Nên Như Gioan…

26-12-2018
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1887 lượt xem

“Tôi ước mong gặp được người có thể cung cấp cho chúng ta lịch sử của các tông đồ, không chỉ tất cả những gì các vị đã viết, đã nói, mà còn cả về cuộc sống hàng ngày của các vị như: các vị ăn gì, đi đâu, ngồi đâu, làm gì mỗi ngày, trọ ở đâu… để thuật lại mọi thứ chính xác trong từng phút.” (Gioan Kim Khẩu)

Đa Minh Máctinô Nguyễn Ngọc Huy

Nhiều người trong chúng ta vì yêu mến Chúa mà nuôi lòng “mong ước” được gặp gỡ những nhân chứng đầu tiên là các tông đồ. Không ít người khi trong lòng tràn đầy ân sủng và hoan lạc đã khát khao một ngày nào đó được hạnh ngộ cùng các ngài trên thiên quốc. Khi chiêm ngưỡng cuộc đời và sứ mạng của các Tông đồ, chúng ta cảm nhận rằng các thánh tông đồ là những chứng nhân sống động, những viên ngọc quý giá chiếu tỏa ánh sáng Đức tin và “niềm vui Tin Mừng” vào tâm hồn, trí lòng mỗi người chúng ta qua từng thế hệ. Quan trọng hơn, nhìn vào đời sống của các ngài, ta nhận ra con đường theo Chúa và lời mời gọi nên thánh “đến mà xem” (Ga 1,39).

Tôi vui và đang đón nhận niềm vui được tỏa lan trong “gia đình” – Thỉnh viện Gioan tông đồ. Đó là niềm vui sung mãn của tuổi trẻ được đồng hành trong niềm vui lớn hơn là việc tìm được lý tưởng và ý nghĩa cuộc đời nơi chính Đức Kitô. Niềm vui ấy là động lực khiến lòng tôi hăm hở, khiến đôi chân thêm nhanh nhẹn để luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường dấn thân. Có lẽ, tôi đang được chung hưởng niềm vui mà Gioan – một ngư phủ trẻ người Galilê có được khi “ở lại” cùng Chúa sau lời mời gọi “đến mà xem”.

1. Đến Mà Xem 

Gần 70 năm sau Gioan mới cho chúng ta biết về khoảnh khắc gặp gỡ đầu tiên ấy. “Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1,39), ông đã đến và ở lại với Chúa hôm đó. Không một ai, và có lẽ sẽ chẳng còn ai để kể lại cho hậu sinh chúng ta biết Chúa Giêsu và Gioan đã “nói gì, ăn gì, đi đâu và ngồi đâu…” dường như chính người môn đệ ấy cũng kiệm lời và chẳng muốn gợi. Có lẽ thánh Gioan tin rằng ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra khoảnh khắc tuyệt vời ấy qua những trang bút ký viết về Thầy chí thánh của ông. Đó là Tin Mừng chất chứa đầy “sự sống”, “ánh sáng” và “tình yêu” được viết bằng một cuộc đời chiêm niệm sâu sắc.

Những yếu tố như “sự sống”, “ánh sáng” và “tình yêu” chưa hề có trong các tôn giáo thờ thần Mithras (thần Ba Tư cổ) cũng như trong việc sùng bái Dionysis (một vị thần trong thần thoại Hy Lạp) hay trong việc phụng sự một ông vua trần gian.[1] Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên, Gioan đã dành cho Chúa một tình yêu đặc biệt là chính cuộc đời ông. Là một người ngư phủ, được đánh giá “thuộc giới bình dân” (Cv 4,13), khi ra khơi Gioan quan sát thiên nhiên với đôi mắt chăm chú, tập trung mà cảm nhận được tiếng thì thầm của gió, cơn thịnh nộ của nước… Nói quá một chút, tâm hồn Gioan chứa đựng “linh hồn” của thiên nhiên. Vì vậy khi viết về Chúa Giêsu, Gioan thường nhắc đến các yếu tố gần gũi và gắn liền với chính cuộc đời của ông như: ánh sáng, nước, biển, cá, sấm chớp, đám mây: “Ở nơi người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,4), “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16) hoặc “một con sông có nước trường sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của con Chiên” (Kh 22,1). Điều ấy khiến ta cảm nhận được sự khăng khít trong mối tương giao giữa Gioan và Chúa Giêsu và đi đến một khẳng định là không gì tách Gioan ra khỏi Chúa Giêsu vì tình yêu thiêng thánh ông dành cho Chúa bát ngát, vĩ đại như “linh hồn” của thiên nhiên vậy.

