Sức Mạnh Của Một Lý Tưởng

14-06-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2709 lượt xem

__Giuse Đinh Quang Nghĩa__
Sống cộng đoàn và cầu nguyện, tuân giữ các lời khấn và kỷ luật tu trì, học hành và giảng thuyết; tất cả các yếu tố này làm thành nếp sống Đa Minh. Chính trong nếp sống ấy sứ vụ giảng thuyết của Dòng Đa Minh có thể được thực thi cách trọn vẹn nhất.”

Hơn 800 năm hình thành và hiện diện, cùng với biết bao thăng trầm trong suốt dòng lịch sử, ngày nay Dòng Đa Minh có mặt khắp nơi trên thế giới. Để có được tầm vóc phát triển như hôm nay, Dòng nhờ đến công sức của biết bao các vị tiền bối và cha anh đi trước. Nhất là vào giai đoạn mới hình thành, các tu sĩ Đa Minh tiên khởi đã không quản ngại hy sinh, chấp nhận gian khó để ra đi hoàn thành sứ mạng mà thánh Đa Minh, Đấng sáng lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết, đã trao phó cho các ngài.

Ngược dòng lịch sử, vào ngày 15-8-1217 cha Đa minh đã sai 16 anh em tiên khởi đến các thành phố lớn như Paris, Madrid và Bologna để “Học hành, Giảng thuyết và lập Tu viện”. Đó chính là những hạt giống tốt tươi cha Đa Minh đã gieo lên mảnh đất màu mỡ của Giáo Hội và không ai khác chính Chúa Thánh Thần là Đấng đã làm cho những hạt giống ấy nảy mầm, lớn lên và sinh hoa trái trong khu vườn Giáo Hội. Có lẽ đây là lý do mà Dòng Đa Minh gọi ngày các anh em tiên khởi ra đi theo sứ mệnh được vị Tổng quyền đầu tiên trao phó là ngày Lễ Hiện Xuống của Dòng. Chắc chắn trong hành trình thi hành sứ vụ cao cả như thế, những khó khăn là điều không thể tránh và ngài đã làm gì để vượt qua những khó khăn ấy? Chúng ta hãy cùng hòa mình vào bối cảnh thời ấy để có thể khám phá ra những ý nghĩa và điều gì đã làm nên những hoa trái trĩu nặng như ngày hôm nay của Dòng Đa Minh.

Mười sáu anh em tiên khởi của Dòng được cha thánh Đa Minh sai là những anh em có đời sống đạo hạnh, ngay thẳng và khiêm nhường. Không chỉ dừng lại ở các nhân đức, các ngài còn là những người có học thức uyên bác. Nổi bật là chân phước Bertrand và cha Gioan Navarre, cả hai đều thuộc đoàn ùy tùng của đức giám mục Diego, các ngài đã được lay động bởi đời sống thánh thiện và gương mẫu, cùng lời giảng thuyết của cha Đa Minh cho những người lạc giáo Albi. Còn số anh em khác, người thì được thánh Đa Minh cứu khi thuyền chìm, người thì được cảm hoá trở lại với đức tin Công giáo, người thì từ bỏ chức tước để đi tìm lý tưởng trong đời sống tu trì, v.v.. Trong số 16 anh em tiên khởi hầu hết là linh mục, nhưng đặc biệt trong số đó có một người anh em tên là Oderic Normandy. Thầy là trợ sĩ đầu tiên của Dòng, tuy không được học hành nhiều và cũng không đảm nhiệm trách nhiệm nào cao cả, nhưng thầy đã sống một đời sống đơn sơ, khiêm hạ và làm những việc tay chân cần thiết để duy trì đời sống tu viện. Việc làm của thầy tuy nhỏ nhưng cũng là một lời giảng thuyết và cũng đóng góp công sức vào việc xây dựng Dòng một cách cụ thể. Sau thầy, rất nhiều anh em đã chọn ơn gọi này vì lòng mến Chúa và họ thực sự đã tìm thấy hạnh phúc trong ơn gọi của mình. Một số anh em trợ sĩ đã được phong thánh và một số khác đã được xếp vào bậc “đáng kính”.[1]

 Hành trình sứ vụ của 16 anh em tiên khởi bước đầu gặp phải nhiều khó khăn, cụ thể như chiến tranh, không có tiền để sinh hoạt và phải đối đầu với sự hung hãn của các nhóm lạc giáo, v.v.. Nhưng khó khăn không làm chùn bước, các vị đã đón nhận sứ mệnh với một tinh thần vâng phục và một lòng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Họ đã ra đi theo gương các Tông Đồ xưa không mang theo bất cứ thứ gì ngoài cây gậy và quyển Thánh Kinh. Họ nỗ lực học hành, sống gương mẫu và lòng hăng say rao truyền Lời Chúa với mục đích cứu rỗi các linh hồn. Chính mục đích ấy đã thành động lực để những người anh em tiên khởi vượt qua mọi thử thách và khó khăn để hoàn thành sứ mệnh cha Đa Minh giao phó. Cuối cùng, sau bao gian khó họ đã gặt hái được nhiều thành công trong sứ vụ Giảng Thuyết, đồng thời các tu viện được lần lượt được thành lập. Ban đầu chỉ có một nhà được lập ở Paris, sau đó lần lượt các tu viện được thành lập tại các thành phố khác ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý, v.v.. Còn các đoàn truyền giáo thì ngày một được sai đi rộng khắp hơn. Vậy kế hoạch cha Đa Minh trao phó cho các anh em này có ý nghĩa thế nào với sự tồn tại và phát triển của Dòng?

