứ vui… cho trọn hôm nay…[1]
Anh Em thân mến,
Đó là những ca từ quen thuộc trong một bài hát rất nổi tiếng của nhạc sĩ Đức Huy, nói lên nỗi trăn trở và thao thức của những con người đang tìm hướng đi cho đời mình, mong đạt đến niềm an vui hạnh phúc. Ít nhiều chúng ta cũng đồng cảm với nhạc sĩ trong hành trình kiếm tìm chân lý. Để thấu hiểu thêm về những thao thức kiếm tìm cũng như sự huyền nhiệm của ơn gọi, chúng ta cùng “bước lên con tàu thời gian”, ngược về quá khứ của lịch sử cứu độ, qua các thời đại.
Thưa Anh Em,
Lịch sử cứu độ là một thiên tình sử, nơi đó những tiếng gọi phát xuất từ Thiên Chúa đã trở nên nhiệm mầu mà con người bao thế hệ vẫn không tài nào lý giải được. Mỗi tiếng gọi, mỗi ơn gọi là một sự thể hiện cụ thể của tình yêu huyền nhiệm của Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng đã “bước vào” lịch sử nhân loại và miệt mài tìm kiếm con người, không gì khác hơn là để yêu thương, trao ban chính mình. Lịch sử cứu độ là ân ban nhưng không, lạ lùng và vô biên của Thiên Chúa. Người chưa bao giờ bỏ cuộc trước sự chìm nổi, thất thường của con người (Xc. St 3, 1 -15). Bằng sáng kiến tự do, Thiên Chúa lại kêu mời những con người từ trong nhân loại chìm nổi ấy cộng tác vào chương trình cứu độ tình yêu của Người. Đây chính là chủ đề nổi bật trong lịch sử cứu độ.
Quả vậy, nổi bật nhất trong Cựu Ước không phải là ‘cứu độ’ mà là “tuyển chọn”. Hạn từ “tuyển chọn” diễn tả tính ưu việt và tuyệt đối của ân ban, nó là phạm trù đầu tiên diễn tả về ơn cứu độ. Trong Tân Ước, việc tuyển chọn, hay nói cách khác, là lời mời gọi của Thiên Chúa ngang qua Thầy Giêsu lại càng huyền nhiệm và diệu vời hơn nữa. Chẳng hạn: “Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: ‘Anh hãy theo tôi’.” (Mt 9, 9) Hoặc: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19, 5) … Chính những người được mời gọi, những kẻ được tuyển chọn cũng rất ngỡ ngàng sự kỳ diệu đó, đến độ có vị đã phải thốt kêu lên rằng, “Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!” (Gr 1, 6). Con là ai mà dám lãnh nhận sứ vụ cao cả đó… (Xc. Xh 3, 11).
Theo lẽ thường, khi chọn một ai để trao cho người đó một nhiệm vụ quan trọng, người ta thường dựa vào các tiêu chí quen thuộc. Hẳn con người này phải giỏi giang, thông minh, nhiều tài năng nhất trong số những kẻ được chọn. Tuy nhiên, đó lại không phải là cách chọn lựa của Chúa! Thiên Chúa có cách của Người, mà con người không thấu hiểu được, đôi khi chính đương sự cũng không khỏi ngạc nhiên về hành trình ơn gọi của mình.
Ngược thời gian trở về những ngày đầu của buổi bình minh trong lịch sử cứu độ, chúng ta sẽ thấu hiểu điều đó. Ông Ápraham, một người giàu có, đang định hướng tương lai cho cuộc đời mình, bỗng nhiên Chúa gọi ông, hãy rời bỏ xứ sở họ hàng và nhà cha ngươi, để ra đi, đến một nơi xa lạ. Mặc dù rất ngạc nhiên, nhưng ông đã ra đi theo tiếng gọi đó. Thánh Kinh ghi lại rằng, ông ra đi mà không biết mình đi đâu (Xc. Hr 11, 8).
Tương tự như thế, thanh niên Giêrêmia đang tuổi xuân mơn mởn với nhiều dự định và đang ấp ủ nhiều ước mơ của riêng mình, Chúa đã gọi anh làm ngôn sứ cho Người (Xc. Gr 1, 5).