Niềm vui ngày hôm đó của Gioan không đơn thuần là niềm vui của một người, nhưng đó là niềm vui của toàn thể nhân loại. Theo lời giới thiệu của vị Tiền hô, Gioan đã “chứng kiến” tận mắt Đấng Mêsia, Đấng phải đến. Đó cũng chính là niềm vui được loan báo, niềm vui bấy lâu nay muôn dân trông đợi, là niềm vui và bình an mà ông Simêon đã cảm nhận và được ghi lại trong thánh ca Nunc Dimittis (x. Lc 2,29-32).

Chúa Yêu Các Môn Đệ

Chúa Giêsu đã bày tỏ tình thương của Người bằng việc tận tình dạy dỗ các môn đệ. Người cắt nghĩa dụ ngôn, giải thích Thánh Kinh để các ông hiểu. Chúa yêu các ông! Người gọi các ông là “filioli, những người con bé nhỏ”. Chúa đã không gọi các ông là tôi tớ, nhưng là “bạn hữu”. Khi biết được giờ đã đến, Chúa gọi Gioan và Phêrô “các anh hãy đi dọn cho chúng ta ăn lễ Vượt qua” (Lc 22,8) vì “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình” (Lc 22,15). Đó là một bữa tối lạ thường với sự thổn thức và xúc động. Giêsu chí ái thấy lòng mình xao xuyến vì Người không còn ở trong thế gian nữa mà đến cùng Cha, nhưng phần các tông đồ, “họ ở trong thế gian”. Người cầu nguyện với Chúa Cha “gìn giữ họ khỏi ác thần” và “lấy sự thật mà thánh hiến họ”, để họ được ở với mình và được “chiêm ngưỡng vinh quang”.

Chính thầy Giêsu là Trưởng tử đã yêu và đổ máu trên thập giá vì yêu. Để từ ấy chúng ta là những môn đệ của Người có thể “vui mừng cảm tạ Chúa Cha đã làm cho chúng ta trở nên xứng đáng trung hưởng phần gia nghiệp dành cho những ai thuộc về Người trong cõi đầy ánh sáng” (Cl 1,12).

Người Môn Đệ Chúa Yêu

Dẫu biết rằng, Giêsu chí ái yêu tất cả, nhưng vì quý mến và ngưỡng mộ một cá nhân mà ta mạn phép sắp xếp các tông đồ theo những vị trí ưu tiên khác nhau trong trái tim của Chúa. Trên thực thế, đã từng có những tranh luận để xem trong nhóm Mười Hai ai là người môn đệ Chúa Giêsu yêu nhất. Thánh Augustinô trình bày: Khi Chúa Giêsu hỏi Phêrô “Hỡi Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn các người này không?” (Ga 21,15) thì cứ dấu này Phêrô được phân biệt với các tông đồ khác là không những yêu Thầy mà còn yêu Thầy hơn hết. Thánh Anbetô Cả cũng nói: Vì Phêrô yêu mến Chúa Giêsu hơn hết, nên cũng được Chúa yêu hơn các tông đồ khác và trao cho quyền chăm sóc Giáo hội. Thế nhưng, thánh Augustinô cho rằng Chúa yêu Gioan hơn và ngài giải thích điều này một cách thần bí như sau: Phêrô là hiện thân của đời sống hoạt động, còn Gioan là hiện thân của đời sống chiêm niệm. Đời sống thứ nhất ý thức về sự khổ sở trong cuộc đời, vì thế mà hăng hái ước muốn thoát khỏi tình cảnh đó để đạt tới Thiên Chúa. Trong khi đời sống chiêm niệm lại không chấm dứt như đời sống hoạt động chấm dứt với cái chết thể xác, mà sẽ kéo dài mãi mãi từ đời này sang đời sau.

