[ĐMX72] Tôi Và Ơn Gọi !

14-03-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1501 lượt xem

Biển động vì gió thổi mạnh… “Thầy đây mà, đừng sợ !” (Ga 6,18-20)

Vincentê Phùng Tuấn Anh
Phút chốc tôi đã đặt chân trên con đường Ơn gọi được hơn một năm. Ấy vẫn còn là khoảng thời gian quá ít để tôi có thể cảm nghiệm về Ơn gọi…

1. Ơn gọi và bản thân

1.1. Tôi hiểu gì về Ơn gọi tu trì?

“Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (3 Sm 3,9)

Khi nhắc đến hai chữ “Ơn gọi tu trì”, chúng ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh những vị linh mục hay những tu sĩ nam nữ nghiêm trang trong những bộ tu phục. Họ là những con người hướng đến bậc sống trọn lành khi đã cống hiến cả cuộc đời để phục vụ tha nhân và thi hành thánh ý Thiên Chúa. “Ơn gọi là lời kêu mời đến đón nhận một công việc, một sứ mệnh nào đó.”[1] Quả vậy, Ơn gọi tu trì vừa là một lời mời nhưng đồng thời đó cũng là một ơn riêng của Thiên Chúa ban cho những người con được tuyển chọn, “Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15, 16). Với tôi, Ơn gọi tu trì là một khái niệm được định nghĩa và cấu thành từ những nét đẹp: nét đẹp của tâm hồn, nét đẹp của đời sống nhân bản, nét đẹp của Đức Tin – Đức Cậy – Đức Mến, nét đẹp của sự hi sinh, nét đẹp của đức vâng lời.

Có thể nói, Ơn gọi là một bức tranh được ghép từ những nhân cách của con người trong tương quan với Thiên Chúa. Những giá trị tốt đẹp ấy khác biệt với những đức tính được định nghĩa thông thường bởi xã hội khi chúng luôn quy hướng về sự trọn hảo trong Thiên Chúa. Đó là tinh thần triệt để trong mọi hành vi hướng thiện của người tu sĩ. Với người tu sĩ: yêu – phải yêu bằng trọn con tim, yêu không giữ lại điều gì cho riêng mình, phục vụ – phải phục vụ bằng cả tinh thần và ý chí. Nói cách khác, Ơn gọi đòi hỏi ở người theo đuổi một tinh thần nỗ lực hết mình trong mọi hành động vì danh Thiên Chúa và vì ích lợi của tha nhân.

1.2. Tiếng gọi của Thiên Chúa mạnh hơn muôn vàn nước lũ

“Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.” (Gr 20,7)

Tiếng sét tình ái của đôi lứa có thể khiến con người điên đảo đến mất ăn mất ngủ. Nhưng đối với những người nhận biết Thiên Chúa, tiếng gọi của Ngài thật sự là một sức mạnh vượt trội hơn hẳn. Một khi tiếng gọi ấy chạm đến cửa ngõ tâm hồn, nó sẽ không ngừng gõ cửa cho đến khi cảnh cửa tâm hồn ấy mở ra để nó thâm nhập vào trái tim và quyện chặt trong thâm tâm con người.

Với tôi sự nhận biết Ơn gọi trước hết phải đến từ lòng rung cảm trước cái đẹp. “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19). Bạn phải yêu mến Thánh lễ, việc chăm chỉ tham dự Thánh lễ sẽ đưa chúng ta đến sự yêu mến Đấng hiện diện siêu việt trong Thánh Thể. Bạn phải yêu thích việc đọc kinh cầu nguyện. Vì đó là cách thức bạn ca tụng Thiên Chúa. Bạn bị cuốn hút bởi nét đẹp tâm hồn của những người tu sĩ. Vì đó là nét đẹp của đời sống thánh hiến. Nhưng hơn hết tất cả những sự rung cảm ấy, sự thổn thức của con tim khi gặp gỡ Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể là dấu chỉ hữu hiệu nhất. Những cảm xúc hân hoan không thể diễn tả bằng lời, những giây phút tâm hồn như lạc vào chốn Thiên Đàng với niềm hạnh phúc khôn xiết… ấy là những tiếng gọi phải được “nghe” bằng con tim, ấy chính là tiếng gọi mãnh liệt của Thiên Chúa.