Chúa đã gọi ông Phêrô, Anrê và Gioan, Giacôbê trên bở biển, đang thả lưới (Xc. Mt 4, 18- 22; Mc 1,16 -20; Lc 5,1-1); trong khi đó ông Matthêu thì được Chúa gọi đang khi ông thực hiện công việc tại phòng thuế vụ (Xc. Mt 9, 9), còn ông Batôlômêô (Na-tha-na-en) lại được gọi ở dưới gốc cây vả (Xc. Ga 1,45-49),…
Như vậy, Chúa gọi mỗi người một cách khác nhau có người từ tuổi ấu thơ, có những người đã đến tuổi trưởng thành. Có những ước mơ, hoài bão được ươm trồng từ hình ảnh đẹp đẽ, thanh thoát thánh thiện của một cha, một thầy Dòng, mà họ đã được gặp gỡ, tiếp xúc, hay từ cảm xúc khi được đọc một cuốn sách đạo đức nói về ơn gọi tu sĩ, linh mục, hoặc khi nghe các cha Đa Minh giảng lễ,… Cũng có thể Chúa gọi ta qua sự hỏi han ân cần của cha xứ, một người thân hay một anh em Đa Minh nào nào đó.
Và như thế, băn khoăn, trăn trở trong việc “tìm một con đường, tìm một lối đi” của chúng ta, của bản thân Anh Em đã được hóa giải phần nào đó khi Chúa cất tiếng gọi mời Anh Em dấn bước theo Người trong ơn gọi Đa Minh mà hôm nay Anh Em đang từng bước đáp lại tiếng gọi đó.
2. Chúa cất tiếng gọi con
“Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi.” (St 12, 1-2).
Đó là những lời đầu tiên và nhẹ nhàng mà Thiên Chúa đã ngỏ với ông Apraham, một người đã luống tuổi. Từ một con người vô danh ở một thị tộc vô danh, ông đã trở nên một bất hủ, khai mở một giai đoạn mới trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Quyết định ra đi của ông đã làm lịch sử sang trang và chương trình cứu độ đã khởi sự. Điều gì nổi bật nơi con người vô danh ấy để được Thiên Chúa chọn và để ông có thể đảm nhận vai trò lớn lao cho vĩ nghiệp của Người mai này? Và, làm sao con người lại có thể là đối tác, là cộng tác viên của Thiên Chúa được? Thánh Kinh đã không cho ta câu trả lời thỏa đáng bởi đã chẳng mô tả nét gì đặc sắc về ông: một người du mục, một gia đình son sẻ và đã cao niên.
Như thế, để có câu trả lời đầy đủ nhất, ta phải nại đến khái niệm ‘mầu nhiệm’. Vâng, ơn gọi của ông Abraham là một mầu nhiệm, một huyền nhiệm phát xuất từ Thiên Chúa, hoàn toàn do sáng kiến và ý định tự do của Người, một ý định khôn dò khôn thấu và không ai theo dõi được (Xc. Rm 11,33). Một tiếng gọi bất ngờ và lạ lùng nhưng không hề ngẫu nhiên và nhầm lẫn. Ông Abraham hoàn toàn phó thác cuộc đời cho sáng kiến tự do và quyền năng của Thiên Chúa. Người đã chọn ông và dẫn đưa ông đến vùng đất không hề biết. (Xc. Hr 11,8.)
Đây thực sự là sáng kiến của tình yêu. Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã tỏ ra rất thân mật và quảng đại đối với ông, những lời hứa của Người vẽ nên một tương lai sáng ngời. Thế nhưng, thực tại trước mắt có vẻ trái ngược với những viễn cảnh ấy. Trước mặt ông chưa có gì là chắc chắn, tương lai của ông phụ thuộc hoàn toàn vào quyền năng và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Như thế, từ đây Thiên Chúa bắt đầu “bước vào” cuộc đời ông, nhẹ nhàng mời gọi ông bước vào hành trình mới, hành trình đức tin.