Giữa Chúa Giêsu và Gioan tồn tại một tương quan bền chặt, thiêng thánh. Chúa dành cho Gioan một tình yêu đặc biệt. Có lẽ Chúa yêu Gioan vì “tuổi xuân” của ông, vì đời sống chiêm niệm và tư tưởng sâu sắc. Các giáo phụ nêu lý do khác. Sở dĩ  Chúa Giêsu dành cho Gioan một tình yêu sâu đậm, bền chặt là do sự trinh khiết của Gioan, theo nghĩa là ngài “có tâm hồn trong sạch” của Mối phúc thứ sáu. Khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các tông đồ lúc các ông đang đánh cá, thì chỉ có một mình Gioan nhận ra Thầy và nói với Phêrô “Chúa đó” (Ga 21,7). Thánh Ambrôsiô Giám mục, “vị tiến sĩ của đức khiết trinh” là người am hiểu sâu sắc những giá trị thiêng liêng của sự trinh khiết, luận rằng: Sự trinh khiết của thánh Gioan đã giúp ngài nhận ra ngay Đấng hoàn toàn trinh khiết. Thánh Giêrônimô cũng nói rằng: Chúa Giêsu một người trinh khiết, đã giới thiệu Đức Maria, một người trinh khiết, cho môn đệ Gioan cũng là một người trinh khiết. Thánh Gioan cũng đã viết trong sách Khải Huyền về những người còn tân “Con Chiên đi đâu, họ cũng đi theo đó” (Kh 14,4). Phượng hoàng đã đi theo Con Chiên tới đỉnh cao, và đỉnh cao đó là việc được gặp gỡ Thiên Chúa – “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

Giữa Những Phượng Hoàng

Nhiều người nghĩ rằng vị Tiền Hô cũng là một Phượng Hoàng theo nghĩa ông đã giới thiệu Chiên Thiên Chúa cho môn đệ của mình là Gioan. Thánh Augustinô cũng được biết là một “phượng hoàng bay lên” đã nhiều lần ngạc nhiên với sự kiêu hãnh, vượt thẳng tới mặt trời của Phượng Hoàng Gioan. Augustinô nói về Gioan: “Ông đã vượt qua mọi chóp đỉnh của trái đất, vượt qua mọi không gian các tầng trời, vượt qua mọi tinh tú, vượt qua tất cả Ca Đoàn và Đạo Binh các thiên thần, chỉ ngoại trừ Đức Maria. Phải chăng ông đã vượt qua mọi thụ tạo, đến được cùng Đấng mà nhờ Người mà muôn vật được tạo thành hay sao?” Trong các văn phẩm của mình, Gioan đặc biệt quan tâm đến sự sống từ Thiên Chúa, trong Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa. Và sự “quan tâm đặc biệt” ấy khởi đi từ việc ông đã có một cuộc sống gần gũi với Chúa Giêsu, qua đó đến được “đỉnh cao” của mình mà không phải chịu ảnh hưởng bởi một triết thuyết Hy Lạp nào đang thịnh hành thời bấy giờ.[2]

Gioan thực sự là người được Thiên Chúa soi sáng đã giúp làm sáng tỏ những chân lý cao siêu xuất phát từ Thiên Chúa. Các truyền thống đã đặt cho ông biểu tượng là Phượng Hoàng vì tư tưởng của ông đã vút lên cao hơn tư tưởng của bất kỳ tông đồ nào.

