Mục Lục
Tôma Lê Dương Thành Trí
Cha mẹ không chọn ơn gọi cho con cái. Chính Thiên Chúa là Đấng làm điều đó, nhưng cha mẹ có trách nhiệm hướng dẫn con cái biết sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.
Ơn Gọi, một từ ngữ khi nhắc đến chúng ta sẽ lập tức nghĩ đến lời mời gọi để đáp lại tiếng Chúa trong Thánh chức linh mục hay đời sống tu sĩ. Tuy nhiên, trong ý nghĩa rộng nhất của nó, ơn gọi đơn giản là “một lời mời gọi.”
Là những Kitô hữu, ta nhìn nhận rằng ơn gọi là một lời mời gọi độc đáo đến từ Thiên Chúa. Lời mời gọi này có thể được nhận ra nơi những biến cố của đời sống hằng ngày, qua những trung gian hướng dẫn, như vị linh hướng, các bậc tiền bối, môi trường sống đạo, và nhất là Chúa Thánh Thần… Có thể người ta sẽ trở nên ý thức về tiếng gọi này khi họ dần dần trưởng thành trong tri thức cũng như đời sống đức tin. Tuy nhiên, trong thực tế, khi đến tuổi trưởng thành, nhiều bạn trẻ vẫn cảm thấy phân vân khi không định hình được hướng đi cho cuộc đời mình, để rồi lại loay hoay rơi vào bế tắc hoặc sống một cuộc sống không có mục đích, vô nghĩa. Vì thế, cho dù là bậc sống nào đi nữa, việc phân định ơn gọi cũng là một điều hết sức cần thiết.
Gia đình trước hết là nơi chúng ta được sinh ra, kế đến, nơi đây chính là trường dạy nhân bản để chúng ta sống đúng phẩm giá của con người, dạy đức tin để sống đúng bổn phận làm con Chúa, từ đó giúp ta dần nhận ra tiếng gọi mầu nhiệm mà chọn cho mình lý tưởng sống. Trên tất cả, nếu không có môi trường dưỡng nuôi cho sự sống phát triển về thể chất lẫn tinh thần thì sẽ không có những linh mục, tu sĩ, không có Kitô hữu như những người sống và làm chứng cho đức tin. Đó là một sứ mạng hết sức cao trọng của các bậc phụ huynh trong gia đình.
Thật vậy, sách Châm Ngôn đã nêu lên mục đích của việc giáo dục một con người và phải được thực hiện ngay từ thuở còn thơ: “Từ phút đầu hãy dạy cho trẻ thơ biết đường lối phải đi theo, để đến tuổi già nó vẫn không bị lạc đường” (Cn 22,6). Và cha mẹ chính là nhà giáo vĩ đại có thể cung cấp cho con cái mình một định hướng cơ bản cho cuộc sống của chúng, hướng dẫn và giữ gìn chúng ngay cả trong những năm tháng trưởng thành sau đó. Nếu con cái được giáo dục đúng cách, chúng sẽ dễ dàng đáp trả ơn gọi của chúng. Công việc của cha mẹ ở đây không có nghĩa là bằng mọi giá áp đặt suy nghĩ, kinh nghiệm của mình để bắt buộc con cái phải đi theo một ơn gọi nhất định mà mình muốn, mà là dạy chúng biết nhận ra và đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, dù đó là ơn gọi nào.
Cha mẹ là người tạo ra bầu khí gia đình
Gia đình là nơi tạo ra bầu khí quan trọng cho sự phát triển của con người. Con người cần phải được yêu thương, tôn trọng và cảm thông. Rõ ràng, những nhu cầu cơ bản này trước hết được đáp ứng trong môi trường gia đình. Chính trong gia đình mà mỗi người nhận ra giá trị của mình; vì trong gia đình, sự đóng góp chân thành của chính mình và của các thành viên khác được đón nhận và trân quý. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II coi gia đình rất quan trọng đối với một người vì đó là nơi duy nhất “người nào cũng được nhìn nhận, kính trọng và tôn quý, bởi vì họ là một nhân vị, và nếu người nào nhiều nhu cầu hơn, thì càng đáng được dành cho sự quan tâm và những chăm sóc cấp thiết hơn.”[1]
Trong Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo, Công đồng Vaticanô II khẳng định:
Chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để giúp cho việc giáo dục toàn diện con cái trong đời sống cá nhân và xã hội trở nên dễ dàng (số 3).