Mục tiêu chính của Dòng Đa Minh là giảng thuyết để cứu độ các linh hồn, vì thế phải có một nơi chốn cụ thể để việc “giảng thuyết và học hành” có được nền tảng. Và ở đâu chân lý cần được bảo vệ thì ở đó chính là nơi Dòng Đa Minh phải đến để thi hành sứ vụ của mình. Cho nên việc cha Đa Minh muốn các anh em tiên khởi đi đến đâu cũng phải lập tu viện là điều không có gì khó hiểu. Bên cạnh đó nếu muốn tồn tại thì nhất thiết phải có người kế thừa, nên Dòng thành lập Tu viện khắp nơi cũng nhằm mục đích chiêu mộ thêm thành viên để sứ vụ giảng thuyết có thể đến với bất cứ đâu trên thế giới, nhất là những nơi có lạc giáo và những người chưa biết Đức Kitô.

Cha Đa Minh là một người học hành uyên bác. Cha xem việc học hành như một cách thức để cầu nguyện và chiêm niệm chân lý. Cha hiểu rất rõ việc học hành là cần thiết thế nào cho sứ vụ giảng thuyết. Có lẽ đó là lý do cha Đa Minh đã đưa việc học đặt lên hàng đầu trong sứ mệnh ra đi của những anh em tiên khởi. Cha Humberto Romans vị tổng quyền thứ ba của Dòng Đa Minh đã nhận xét rằng “Học hành không phải là mục tiêu của Dòng, nhưng lại tối cần thiết cho việc chu toàn trách nhiệm (tức là giảng thuyết và cứu rỗi các linh hồn), một trách nhiệm không thể được hoàn thành nếu không có học hỏi”.[2] Qua đó chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của việc học hành trong Dòng Đa Minh. Vậy chúng ta có thể suy ra nếu muốn tồn tại thì phải có nơi chốn để thi hành sứ vụ giảng thuyết đó là các “Tu viện”. Và nếu muốn phát triển sứ vụ giảng thuyết phải “Học hành”.

Nhưng ý nghĩa lớn nhất để Dòng có thể tồn tại và phát triển chính là việc “Giảng thuyết”, cả hai yếu tố “Học hành” và “lập Tu viện” phải hướng về trung tâm là “Giảng thuyết”. Đó cũng là sứ vụ chính của Dòng được Đức Hônôriô III chuẩn nhận ngày 22-12-1216: “Công bố lời Chúa, loan truyền danh Đức Ki-tô trên toàn thế giới”. Để chu toàn nhiệm vụ này, cha Đa Minh đã đề ra cho anh em một lối sống, một linh đạo, là anh em “ở đâu cũng phải sống chính trực và đạo đức như những người khao khát ơn cứu độ của mình và của những người khác, như những con người của Tin Mừng, theo chân Đấng Cứu độ, chỉ nói với Thiên Chúa hay về Thiên Chúa, với mình hoặc cho tha nhân”.[3] Anh em Đa Minh có thể thi hành sứ vụ giảng thuyết qua nhiều cách thức. Sống cộng đoàn và cầu nguyện, tuân giữ các lời khấn và kỷ luật tu trì, học hành và giảng thuyết; tất cả các yếu tố này làm thành nếp sống Đa Minh. Chính trong nếp sống ấy sứ vụ giảng thuyết của Dòng Đa Minh có thể được thực thi cách trọn vẹn nhất.

Trong suốt lịch sử, Dòng Anh Em Giảng Thuyết luôn cho thấy sức mạnh của một lý tưởng khi để lại dấu ấn Tin Mừng tại những nơi các tu sĩ Đa Minh hiện diện. Biết bao người lầm lạc đã quay trở về với Giáo Hội bởi đời sống đạo đức và lời rao giảng của các tu sĩ Đa Minh. Nhờ sự dấn thân truyền giáo của các tu sĩ Đa Minh, biết bao người chưa được nghe Tin Mừng đã tin nhận Đức Kitô và trở thành con cái của Hội Thánh. Dòng Đa Minh cũng sản sinh cho Giáo Hội nhiều vị thánh tài đức và tôn sư lỗi lạc. Các thánh trong Dòng và các tu sĩ Đa Minh đã để lại cho Giáo Hội những kho tàng kiến thức đạo lý đồ sộ. Bên cạnh đó đời sống đạo hạnh của các ngài cũng là những tấm gương đáng để chúng ta học hỏi và noi theo. Trong mọi hoạt động của mình, Dòng luôn hướng đến mục đích “rao giảng vì ơn cứu độ các linh hồn.” Như thế, chúng ta có thể phần nào hiểu về ý nghĩa và tầm ảnh hưởng của Dòng Đa Minh đối với những nơi họ hiện diện là quan trọng như thế nào.

[1] Học Viện Đa Minh, Những Môn Đệ Tiên Khởi Của Thánh Đa Minh, Tập 2, tr. 110.

[2] Michael Monshau, O.P., Hành Trình Tâm Linh Với Thánh Đa Minh, tr. 45.

[3] Tự ngôn của Hiến Pháp Tiên Khởi. Xt. Giới thiệu Dòng Giảng Thuyết.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com