Gioan – Người Đồng Hành

Gioan còn được gọi là “người đồng hành” trong hành trình rao giảng và đau khổ. Trong những chương đầu tiên của sách Công vụ ta thấy được sự đồng hành của Gioan với Phêrô. Gioan đi bên cạnh Phêrô từ Giêrusalem đến Samari vì nghe biết “dân miền Samari đã đón nhận lời Thiên Chúa”. Gioan và Phêrô đã đến với họ và cầu nguyện, đặt tay để họ nhận được Thánh Thần (x. Cv 8,14-17). Chúng ta cảm nhận được rằng Đá Tảng và Phượng Hoàng đều có những vị trí lớn lao, quan trọng trong lòng Giáo Hội qua nhiều thời kỳ. Qua Gioan, ta cảm nhận được chiều sâu trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, cảm nhận được mầu nhiệm thâm sâu mà Thiên Chúa mặc khải. Qua Phêrô, ta thấy được những nỗ lực, những lo toan của người mục tử với đoàn chiên.

Gioan và “chén”

Tin Mừng Mátthêu thuật lại việc bà Salômê đến gặp Chúa Giêsu để xin cho hai người con của bà là Giacôbê và Gioan “một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả trong nước của Chúa”. Chúa Giêsu đã nói “Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không”, đoạn Người nói tiếp “chén của Thầy, các người sẽ uống” (Mt 20,20-23). Có thể nói, Gioan sau này đã hiểu rõ ý nghĩa của “chén”. Trong bữa tiệc ly, Gioan ngồi bên cạnh Thầy, bên cạnh Chén Thánh, lắng nghe lời truyền: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy…” (Lc 22,20). Vài giờ sau đó trong Vườn Cây Dầu, tai ông lại nghe tiếng van lơn: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Đứng dưới chân thập giá, bên cạnh Mẹ sầu bi, ngước nhìn lên Đấng bị đâm thâu, môn đệ Gioan dâng cao tay đón nhận lời trăn trối đón Đức Maria về nhà làm Mẹ. Gioan đón nhận chén cuộc đời đầy ắp những gian lao khó nhọc vì Chúa Kitô và Mẹ Hội thánh, bằng một tình yêu sắt son ở đời này và đời sau.

2. Nhận Ra Ơn Gọi

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Trích đoạn Tin mừng của Thánh Gioan là hồi chuông ca vui Con Chúa Trời xuống thế làm người. “Tiếng chuông” ấy là tiếng lòng của Gioan khi gặp gỡ được Đấng Cứu Tinh, đó cũng là tiếng hoan ca của nhân loại cất lên ngợi khen tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa từ muôn đời… cho đến mãi thiên thu vạn đại.

Liền kề sau lễ Giáng sinh, Giáo hội hân hoan mừng kính thánh Gioan tông đồ. Chiêm ngưỡng cuộc đời thánh nhân, chúng ta có thêm cơ hội để cảm nhận được niềm vui cực trọng Con Chúa xuống thế làm người. Là một thỉnh sinh Đa Minh dưới “mái nhà” Thỉnh viện Gioan tông đồ, tôi đã nhiều lần thưa cùng Chúa “Lạy Chúa, Chúng con ở đây thật tuyệt”. Tôi ý thức được rằng, niềm vui của “giờ thứ mười” trong tôi và mọi anh em ở đây không phải là niềm vui chóng vánh, thoáng qua, nhưng đó là niềm vui nối dài và bất tận, vì trước đó mọi người đã cảm nghiệm sâu sắc được tiếng gọi mời thăm thẳm trong tâm hồn để mong mỏi một ngày được “đến mà xem”. Sự mong mỏi ấy thấp thoáng lúc mặt trời vừa mọc, nguôi ngoai đi khi gió nhẹ lên, da diết khi chiều tàn và âm ỷ cho đến khi bóng tối giăng tràn mặt đất, để rồi nó bừng lên với niềm hân hoan vui mừng khi chúng tôi được “ở lại” để gặp gỡ Chúa, gặp gỡ nhau trong đời sống cộng đoàn tại Thỉnh viện.