Môi trường gia đình có vai trò quyết định đến sự phát triển toàn diện của trẻ em mà sự tác động lớn nhất đến từ cha mẹ, những người trụ cột, nắm giữ và điều khiển bầu khí gia đình. Bầu khí gia đình tác động trực tiếp đến nếp nghĩ, lối sống của trẻ. Theo hướng tiêu cực, những mâu thuẫn, cãi vã trong gia đình hay sự tan vỡ, chia ly có thể đẩy nhiều trẻ em rơi vào tình trạng hụt hẫng và tuyệt vọng về nhiều phương diện, một phần bởi các em không có chỗ dựa tinh thần hoặc không đủ ý chí, nghị lực để vượt qua, mà các em đã rơi vào các chứng trầm cảm, rối loạn tâm lý hoặc trốn chạy, để thoát ra khỏi gia đình, thậm chí rơi vào con đường tội lỗi.
Bên cạnh đó, cũng có những đứa trẻ có ý chí kiên cường, có lòng tự trọng cao, sớm đánh giá được đúng sai và ý thức được sự bất hạnh hay khiếm khuyết trong gia đình mà vươn lên từ chính bản thân. Thánh Gioan Bosco sinh ra trong gia đình nghèo khổ, mồ côi cha từ sớm, sống với mẹ và luôn bị người anh cùng cha khác mẹ là Antonie bắp ép, hà hiếp. Thế nhưng, cái nỗi bất hạnh, nghèo khổ và thiệt thòi đó đã được khỏa lấp nhờ thân mẫu của người là bà Magarita, một thôn nữ rất mực đạo đức, hiền hoà và khôn ngoan trong việc giáo dục con cái. Bà Magarita là một người mẹ tháo vát, đảm đang và cũng đóng vai trò như một người cha luôn bao bọc, che chở cho con cái; là một tấm gương sáng cho con cái trở nên thánh thiện; và là người tạo nên bầu khí gia đình vui tươi, đạo đức. Cũng chính bà là người luôn tạo ra bầu khí thánh thiện trong gia đình qua các giờ đọc kinh chung, lần chuỗi và cầu nguyện, mà đã xoa dịu nỗi đau mồ côi của người con riêng của chồng là Antonie, giúp anh trở nên một người hiền hòa, gần gũi với mọi người và hiếu thảo với bà – người mẹ kế của anh.[2]
Theo cách đó, bầu khí gia đình không chỉ giúp các trẻ em có thể phát triển thể chất mà còn cả về mặt tâm linh. Bằng cách cầu nguyện trong gia đình, cha mẹ không những tạo ra bầu khí cộng đoàn, thánh thiêng mà còn đem các em đến gần Thiên Chúa. Đương nhiên là rất ít trẻ em thích đọc kinh Mân Côi, tham dự Thánh Lễ hằng ngày, vì vậy cha mẹ phải biết cách hướng dẫn cho các em hiểu ý nghĩa của việc cầu nguyện, đọc kinh và làm sao cho các em không nhàm chán. Hơn nữa, cha mẹ cũng là người tạo điều kiện để các em tham gia những đoàn thể, hội nhóm trong giáo xứ để các em cũng có một môi trường và một nhóm bạn tốt để giúp nhau chống lại những ảnh hưởng xấu của các bạn bè và các môi trường khác.
