Có thể nói, nghịch cảnh cuộc đời Mác-ti-nô là con đường giúp thầy khám phá ra sức mạnh từ tình yêu Thiên Chúa. Đó là tình yêu của Đấng đã dùng chính thập giá để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Nhờ sức mạnh ấy, thầy Mác-ti-nô đã noi gương Đức Giê-su khát khao dâng hiến cho Tin Mừng là không ngừng mở lòng ra trước Thiên Chúa và bác ái với tha nhân. Chính trong sự khát khao hiến dâng ấy mà cuộc đời của thầy Mác-ti-nô được ví như “hạt cát”, được “con trai” là chính Thiên Chúa nuốt vào; để rồi trong ân sủng của Thiên Chúa cộng với sự tự do đáp trả của thầy, đã làm nên “viên ngọc trai” quý giá trao tặng cho nhân loại. Quả thật, nơi Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu, thầy Mác-ti-nô đã kín múc được sức mạnh để sống bài học khiêm tốn và yêu thương. Nhờ những bài học từ thập giá Đức Giê-su, thầy đã can đảm sống chứng tá Tin Mừng tình yêu giữa một thế giới còn nhiều bất công, thù hận và tội lỗi. Đây là bài học quý giá và thiết thực về sự khát khao dâng hiến: đáp trả trước tiếng gọi của Thiên Chúa và đáp ứng những nhu cầu của anh chị em đồng loại. Trong đó, điều răn yêu thương trở thành điều căn cốt nhất, làm cho một con người tầm thường có thể trở thành một vị thánh.
Sự Đáp Trả Cho Lời Mời Gọi: “Hãy Học Cùng Tôi”
Bài học đầu tiên mà thầy Mác-ti-nô học được nơi Đức Giê-su là bài học khiêm nhường và hiền hậu (Mt 11,29). Bài học đó được thầy cảm nghiệm qua lời nói và qua cách sống của Đức Giê-su. Đức Giê-su hiền lành và khiêm tốn, hằng chạnh lòng thương với hết thảy mọi người không trừ một ai. Tất cả đều được lòng nhân từ và bao dung của Người thương mến. Hơn nữa, nơi Đức Giê-su, thầy Mác-ti-nô không chỉ muốn học những cách thức hoàn thiện bản thân, mà còn khao khát để được nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5,48). Sự hoàn thiện này không nhằm tìm tư lợi cho bản thân nhưng luôn hướng đến việc sống bác ái với tha nhân.
Bài học kế tiếp thầy Mác-ti-nô học nơi Đức Giê-su là bài học về sự tha thứ và yêu thương. Nhìn vào cuộc đời Đức Giê-su, Người sẵn sàng đã tha thứ cho tất cả những ai chạy đến với Người trong sự sám hối chân thành. Quả thật, sự tha thứ của Đức Giê-su, không phải là sự tha thứ suông, nhưng là yêu thương người khác như chính mình, và sẵn sàng cầu nguyện cho kẻ làm hại mình nữa (Mt 5,44). Điểm độc đáo trong đức ái nơi thầy Mác-ti-nô là luôn tôn trọng và quan tâm tới mọi người, đặc biệt những người nghèo, bất hạnh, bị bỏ rơi. Thầy trở nên như bạn đồng hành đối với họ. Thầy cũng giúp họ tìm lại giá trị đích thực của mình là con cái Thiên Chúa. Bằng cách ấy, thầy giúp họ mở ra một chân trời mới: chân trời tự do và yêu thương.
Bài học tiếp theo mà thánh Mác-ti-nô đã kín múc được nơi Đức Giê-su chịu đóng đinh là bài học cầu nguyện. Để có thể tha thứ cho kẻ khác, yêu thương người làm hại mình hay biết tôn trọng người nghèo, cần phải dựa trên sự cầu nguyện không ngừng. Cầu nguyện không chỉ giúp thầy vượt thắng cám dỗ, thực hành bác ái, mà còn là cách thức giúp thầy luôn sống trong tình thương yêu của Chúa Cha. Thật vậy, trong cuộc đời công khai loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su luôn ưu tiên cho sứ vụ rao giảng Nước Trời và chuyên cần cầu nguyện. Trước khi thực hiện một phép lạ hay trước những vấn đề quan trọng, Đức Giê-su luôn cầu nguyện với Chúa Cha để mọi việc Người làm được đẹp lòng Cha. Có thể nói, cuộc đời thầy Mác-ti-nô là một chuỗi đan kết những lời cầu nguyện không ngừng. Có lúc thầy cầu nguyện với Chúa Giê-su Thánh Thể, cầu nguyện qua suy niệm mầu nhiệm Mân Côi, cầu nguyện dưới chân thập giá, cầu nguyện âm thầm… nhưng cũng không thiếu những lần thầy ca ngợi Thiên Chúa bằng chính những hy sinh hãm mình, khổ chế và trong khi làm việc bác ái nữa. Ai tiếp xúc với thầy đều bị đánh động bởi sự thánh thiện và chiều sâu nội tâm của thầy. Bởi vì thầy bám chặt vào Thiên Chúa, để từ nơi Chúa, thầy đón lấy sự sống đích thực cho mình và cho tha nhân.