2. Ơn gọi và Thiên Chúa

2.1. Ơn gọi tu trì và sự quan phòng của Thiên Chúa

“Anh em đừng lo lắng về ngày mai” (Mt 6, 34)

Có thể nói Ơn gọi là một Ơn rất lạ lùng. Nó không được cảm nhận một cách rõ ràng với hiệu quả kèm theo như Ơn Khôn ngoan hay được biểu hiện một cách mạch lạc như Ơn Thảo kính cha mẹ. Trong khi đó, Ơn gọi lại khó cảm nhận đến nỗi thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng có lúc phải tự vấn lương tâm mình: Phải chăng mình không có Ơn gọi? Và chính những Thỉnh sinh như chúng tôi đây, đôi lúc cũng phải băn khoăn cùng một câu hỏi với thánh nữ. Nhưng đó không phải là không có ý nghĩa vì sự khó xác định ấy là nét đặc trưng riêng của Ơn gọi khi nó phản ánh Đức Tin của người theo đuổi trong tâm tình phó thác vào Thiên Chúa. “Tương lai của tôi chưa liên can đến tôi, nó thuộc về Chúa quan phòng” – thánh Phanxicô Salesiô. Thật vậy, người đi theo Chúa không thể đặt niềm tin nơi bản thân để đảm bảo cho sự bền đỗ của Ơn gọi. Thực tế cho thấy rằng dù đã khấn trọn hay đã là linh mục, vẫn có một số từ bỏ con đường mình đã chọn để rẽ sang một hướng khác. Như dân Israel xưa đi trong sa mạc, ta có thể mường tượng người bước đi trên con đường Ơn gọi đang đi trên một hành trình mà họ chỉ có thể biết được điểm xuất phát. Để hoàn tất Ơn gọi của mình, họ phải hoàn toàn đi trên những con đường được xây dựng nên từ thánh ý Thiên Chúa. “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Hiểu rộng hơn đó là con đường Giêsu, con đường thực thi thánh ý của Thiên Chúa.

Mặt khác, Thiên Chúa muốn người tu sĩ được tự do khỏi những mối lo toan khi Người đòi hỏi họ sống cuộc đời tín thác. Một chiếc bình càng trống bao nhiều thì lượng nước đổ đầy càng dồi dào bấy nhiêu. “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Nói cách khác, đó là sự chiếm hữu của tình yêu Thiên Chúa, đó là phương cách Thiên Chúa gắn kết tình yêu của Người nơi tâm hồn người tu sĩ. Càng phó thác, càng yêu mến. Quả vậy, không ai lại đặt để niềm tin vào sự hư vô và cũng không ai lại trao niềm tin cho một người xa lạ mà mình không biết rõ. Niềm tin ấy phải dựa trên sự bền chặt của tấm lòng cậy trông của người con đối với người cha, đó phải là một niềm tin được hình thành từ tình yêu mãnh liệt dành cho Thiên Chúa.

2.2. Ơn gọi cũng là một thử thách lớn lao về Đức Ái

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”(Mt 22, 37)