Cha mẹ nêu gương sáng cho con cái
Qua thực tiễn, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra quá trình phát triển và hình thành nhân cách của con người chịu sự tác động của di truyền, môi trường, giáo dục và tự bản thân. Ta cũng có thể thấy được nguồn gốc của sự tác động ấy bắt nguồn từ trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ, chính là người sinh thành, tạo ra một môi trường sống và giáo dục con cái. Tuổi ấu thơ là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách con người. Giai đoạn này, tuy nhân cách chưa được thể hiện rõ ràng, nhưng thông qua việc bắt trước hành động của người lớn đặc biệt là cha mẹ, trẻ em bắt đầu lưu nhận bằng các giác quan tất cả các tương tác, để hình thành nhân cách của mình.
Thật vậy, khi còn nhỏ, nhiều em chưa có đủ trí khôn để phân biệt điều phải và điều trái, nó chỉ bắt chước những gì cụ thể đập vào mắt nó. Vì thế, gương sáng đời sống tốt đẹp về nhân cách, đạo đức của cha mẹ là điều rất cần thiết trong việc giáo dục con cái. Người xưa nói “rau nào sâu đó”, lối sống của cha mẹ và những người trong gia đình ảnh hưởng rất lớn đến con em của mình.
Điều quan trọng nhất trong giáo dục là gương sáng. Cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái, cũng như cổ võ ơn gọi riêng của từng đứa con. Chứng tá trung tín của họ về nét đẹp nhân cách hay những vai trò, trách nhiệm riêng biệt trong gia đình cũng được nhấn mạnh đến. Sự mạnh mẽ của ba, sự dịu dàng của mẹ sẽ góp phần nâng cao căn tính nhân vị của các em.
Sự can thiệp vô hình này có tác động đến suy nghĩ, nhận thức của các em về vai trò, trách nhiệm của cha mẹ, một phần thúc đẩy các em có suy nghĩ chín chắn hơn về gia đình và hôn nhân, mặt khác chính bản thân các em trên bước đường trưởng thành sẽ sống đúng bổn phận và hữu ích hơn. Chắc chắn đã thừa hưởng tấm lòng khoan dung, nhân ái từ chính nơi thân mẫu của người, mà cha Đa Minh luôn động lòng trắc ẩn trước cảnh túng quẫn của những người nghèo khổ. Không thể làm ngơ, dửng dưng trước những người khốn khổ đang hấp hối, chàng sinh viên Đa Minh đã bán những cuốn sách quí của mình để giúp đỡ họ.[3]
Cha mẹ giáo dục con cái về nhân bản và đức tin
Gia đình là nơi đầu tiên của việc nhân bản hóa con người, là cái nôi của cuộc sống và tình yêu được triển nở. Đây là cấu trúc đầu tiên và cơ bản của điều mà Gioan Phaolô II gọi là “sinh thái con người.”[4] Đó là cộng đồng yêu thương và đoàn kết, phù hợp để dạy và lưu truyền các giá trị đạo đức, tinh thần và tôn giáo cho sự phát triển và hạnh phúc của các thành viên cũng như góp phần phát triển xã hội. Và cha mẹ có vai trò quan trọng nhất trong tất cả các khía cạnh cuộc sống của con cái họ, bao gồm cả việc hình thành cảm thức và đời sống tôn giáo.
Thánh An Phong, Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, đã khẳng định: “Tất cả những gì tôi có, đều do mẹ tôi ban cho.”[5] Thật vậy, chính cha mẹ là những nhà giáo đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho con cái. Chính trong gia đình, các đức tính nhân bản được trau dồi và phát huy, người ta học biết làm việc với sự nhẫn nại và say mê, học biết sự liên đới và bác ái, sự quảng đại tha thứ và sẻ chia.
Cha mẹ cũng là những người dựa trên những trải nghiệm đức tin của mình để giúp con cái sống có niềm tin. Để trong mọi hoàn cảnh, dù vui hay buồn, thành công hay thất bại, con cái luôn nhìn biến cố dưới ánh sáng đức tin. Việc giáo dục đức tin hơn hết phải được trao ban cho con cái qua mẫu gương sống đạo, đời sống đức tin của cha mẹ. Ngoài việc đọc kinh, đi lễ thì đời sống đức tin còn là sự lạc quan, vui tươi để vượt thắng những khó khăn, gánh nặng trong cuộc sống.