Noi gương Đức Giê-su, thầy Mác-ti-nô can đảm sống tinh thần vâng phục nơi cộng đoàn. Thầy đón nhận ý của cộng đoàn với niềm vui và sự quảng đại. Thầy không từ chối, hay tỏ vẻ ngần ngại về bất cứ một công việc nào khi được bề trên giao phó. Chính thái độ sẵn sàng lắng nghe và tinh thần cởi mở đối thoại đã làm cho cộng đoàn rất yêu mến và kính trọng thầy.
Lời Gọi Đáp Ứng Những Nhu Cầu Của Con Người
Thầy Mác-ti-nô sống trong một xã hội phân hóa giàu nghèo khá rõ rệt. Đối với những người nghèo trong vùng, thầy làm việc với lòng bác ái và quảng đại lớn lao. Được giao công tác phân phát lương thực, quần áo, thuốc men đến cho người nghèo ở trong vùng, thầy Mác-ti-nô hăng say làm việc. Dường như những con đường lớn nhỏ ở thành phố Li-ma đều trở nên thân thuộc với bước chân của thầy. Không chỉ làm công việc đơn thuần là phân phát “bánh nuôi thân”; mà hơn thế, thầy còn đụng chạm đến nỗi đau của từng người và giúp vực họ dậy. Thầy đem cho họ “bánh thiêng liêng” của Thiên Chúa là Lời Chúa, sự bình an, sự đồng cảm và một tình yêu vô điều kiện. Sự dấn thân phục vụ vì lòng mến của thầy khiến nhiều người khâm phục và đã quay trở lại cùng Thiên Chúa. Thật đúng như tên gọi mà mọi người ở Li-ma vẫn quen gọi thầy “Mác-ti-nô tình thương”.
Đối với những người đau ốm, bệnh tật, thầy chữa lành cho họ không chỉ nhờ thuốc thang, nhưng trên hết là nhờ lời cầu nguyện. Nhờ những giọt nước mắt trong đêm khi cầu nguyện cho mọi người, và nhờ những hy sinh trong đời sống hằng ngày, Thiên Chúa đã thương chấp nhận mà ban xuống muôn hồng ân qua lời cầu xin của thầy. Nguyên tắc chữa bệnh đơn giản: thầy khuyên mọi bệnh nhân hãy tin tưởng vào Thiên Chúa và siêng năng cầu nguyện. Thầy luôn ý thức rằng, chính Thiên Chúa cứu chữa những thương tích đau thương nơi những bệnh nhân chứ không phải thầy. Như thế, Thiên Chúa muốn dùng bàn tay của thầy để bày tỏ quyền năng và sự quảng đại của Người trên những con cái đang đau khổ. Thầy vui mừng vì được trở thành khí cụ của Chúa, để giúp mọi người nhận ra và yêu mến Đấng là tình yêu. Không chỉ dừng lại nơi những bệnh nhân đau ốm thể lý, thầy còn cứu giúp những tâm hồn tan nát vì “hư hỏng”, những tâm hồn cằn cỗi về đức tin tìm về nẻo chính đường ngay. Biết bao người đến để được thầy khuyên răn, an ủi. Thầy chia sẻ bằng chính cảm nghiệm của mình và dùng tình thương của Chúa mà an ủi, cải hóa các tâm hồn. Bằng sự khiêm nhu và nhẫn nại, thầy từng bước hoán cải những con chiên lạc trở về cùng Hội Thánh.
Thầy Mác-ti-nô không quên dành tình thương cho những trẻ em “bụi đời” và bất hạnh. Vì ý thức được phẩm giá cao quý của từng con người, nên thầy không ngừng chăm lo cho các em. Chính vì đã nếm cảm những thiếu thốn trong cuộc sống khi còn trẻ, thầy hằng ân cần lo cho các em nhỏ. Thầy xin phép để thành lập những nhà nhỏ dành cho các trẻ em này, để nơi đây, các em cảm nghiệm được tình yêu thương và sự nâng đỡ của mọi người. Nơi đây, các em sẽ được giáo dục để trở thành những con cái của Thiên Chúa. Cũng nơi đây, các em sẽ tìm thấy cho mình một mái ấm, một gia đình để được yêu thương và tôn trọng.
Tóm lại, khi nhìn ngắm thầy Mác-ti-nô, gương sáng của thầy vang xa khiến gần như tất cả mọi người ở thành phố Li-ma đều biết và cảm phục. Thầy Mác-ti-nô quan tâm đến tất cả mọi người không trừ một ai. Quả thật, thầy là một con người tầm thường, nhưng lại có một tấm lòng bác ái phi thường. Đó thật là một Tấm Lòng Vàng đáng mọi người noi theo, như chính thầy đã noi theo Đức Giê-su. Quả thật, bài học từ thầy Mác-ti-nô, chứng nhân của sự dâng hiến cho Thiên Chúa và cho tha nhân, vẫn còn sống động và giá trị cho đến hôm nay.