Một cậu bé ham chơi hỏi người bà mình rằng: “Con không hiểu tại sao các tu sĩ vừa có thể dậy sớm vừa có thể đọc kinh nhiều như vậy được?” Người bà trả lời rằng: “Vì họ yêu mến.” Thiên Chúa là Đấng khát khao được yêu thương, ngoài tình yêu ra Người không cần con người dâng hiến cho Người điều nào khác. Nhưng thế nào mới thực sự là một tình yêu “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”? Thánh Phaolô đưa ra cho ta một khuôn mẫu quy chiếu: “Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Đó là một tình yêu vâng phục, yêu như Chúa Kitô đã yêu khi dám hi sinh cả mạng sống mình. Có thể nói, con đường Ơn gọi là con đường tình yêu. Con đường ấy đòi buộc người tu sĩ phải phân định rõ ràng trong sự lựa chọn của mình giữa sự thế tục và Thiên Chúa. Đó quả thực là một sự lựa chọn khó khăn khi con người luôn phải đối diện với sự bấp bênh mà lý đưa ra, cùng với sự giằng co của ý chí. Với tâm lý thông thường, sự sợ hãi và những nỗi lo toan sẽ ập đến trong tâm trí khi con người chọn cho mình một hướng đi mạo hiểm: Ngày mai tôi sẽ ra sao? Tôi có chắc chắn cho tương lai của mình? Bạn thấy đấy chính Đức Giêsu trong thân phận làm người cũng đã phải “đổ mồ hôi máu” khi sắp bước vào cuộc Khổ nạn.

Nhưng…“Lúc tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12 ,10). Nhờ Đức Ái – ân sủng thần linh được ban tặng khi lãnh phép Rửa, người Kitô hữu có thể làm được những điều mà họ không ngờ tới. Thiên Chúa dùng Đức Ái như một vị thuốc chữa lành sự đắng cay của nỗi lo lắng và sợ hãi trong tâm trí khi họ phải đứng trước ngã rẽ cuộc đời và trợ lực cho họ bước đi theo “tiếng gọi của con tim.” Quả vậy, Đức Ái dành cho Thiên Chúa là nguồn sức mạnh vô tận có thể chuyển hóa sự yếu đuối của con người thành nguồn năng lượng giúp họ chiến thắng những khó khăn gian truân kể cả sự vượt thắng chính bản thân. Không một ai lại theo đuổi con đường Ơn gọi tu trì khi mang trong mình một con tim không biết yêu thương. “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (Ga 21, 15). Quyết chí theo đuổi Ơn gọi tu trì đồng nghĩa với việc chúng ta dâng lên Thiên Chúa câu trả lời của mình: “Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21, 15).

3. Ơn gọi và xã hội

3.1. Ơn gọi tu trì có đi ngược lại với thế giới văn minh?

“Con đã gây thắc mắc cho bao người,…” (Tv 70)

Một số ý kiến cho rằng những đất nước suy kém trong sự phát triển sẽ có tỷ lệ Ơn gọi cao hơn những quốc gia văn minh đã phát triển. Họ cho rằng người trẻ ở những đất nước này tìm đến Ơn gọi như một con đường giải thoát họ khỏi ách trì trệ của xã hội và Ơn gọi sẽ rộng mở cho họ con đường thăng tiến trong cuộc sống. Phải chăng những nhận định như thế dựa trên quan điểm của Karl Marx: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, là tinh thần của những trật tự không có tinh thần”?

Dưới một góc nhìn khách quan, quả thật chúng ta không thể phủ nhận có những hiện tượng tiêu cực, lệch lạc trong động lực ơn gọi. Tuy nhiên, những hiện tượng đó không nói lên bản chất thật của Ơn gọi. Chúng ta có thể ví thế giới như một cơ thể sống có linh hồn. Theo đó, những người không theo đuổi Ơn gọi (bao gồm cả những người vô thần) sẽ nuôi dưỡng đời sống vật chất của thế giới (phần xác) và những người theo đuổi đời sống thánh hiến sẽ có trách nhiệm vun trồng đời sống tâm linh (phần hồn). Một cơ thể phát triển bền vững không thể lệch cán cân thiên vị về bất cứ mặt nào. Tu sĩ không phải là những người đi tìm an nhàn, lạm dụng tôn giáo để hưởng lợi vật chất, nhưng thực chất họ lao động mỗi ngày bằng chính những lời cầu nguyện và sự hi sinh của mình. Đó là sự lao động theo chiều kích siêu nhiên không thể quy đổi ra vật chất theo lẽ thông thường của xã hội. Lại cũng có người rằng, tu sĩ là những người trốn trách nhiệm với gia đình và xã hội. Theo lý lẽ, con người chỉ bỏ trốn từ một nơi khổ sở để đến với một nơi có điều kiện thoải mái hơn, dễ sống hơn. Trái lại với người tu sĩ, họ từ bỏ sự sung sướng để mặc lấy cái khổ của đời tu nên không thể nói đó là sự trốn tránh được.

