Ge 2, 12-18; 2Cr 5,20 – 6,2; Mt 6,1-6.16-20
“Mùa Chay là mùa thuận tiện để đi sâu vào đời sống tâm linh nhờ những phương tiện thánh Giáo hội đã đem đến cho chúng ta: ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Nền tảng của mọi sự là lời Thiên Chúa, mà trong trong mùa này, chúng ta được mời gọi chuyên chăm lắng nghe và suy ngẫm.” (Đức Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2017)_______
Kinh nghiệm cho người ta biết rằng, từ sâu xa trong bản tính của mình, con người có khuynh hướng tôn giáo. Con người tin Thiên Chúa, tin có Thần linh hay ít là tin có một sức mạnh siêu nhiên nào đó có khả năng tác động đến cuộc sống con người. Và người ta tìm cách thiết lập mối tương quan với các thần linh bằng cách dâng cúng lễ vật cho các vị ấy.
Theo quan niệm phổ biến nơi nhiều tôn giáo, những lễ vật người ta dâng cho thần linh được xem như một cách làm đẹp lòng các thần, nhờ đó họ được các thần ban phước. Chúng ta có thể chứng kiến biểu hiện của một quan niệm thực hành tín ngưỡng như thế vào các dịp lễ hội đầu năm của người Việt tại các đền miếu, chùa chiền. Khi dâng cúng những lễ vật cho thần linh, người ta cũng đòi vị thần đó phải trả lại cho họ một cách sòng phẳng, tức phải ban phước, ban tài, ban lộc cho họ. Thậm chí ta cũng chứng kiến cả những người làm ăn phi pháp, những quan chức tham nhũng bỏ nhiều tiền của xây chùa chiền, đền miếu để cầu vận may. Việc thực hành tín ngưỡng, tôn giáo rất nhiều khi chỉ là phương tiện cho những mục đích vụ lợi, riêng tư.
Dân Israel, một dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn. Họ tuyên xưng niềm tin vào Giavê, một Thiên Chúa duy nhất. Nhưng dưới nhiều hình thức thực hành tôn giáo, một số người Do Thái thời Đức Giêsu cho thấy họ cũng có một tâm thức tôn giáo khá vụ lợi, phục vụ cho mục đích riêng tư, quy vào chính bản thân của mình.
Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến ba hành vi đạo đức phổ biến của người Do Thái, đó là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Sách Tôbia viết: “Sự cầu nguyện kèm theo ăn chay, sự bố thí kèm theo công bằng, thì quý hơn là giàu sang kèm theo tội lỗi.” (12,8) Đức Giêsu, trong bài Tin Mừng, không nhằm chỉ trích sự thực hành các việc đạo đức này. Người chỉ đả phá não trạng vụ lợi của “bọn đạo đức giả” khi thực thi các việc thiện ấy. Cùng lúc, Người đưa ra giáo huấn cho sự thực hành tôn giáo, thực thi những “việc lành phúc đức” một cách đúng đắn.
Theo quan niệm phổ biến trong tôn giáo Do Thái lúc bấy giờ, con người được coi là “công chính” khi thực hành đầy đủ các bổn phận mà Chúa đã truyền dạy, cách riêng là các bổn phận đối với chính Thiên Chúa, quen gọi là các việc tôn thờ, đạo đức. Đối lại, con người cũng có quyền đòi Thiên Chúa thanh toán nghĩa vụ của Người, tức là ban thưởng cho người “công chính”. Câu chuyện người thanh niên giàu có đến hỏi Đức Giêsu điều kiện để được sự sống đời đời là một trường hợp điển hình. Người thanh niên tự thấy mình đã thực hành đầy đủ các lề luật của Chúa, và vì vậy anh ta ngầm ý rằng anh là “người công chính” và xứng đáng được ban thưởng sự sống đời đời, chứ không cần phải làm thêm điều gì khác nữa. Trong khi đó, Đức Giêsu đòi hỏi anh để nên công chính, để đạt được sống đời đời, là phải tin và đi theo Người.
Khi đề cập đến ba việc thiện: bố thí, cầu nguyện và ăn chay, Đức Giêsu nhắc đến “bọn đạo đức giả”. Thường thì người ta hay hiểu Đức Giêsu ám chỉ nhóm Pharisêu và Luật sĩ. Theo mạch văn, có lẽ Đức Giêsu không có ý nói đến những nhóm người này, Người chỉ nhằm đến thái độ của những người sống giả hình. Khi thực hiện những hành vi tôn giáo, những người giả hình có sự bất nhất giữa tâm tình bên trong và biểu hiện bên ngoài. Những người này không nhắm tới chủ ý của hành vi tôn giáo là tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ tìm kiếm hư danh cho mình, tìm kiếm sự khen ngợi từ người khác.
Đối lại, Đức Giêsu khuyên nhủ các môn đệ hãy thực hành các việc đạo đức một cách kín đáo, tức sao cho “Cha trên trời thấy” là đủ, chứ không phải để cho thiên hạ trông thấy cốt để được khen ngợi. Sự phô trương làm cho người thực hành việc thiện mất đi công phúc trước mặt Chúa. Nhưng nói cho cùng, thì dù có làm bao nhiêu việc thiện một cách kín đáo, tốt đẹp đi nữa, những hành vi đạo đức đấy cũng không thể trở thành yêu sách đòi Thiên Chúa ban thưởng công phúc. Sự công chính được ban tặng cho con người chỉ nhờ công trạng của Đức Kitô mà thôi, điều mà thánh Phaolô nói với chúng ta trong bài đọc hai hôm nay: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,21).
Lấy lại những thực hành đạo đức của người Do Thái, Giáo hội khuyến khích chúng ta thực thi bố thí, cầu nguyện và ăn chay như một sự biểu lộ tinh thần hoán cải của Kitô giáo trong mùa Chay này. Lẽ dĩ nhiên, những việc thiện, đạo đức này cần phải được làm với tinh thần mới của Đức Giêsu. Thánh Phaolô khuyến kích các Kitô hữu thành Côrintô: “Anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu” (2Cr 6,1). Đón nhận sự công chính của Đức Giêsu, tức sống hiệp thông với Người, chúng ta có khả năng thực hiện mọi việc lành phúc đức theo đúng thánh ý Thiên Chúa.
Lời kinh rất quen thuộc dưới đây sẽ hướng dẫn chúng ta trong mọi công việc, nhất là khi thực hành những việc đạo đức:
Cúi xin Chúa sáng soi,
cho chúng con được biết
việc phải làm, cùng khi làm.
Xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con,
từ khởi sự cho đến hoàn thành,
đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.
Thỉnh viện, ngày áp Lễ Tro, 28.2.2017____________