Việc giáo dục nhân bản và đức tin là một vấn đề quan trọng lâu dài, vì thế cha mẹ đừng bao giờ thất vọng, nản chí trong việc uốn nắn, sửa dạy con cái. Hơn nữa đó là một ơn gọi, một thiên chức cao cả mà Chúa đã dành cho những bậc làm cha mẹ. Cho nên, làm tròn thiên chức này cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ đã dạy cho con cái về ơn gọi của đời sống hôn nhân và gia đình.
Cha mẹ tạo điều kiện cho con cái tìm hiểu đời sống tu trì
Trong tổ ấm gia đình, cha mẹ phải là “những người đầu tiên truyền dạy đức tin cho con cái của mình, […], cũng như cổ võ ơn gọi riêng cho từng đứa con, đặc biệt quan tâm đến ơn gọi thánh thiêng” (GLHTCG, số 1656). Cha mẹ không chọn ơn gọi cho con cái. Chính Thiên Chúa là Đấng làm điều đó, nhưng cha mẹ có trách nhiệm hướng dẫn con cái biết sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.
Cha mẹ có thể xây dựng một môi trường gia đình nuôi dưỡng niềm tin, khuyến khích cầu nguyện và phát triển lòng tin giữa các thành viên trong gia đình. Môi trường đó sẽ nuôi dưỡng sự tự do cho con cái để chúng cởi mở và sẵn sàng với ý muốn của Chúa trong cuộc sống của chúng.
Cha mẹ cần phải có một cảm giác cá nhân về ơn gọi và sứ mệnh của bản thân để truyền đạt điều này cho con cái của họ, hơn nữa, phải giúp cho con em hiểu sự cần thiết, cao quý và bản chất của Ơn Thiên triệu, đừng đẩy các em vào sự hoang tưởng về danh vọng viển vông xuất phát từ khao khát của cha mẹ. Chính gương sáng đời sống đức tin của cha mẹ sẽ gieo mầm và chăm bón cho đức tin nơi con cái, giúp chúng dần lớn mạnh trong đời sống thiêng liêng, khám phá và phân định ơn gọi riêng của mình. Ngoài ra, việc tạo điều kiện cho con cái có cơ hội tiếp xúc với các linh mục, tu sĩ, và các hoạt động trong giáo xứ là hết sức cần thiết vì những kinh nghiệm trong quá khứ, sẽ giúp ích rất nhiều cho con cái sống đức tin, trung tín và trách nhiệm trong đời sống dâng hiến. Vì thế, một điều nhỏ bé cũng có ích trong việc giúp đỡ con cái chuẩn bị cho ơn gọi của chúng.
Tạm kết
Cuộc sống và sự hiện diện của chúng ta trong thế giới là kết quả của một ơn Chúa gọi!
Khi đứa trẻ mỗi lúc có trưởng thành hơn về đời sống nhân bản và có sự tự lập dần dần đối với cha mẹ, thì ơn gọi riêng của nó – ơn gọi đến từ Thiên Chúa, cũng được khẳng định cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Cha mẹ phải tôn trọng ơn gọi này và khuyến khích con cái đáp trả bằng việc đi theo ơn gọi đó (x. GLHTCG, số 2232).
Và hơn hết, trong quyền hạn và trách nhiệm của chính ơn gọi
hôn nhân, bằng gương sống và bằng giáo dục, các bậc cha mẹ làm chứng cho giá trị
và sự thiện hảo lớn lao này: Gia đình chính là “Nơi ơn gọi bắt đầu”.
[1] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Evangelium Vitae, số 92.
[2] Philip J. Pascucci, “Một Người Mẹ Dũng Cảm”
[3] Linh mục Giuse Nguyễn Tri Ân, O.P., Thánh Phụ Đa Minh, Chân lý 2005.
[4] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Centesimus Annus, Số 39.
[5] “Vai trò và trách nhiệm của người cha – người mẹ trong gia đình,” “PRIER” 1+2/1984; Minh Nguyệt chuyển dịch.