Mặt khác, Kitô giáo cũng không bao giờ là thuốc an thần xoa dịu những nỗi đau cho xã hội loài người, như Marx quan niệm. Kitô hữu nói chung và người tu sĩ nói riêng không rời bỏ đời để tìm sự giải thoát tâm linh cho riêng mình. Tinh thần của Kitô là tinh thần dấn thân phục vụ. Với người tu sĩ, tinh thần ấy được đẩy lên một bậc cao hơn khi cả cuộc đời của họ là một bài ca dâng hiến cho Thiên Chúa và tha nhân. Người tu sĩ đi đến đâu, mặt đất nở hoa đến đấy. Chúng ta ắt hẳn vẫn không quên vai trò giáo dục lớn lao của các trường dòng trước năm 1975 tại Miền Nam. Ngày nay thế hệ đi trước chúng ta vẫn thường nhắc đến như một bằng chứng sắt son về “sự văn minh” mà các tu sĩ thời ấy chia sẻ với người dân. Thế mới thấy, người tu sĩ không những không phải là những con người đi ngược lại với thế giới văn minh mà họ còn kề vai sát cánh với thế giới hơn bất cứ nhóm người nào khác.

3.1. Mục đích cuối cùng của Ơn gọi là gì?

Con thưa cùng Chúa : “Ngài là Chúa con thờ,
ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc ?” (Tv 15)

Trong các quan niệm sai lầm về sự chọn lựa con đường tu trì, điều thường bắt gặp ở một gia đình, khi họ tiêm nhiễm vào những người trẻ những suy nghĩ sai lệch: làm linh mục rất sung sướng, được ăn uống thỏa thuê, có tiền dằn túi, vừa có quyền lại vừa có chức, ở ngoài đời khổ lắm đi tu sướng hơn… Đó không phải là những lời động viên người trẻ để họ bước vào đường Ơn gọi nhưng là con dao giết chết bản chất của Ơn gọi. Não trạng đi tu để đổi đời có thể dẫn đến tình trạng một linh mục rời xa căn tính của mình, đánh mất sứ mạng của một mục tử: thích trông coi giáo xứ lớn, có điều kiện vật chất, ưa dùng quyền hành để bắt người khác quy phục, hay lui tới với nhà giàu mà bỏ rơi người nghèo, v.v..

Đi tu là chết đi một cuộc đời “vì nước Trời”. Đường Ơn gọi không phải là đường vinh quang và danh dự nhưng đó là đường thập giá, là đường phục vụ. Người tu sĩ phải lội ngược dòng và đi ngược lại với những gì xã hội vẫn tìm kiếm. Có nhiều lý do để một người chọn lựa đi theo đường Ơn gọi. Tuy nhiên chỉ có cùng một mục đích duy nhất, bước đi trên đường Ơn gọi nghĩa là ta đang đi tìm kiếm nét đẹp của Thiên Chúa. Một nét đẹp siêu nhiên chỉ có thể nhìn thấy bằng con tim và một tâm hồn sâu thẳm.

Lời kết

Khép lại vài dòng suy tư về Ơn gọi, phía trước tôi hãy còn là cả chẳng đường dài. Nếu nói rằng, tôi không lo lắng nghĩa là tôi đang tự lừa dối chính mình. Nhưng tôi tin rằng Thiên Chúa sẽ ở cùng anh em Thỉnh sinh chúng tôi. Người sẽ dẫn dắt anh em chúng tôi đến giây phút cuối cùng.

“Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính người sẽ ra tay” (Tv 37)


[1] Đa Minh Chu Quang Đương, O.P., Giới thiệu ơn gọi và ơn gọi Đa Minh, tr. 20.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com