Khởi đi từ tiếng gọi đầu tiên mà Thiên Chúa đã ngõ với ông Apraham, rồi đến các nhân vật nổi bật trong Thánh Kinh, đến các ngôn sứ, các Tông đồ, và các môn đệ Chúa Kitô trong suốt hơn hai ngàn năm qua, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, ơn gọi là một huyền nhiệm cao siêu, lạ lùng mà không ai có thể tự tạo nên hay có thể đòi hỏi, mua bán hay đổi chác. Có lẽ không cần phải nói đâu xa xôi, sự huyền nhiệm của ơn gọi cũng được thể hiện một cách rõ nét trong chính cuộc đời của mỗi Anh Em chúng ta, trong lớp chúng ta…
Thưa Anh Em,
Nếu ai đó hỏi : “Tại sao anh đi tu ?” Anh Em sẽ trả lời thế nào?
Một câu hỏi đơn giản và cũng rất khó trả lời, hoặc chỉ trả lời bằng lý thuyết. Con đường chúng ta đến với ơn gọi, mỗi người mỗi khác, mỗi khởi điểm, mỗi động lực khác nhau. Có động lực tốt, có động lực cần phải được thanh lọc. Nôm na, mọi người hiểu rằng chúng ta đi tu. Đi tu là chúng ta đáp lại tiếng Chúa gọi mời, dấn bước theo Chúa Kitô trong đời sống Thánh hiến.[2] Trên hành hành trình ấy, chúng ta cần hoàn thiện mỗi ngày, cần thay đổi nhiều; hoàn thiện trong từng mối tương quan, thay đổi từ cái nhìn nếp nghĩ, vươn lên khỏi cái nhìn chật chội hẹp hòi, đón nhận những buồn vui, chan hoà và trân trọng cuộc sống… Có thể mượn lời thơ Tagore để gơi gắm tâm tình của chúng ta:
“Thượng Đế, đây lời tôi cầu nguyện
Xin tận diệt, tận diệt trong tôi mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
đe đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giơ khinh rẻ người nghèo khổ
hay cúi đầu khuất phục ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn lên khỏi ty tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Ngài muốn”.
(R. Tagore, Lời dâng 36)
Lời kết của khổ thơ này, có thể lấy làm khởi đầu và đích điểm cho ơn gọi của chúng ta: Đáp lại tiếng Chúa gọi mời, dâng hiến bản thân để phụng sự Chúa và phục vụ ơn cứu độ các linh hồn, theo linh đạo và đặc sủng của dòng Anh Em Giảng thuyết mà chúng ta đang khao khát dấn thân. Xin cho ý Chúa được thể hiện trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Để trong mọi giây phút của cuộc đời, chúng ta luôn cảm nếm được tình yêu ngọt ngào mà Chúa dành cho ta, khi cất tiếng gọi mời ta, để ta quảng đại đáp lại tiếng Chúa, can đảm dấn bước theo Người trên nẻo đường dâng hiến. Nhờ đó, chúng ta và con tim đã vui trở lại.
3. Và con tim đã vui trở lại
Một văn hào nổi tiếng người Đức, đã từng là một đảng viên ưu tú, quãng thời gian cuối đời, trong một lá thư viết cho người con gái thân yêu nhân ngày nhập tu, ông thốt lên: “Hỡi con, người chịu treo trên thập giá kia, Ngài có sức gì để thu hút, chinh phục con người đến thế ?”
Rồi ông tiếp:
“Con thân yêu, thật sự cho đến nay, cha vẫn chưa thể hiểu được con người Giêsu, con người mà con đã không chút do dự bỏ lại sau lưng tình yêu tương lai hứa hẹn, những người thân yêu để vui sướng ẩn mình trong một nếp sống lặng lẽ gian khổ ấy. Cha chưa khám phá ra hết vẻ đẹp, kho tàng huyền bí nơi Ngài, nhưng Cha chắc rằng điều này: Con đã tìm thấy hạnh phúc không lừa dối, một tương lai tươi sáng và một mối thân tình thắm thiết bền vững nơi Đức Giêsu.