Yêu mến thánh Gioan tông đồ, tôi thêm trân quý và thiết tha với đời sống chiêm niệm và hoạt động của tu sĩ Đa Minh. Thánh Tổ Phụ khi còn là một kinh sĩ ở Osma đã rất yêu quý đời sống chiêm niệm. Chân phước Jordan Saxony kể lại: “Ngày và đêm cha hay thường tới nhà nguyện và cầu nguyện. Cha ít khi ra khỏi tu viện để dành thời gian cho việc chiêm niệm”. Sau đó Cha thánh đến miền nam nước Pháp để bắt đầu hoạt động tông đồ. Cha trở thành một tông đồ hăng say và không ngừng chiêm niệm. Cha Jordan Saxony viết: “Thánh Đa Minh dành ban ngày cho tha nhân và ban đêm trọn vẹn cho Thiên Chúa.”[3]

Chiêm niệm là “gia sản” của đời sống Đa Minh. Thánh Đa Minh chọn tu luật thánh Augustinô như tu luật thích hợp nhất cho mục đích của Dòng. Tu luật mở đầu bằng một lời nói đến linh đạo của Dòng: “Anh em thân mến, anh em hãy yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và sau đó hãy yêu thương tha nhân”. Đây là lời mời gọi chiêm niệm mang chiều kích sứ vụ. Trước hết, tu luật hướng ta lên Thiên Chúa, chiêm niệm tình yêu của Người, rồi sau đó, hướng ta đến sứ vụ rao giảng Lời Chúa, mang tình yêu của Chúa đến cho tha nhân.[4]“Chiêm niệm và trao ban người khác hoa trái chiêm niệm của mình”

Khi luận giải vì sao thánh Gioan được Chúa yêu, Augustinô đã nói rằng Chúa yêu Gioan vì đời sống chiêm niệm. Sống trong tu luật của thánh Augustinô, con cái cha Đa Minh được mời gọi đi vào thẳm sâu của tâm hồn mình, nơi đấy ta kín múc được tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa. Một trong những phương châm cổ điển nhất mà thánh Đa Minh đã để lại cho Anh em là “cum Deo vel de Deo loqui – nói với Chúa và nói về Chúa”. Phương châm này nói lên tính chất “quy thần” của đời sống Đa Minh: tất cả quy hướng về Chúa và ta có thể hiểu là “trúng Chúa”, “cảm Chúa” (như thể bị trúng gió, cảm nắng) bị Chúa yêu thương và rồi ta để Ngài dìu dắt ta theo ý muốn của Ngài trên hành trình hoạt động sứ vụ.[5]

Xuyên suốt lịch sử của Dòng, thời điểm nào cũng có những gương mặt tiêu biểu cho đời sống chiêm niệm và hoạt động như thánh Tôma Aquinô, Catarina Siena, Vinh sơn Phêriê… Trang sử Dòng vẫn đang được điểm tô bằng đời sống chiêm niệm và hoạt động của những tu sĩ Đa Minh đương thời và thế hệ trẻ tương lai.

Khi chìm vào suy tư sâu lắng về cuộc đời thắm nồng tình yêu Chúa của các thánh, chúng ta có thể nhận ra niềm vui. Một niềm vui không phải lúc nào cũng trào dâng nhưng nhẹ nhàng bao phủ. Niềm vui ấy là khi chúng ta tìm thấy “sự sống”, “ánh sáng”, và “tình yêu” trong Đức Kitô qua cầu nguyện, chiêm niệm. Nghĩ về đời sống cầu nguyện và chiêm niệm tại gia đình Thỉnh viện, tôi thấy lòng mình mới đây có thêm một sự mong mỏi khác… như một ước nguyện sớm một ngày được lên đường tiếp bước theo chân thánh Đa Minh với sứ vụ riêng của mình.


[1] Otto Hophan, Các Tông Đồ (Hà Nội: Tôn Giáo, 2014), tr 114.
[2] X. Bernard Phạm Hữu Quang, PSS, Dẫn nhập Thánh Kinh, Phần III: Lịch sử dân Thiên Chúa Trong Cựu Ước – Hy Lạp hóa (Hà Nội: Tôn Giáo 2017), tr. 650.
[3] William A. Hinnebusch, O.P., Linh Đạo Đa Minh (1994), tr 37.
[4] William A. Hinnebusch, O.P., Linh Đạo Đa Minh (1994), tr 43-44.
[5] Phan Tấn Thành, Tìm Hiểu Dòng Đa Minh (Tp. HCM: Học Viện Đa Minh, 2016), tr. 65.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com