Sách Thánh Cựu Ước Gồm Bao Nhiêu Quyển?

26-02-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 5218 lượt xem

Nếu đối chiếu bộ Kinh Thánh giữa Công giáo và Tin lành ta sẽ thấy có một sự khác biệt. Các sách Cựu Ước của Công giáo có 46 cuốn trong khi các sách Cựu Ước của Tin lành chỉ có 39 cuốn. Vậy do đâu mà có sự khác biệt này?

Để tìm hiểu nguyên do, ta cần trở lại với lịch sử hình thành Sách Thánh của người Do-thái. Việc thu gom các sách thánh một cách chính thức đã được người Do-thái thực hiện từ lâu (trước lưu đày) nhưng vẫn chưa định hình được bộ Quy điển Kinh Thánh. Lý do là một số sách đã được xác định về ơn linh hứng cũng như chân lý mạc khải nên được nhìn nhận là Sách Thánh (39 cuốn). Tuy vậy cũng có một số sách chưa được xác định rõ ràng. 

Trong khi đó, tại A-lê-xan-ri-a, một số cộng đồng Híp-ri không còn hiểu tiếng Híp-ri nên đã sử dụng một bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Hy-lạp. Bản dịch này được gọi là bản “Bảy Mươi” vì theo truyền thống, bản này đã được phiên dịch bởi 70 học giả. Trong bản dịch này, ngoài 39 cuốn của những người Híp-ri ở Pa-lét-tin còn có một số sách được viết trực tiếp bằng tiếng Hy-lạp hay được dịch sang tiếp Hy-lạp mà bản gốc bằng tiếng Híp-ri không còn. Dĩ nhiên người Híp-ri ở Pa-lét-tin không thể chấp nhận điều này.
Các Ki-tô hữu trong thời kỳ đầu đã phân tán khắp đế quốc, nơi mà tiếng Híp-ri không được dùng phổ biến mà thay vào đó là tiếng Hy-lạp. Chính vì thế, các Ki-tô hữu này khi dùng đến các sách Cựu Ước thì dùng Bộ Quy điển Kinh Thánh bằng tiếng Hy-lạp. Điều đó cũng có nghĩa là họ cũng sử dụng 7 cuốn đang còn tranh cãi này (Khôn Ngoan, Huấn Ca, Ba-rúc, Tô-bi-a, Giu-di-tha, 1 Ma-ca-bê và 2 Ma-ca-bê).

Để phản ứng lại việc này, cũng như việc phản ứng các Ki-tô hữu nhìn nhận Đức Giê-su Na-da-rét là Đấng mà Cựu Ước đã tiên báo, quãng năm 100 CN, trong Thượng Hội Đồng Do Thái giáo tại Giam-ni-a, các thầy Ráp-bi đã chính thức khóa sổ Sách Thánh gồm 39 cuốn (được gọi là Quy điển Giê-ru-sa-lem để phân biệt với Quy điển A-lê-xan-ri-a).

Như vậy, vào thời kỳ đầu, Giáo hội Công giáo đã sử dụng phổ biến bộ Kinh thánh theo Quy điển A-lê-xan-ri-a, dù rằng chưa chính thức công bố con số chính xác. Ông Martin Luther khởi sự cuộc ly giáo vào năm 1517 và có ý muốn theo Quy điển ngắn của người Híp-ri. Qua sắc lệnh “De Canonicis Scripturis” ban hành ngày 8.4.1546, công đồng Trentô xác định cách dứt khoát Quy điển Kinh Thánh của Giáo hội Công giáo gồm cả 7 cuốn mà Tin lành từ chối. Bảy cuốn này còn được gọi là “Đệ nhị Quy điển” với ý nghĩa là được đưa vào Quy điển Kinh Thánh ở giai đoạn thứ hai.

Thực ra, 7 cuốn sách này trình bày cho ta những đạo lý quan trọng như sự sống lại của kẻ chết, vấn đề thiên thần, quan niệm thưởng phạt, khái niệm luyện ngục. Khi loại bỏ 7 sách này là loại bỏ những mắt xích quý giá đối với sự tiến triển và duy nhất của mạc khải. Vì thế hiện nay, một số bản Kinh Thánh của Tin lành đã xếp 7 cuốn này ở cuối cùng. Hy vọng rằng trong một tương lai gần, 7 cuốn này được nhìn nhận một cách chính thức để phục hồi lại sự hiệp nhất vốn đã có từ ban đầu.

(Tóm lược từ cuốn “Chúng ta biết gì về Kinh thánh?” của tác giả Ariel Álvarez Valdés. Lm. Vũ Lượng, O.P chuyển ngữ)

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com