Con thân yêu, cũng như cha suốt đời không bao giờ quản ngại bất cứ hi sinh nào để phụng sự lý tưởng hiến dâng cho tổ quốc, thì ngày con nhận lãnh tu phục, bắt đầu một cuộc sống mới, cuộc sống dâng hiến cho Thiên Chúa, cha cũng không mong gì hơn là khuyên con vì lý tưởng cao cả con đã chọn lựa hãy đem hết sức lực khả năng, tình yêu trọn vẹn mà phục sự Chúa. Thế mới xứng đáng là con người: Khó khăn không lùi bước, gian nguy không nản lòng. Cha vui và hạnh phúc thực sự trên con đường tận hiến cho Giêsu, bằng cả tuổi đời thanh xuân và tươi sáng của con”
Anh Em thân mến!
Thiên Chúa, người cha nhân hậu vẫn hằng lắng nghe và đón nhận tâm tình hiến dâng của chúng ta. Cũng như người cha trong lá thư đó, bên cạnh các em cũng có bao nhiêu người thân yêu, bằng tình thương, bằng lời cầu nguyện và những hi sinh vô vị lợi, cũng trao cho chúng ta những ước mong như thế!
Ước gì trong Năm Tập này Anh Em gặp được Đấng lòng mình yêu mến, xác tín về ơn gọi của mình và can đảm dấn bước theo Thầy Giêsu trong hành trình dâng hiến, trở thành môn đệ tín trung của Thầy Chí Thánh, trở thành người Anh Em Giảng thuyết đích thực, như “những con người của Tin Mừng”, để tâm hồn Anh Em đong đầy yêu thương, ngập tràn niềm vui khi tìm ra “con đường”, tìm ra “lối đi” vào đời. Một khi đã tìm và gặp được điều tìm kiếm, chúng ta sẽ cùng với người nghệ sĩ “trẻ mãi không già” tên là Đức Huy, hát những câu ca đầy những tiếng “Yêu” ngọt ngào:
“Và con tim đã vui trở lại,
tình yêu đến cho tôi ngày mai.
tình yêu chiếu ánh sáng vào đời,
tôi hy vọng đuợc ơn cứu rỗi.
Và con tim đã vui trở lại.
và niềm tin đã dâng về người,
trọn tâm hồn, nguyện yêu mãi,
riêng người mà thôi…”
Thay lời kết
Đọc lại lịch sử cứu độ cũng như hạnh tích các vị thánh trong Giáo hội, qua các thời đại, trong suốt dòng thời gian lịch sử, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự huyền nhiệm và diệu kỳ của ơn gọi mà Thiên Chúa đặt để trong tâm hồn những người mà Người muốn chọn gọi, để trao cho họ một sứ mệnh cộng tác vào chương trình cứu độ của Người. Lịch sử cứu độ được khởi đi từ lịch sử dân tộc Israel, khi Chúa chọn gọi dân tộc này làm dân riêng của Chúa. Thế nên lịch sử dân tộc Israel là lịch sử thánh, lịch sử đó là lịch sử cứu độ. Và hôm nay lịch sử cứu đó đang được tiếp diễn nơi mỗi chúng ta. Chính mỗi anh em chúng ta đã và đang đóng góp phần mình để viết nên trang sử của lịch sử cứu độ.
Như các nhân vật có tên tuổi lẫy lừng trong Thánh Kinh cũng như trong hạnh tích các thánh, mặc dầu đời sống chúng ta vẫn cứ âm thầm lặng lẽ, ít ai biết đến, nhưng ơn gọi của mỗi chúng ta cũng rất huyền nhiệm, cũng rất kỳ diệu và đặc biệt, mà chỉ Thiên Chúa và bản thân chúng ta mới thấu hiểu và cảm nhận được. Bởi lẽ, Thiên Chúa chọn gọi mỗi người theo một cách thế riêng, không mấy ai giống ai. Ơn gọi đó cũng phát xuất từ những động lực khác nhau. Có thể có những động lực ban đầu “không mấy” tích cực. Chẳng hạn, có người đi tu vì chiếc áo chùng thâm quá đỗi thánh thiện, có người thích đi tu dòng Đa Minh vì được “ăn trơn, mặc trắng”, bởi vì bộ tu phục Đa Minh trắng tinh, người mặc tu phục Đa Minh trông giống như những thiên thần; cũng có bạn trẻ, trong số người anh em chúng ta đang ngồi đây, bởi nghe được những bài giảng lễ của các cha Đa Minh hay hay, rồi xin vào tu Đa Minh; có anh em thấy các cha các thầy Đa Minh đá bóng hay, hát hay, nên xin vào tu Đa Minh, ….
Thế đó, động lực ban đầu có thể không mấy tích cực, nhưng chính những động lực đó đã thôi thúc chúng ta tìm đến đời tu. Ngang qua những động lực đó, trải qua năm tháng được thanh luyện trong các giai đoạn đào tạo, Thiên Chúa sẽ thanh lọc, biến đổi, làm cho chúng ta thấu hiểu hơn về mục đích của đời sống tu trì và xác tín hơn về ơn gọi của mình. Bởi lẽ, “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm 8, 28- 29). Theo kiểu nói của Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận thì, “Thiên Chúa vẽ đường thẳng bằng những đường cong.”
“Thiên Chúa là tình yêu.”(1Ga 4,8) Đọc lại lịch sử cứu độ, cách riêng trên phạm trù “tuyển chọn”, ta nhận thấy tình yêu đó thật nhiệm mầu. Ơn gọi là một huyền nhiệm, là một ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo Hội qua trung gian của Thánh Thần, một quà tặng lớn lao và nhưng không của Thiên Chúa dành cho con người.[3] Trong ơn gọi, Người luôn đi bước trước và chờ đợi con người đón nhận và đáp trả. Sự thành toàn của ơn gọi hệ tại ở cả hai: Thiên Chúa và con người.
Mỗi chúng ta, được mời gọi theo gương các “nhân vật” nổi bật trong Thánh Kinh, cũng như các bậc tiền bối của chúng ta, vâng phục và lên đường với tất cả sự tín thác vào Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã mời gọi chúng ta bằng tình yêu và cho chúng ta cộng tác vào chương trình cứu độ của Người.
Không ai trong chúng ta được sinh ra trong tình trạng trưởng thành nhưng là tình trạng ấu thơ, rồi theo năm tháng cùng với những ‘nếp nhăn’ thậm chí là ‘bầm dập’ của sự cố gắng và nổ lực, ta được lớn lên. Hành trình dấn bước theo Chúa Kitô, trở thành môn đệ đích thực và nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” (Rm 8, 29) cũng vậy, không phải ngẫu nhiên, không chỉ một sớm một chiều, nhưng là cả một tiến trình phấn đấu không ngưng nghỉ. Nhờ đó, ta mới có thể đáp trả, sống trọn ơn gọi của mình, vì lẽ “đời sống tu trì, chức linh mục là một ơn gọi, chứ không là một nghề nghiệp, một tái xác định chứ không chỉ là một thừa tác vụ mới, một lối sống chứ không phải một công việc, một tình trạng về bản chất chứ không phải một chức năng, một sự dấn thân vĩnh viễn chứ không phải một kiểu phục vụ tạm thời.”[4]
Ước mong sao, trong suốt tuần Tĩnh tâm này, Anh Em cảm nhận được tình yêu và lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho Anh Em khi chọn, gọi Anh Em bước theo Người trong hành trình dâng hiến, để Anh Em quảng đại đáp lại tiếng Chúa, chuẩn bị tâm hồn thật chu đáo để bước vào năm Tập thật sốt sắng, hầu mang lại nhiều thành quả tốt lành trong đời sống Thánh hiến.
Ts. Phêrô Võ Tá Đương, O.P.
[1] Đức Huy, Và con tim đã vui trở lại.
[2] Xc. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Vita Consecrata -Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 14.
[3] Xc. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Vita Consecrata -Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 01.
[4] Timothy M. Dolan, Linh mục cho ngàn năm thứ ba, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr.34.